Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2010: Bức tranh sáng, tối

Báo cáo về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2010 được thực hiện dựa trên điều tra và phân tích cảm nhận của 7.300 doanh nghiệp Việt Nam về chất lượng điều hành kinh tế của các địa phương, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam hợp tác với Dự án Sáng kiến cạnh tranh Việt Nam của Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ thực hiện. Điểm mới trong PCI 2010 là lần đầu tiên phạm vi điều tra mở rộng đến cộng đồng doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, với 1.155 doanh nghiệp.

Các đầu tàu đều tụt hạng

Chất lượng điều hành kinh tế ở các tỉnh, thành phố đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế đang trên đà giảm sút dưới góc nhìn của doanh nghiệp. Đây là kết quả mà báo cáo về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2010 ghi nhận được. Trong khi đó, những tỉnh nhỏ hơn thì lại chứng tỏ được tính ổn định và đang dần vươn lên. Việc các tỉnh, thành giữ vai trò đầu tàu kinh tế quốc gia bị các nhà doanh nghiệp cho điểm thấp về năng lực cạnh tranh là tín hiệu không tích cực đối với kinh tế Việt Nam.

Trong bảng xếp hạng chung, thành phố Đà Nẵng vẫn tiếp tục là địa phương đứng đầu trong năm thứ ba liên tiếp. Tuy nhiên, các nhà doanh nghiệp ở Đà Nẵng có mức độ hài lòng thấp hơn năm trước đó, với điểm số PCI giảm 6,19 so với năm 2009. Riêng trường hợp Bình Dương đã gây kinh ngạc cho nhóm nghiên cứu khi tỉnh này bị mất 8,28 điểm và rơi xuống hạng năm, sau năm năm liền ở vị trí nhất và nhì. Đáng chú ý hơn, tỉnh này cũng lọt ra khỏi nhóm có chất lượng điều hành rất tốt. Bình Dương mất điểm chủ yếu do bị đánh giá thấp ở các chỉ số gia nhập thị trường và dịch vụ hỗ trợ danh nghiệp.

Ba thành phố lớn còn lại là TPHCM, Hà Nội, Hải Phòng thậm chí còn sụt hạng nhanh hơn. TPHCM sụt bảy bậc và lần đầu tiên rớt từ nhóm tốt xuống nhóm khá. Hà Nội tụt 10 bậc và Hải Phòng 12 bậc.

Trong khi đó, các tỉnh nhỏ lại có sự ổn định và vươn lên mạnh mẽ, đặc biệt là vùng đồng bằng sông Cửu Long, nơi có đến 9 trong tổng số 22 tỉnh nằm trong nhóm tốt và rất tốt. Trong năm qua, đã có 20 địa phương ban hành các văn bản triển khai chương trình cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh mình và 10 tỉnh đã có bước cải thiện cao.

Một số cải thiện

Chất lượng nguồn nhân lực lâu nay luôn là khó khăn lớn đối với doanh nghiệp, nhất là đối với khu vực doanh nghiệp tư nhân. Kết quả điều tra PCI năm 2010 cho thấy vấn đề đào tạo lao động đã có sự thay đổi tích cực. Tỷ lệ doanh nghiệp hài lòng về chất lượng giáo dục phổ thông và đào tạo lao động tại các tỉnh ở nhóm giữa đạt gần 47%, tăng gần 12 điểm phần trăm so với trước đó hai năm. Chất lượng của dịch vụ giới thiệu việc làm cũng cải thiện mạnh, khi có tới 62,5% doanh nghiệp cho biết sẽ tiếp tục sử dụng dịch vụ này so với tỷ lệ 27,78% của năm 2009. Nhóm nghiên cứu nhận định, đây là sự thay đổi rất tích cực, vì doanh nghiệp luôn phàn nàn về chất lượng lao động thấp đã cản trở việc cải tiến và nâng cấp công nghệ.

Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp cũng là điểm sáng trong lần điều tra này. Số lượng các nhà cung cấp dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp đã tăng hơn gấp đôi so với năm 2009. Đồng thời, tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng dịch vụ tăng trên dưới 3 điểm phần trăm. Thay đổi lớn nhất có lẽ là ở nhận thức của doanh nghiệp đối với việc sử dụng dịch vụ hỗ trợ kinh doanh, khi có đến một nửa số doanh nghiệp đã sử dụng dịch vụ cho biết sẽ tiếp tục duy trì, trong khi năm 2009 tỷ lệ này chỉ có 16,44%.

Bên cạnh đó, tính năng động của chính quyền tỉnh trong năm 2010 cũng được các doanh nghiệp cho điểm cộng. 75,3% doanh nghiệp cho rằng, tỉnh rất linh hoạt trong khuôn khổ pháp luật nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp tư nhân.
chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2010



Những bước thụt lùi

Trong các cuộc điều tra PCI trước đây, vấn đề gia nhập thị trường luôn được các địa phương thực hiện tốt nhất trong chín lĩnh vực của môi trường kinh doanh cấp tỉnh. Từ năm 2006-2009, các nỗ lực cải cách đã làm cho thời gian đăng ký thành lập doanh nghiệp mới giảm một cách ấn tượng, xuống chỉ còn một nửa. Nhưng sang năm 2010 quá trình cải cách này có chiều hướng chững lại. Thời gian để hoàn tất đăng ký thành lập doanh nghiệp mới hay đăng ký sửa đổi đều dừng ở mức năm 2009 là 10 ngày và 7 ngày. Đây là khoảng thời gian dài hơn so với thời hạn quy định tại Nghị định số 43 của Chính phủ ban hành tháng 4-2010.

Ngoài giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, 14,68% số doanh nghiệp cho biết họ còn phải có thêm các giấy phép kinh doanh khác. Số lượng giấy phép bình quân tại các tỉnh ở nhóm giữa là 2, gấp đôi so với kết quả ghi nhận được trong báo cáo PCI 2009. Kết quả điều tra PCI 2010 cho thấy, phần lớn các chỉ tiêu trong chỉ số gia nhập thị trường đều thay đổi theo chiều ngược lại so với những cải cách trong lĩnh vực này ở những năm trước.

Một điểm thụt lùi nữa là các chỉ tiêu về tính minh bạch. Theo kết quả điều tra năm 2010, hầu hết các chỉ tiêu trong lĩnh vực minh bạch đều giảm so với 2009. Khả năng tiếp cận thông tin, tài liệu có liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh, văn bản pháp luật đều giảm. Nếu tính theo thang điểm 5, trong đó điểm 1 là không thể tiếp cận và điểm 5 là dễ tiếp cận, thì điểm trung bình cho chỉ tiêu này năm 2010 chỉ đạt 2,31 (năm 2009 là 2,44 điểm), là mức thấp nhất kể từ 2005, trong đó tỉnh tốt nhất cũng chỉ được 2,62 điểm.

Đáng ngại hơn, theo đánh giá của doanh nghiệp, việc phải sử dụng "mối quan hệ" để tiếp cận thông tin, tài liệu kế hoạch đang tăng lên, với tỷ lệ cho rằng cần có mối quan hệ với cơ quan nhà nước để tiếp cận thông tin lên đến 78,64%.

Theo nhận định của nhóm nghiên cứu, môi trường kinh doanh minh bạch giúp doanh nghiệp thêm tin tưởng vào hiệu quả quản trị của cơ quan quản lý nhà nước, góp phần nâng cao hiệu quả phân bổ nguồn lực của doanh nghiệp, đồng thời tăng tính bình đẳng về cơ hội kinh doanh cho các đối tượng khác nhau. Vì thế, chỉ số minh bạch suy giảm trong năm 2009 và tiếp tục giảm trong năm 2010 là một chỉ báo đáng lo ngại về môi trường kinh doanh cấp tỉnh. Điều này có tác động lớn đến sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân.

40% doanh nghiệp trả phí "bôi trơn"

Báo cáo PCI 2010 dành hẳn một chương để trình bày những thông tin chi tiết và bằng chứng về chi phí không chính thức. Trong đó tập trung chủ yếu vào hai khâu đăng ký kinh doanh, xin giấy phép kinh doanh và đấu thầu hợp đồng của Nhà nước. Theo đánh giá của nhóm nghiên cứu, thông tin họ được doanh nghiệp cung cấp là đáng tin cậy.

Từ kết quả điều tra, nhóm nghiên cứu phát hiện 21% doanh nghiệp trong nước thừa nhận đã trả chi phí không chính thức trong đăng ký kinh doanh và 40% doanh nghiệp phải trả phí "bôi trơn" khi mong muốn có hợp đồng từ các cơ quan nhà nước. Đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), do họ ít ký kết hợp đồng với cơ quan nhà nước, nên cuộc điều tra chỉ hướng tới chi phí bôi trơn trong đăng ký kinh doanh. Kết quả, 18% doanh nghiệp nói phải trả chi phí này.

Phân tích theo ngành, nhóm nghiên cứu nhận thấy tham nhũng đặc biệt tập trung ở các ngành dịch vụ có tốc độ phát triển nhanh và lợi nhuận cao. Điều này chứng tỏ, những ngành càng dễ có lợi nhuận cao, quy định về tham gia thị trường càng khó, thì tham nhũng càng nhiều.

Kết quả điều tra còn phát hiện một chi tiết khá thú vị khác. Đó là chính Hiệp định Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ là yếu tố giúp giảm chi phí không chính thức đối với doanh nghiệp FDI trong đăng ký kinh doanh, chứ không phải các cải cách khác trong nước.
------------------------
Đức Hoàng// Theo TBKTSG // Tuần Việt Nam

  • Trận đấu kinh tế giữa người dân và chuyên gia
  • Việt nam không phải là quốc gia hưởng lợi từ việc giá dầu tăng
  • Những tín hiệu khả quan từ quý I/2011
  • Kiên quyết hơn nữa trong việc đẩy lùi nhập siêu
  • CPI tháng 4 sẽ tăng từ 1,6 - 1,8%
  • Kinh tế toàn cầu: Tương lai là ở nông nghiệp!
  • Tăng trưởng GDP quý 1/2011 có thể đạt 5,6%
  • CPI tháng 4/2011 sẽ tăng chậm lại
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi