Tiểu thương kinh doanh nông sản, thực phẩm sẽ không được tiếp tục kinh doanh nếu không đạt tiêu chí văn minh, lịch sự. |
Một quyết định của UBND TP Hồ Chí Minh đang gây xôn xao cho các tiểu thương cũng như nhiều bà nội trợ. Đó là Quyết định 64 về quy hoạch kinh doanh nông sản, thực phẩm trên địa bàn thành phố, trong đó siết chặt quy định về bán buôn và bán lẻ các loại thịt, cá, rau, củ, quả.
Theo quyết định này, từ ngày 10-8 các loại thịt, nội tạng của gia súc, gia cầm (tươi, đông lạnh hoặc đã qua sơ chế); thủy sản khô, mắm, cá, tôm, cua, mực, bạch tuộc và các loại động vật không xương sống khác sống dưới nước (tươi, đông lạnh); các loại rau, củ, quả chỉ được bán ở các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại và cửa hàng đạt tiêu chí văn minh tiện lợi. Điều đó cũng có nghĩa là sẽ có nhiều chợ không được tiếp tục bán các mặt hàng kể trên. Quyết định cũng ghi rõ, UBND quận, huyện có trách nhiệm quy hoạch kinh doanh nông sản, thực phẩm trên địa bàn và kiên quyết xử lý các trường hợp kinh doanh không đúng theo quy định của pháp luật.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Hồng, người đã ký Quyết định 64, mục tiêu của quy hoạch này là nhằm chấn chỉnh hoạt động bán buôn, bán lẻ của mặt hàng nông sản, thực phẩm trên địa bàn thành phố. Khi các quy định về bán hàng siết chặt thì công tác kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm sẽ tốt hơn để bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng. Bên cạnh đó, việc quy hoạch này sẽ giải quyết dứt điểm các chợ tự phát, chợ lấn chiếm lề đường để tập trung xây dựng một hệ thống chợ, siêu thị hợp quy chuẩn trong thời gian tới.
Tuy nhiên, điều mà dư luận băn khoăn nhất là quy định này sẽ được thực hiện như thế nào, bởi ngày 10-8 đã cận kề mà tiêu chí "văn minh tiện lợi" đối với các chợ, cửa hàng bán lẻ vẫn… chưa có! Chị Thanh Hà, tiểu thương chợ Hòa Hưng (quận 10) cho biết, chị kinh doanh tại chợ này đã hơn 10 năm, cửa hàng chị bán thịt heo, thịt bò, có giấy kiểm dịch của thú y công nhận đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, thế nhưng với Quyết định 64 thì chị cũng không biết chợ Hòa Hưng có phải là chợ "văn minh tiện lợi" hay không. Và nếu như chợ Hòa Hưng không đạt tiêu chí này, không lẽ chị phải ngưng bán trong khi quầy hàng của chị từ trước đến nay vẫn đầy đủ giấy phép kinh doanh? Đây cũng là băn khoăn của nhiều tiểu thương ở các chợ trong thành phố.
Theo thống kê của Sở Công thương TP Hồ Chí Minh, toàn thành phố có 238 chợ hợp pháp, 82 siêu thị và 22 trung tâm thương mại. Nếu như tiêu chí này không rõ ràng thì không lẽ đến ngày 10-8 tới tất cả các chợ này đều phải đóng cửa? Theo bà Quách Tố Dung, Phó Giám đốc Sở Công thương, cửa hàng "văn minh tiện lợi" là mục tiêu tiến tới việc kinh doanh an toàn, vệ sinh và phải thực hiện từng bước chứ không thể thực hiện được ngay.
Để có thể thực hiện quy hoạch này, cơ quan quản lý sẽ làm việc với các sở, ngành, quận… để đưa ra những tiêu chí cụ thể về "văn minh tiện lợi" và từng bước áp dụng. Lắng nghe những băn khoăn, bà Hồng cho rằng, đây là nhiệm vụ rất khó khăn phức tạp, nhưng cần phải làm để phát triển ngành dịch vụ - thương mại của thành phố đạt tiêu chuẩn văn minh đô thị. Hiện thành phố đã giao UBND các quận, huyện triển khai thực hiện theo đúng tinh thần của quy hoạch. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện thành phố sẽ tính đến phương án giải quyết hợp tình hợp lý trong vấn đề văn minh đô thị và mưu sinh của người dân.
Chỉ còn vài ngày nữa là đến ngày 10-8. Chắc chắn Quyết định 64 sẽ không thể thực hiện đúng thời hạn vì thành phố phải cần thêm thời gian để quy hoạch từng bước cụ thể, hợp lý. Tuy nhiên, điều đáng nói là, khi ra một quyết định ảnh hưởng đến đông đảo người dân, cơ quan chức năng cần phải nghiên cứu kỹ càng để tránh những bất cập, gây băn khoăn lo lắng không đáng có.
(Theo Thuỳ Linh // Hanoimoi Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com