Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Cần thêm gói kích cầu mới?

Nếu kiểm soát dòng vốn không hiệu quả thì khu vực sản xuất cũng không được hưởng lợi nhiều; Ảnh: Sản xuất bao bì tại Cty TNHH chế biến thực phẩm Phú Cường

 
Nếu kiểm soát dòng vốn không hiệu quả thì khu vực sản xuất cũng không được hưởng lợi nhiều; Ảnh: Sản xuất bao bì tại Cty TNHH chế biến thực phẩm Phú Cường

Khi gói hỗ trợ lãi suất ngắn hạn kết thúc vào ngày 31/12/2009, người ta đang đặt ra câu hỏi rằng liệu nên có thêm một hay nhiều gói kích cầu nữa hay không. Câu hỏi này cũng có nghĩa là liệu hỗ trợ lãi suất qua khu vực ngân hàng đã đủ độ ?

Nhiều quan điểm hàm ý rằng việc cho vay hỗ trợ lãi suất ở VN hiện nay đã đến độ giới hạn hay đã đủ độ. Sự đủ độ theo quan điểm này dựa trên nhìn nhận về số lượng và cơ cấu cho vay hỗ trợ lãi suất vừa qua trong hệ thống ngân hàng, đánh giá khả năng hưởng lợi của các đối tượng được hưởng chính sách này, khả năng cân đối của ngân sách cho kích thích kinh tế (có tính đến các hiệu ứng tiêu cực của chính sách này)...

Gia tăng vốn khả dụng

Theo thông tin từ NHNN VN dư nợ cho vay hỗ trợ lãi suất bằng đồng VN tính đến ngày 20/8 đã đạt 396.050,73 tỷ đồng. Như vậy, tổng dư nợ cho vay hỗ trợ lãi suất đến thời điểm này ước chiếm khoảng 35% tổng dư nợ cho vay nền kinh tế của hệ thống ngân hàng. Về mặt số lượng đó không hề là con số nhỏ; tỷ trọng hỗ trợ (hay có phần bao cấp) cũng chiếm 1/3 toàn bộ cho vay nền kinh tế và nếu cộng các kiểu hỗ trợ khác có khi con số hỗ trợ lên tới trên 40% tổng dư cho vay nền kinh tế. Với cơ cấu như vậy, quan điểm của WB cũng đã từng cho rằng, việc hỗ trợ lãi suất có dáng dấp của cho vay chính sách và làm giảm tính thương mại của các hoạt động tín dụng. Theo ông Ayumi Konishi: Giám đốc Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại VN, về bản chất, biện pháp hỗ trợ lãi suất làm gia tăng vốn khả dụng trong hệ thống ngân hàng, qua đó kích thích kinh tế tăng trưởng, và như vậy có thể có nguy cơ lạm phát.

Sự đủ độ cần được nhìn nhận là khả năng cân đối vốn của ngân sách nhà nước đã đến lúc cần phải thận trọng nhằm tránh hiệu ứng tăng lãi suất trên thị trường. Thời gian qua, để tạo nguồn cho kích cầu, Chính phủ đã đẩy mạnh đáng kể huy động trên thị trường trong nước (bằng phát hành trái phiếu chính phủ), đến nay hiệu ứng tăng lãi suất trên thị trường tiền tệ đã khá rõ ràng. Khi vừa qua Nhà nước tăng huy động cho kích cầu, các NHTM cũng huy động cho phần vốn đối ứng,... vào thời điểm 8/2009, thị trường đã có dấu hiệu khan vốn khả dụng rõ ràng, các NHTM (nhất là các NHTMCP nhỏ, khả năng huy động và cân đối vốn hạn chế) đã đẩy lãi suất huy động lên đến 10,3%/năm (trong khi lãi suất cho vay là 10.5%/năm). Hiện tại, người ta đang quan ngại về khả năng có một cuộc đua lãi suất mới (mà khởi đầu là từ các NHTMCP nhỏ đúng như quy luật đã diễn ra từ đầu năm 2008).

Theo Quyết định số: 131/QĐ-TTg/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ,  Nhà nước hỗ trợ lãi suất cho các tổ chức, cá nhân vay vốn ngân hàng để sản xuất - kinh doanh, nhằm giảm giá thành sản phẩm hàng hoá, duy trì sản xuất, kinh doanh và tạo việc làm, trong điều kiện nền kinh tế bị tác động của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới. Điều đó có nghĩa là, đối tượng cần phải được hưởng lợi nhiều nhất phải là các tổ chức, cá nhân sản xuất - kinh doanh (khu vực sản xuất vật chất của nền kinh tế).

Vì với thời gian quá ngắn từ tháng 3/2009 đến nay chưa thể đủ một chu kỳ sản xuất để đánh giá DN sản xuất có lợi hay không; Chúng ta mới  nhận thấy số lượng các DN khó khăn đã giảm đi đáng kể (lượng công nhân mất việc làm không tăng), lượng DN (ở khu vực sản xuất) có lãi lớn là rất ít. Tuy nhiên, cũng vào thời điểm này, người ta lại thấy các NHTM và Cty chứng khoán công bố lãi 6 tháng đầu năm rất cao; Điều này phản ánh rằng khu vực trung gian là khu vực đã hưởng lợi nhiều từ gói kích thích kinh tế hơn là khu vực sản xuất vật chất thực sự (các DN). Hay nói một cách khác, hiệu quả của kích thích kinh tế cũng cần phải bàn luận sâu sắc hơn nữa. Đặc biệt là vấn đề kiểm soát dòng vốn kích thích kinh tế để đảm bảo dòng vốn này đến đúng đối tượng đã đề ra và để đối tượng này được hưởng lợi nhiều nhất. Một số ý kiến của giới khoa học cho rằng, nếu kiểm soát dòng vốn không hiệu quả thì có thêm kích thích nữa thì khu vực sản xuất cũng không được hưởng lợi nhiều mà khu vực trung gian khác hưởng lợi phần lớn.

Kích tiếp

Hiện tại, vấn đề phục hồi của kinh tế thế giới còn chưa chắc chắn. Tuy nhiên rõ ràng, nó đã bớt phức tạp rất nhiều so với năm 2008. Nhiều ý kiến hàm ý rằng việc kích cầu nên giảm bớt hoặc nên chấm dứt mà thay vào đó một cơ chế khác có tính “bình thường” hơn. Trao đổi với báo giới ông Ayumi Konishi - Giám đốc ADB tại VN hàm ý rằng quy mô của gói kích cầu mới nếu có thì nên giảm đi nhiều so với gói kích cầu đầu tiên, và những mục tiêu hướng tới cũng cần trọng tâm hơn, đặc biệt là hỗ trợ những DNNVV. Sở dĩ như vậy là để tránh sự gia tăng trở lại của lạm phát; Ngoài ra do chính sách tiền tệ luôn có độ trễ, có thể phải mất 12-18 tháng mới phát huy tác dụng đối với nền kinh tế. Như vậy nếu có thêm một gói kích cầu nữa, điều cần phải dự báo được những gì có thể xảy ra đối với nền kinh tế trong nước và thế giới trong năm 2010, trong khi việc này hiện nay là không hề dễ dàng dự báo được.

Một số ý kiến của giới khoa học cho rằng, cần đảm bảo để hệ thống NHTM đi vào hoạt động theo cơ chế thị trường bình thường hơn trên phương diện trung hạn. Để hỗ trợ cho khu vực sản suất vật chất, thay cho hỗ trợ bằng một gói kích cầu mới, Nhà nước tăng cường giám sát dòng vốn để đảm bảo dòng vốn này chảy vào khu vực sản xuất - hạn chế chảy quá mức vào đầu cơ chứng  khoán  (hay sàn vàng, nhà đất)- nơi đang rất nóng và luôn thu hút một lượng vốn thường trực hàng này lên tới từ 5 - 10 ngàn tỷ đồng mỗi ngày.

Để nắn dòng tiền cho lĩnh vực sản xuất, Nhà nước nên cấm các NHTM hoặc chỉ nên cho phép các NHTM cho vay với tỷ trọng rất thấp chứng khoán. Vì việc huy động của NHTM là để phục vụ cho sản xuất chứ không phục vụ cho đầu cơ mạo hiểm; NĐT có thể đầu tư mạo hiểm hay đầu cơ chứng khoán phải dựa trên số tiền mình có thực chứ không được phép dựa vào đòn bẩy tài chính quá mức. Việc các Cty chứng khoán ở VN cho vay NĐT trong thời gian qua không thuộc tầm kiểm soát của NHNN, cũng là nguyên nhân cho dòng vốn không đến được khu vực sản xuất vật chất và khi có nhiều gói kích thích kinh tế nữa thì tiền sẽ đổ thêm vào chứng khoán theo cách này hay cách khác và số liệu công bố về cho vay chứng khoán của NHNN vào thời điểm cuối năm 2009 sẽ vẫn là “trong tầm kiểm soát”.

(Theo ThS Lê Văn Hinh // Diễn đàn doanh nghiệp)

  • Theo đuổi kích cầu và rủi ro chính sách
  • Hỗ trợ lãi suất mua máy móc: Vì sao giải ngân chậm?
  • Nhiều chỉ tiêu kinh tế 2010 dự kiến cao hơn 2009
  • Quy hoạch kinh doanh nông sản, thực phẩm: Lộ trình quá gấp gáp
  • Hợp tác xã nông nghiệp ở Hà Nội: Mô hình cũ, cán bộ yếu
  • Đã đến lúc Việt Nam thực hiện minh bạch tài nguyên
  • Kích thích kinh tế: kích tiếp như thế nào?
  • Học từ gói kích thích kinh tế thứ nhất
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi