Minh bạch tài nguyên là một sáng kiến khởi nguồn từ lĩnh vực công nghiệp khai thác khoáng sản (dầu mỏ, than đá, vàng, kim cương, bauxite…), sau mở rộng ra đến cacao, gỗ, cát… Việc khai thác các nguồn tài nguyên nếu được quản lý tốt sẽ đem lại nguồn thu nhập rất lớn để các quốc gia tăng trưởng kinh tế và đẩy lùi đói nghèo. Ngược lại, sẽ làm cho đói nghèo, tham nhũng và các xung đột xã hội khác không những chẳng giảm đi mà còn trầm trọng hơn.
Kinh nghiệm quốc tế
Xuất phát từ thực tế đó, tháng 10.2002, tại hội nghị Thượng đỉnh thế giới về phát triển bền vững họp ở Johannesburg (Nam Phi), cựu thủ tướng Anh Tony Blair đã công bố sáng kiến về EITI (Extractive Industries Transparency Initiative – Sáng kiến minh bạch công nghiệp khai khoáng). Với phương hướng hoạt động và cơ chế quản lý đúng pháp luật, thiết thực và linh hoạt, đến nay EITI đã thuyết phục và đạt được sự công nhận chính thức của Liên hiệp quốc, của các tổ chức quốc tế như G8, G20, EU, ngân hàng Phát triển châu Phi, 22 quốc gia tự nguyện làm thành viên cùng nhiều nhà đầu tư, công ty khai khoáng.
Mục tiêu của EITI là minh bạch hoá hoạt động khai thác khoáng sản (tài nguyên khác) trong một quốc gia, bao gồm nguồn thu của chính phủ từ việc khai thác, trách nhiệm giải trình tài chính của các công ty khai thác theo đúng pháp luật và hợp đồng, các khoản thu thuế và phí thuê đất đai để khai thác, thu ký quỹ bảo vệ môi trường, các khoản chi để tái tạo tài nguyên, để hỗ trợ những ảnh hưởng ở địa phương do khai thác. Minh bạch hoá như vậy sẽ giúp cho người dân nâng cao hiểu biết đối với nguồn thu – chi từ việc cho khai thác tài nguyên, khoáng sản mà chính phủ đại diện dân thực hiện; từ hiểu biết đó người dân sẽ cân nhắc và đưa ra lựa chọn thích hợp và thực tế hơn cho sự phát triển bền vững của quốc gia trong vai trò công dân.
Ở Ghana – một quốc gia châu Phi có tới 35% tổng thu nhập ngoại tệ và 5,5% tổng thu nhập quốc dân là từ hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản, EITI rất được coi trọng và sớm triển khai ứng dụng. Bộ Tài chính và bộ Khoáng sản đã hợp tác thành lập uỷ ban Chỉ đạo quốc gia về EITI và ban thư ký EITI của Ghana. Hai cơ quan này giúp cho chính phủ, các nhà đầu tư, các địa phương và người dân hiểu sâu về EITI, liên kết họ lại trong mục tiêu chung là giám sát, đánh giá các chương trình khai khoáng quốc gia nhằm mục tiêu phát triển bền vững và vì lợi ích của công dân. Ở Ghana, bằng việc kiểm toán các khoản thu – chi, kiểm tra việc tuân thủ các tiêu chuẩn kế toán quốc tế và công khai trước công chúng qua phương tiện thông tin đại chúng, EITI đã nâng cao đáng kể tính minh bạch các nguồn thu và chi phí từ hoạt động khai thác khoáng sản của chính phủ.
Và yêu cầu đặt ra đối với Việt Nam
Nước ta trước nay vẫn được xem là một quốc gia “rừng vàng, biển bạc”. Than đá, dầu khí, rừng tự nhiên, quặng quý hiếm, cát, thuỷ hải sản, tiềm năng thuỷ điện, năng lượng mặt trời… Ngần ấy tài nguyên do thiên nhiên ưu đãi không phải quốc gia nào cũng có.
Nhưng thời gian gần đây, tài nguyên nước ta đang khuấy động tâm can bao người. Mấy trăm ngàn hécta rừng tự nhiên ở Tây Nguyên, ở miền Trung bỗng dưng bị đặt tên là “rừng nghèo”, và các công ty được cấp phép ồ ạt để kéo lên phá rừng tự nhiên trồng cao su. Đem cây cao su thay thế cho rừng tự nhiên ở những vị trí địa lý mang tính lá chắn sinh thái cho nạn lũ xoáy, giữ độ bền vững của lòng đất thì tất thảy những ai hiểu biết nảy sinh lo ngại là phải. Cây cao su đâu có phải là cây đa tầng để có thể hình thành những cánh rừng tự nhiên quý giá mà đất ta đã có ngàn đời trước, lẽ ra phải tiếp tục giữ cho ngàn đời sau. Rồi thì than đá ở Quảng Ninh bị lén lút khai thác bán sang Trung Quốc. Và gần đây nhất là cát. Cát trắng phau ở bờ biển hay cát vàng ở đáy các con sông ở miền Trung, ở Nam bộ, tất thảy đang bị nạo vét cật lực để xuất khẩu, để xây tô, để san lấp mặt bằng cho các công trình xây dựng lớn nhỏ đang mọc lên như nấm sau mưa.
Tin tức đưa dồn dập: công ty Kỹ nghệ khoáng sản Quảng Nam khai thác vượt công suất quy định trong giấy phép 210.000 tấn cát, đồng thời khai thác trái phép 37.000 tấn cát có giá trị cao ở địa bàn các xã Bình Phúc, Bình Giang, huyện Thăng Bình. Ghê gớm hơn, cũng chính công ty này đã hoàn toàn không thèm thực hiện báo cáo tác động môi trường và không ký quỹ bảo vệ môi trường như cơ quan cấp phép yêu cầu. Cơ quan chức năng đã kiến nghị đình chỉ khai thác đối với công ty này, truy thu thuế, phạt ở mức cao nhất các vi phạm. Đến nay chưa thấy công bố kết quả xử lý cái tội chẳng mấy khó quy này! Còn ở sông Thị Tính thuộc thị trấn Mỹ Phước tỉnh Bình Dương, bốn ghe khai thác lậu 40m3 cát bị bắt quả tang đang cắm ống hút cát trái phép xuống lòng sông sâu hàng chục mét vào ngày 19.8.2009. Hỏi ra mới biết công ty tư nhân Lê Nam này của bà Trần Thị Lê gia công, khai thác kinh doanh và mua lại cát của công ty Đại Nam do ông Huỳnh Uy Dũng làm giám đốc. Đến nay vụ này vẫn chưa công bố kết quả xử lý.
Còn ở đồng bằng sông Cửu Long, theo Hải quan Cần Thơ, thực trạng xuất khẩu cát trong sáu tháng đầu năm 2009 đã bằng khối lượng cả chục năm trước đó cộng lại. Mặc dù Chính phủ đã ban hành chỉ thị 29/CP từ tháng 10.2008 là tạm dừng xuất khẩu cát (kể cả cát biển) nhưng việc xuất khẩu cát vẫn ầm ầm trên các dòng sông và cửa cảng. Lý do thật đơn giản: hợp đồng nào ký trước 30.11.2008 thì vẫn được thực hiện cho đến hết hợp đồng. Thế là lập tức có hiện tượng ký lùi ngày hợp đồng cho “đúng quy định”. Hải quan thì lại không có chức năng giám sát hợp đồng. Mà hợp đồng nào cũng có khối lượng xuất đến hơn chục triệu mét khối cát. Hải quan Cần Thơ cho biết, có cả những hợp đồng không tìm thấy thời hạn kết thúc. Ở Tiền Giang, khi bị phát hiện phạm tội, bọn sa tặc đã ngang nhiên giết hại một thanh tra môi trường trẻ tuổi, mẫn cán là Nguyễn Hùng Tráng vào những ngày đầu tháng tám năm nay…
Đã đến lúc Việt Nam chúng ta, từ các cơ quan trung ương đến các địa phương phải khẩn trương ngồi lại tính toán chiến lược khai thác tài nguyên khoáng sản để đi tới khả năng minh bạch như các quốc gia khác đã và đang làm. Trước hết là cát. Đó là thứ tài nguyên không tái tạo được. Cho nên Singapore ngưng xuất khẩu cát, chỉ tăng cường nhập khẩu cát từ Việt Nam. Campuchia đã cho đóng cửa mỏ cát, cấm xuất khẩu cát từ tháng 5.2008. Còn chúng ta, cát sẽ tiếp tục ra đi, sẽ tiếp tục để lại sự trống vắng đáng sợ cho tương lai chăng.
( Theo Nguyễn Thế Thanh // SGTT Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com