Các doanh nghiệp nhà nước trong 8 ngành được nghiên cứu thường có chỉ số nợ cao nhất so với khu vực ngoài nhà nước và FDI.
Ngày 28/3, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Ngân hàng thế giới (WB) tại Việt Nam công bố Báo cáo thường niên doanh nghiệp Việt trong năm 2010.
Một trong những nội dung được quan tâm là năng lực doanh nghiệp Việt Nam trong năm 2010, trong đó nhấn mạnh sự so sánh giữa các loại hình, lĩnh vực hoạt động của các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế.
Dựa trên tiêu chí về độ tích tụ, báo cáo lựa chọn ra 8 ngành kinh tế để phân tích năng lực doanh nghiệp là: sản xuất trang phục, sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa khí, sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic, sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí, xây dựng, vận tải đường thủy, viễn thông, bảo hiểm, tái bảo hiểm và bảo hiểm xã hội.
Kết quả điều tra cho thấy, năng lực lao động thấp hiện đang tồn tại trong các ngành có độ tích tụ kém là sản xuất trang phục, cao su và xây dựng. Trong đó ngành sản xuất trang phục là ngành có chỉ số năng lực lao động thấp nhất trong 8 ngành nghiên cứu, phổ biến tình trạng khan hiếm lao động, kể cả lao động phổ thông.
Về năng lực tài chính, 8 ngành nghiên cứu đều có chỉ số thanh khoản thỏa mãn giá trị kỳ vọng. Tuy nhiên, nếu xét chi tiết theo loại hình sở hữu, các doanh nghiệp ngoài nhà nước thường có chỉ số thanh khoản cao nhất và luôn thỏa mãn giá trị kỳ vọng, điều mà không phải lúc nào cũng đạt được ở các doanh nghiệp FDI và các doanh nghiệp nhà nước.
Đặc biệt trong ngành vận tải đường thủy, các doanh nghiệp nhà nước có chỉ số thanh khoản và chỉ số bao phủ lãi vay thấp nhất. Điều này cho thấy mức độ báo động về khả năng thanh toán các khoản vay, đồng thời cảnh báo những khó khăn cho việc tìm kiếm các nguồn vốn vay trong tương lai của các doanh nghiệp trong ngành này.
Trong 8 ngành nghiên cứu, chỉ có hai ngành là viễn thông và điện là có chỉ số nợ thỏa mãn giá trị kỳ vọng, nhỏ hơn 1. Các doanh nghiệp nhà nước trong 8 ngành được nghiên cứu thường có chỉ số nợ cao nhất so với khu vực ngoài nhà nước và FDI.
Xét về năng lực sử dụng vốn, thông qua hai chỉ số là là tỷ lệ quay vòng vốn và tỷ lệ quay vòng vốn tự có, ba ngành là viễn thông, điện và xây dựng có chỉ số thể hiện năng lực này yếu hơn cả. Nhìn chung, năng lực sử dụng vốn của các doanh nghiệp trong các ngành có xu hướng giảm xuống trong giai đoạn 2005 - 2009.
Mặc dù khu vực FDI có tỷ lệ doanh nghiệp thua lỗ cao nhất so với các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực nhà nước và ngoài nhà nước. Tuy nhiên, khả năng sinh lợi của các doanh nghiệp FDI lại là cao nhất, xét theo cả 3 chỉ tiêu tỷ suất lợi nhuận trên tài sản (ROA), tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) và tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu (ROS).
Nếu so sánh về khả năng sinh lợi giữa các ngành, viễn thông và bảo hiểm là hai ngành có ROA và ROS cao nhất, trong khi sản xuất trang phục, các sản phẩm từ cao su và sản xuất hóa chất là 3 ngành có ROE cao nhất.
Trong 8 ngành nghiên cứu, có 6 ngành có năng lực kinh doanh ngành chính được đảm bảo với tỷ lệ lao động và doanh thu rất cao. Riêng hai ngành có năng lực kinh doanh ngành chính chưa cao và có xu hướng giảm là vận tại đường thủy và sản xuất, phân phối điện.
Đáng chú ý hơn cả, trong hai ngành này, khu vực doanh nghiệp nhà nước lại là nơi mà năng lực kinh doanh ngành chính đạt tỷ lệ khá thấp.
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com