Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Kiên quyết hơn nữa trong việc đẩy lùi nhập siêu

Cán cân thương mại là một trong những nội dung quan trọng của kinh tế vĩ mô. Vì vậy, kiềm chế nhập siêu là một nội dung quan trọng trong Nghị quyết 11 của Chính phủ. Đây cũng là vấn đề “nóng” thứ hai sau lạm phát.

Ảnh minh họa

Từ số liệu của Tổng cục Thống kê có thể rút ra một số nhận xét về nhập siêu của các tháng trong quý I/2011.

Một là nhập siêu quý I/2011 đã giảm so với cùng kỳ năm trước cả về quy mô tuyệt đối (3.029 triệu USD so với 3.598 triệu USD), cả về tỷ lệ nhập siêu so với kim ngạch xuất khẩu (15,7% so với 25%); tỷ lệ nhập siêu đã ở mức thấp hơn 16% theo Nghị quyết 11.

Hai là, tuy quy mô tuyệt đối của nhập siêu đã tăng lên qua các tháng (tháng 1 là 769 triệu USD, tháng 2 là 1.110 triệu USD, tháng 3 ước đạt 1.150 triệu USD); tính chung 3 tháng đạt xấp xỉ 1.010 triệu USD/tháng. Đó vẫn là mức cao, tác động tiêu cực đến cán cân thanh toán và dự trữ ngoại hối của đất nước.

Với mức nhập khẩu của quý I lên đến xấp xỉ 22,3 tỷ USD, bình quân một tháng đạt trên 7,42 tỷ USD, trong đó ước tháng 3 đạt 8,2 tỷ USD, sẽ làm cho tính theo số tuần nhập khẩu mà dự trữ ngoại hối phải bảo đảm chưa được cải thiện so với trước. Vì vậy việc đẩy lùi nhập siêu cần phải được tiến hành kiên quyết hơn nữa.

Để đẩy lùi nhập siêu cần phải xác định rõ các nguyên nhân gây ra nhập siêu để có giải pháp tác động vào các nguyên nhân này.

Thứ nhất, nhập siêu do sản xuất chưa đủ nhu cầu đầu tư và tiêu dùng trong nước.

Đầu tư so với GDP trong nhiều năm qua đều ở mức trên 40%, thuộc hàng cao nhất trên thế giới; cao hơn nhiều so với tỷ lệ tiết kiệm trong nước (năm 2009 là 42,7% so với 29,2%, năm 2010 là 41,9% so với 28,5%). Điều đó có nghĩa là còn trên 13% GDP còn phải dựa vào nhập siêu. Tỷ lệ tiêu dùng cuối cùng so với GDP của Việt Nam đạt trên dưới 73.

Vì vậy, việc làm cho chiếc “bánh” GDP to ra, bảo đảm cân đối giữa sản xuất với đầu tư và tiêu dùng cuối cùng ở trong nước là một cân đối kinh tế vĩ mô có tầm quan trọng hàng đầu. Trong điều kiện sản xuất chưa đáp ứng được đầu tư và tiêu dùng cuối cùng thì một mặt cần giảm tỷ lệ đầu tư so với GDP, đổi mới cơ cấu đầu tư, nâng cao hiệu quả đầu tư; mặt khác cần đẩy mạnh tiết kiệm tiêu dùng, thậm chí trong điều kiện lạm phát cao, còn phải “thắt lưng buộc bụng”…

Thứ hai, cơ cấu sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam còn mang nặng tính gia công. Nhiều loại hàng hóa xuất khẩu có tới 70- 80% là phụ thuộc vào nguyên phụ liệu nhập khẩu từ nước ngoài. Do công nghiệp phụ trợ chậm được phát triển. Đáng lưu ý tính “gia công” cao không chỉ xảy ra đối với sản xuất công nghiệp, đấu thầu thi công các công trình, mà đang có xu hướng chuyển sang cả ngành nông, lâm nghiệp- thủy sản.

Để khắc phục tính “gia công” trên, một mặt cần phải quan tâm đến việc sử dụng thiết bị và nhà thầu trong nước khi thi công các công trình; mặt khác đẩy nhanh tốc độ phát triển công nghiệp phụ trợ ở trong nước.

Để phát triển công nghiệp phụ trợ, các ngành cần quan tâm đến các vấn đề như ưu tiên vốn đầu tư cho công nghiệp phụ trợ; tăng tỷ trọng dư nợ tín dụng; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng tay nghề cho lao động làm công nghiệp phụ trợ; tăng năng suất lao động, giảm chi phí, tăng hiệu quả và sức cạnh tranh cho sản phẩm công nghiệp phụ trợ.

Thứ ba, tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu phải cao hơn nhiều so với tốc độ tăng kim ngạch nhập khẩu, để quy mô kim ngạch xuất khẩu tiến tới thăng bằng và lớn hơn kim ngạch nhập khẩu.

Trong quý I năm nay, mặc dù tốc độ tăng của kim ngạch xuất khẩu đã cao hơn tốc độ tăng của kim ngạch nhập khẩu (tăng 33,7% so với tăng 23,8%) nhưng quy mô kim ngạch nhập khẩu vẫn lớn hơn so với quy mô kim ngạch xuất khẩu (22.374 triệu USD so với 19.245 triệu USD).

Trong 30 nhóm hàng nhập khẩu chủ yếu, có một số nhóm mặt hàng tốc độ tăng kim ngạch rất cao, như lúa mì, chất dẻo, sợi, vải, ô tô, dầu mỡ động thực vật, giấy tăng tới 40 đến 70%; có một số mặt hàng kim ngạch tăng tới trên 2 lần…

Để tốc độ tăng kim ngạch nhập khẩu thấp hơn, Bộ Công Thương phối hợp với các Bộ, ngành cần phân loại cụ thể mặt hàng nhập khẩu thành ba nhóm: nhóm các mặt hàng cần thiết phải nhập khẩu và tăng tỷ trọng nhóm này cao hơn nữa; nhóm mặt hàng cần kiểm soát nhập khẩu; nhóm mặt hàng cần hạn chế nhập khẩu.

Đối với những mặt hàng cần kiểm soát và cần hạn chế nhập khẩu cần phải được giảm tỷ trọng xuống thấp hơn nữa.

Để tăng tỷ trọng những mặt hàng cần nhập khẩu, giảm tỷ trọng những mặt hàng cần kiểm soát hoặc cần hạn chế nhập, phải áp dụng tổng hợp nhiều biện pháp. Cũng nên xem lại thuế nhập khẩu với những mặt hàng tiêu dùng không thiết yếu, theo đó cần áp mức thuế suất cao nhất trong lộ trình gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) với các mặt hàng này.

Cần áp dụng thêm các rào cản kỹ thuật, biện pháp vệ sinh và an toàn thực phẩm, biện pháp tự vệ, trợ cấp hoặc biện pháp đối kháng theo đúng các điều kiện do WTO quy định để hạn chế nhập siêu.

Một biện pháp khác là chống chuyển giá, “siết” giá hàng nhập khẩu. Trong những năm gần đây, một số doanh nghiệp nhập khẩu thường tìm cách trốn thuế, thông qua việc chuyển giá, sử dụng đại lý độc quyền tại Việt Nam, liên kết với nhau để đẩy giá nhập khẩu lên cao. Những doanh nghiệp này thường kê khai giá nhập khẩu nguyên liệu, máy móc, thiết bị từ công ty mẹ ở nước ngoài cao hơn nhiều so với giá trị thực, làm cho giá thành sản phẩm sản xuất trong nước đắt hơn, làm cơ sở để báo cáo lỗ hoặc để được áp giá mức thấp nhất trong thang biểu mã số thuế, khiến nhà nước thất thu thuế, vừa gây nên tình trạng nhập siêu và thất thu thuế…

Thứ tư, một trong những nguyên nhân quan trọng làm cho nhập khẩu, nhập siêu gia tăng là do một bộ phận dân cư có tâm lý sính hàng ngoại.

Thứ năm, tình trạng vàng hóa, đô la hóa cao, làm cho tình trạng nhập lậu gia tăng, đẩy giá vàng và USD ở trong nước lên cao. Nhà nước phải bán USD dự trữ ra để can thiệp, làm bào mòn quỹ dự trữ ngoại hối của quốc gia. Trong nhiều năm qua, nhà nước còn phải bỏ ra nhiều tỷ USD để nhập khẩu vàng. Số vàng và số USD nhà nước bỏ ra lại bị các tổ chức, cá nhân đặc biệt là những người đầu cơ găm giữ, làm cho tình hình nhập siêu lớn cả về kim ngạch tuyệt đối cả về tỷ lệ nhập siêu.

Thứ sáu, nguyên nhân có tầm quan trọng hàng đầu là hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm sản xuất trong nước còn thấp. Cần phải có nhiều giải pháp để tăng hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm Việt Nam, trong đó giải pháp cơ bản là đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế.

(Theo Minh Ngọc // Tin Chính phủ)

  • CPI tháng 4 sẽ tăng từ 1,6 - 1,8%
  • Kinh tế toàn cầu: Tương lai là ở nông nghiệp!
  • Tăng trưởng GDP quý 1/2011 có thể đạt 5,6%
  • CPI tháng 4/2011 sẽ tăng chậm lại
  • Doanh nghiệp Nhà nước có chỉ số nợ cao nhất
  • Kinh tế vĩ mô 2006 - 2010 và “nghịch lý” hiếm thấy
  • Lập quy hoạch xây dựng nông thôn mới: Kinh phí chờ dự án
  • Ủy ban Kinh tế: Mất cân đối vĩ mô chủ yếu do yếu kém nội tại
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi