Theo một báo cáo riêng của một chuyên gia phân tích, mức "hoàn trái về đầu tư" (ROI = return on investment) trung bình của các quỹ tại Việt Nam trong 3 năm vừa qua là "âm" -17%. Tỷ số ở hiệp ba trận đấu: người dân: 3; chuyên gia: 0.
Khi tôi hoàn tất luận án tiến sĩ về Quản Trị cho Đại Học Southern Cross (Úc) vào cuối năm 2006, tôi về lại Thượng Hải, được sự đồng ý của các đối tác cổ đông của Quỹ Viasa, trích ra 20 triệu USD trong trương mục, để đầu tư vào các cổ phiếu và trái phiếu của thị trường chứng khoán Trung Quốc (TTCK TQ). Các đối tác của tôi rất lạc quan, tự tin vì họ tin vào "kỹ năng" chuyên biệt mới được đào tạo rất bài bản của tôi. Dù sao, trong quá trình làm luận án, tôi đã thực hiện một cuộc khảo sát sâu rộng hơn 800 quỹ đầu tư tại TQ, đọc hơn 200 cuốn sách về TTCK TQ và nghiên cứu cả ngàn bài viết, sưu khảo của đủ loại học giả khắp thế giới về đề tài này. Hơn cả cái bằng Tiến Sĩ, tôi được Đại Học Tongji phong cho một hàm vị rất "kêu": chuyên gia về TTCK TQ. Các quỹ đầu tư khác cũng ngõ ý hợp tác đầu tư vì mọi người nghĩ là tri thức của tôi về TTCK TQ chắc chắn sẽ giúp họ kiếm tiền thành công hơn .
Trong 12 tháng sau đó, số tiền 20 triệu USD đầu tư vào TTCK TQ của Quỹ kiếm được 36%. Trong khi đó, từ tháng Một 07 đến tháng Một 08, chỉ số SSI của Sàn Thượng Hải tăng từ 2786 đến 5272 (khoảng 89%). Một nhà đầu tư tay ngang bỏ tiền vào ETF (exchange traded fund), cũng có thể kiếm được 75% không cần suy tính (giá từ $32 lên đến $56). Nhưng xấu hổ nhất cho tôi là anh bạn hàng xóm: anh ta kiếm được khoảng 124% trong cùng thời gian đó. Anh là một cựu viên chức công an cỡ trung ở tỉnh Hồ Nam (Trung Quốc), chưa học xong trung học, mới có 32 tuổi, kiếm được một mớ tiền phong bì khi làm quan, rồi hạ cánh an toàn ở Thượng Hải. Kết quả của hiệp đầu trong trận đấu: người dân: 1; chuyên gia: 0.
Cũng vào đầu năm 2007, tôi đến Hà Nội theo lời mời của một nhóm đại gia trong ngành chứng khoán và quỹ đầu tư, để mạn đàm trong một họp mặt nhỏ có chừng 30 người tham dự. Tôi nói về dự đoán của tôi: khủng hoảng tài chính sẽ xảy ra trong vài ba tháng tới, lạm phát toàn cầu sẽ lên hơn 12% năm 2008 và vàng sẽ đạt đỉnh $2,000 USD vào 2009. Tôi đúng về cuộc khủng hoảng kinh tế, nhưng sai bét về lạm phát và giá vàng.
Lái xe cho tôi đi quanh Hà Nội chuyến viếng thăm đó là một anh tài xế taxi còn trẻ, khoảng 25 tuổi. Gia đình anh ta vốn làm ruộng là chính, sở hữu vài thửa đất lớn gần Hà Nội, giá đang tăng vùn vụt, và anh ta hỏi ý kiến tôi về vấn đề đầu tư vì nghe mọi người ca tụng tôi là một "chuyên gia". Tôi khuyên anh bán hết đất vì các thành tố căn bản cho thấy hiện tượng bong bóng (giá đất Hà Nội đắt như thành phố New York). Sau đó, nên bỏ tất cả tiền thâu được vào vàng, giá đang ở khoảng $630 USD một lượng và trong 2 năm, sẽ kiếm được gấp 3 lần vì lạm phát sẽ hoành hành. Anh ta không đồng ý, nói sẽ giữ đất vì giá còn lên cao trong 2 năm tới, trong khi vàng thì chưa chắc. Khi tôi về lại Hà Nội vào 2009, anh tìm ra khách sạn tôi ở qua một tin về hội thảo đầu tư trên mạng. Anh khoe là trúng lớn trong lần bán ra các thửa đất vừa qua, không còn chạy taxi nữa và đang làm một nhà đầu tư (?). Tỷ số trận đấu ở hiệp hai: người dân: 2; chuyên gia: 0.
Ảnh minh họa: cafeF
Thực ra, đây không chỉ là 2 trường hợp đơn lẻ hay đặc biệt. Trong mọi xã hội, từ tư bản đến xã hội, từ dân chủ đến độc tài, không thiếu những tình huống mà người dân tỏ ra khôn ngoan, hiểu biết và quan trọng hơn cả, là có khả năng "biết kiếm tiền" nhiều hơn các chuyên gia kinh tế tài chánh. Lấy bà osin của gia đình tôi: trong 3 năm vừa qua, bao nhiêu tiền dành dụm được, bà bỏ ra mua vàng miếng. Vào năm 2008, giá vàng là $800 USD một lượng; bây giờ là $1,400 USD, cho bà ta một mức "hoàn trái" khoảng 25% mỗi năm. Tôi chắc chắn đây là mức lời mơ ước của mọi chuyên gia đang làm cho các quỹ đầu tư nổi danh (nước ngoài hay nội địa) tại thị trường chứng khoán Việt Nam. Theo một báo cáo riêng của một chuyên gia phân tích, mức "hoàn trái về đầu tư" (ROI = return on investment) trung bình của các quỹ tại Việt Nam trong 3 năm vừa qua là "âm" -17%. Tỷ số ở hiệp ba trận đấu: người dân: 3; chuyên gia: 0.
Đã có rất nhiều nghiên cứu và giả thuyết về sự yếu kém về thành quả của các chuyên gia trong những nhận định, dự đoán, kết luận và khuyến nghị về tình hình kinh tế tài chánh hay xã hội. Nhưng giá trị tiên đóan của các chuyên gia kinh tế, tài chánh đã hạ xuống rất thấp sau cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu vào cuối 2007. Hơn 83% các nhận định của chuyên gia tại New York và Luân Đôn không tiên đoán được sự suy thoái nghiêm trọng của các định chế tài chánh. Tại sao những đầu óc "lớn" trên đỉnh cao của xã hội lại vấp ngã thảm thương như vậy? Tại sao các siêu sao, với đầy đủ dụng cụ, kỹ năng, kinh nghiệm và thì giờ, lại không thể "hát hay" bằng một cô gái quê mộc mạc?
Trước hết, mọi người phải lưu ý đến những nhận định, kết luận hay khuyến nghị của các chuyên gia "có quyền lợi" trong khi phát biểu cái gọi là "ý kiến riêng" của mình. Không ai lạ gì khi nghe các nhà quản lý hay các nhà phân tích của các quỹ đầu tư ca tụng triển vọng huy hoàng của nền kinh tế hay thị trường tài chánh trong giai đoạn sắp tới. Đây chỉ là những PR (public relation) để các vị này kêu gọi vốn đầu tư cho quỹ của họ (hay để các cổ đông hiện tại an tâm đừng chửi bới và rút vốn đã lỡ đầu tư). Còn các chuyên gia kinh tế, tài chánh hay pháp lý được trả tiền trực tiếp để viết những bài có lợi cho các nhóm lợi ích đang vận động hành lang (lobby) để tạo đặc quyền đặc lợi cho nhóm mình thì nhiều vô số kể. Giá trị của các bài viết này thiếu chiều sâu và kém chuyên nghiệp, không đáng được quan tâm, nhưng vì số lượng của chúng nhiều (và miễn phí để các mạng truyền thông phổ biến khắp nơi) nên bức tranh tổng quát phản ánh trên dư luận công chúng bị lệch lạc rất nhiều.
Tuy nhiên, ngay cả với những chuyên gia có thực tâm nghiên cứu, tìm hiểu và đúc kết một nhận định khách quan, họ thường rơi vào những thiên kiến như sau.
Thứ nhất, tôi vẫn nghĩ rằng khi làm một việc gì liên quan đến đồng tiền không do mình làm ra, thì thái độ và tư duy của việc hành xử sẽ rất khác biệt so với khi "đồng tiền liền khúc ruột". Chuyên gia thì hay nghiên cứu chuyện của người ta, khộng phải chuyện nhà nên không chịu áp lực của vợ con, gia đình hay bạn bè như người dân thường. Các kết luận thường "làm nhẹ" đi tầm ảnh hưởng trên đời sống của người dân. Các số liệu thường được bóp méo để hỗ trợ cho suy luận đã đúc kết sẵn từ thiên kiến. Các khuyến nghị gần đây về kinh doanh vàng miếng hay đô la chợ đen cho thấy sự khác biệt rất lớn giữa ý kiến của người dân và các chuyên gia tài chánh. Sự suy nghĩ về lạm phát cho thấy hiện tượng các chuyên gia đang sống trong những tháp ngà của xã hội, xa rời thực tế, không hiểu hay chịu đối diện với những tình huống khó khăn của việc mưu sinh thường nhật.
Ngoài ra, người ta thường nghĩ chuyên gia là các nhà khoa học, lấy sự độc lập làm nền tảng cho tư duy của mình, sự mềm dẻo uyển chuyển làm căn bản cho suy luận... Nhưng sau khi lăn lộn nhiều trong giới khoa bảng và môi trường nghiên cứu, tôi nhận thấy chuyên gia lại là những người rất thích bầy đàn, thích suy nghĩ theo số đông (group think) và cứng ngắc với định kiến đã lỗi thời. Các kinh tế gia của trường phái Chicago thì luôn luôn phải đả kích, bài bác các lập luận của phe Ivy League và ngược lại. Chả thế mà trong lịch sử tri thức nhân loại, Galileo đã bị cầm tù vì nói trái đất tròn và Socrates phải uống thuốc độc với triết thuyết lạ tai của mình. Cái "tôi" (ego) quá lớn của các nhà đại trí thức khiến họ không thể chấp nhận sự lầm lẫn hay thua kém của mình: họ sẽ triệt hạ mọi đối thủ bằng mọi cách, chính thống hay tà đạo, để bảo vệ cái "tôi".
Gần đây, trước tình hình kinh tế khó khăn, nhiều doanh gia cũng như các sinh viên hay email đến tôi để xin một vài nhận định, dự đoán về viễn tưởng. Tôi thành thực tin rằng cái trực giác và những tiếp xúc hàng ngày với thực tại sẽ làm mọi suy đoán nhận xét của họ chính xác hơn là những số liệu vô nghĩa mà tôi thu lượm từ các bài khảo luận của các chuyên gia khác. Thực ra, kinh tế vĩ mô cũng chỉ ảnh hưởng một phần nhỏ trong việc làm ăn của họ. Điều quan trọng hơn vẫn là sự sáng tạo cá nhân trong tư duy, sự kiên trì trong tình huống, và sự bộc phát trong hành động.
Dĩ nhiên, họ cũng như tôi, đặt ý kiến riêng của các chuyên gia vượt quá tầm quan trọng trong suy luận và hành xử của người dân. Tôi thường lướt qua danh sách các bài "nóng" nhất của các trang mạng như Vietnamnet, VNExpress hay Tuổi Trẻ. Gần đây, những bài viết thu hút số lượng độc giả nhiều nhất vẫn là chuyện bà vợ đốt chồng ở Long An (rất nóng) hay vụ sức khỏe của Cụ Rùa Hồ Gươm (rất lạnh), không phải các bài khảo luận khô khan về lạm phát, tỷ giá hay lãi suất. Có lẽ người dân hiểu rõ giá trị thực sự của các bài nhận định? Hay nghĩ cho cùng, cách thức để ngủ ngon và không lo bị chồng hay vợ đốt vẫn quan trọng hơn là chuyện kiếm tiền lặt vặt?
-----------------------------
Tác giả: ALAN PHAN
Nguồn: Tuần Việt Nam
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com