Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2011 tiếp tục tăng ở mức khá cao, tăng 2,17% so với tháng trước. Như vậy, hết quý I, CPI đã tăng 6,12%, xấp xỉ bằng mức Quốc hội đặt ra cho cả năm 2011 (7%). Đó là thông tin tại cuộc họp Tổ điều hành thị trường trong nước ngày 28/3 do Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa chủ trì.
CPI quý I/2011 đạt mức kỷ lục
Theo Tổ điều hành thị trường trong nước, trái với quy luật hàng năm, sau Tết giá các loại hàng hóa, nhất là các mặt hàng lương thực, thực phẩm có xu hướng giảm mạnh thì tháng 3/2011, sau khi các mặt hàng đầu vào quan trọng như điện, xăng dầu điều chỉnh tăng giá, cùng tác động yếu tố mùa vụ, dịch bệnh… giá nhiều loại hàng hóa đồng loạt điều chỉnh tăng. Giá các loại thực phẩm tươi sống đã tăng khoảng 5-10% so với cuối tháng trước; giá các loại hàng hóa thiết khác như thép, phân bón cũng tăng cao trong nửa đầu tháng sau đó chững lại và hiện đang có xu hướng giảm nhẹ.
Ông Nguyễn Đức Thắng- Vụ trưởng Vụ Thống kê giá Bộ Kế hoạch và Đầu tư- phân tích: CPI tháng 3/2011 cho thấy, lạm phát thể hiện cả ở 11 nhóm hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng thiết yếu. Ở đây còn một phần do tăng giá tâm lý, thể hiện trên các con số cụ thể, chỉ số giá tiêu dùng tháng 3 tăng giá mạnh ở những nhóm hàng có chênh lệch cung cầu và mặt hàng do Nhà nước quản lý giá có sự điều chỉnh giá lớn.
Như vậy, CPI quý I đã tăng 6,12% so với tháng 12/2010, xấp xỉ mức mà Quốc hội đề ra cho năm 2011 (7%). Đây là mức tăng cao nhất trong vòng 15 năm qua. Theo Tổ điều hành thị trường, nguyên nhân giá tiêu dùng quý I tăng cao chủ yếu do:
Thứ nhất, giá nhiều hàng hóa thiết yếu trên thị trường thế giới tiếp tục tăng, ảnh hưởng tới giá hàng nhập khẩu, gây áp lực lên giá hàng hóa trong nước (chỉ số giá hàng hóa thế giới liên tục tăng kể từ tháng 7/2010. Theo IMF, chỉ số giá các nhóm hàng thiết yếu tháng 2/2011 tăng 32,94% so với cùng kỳ 2010 và tăng 4,13% so với tháng trước; theo FAO, chỉ số giá lương thực tháng 2/2011 là 236, mức kỷ lục kể từ năm 2006, chỉ số giá lương thực đã tăng 34,17% so với cùng kỳ 2010 và tăng 2,21% so với tháng trước). Cùng với việc điều chỉnh tăng tỷ giá USD/VND bình quân liên ngân hàng đã tác động đến giá của nhiều mặt hàng tiêu dùng và nguyên liệu nhập khẩu.
Thứ hai, do thời tiết rét đậm, rét hại kéo dài, dịch bệnh lan rộng ảnh hưởng đến nguồn cung của nhiều mặt hàng, nhất là thực phẩm tươi sống.
Thứ ba, nhu cầu tiêu dùng mang tính mùa vụ (các mặt hàng thực phẩm, hàng Tết, hoa cây cảnh thường tăng mạnh trong dịp Tết Nguyên đán).
Thứ tư, chi phí đầu vào tăng (mặt bằng lãi suất vẫn ở mức cao, điều chỉnh tăng giá điện, xăng dầu, điều chỉnh lương đã tác động đến giá thành hầu hết các mặt hàng.
Ngoài ra, một số địa phương còn tăng học phí.
Tháng 4, giá tiêu dùng vẫn ở mức cao
Tại cuộc họp Tổ điều hành, ông Nguyễn Đức Thắng cho biết, từ nay, Tổng cục Thống kê sẽ công bố thêm chỉ số giá sản xuất (PPI). PPI phụ thuộc vào giá 5 nhóm hàng: nông- lâm- thủy sản, công nghiệp, nguyên vật liệu dùng cho sản xuất, xuất nhập khẩu hàng hóa và cước vận tải. Trong quý I, giá sản xuất nông lâm nghiệp và thủy sản tăng 9,69% so với quý trước; giá sản xuất công nghiệp tăng 5,05%; giá nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản xuất tăng gần 6%, giá xuất nhập khẩu hàng hóa tăng 4,48% và giá cước vận tải tăng 5,86%.
Theo ông Thắng, chỉ số PPI thường tác động chậm đến chỉ số CPI. Vì PPI quý I tăng trên 6,2%, cao hơn CPI nên có thể tác động tăng giá tiêu dùng trong tháng tới.
Còn theo ông Nguyễn Duy Thiện- Trưởng phòng, Cục Quản lý giá Bộ Tài chính: Tình hình bất ổn chính trị tại Trung Đông, Bắc Phi sẽ tiếp tục tác động làm giá nhiều loại hàng hóa, nguyên nhiên vật liệu thiết yếu trên thị trường thế giới tăng, nhất là giá dầu, giá lương thực, thực phẩm sẽ gây áp lực tăng giá trong nước. Trong khi, thị trường trong nước vẫn tồn tại một số khó khăn như thời gian tới cung ứng điện có thể gặp khó khăn dẫn đến cắt điện luân phiên sẽ ảnh hưởng nhất định đến sản xuất kinh doanh, việc thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, cùng với đó là lãi suất ở mức cao… sẽ gây sức ép tăng giá thị trường.
Phân tích các ý kiến của nhiều thành viên, Tổ điều hành dự báo, trong tháng 4, thị trường hàng hóa trong nước tiếp tục chịu tác động từ nhiều yếu tố khách quan và chủ quan: Giá nhiều mặt hàng nguyên nhiên vật liệu trên thế giới đang diễn biến phức tạp, đặc biệt là dầu thô, mức biến động mạnh và khó lường sẽ tiếp tục ảnh hưởng tới giá nguyên nhiên liệu nhập khẩu. Tình hình thời tiết, dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, có thể ảnh hưởng tới nguồn cung một số mặt hàng nhất là thực phẩm. Việc cung ứng điện còn nhiều khó khăn, nhất là trong mùa khô tới đây, có thể ảnh hưởng tới sản xuất của một số ngành. Đợt điều chỉnh tăng giá điện, giá xăng dầu vừa qua sẽ tiếp tục tác động lan tỏa, từ đó sẽ hình thành mặt bằng giá mới cao hơn trước. Ngoài ra, kỳ nghỉ lễ (giỗ tổ Hùng Vương; ngày 30/4 và 1/5) sẽ làm gia tăng nhu cầu du lịch và ăn uống ngoài gia đình.
Tuy nhiên, nhiều mặt hàng vật tư thiết yếu khác đang có xu hướng ổn định hoặc giảm nhẹ (phân bón, gạo, thép xây dựng…) và với sự sát sao trong kế hoạch đề ra, sự quyết liệt trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ của các cấp, các ngành, dự báo CPI tháng 4/2011 sẽ tiếp tục tăng nhưng thấp hơn so với tháng 3/2011.
(Báo Công Thương Điện Tử)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com