Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Hợp tác xã nông nghiệp ở Hà Nội: Mô hình cũ, cán bộ yếu

Hiện nay, toàn TP Hà Nội có 962 hợp tác xã nông nghiệp (HTX NN) thu hút hàng vạn xã viên tham gia. Nhìn chung các HTX làm khá tốt những khâu dịch vụ đơn thuần phục vụ sản xuất nông nghiệp, đẩy mạnh hoạt động kinh doanh đạt hiệu quả kinh tế cao, góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Tuy nhiên, còn không ít các HTX NN làm ăn yếu kém, chưa thể hiện được vai trò "bà đỡ" cho xã viên.

 Những "lỗ hổng" khó lấp đầy

 Theo số liệu của Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội, hiện nay toàn thành phố còn trên 20% HTX NN yếu kém và 30% trung bình. Trong số các HTX yếu kém, nhiều HTX đã tạm ngừng hoạt động do thua lỗ nhiều năm, số còn lại cũng hoạt động cầm chừng.

 Tồn tại yếu kém nhất của các HTX NN trên địa bàn thành phố là nội dung hoạt động còn nghèo nàn, phạm vi bó hẹp, một số HTX chỉ tồn tại trên danh nghĩa. Do vậy, vai trò của HTX với xã viên còn mờ nhạt, mối quan hệ không chặt chẽ về lợi ích. Một số HTX hoạt động chủ yếu kinh doanh một vài ngành nghề, do đó khó cạnh tranh với các thành phần kinh tế khác. Hầu hết đội ngũ cán bộ HTX NN yếu về chuyên môn, quản lý, điều hành, thậm chí một số chủ nhiệm trình độ văn hóa chưa hết tiểu học. Trong khi đó, lương và phụ cấp của cán bộ các HTX NN thì quá thấp. Hiện còn có những HTX còn không có tiền để trả lương, dẫn tới một bộ phận cán bộ không an tâm công tác.

 Ông Nguyễn Chí Quý, Phó Giám đốc Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết, các HTX NN trên địa bàn thành phố còn đang đối mặt với hàng loạt vấn đề như, nhận thức về mô hình HTX kiểu mới chưa thật sự thấu đáo, cơ sở vật chất nghèo nàn, mối liên kết với các thành phần kinh tế khác còn rời rạc, công nợ sản phẩm chồng chất… Mặt khác, việc chuyển đổi và thành lập các HTX NN kiểu mới còn mang nặng tính hình thức và thiếu các mô hình hoạt động có hiệu quả. Hầu hết số HTX khi chuyển đổi hoạt động theo luật đều xây dựng điều lệ theo hình thức dập khuôn, không xác định được những thuận lợi và khó khăn của địa phương để xây dựng điều lệ cho phù hợp. Quyền lợi của xã viên thì chung chung và bị bỏ bễ nên tâm lý bà con không quan tâm đến các công việc chung của HTX. Đó là chưa kể đến một số nơi, chính quyền địa phương can thiệp quá sâu vào công việc điều hành của ban quản trị, dẫn đến HTX mất chủ động trong sản xuất, kinh doanh. Có những HTX NN làm ăn thua lỗ vẫn không thể giải thể được bởi chính quyền địa phương ngại giải quyết những tồn đọng.

 Lựa chọn hướng đi phù hợp

 Để đưa các HTX NN trên địa bàn thành phố thoát ra khỏi yếu kém, nhiều chuyên gia ngành nông nghiệp cho rằng, trước hết cần rà soát, phân loại, xử lý các tồn đọng của các HTX NN cũ, để tiếp tục hỗ trợ, giúp đỡ các HTX NN chuyển đổi có hiệu quả. Đối với các HTX yếu kém không có khả năng hoạt động nên giải thể. Bên cạnh các giải pháp tăng cường công tác tuyên truyền Luật HTX, xây dựng các mối liên hệ "4 nhà" (Nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp và nông dân), đồng thời tiến hành tổng kết đánh giá các mô hình HTX NN làm ăn khá rồi nhân ra diện rộng. Các HTX cũng cần sớm chấn chỉnh, đổi mới tổ chức bộ máy, cơ chế quản lý và phương thức hoạt động. Đồng thời đào tạo, nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ HTX và xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh theo hướng đa dạng hóa ngành nghề gắn với lợi ích của xã viên.

 Trao đổi với phóng viên báo Hànộimới, lãnh đạo các HTX cũng mong mỏi, thành phố cần sớm có chính sách hỗ trợ như tạo điều kiện về mặt bằng làm trụ sở, xây dựng cửa hàng, kho bãi giúp các HTX NN có mặt bằng làm việc và nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh. Bởi hiện nay còn tới 40% HTX NN không có trụ sở làm việc, phải làm nhờ UBND xã hoặc trú tạm trong các công trình công cộng rất khó hoạt động. Trong quá trình phân bổ vốn đầu tư, thành phố nên dành một nguồn kinh phí từ ngân sách để xây dựng cơ sở hạ tầng thông qua các HTX NN và ưu tiên đầu tư cho những vùng sản xuất hàng hóa tập trung chuyên canh lớn. Chính quyền cơ sở cũng cần hỗ trợ, giúp đỡ theo hướng lấy HTX NN làm cầu nối giữa Nhà nước với nông hộ trong việc thực hiện các dự án, làm đại lý cung ứng vật tư, giống, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho nông dân. Nếu giải quyết tốt những vấn đề trên, số HTX NN yếu kém sẽ bứt phá đi lên, sản xuất, kinh doanh hiệu quả, góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn ngày càng phát triển.

(Theo Hoài Thu // Hanoimoi Online)

  • Đã đến lúc Việt Nam thực hiện minh bạch tài nguyên
  • Kích thích kinh tế: kích tiếp như thế nào?
  • Học từ gói kích thích kinh tế thứ nhất
  • Nông nghiệp Việt Nam:Mục tiêu phát triển đa dạng, bền vững
  • Xuất khẩu nông sản VN: Chưa xứng với tiềm năng
  • Cải cách hành chính : Cần thay đổi nhận thức của công chức
  • Giá nguyên liệu tăng mạnh : Doanh nghiệp lỡ thời do đâu ?
  • Thu ngân sách giảm nếu vòng đàm phán Doha thất bại
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi