Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Cần minh bạch với đầu tư công

Cầu Thanh Trì (Hà Nội) là điển hình của tình trạng chậm tiến độ trong các dự án đầu tư công

Cầu Thanh Trì (Hà Nội) là điển hình của tình trạng chậm tiến độ trong các dự án đầu tư công
Không được chính thức thừa nhận nhưng thực tế đã cho thấy, việc cắt giảm đầu tư công năm vừa qua mới chỉ trên giấy. Người dân đã gánh trọn trách nhiệm chống lạm phát. Hiệu quả của đầu tư công đang ngày càng giảm.


Cắt giảm… “mật”


Bộ Kế hoạch và Đầu tư có thể thở phào khi kết thúc năm 2008 đầy khó khăn. Lý do: kiềm chế lạm phát - mục tiêu kinh tế lớn nhất của năm đã được hiện thực hóa nhờ 8 nhóm giải pháp, mà phần nhiều trong đó được bắt nguồn từ sáng kiến của bộ.


Tuy vậy, bộ này vẫn đang “mắc nợ” công luận một lời giải thích về việc cắt giảm đầu tư công, hay chính sách tài khóa. Cùng với chính sách tiền tệ, đây là hai nhân tố quan trọng nhất trong nhóm 8 giải pháp giúp kiềm chế lạm phát. Đó chính là danh sách 100 trang liệt kê chi tiết các khoản 2.700 tỉ đồng chi thường xuyên, 5.992 tỉ đồng chi đầu tư phát triển và 29.366 tỉ đồng thuộc 1.000 dự án của 15 tập đoàn, tổng công ty nhà nước cam kết cắt, giảm, hoãn tiến độ trong năm. Bản danh sách này được đóng dấu “mật” và không dễ tiếp cận, kể cả với một số cán bộ cấp vụ trưởng của bộ. Nhiều lần dư luận đã đặt câu hỏi: liệu danh sách này có được thực thi một cách nghiêm túc? Và những số liệu thống kê chính thức công bố cuối năm đã giúp làm sáng tỏ câu hỏi này. Tổng cục Thống kê cho biết, tổng chi ngân sách nhà nước năm 2008 tăng tới 22,3% so với năm 2007 và bằng 118,9% dự toán năm. Trong đó, chi đầu tư phát triển và chi thường xuyên vượt dự toán tương ứng ở mức 118,3% và 113,3%. Có nghĩa là, một cách khái quát, chính sách tài khóa đã không có một dấu ấn nào trong thành tích chống lạm phát, và các doanh nghiệp nhà nước chỉ cắt những dự án trên giấy. Nguyên Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển nói: “Như vậy, công cuộc chống lạm phát đã bị chính sách tài khóa dồn hết lên chính sách tiền tệ”. Điều này không khó để nhận biết. Theo Tổng cục Thống kê; tăng trưởng tín dụng chỉ đạt vỏn vẹn 16,3% trong năm 2008, từ mức cực cao 54% của  năm trước đó. Điều này cũng có nghĩa là doanh nghiệp và người dân đã gánh trọn trách nhiệm chống lạm phát.


Hiệu quả ngày càng thấp


Nhưng vấn đề không chỉ dừng ở đó. Hiệu quả của vốn đầu tư, nhất là đầu tư công đang ngày càng giảm đi tương ứng với mức tăng của chỉ số ICOR. Trong năm 2008, vốn đầu tư toàn xã hội 2008 lên đến 43,1% GDP, trong khi GDP chỉ đạt 6,23% cho thấy chỉ số ICOR sơ bộ đã lên gần 7, một chỉ số quá cao. Theo một quan chức của Tổng cục Thống kê, chỉ số ICOR ở riêng khu vực nhà nước lên đến 12 trong năm 2008 - mức chưa có tiền lệ.


Theo Ngân hàng Thế giới, tính theo giá cố định, ICOR đã tăng từ 4,5 trong năm 2001 lên 6,6 trong năm 2007. Họ nhận xét: tăng “đến 48% chỉ trong sáu năm là một mức quá cao”. Một nghiên cứu khác của Viện Khoa học tài chính, Bộ Tài chính cũng có nhận xét tương tự, khi cho rằng hiệu quả của đầu tư công đang tỷ lệ nghịch với sự gia tăng của chỉ số này. Theo Viện này, hệ số ICOR là 3 trong thời kỳ 1991-1995 đã tăng lên 4,3 trong giai đoạn 1996-2000, lên 4,7 trong giai đoạn 2001-2005, và trên 5 trong 2006-2008.


Trong khi đó, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, vốn đầu tư của nhà nước vẫn còn rất cao, chiếm gần nửa tổng vốn đầu tư toàn xã hội (41-46%) trong giai đoạn 2006 - 2008. Bộ này đặt câu hỏi, những bất cập trong đầu tư công (biểu hiện đầu tư dàn trải, thất thoát, lãng phí, sử dụng vốn kém hiệu quả, chậm tiến độ thi công, nợ đọng vốn xây dựng cơ bản, các doanh nghiệp nhà nước lớn đầu tư vào các ngành không thuộc các lĩnh vực sản xuất kinh doanh chính) bao giờ mới được khắc phục? Bộ này cho rằng, hiệu quả đầu tư công thấp là một trong những lý do chủ yếu dẫn tới lạm phát cao trong hai năm qua.


Mặc dù vậy, một điều không phải bàn cãi, đầu tư từ ngân sách vẫn đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, và những lĩnh vực phát triển mà giới đầu tư tư nhân không đủ sức làm, hay không bỏ vốn vì lợi nhuận kém hấp dẫn. Câu hỏi đặt ra là, trong năm khó khăn 2009, thì đầu tư công sẽ được chi tiêu như thế nào để đạt hiệu quả nhất?


Cơ chế nào?

Các nhà quản lý hiện đang gấp rút tìm những biện pháp kích thích nền kinh tế đã có dấu hiệu rơi vào giảm phát từ quý 4 năm ngoái. Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư nói với báo chí: “Vấn đề của nền kinh tế Việt Nam hiện nay không còn là đầu tư hay không đầu tư nữa”, với hàm ý rằng: tăng đầu tư mới giúp khắc phục kinh tế suy giảm.


Trong năm 2009, nhà nước sẽ huy động đầu tư công bằng bốn nguồn: từ ngân sách nhà nước 112,8 ngàn tỷ đồng, trái phiếu Chính phủ 36 ngàn tỷ đồng, vốn tín dụng đầu tư phát triển 50 ngàn tỷ đồng, và đầu tư từ doanh nghiệp nhà nước 79 ngàn tỷ đồng. Bốn nguồn này chiếm khoảng 38% tổng vốn đầu tư phát triển của năm 2009.


Trong Báo cáo Phát triển Việt Nam 2009, quyền Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới Martin Rama cho rằng, hơn bao giờ hết, điều quan trọng hiện nay là làm thế nào để Việt Nam huy động và sử dụng vốn hiệu quả. Ông viết: “Hiệu quả sử dụng vốn có lẽ là thấp và bị phá hỏng vào cuối năm 2007 và đầu năm 2008”.


Nhóm chuyên gia Harvard, trong một báo cáo gần đây cho rằng, điều chỉnh ưu tiên đầu tư công là một trong những lựa chọn chính sách tốt nhất để giúp Việt Nam khắc phục những khó khăn trong năm tới. Họ khuyên rằng, ưu tiên trong đầu tư của Chính phủ phải được dành cho các dự án tạo việc làm để bảo vệ thu nhập cho người lao động; duy trì nhu cầu nội địa để giảm thiểu thâm hụt thương mại và khuyến khích sản xuất trong nước. Đầu tư công phải được tập trung vào việc cung ứng những cơ sở hạ tầng cơ bản cho những khu vực và ngành kinh tế sử dụng nhiều lao động nhất và tạo ra nhiều kim ngạch xuất khẩu. Vì lẽ đó, các chuyên gia đặt câu hỏi về kế hoạch xây dựng nhà máy lọc dầu thứ tư với vốn đầu tư lên đến 4,4- 4,8 tỷ đô-la Mỹ, và tổ hợp công nghiệp dịch vụ cảng biển Hải Hà ở Quảng Ninh.


Danh sách cắt giảm đầu tư công do Bộ Kế hoạch và Đầu tư nắm giữ đã không còn bị giới báo chí “truy tìm” nữa, nhất là khi lạm phát đã được kiểm soát. Tuy vậy, bản danh sách đó, và quan trọng hơn là cơ chế đầu tư bằng ngân sách cần được công khai và minh bạch hóa để đảm bảo người dân có thể biết tiền thuế của họ được sử dụng ra sao!

 

( Theo báo Diễn đàn doanh nghiệp )

  • Giáo sư - Tiến sĩ Trần Văn Thọ nói chuyện chuyên đề về “Con đường phát triển kinh tế Việt Nam”
  • Cơ hội liên kết “ba nhà” cho phát triển nông nghiệp
  • Việt Nam có nguy cơ tái nghèo do suy thoái toàn cầu
  • DOANH NGHIỆP TRƯỚC CÁC GIẢI PHÁP KÍCH CẦU, HỖ TRỢ: Bài 2: Những kiến giải cần thiết
  • Nâng cao trọng trách của các tập đoàn kinh tế
  • Hiện hữu nguy cơ thiếu điện
  • Thách thức thời khủng hoảng
  • DOANH NGHIỆP TRƯỚC CÁC GIẢI PHÁP KÍCH CẦU, HỖ TRỢ: Doanh nghiệp phấn khởi nhưng còn thấp thỏm
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi