Công tác quy hoạch chưa được quan tâm đúng mức, chất lượng quy hoạch không cao, tiến độ thực hiện đề án quy hoạch ở hầu hết các xã đều chậm. Kinh phí bố trí cho quy hoạch đang chờ các đề án.
Hơn hai năm triển khai: Vẫn lúng túng
Quy hoạch đường giao thông nông thôn một trong những tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Bá Hoạt
Sau hơn hai năm triển khai đề án Xây dựng nông thôn mới của TP Hà Nội đã đạt được một số thành quả nhất định. Tuy nhiên, theo yêu cầu thì tiến độ vẫn chậm, việc triển khai vẫn còn nhiều vướng mắc. Khó khăn nhất hiện nay là vấn đề lập quy hoạch XD NTM. Khối lượng công việc quá lớn: Phải hoàn chỉnh 376 đề án quy hoạch và xây dựng mới 711 đề án quy hoạch với kinh phí khái toán khoảng 94 tỷ đồng (bình quân khoảng 234 triệu đồng/xã). Kết quả triển khai ở các địa phương cho thấy, công tác quy hoạch chưa được quan tâm đúng mức, mới có rất ít xã hoàn thành quy hoạch, chất lượng quy hoạch không cao, chưa được thường xuyên rà soát, điều chỉnh, bổ sung kịp thời cho phù hợp với thực tế. Một số nội dung quy hoạch chưa được các xã quan tâm như: Quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển các khu dân cư… Mặt khác nhận thức của không ít cán bộ Ban chỉ đạo (BCĐ), Ban quản lý (BQL) XD NTM cấp huyện, xã về nội dung tiêu chí số 1 "Quy hoạch và thực hiện theo quy hoạch" theo hướng dẫn tại Thông tư số 54/2009/TT-BNNPTNT ngày 21-8-2009 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn còn chưa đầy đủ, thiếu thống nhất khi đánh giá thực trạng và xác định nhiệm vụ quy hoạch XD NTM. Tiến độ thực hiện đề án quy hoạch ở hầu hết các xã đều chậm do nhiều nguyên nhân như: chờ được phê duyệt, chờ có tiền… mới bắt tay làm quy hoạch?
Theo chỉ đạo của Chính phủ (thực hiện Thông báo Kết luận số 221/TB-VPCP ngày 20-8-2010) và kế hoạch của UBND TP Hà Nội, cuối năm 2011, các xã trên địa bàn phải cơ bản hoàn thành các đề án quy hoạch XD NTM. Trước mắt trong giai đoạn 2010-2015, các huyện, thị xã triển khai chỉ đạo 160 xã lập đề án XD NTM. Cùng với 19 xã làm điểm, Hà Nội phấn đấu đến cuối năm 2015 có 180/401 xã (45%) đạt tiêu chí NTM, đến năm 2020 có 70% số xã đạt tiêu chí NTM… Mục tiêu, kế hoạch XD NTM trên địa bàn Hà Nội đã được BCĐ XD NTM thành phố và các huyện, thị xã triển khai; các sở, ngành liên quan đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện với phương pháp và quy trình cụ thể, rõ ràng từ việc thành lập BCĐ, BQL XD NTM các cấp và Hội đồng thẩm định đề án của thành phố, của huyện, thị xã… Kết quả lập đề án XD NTM của 19 xã điểm là kinh nghiệm thực tiễn cho các xã triển khai giai đoạn tiếp theo. Đặc biệt, công tác lập quy hoạch XD NTM phải đi trước một bước, nhiệm vụ khảo sát đánh giá thực trạng các tiêu chí để xác định khối lượng đầu tư, chương trình, nhiệm vụ theo 19 tiêu chí là điều kiện tiên quyết, quan trọng của quy trình lập đề án XD NTM của các xã.
Đẩy nhanh tiến độ các đề án quy hoạch
Để đẩy nhanh tiến độ XD NTM, thành phố đã yêu cầu BCĐ XD NTM kiểm tra tiến độ thực hiện ở một số huyện, thị xã và xã làm điểm. 180 xã triển khai đề án XD NTM giai đoạn 2010-2015 phải hoàn thành lập quy hoạch XD NTM và tăng cường đầu tư thực hiện các dự án, chương trình mục tiêu phát triển sản xuất, xóa phòng học tạm, nâng cấp trạm y tế cơ sở, đường giao thông nông thôn, kênh mương, thủy lợi…
Để đạt mục tiêu tiến độ triển khai chương trình XD NTM, BCĐ huyện, thị xã và các xã cần tập trung chỉ đạo triển khai ngay việc rà soát, điều chỉnh, bổ sung và làm mới các đồ án quy hoạch XD NTM; những quy hoạch đã làm nhưng chưa đạt chuẩn cần phải hoàn chỉnh, quy hoạch chưa có thì triển khai ngay việc ký hợp đồng với các đơn vị, doanh nghiệp chuyên ngành (không chờ đề án được duyệt mới làm quy hoạch); quy hoạch hoàn chỉnh xong cần khẩn trương trình cấp có thẩm quyền phê duyệt trước và quan tâm chỉ đạo hoàn thành 3 nhóm quy hoạch theo quy định và hướng dẫn của trung ương. Đối với các đề án quy hoạch chi tiết ngành, lĩnh vực về giao thông, thủy lợi, điện; vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, điểm công nghiệp; chỉnh trang khu dân cư hiện có… BCĐ XD NTM huyện, thị xã giao cho các phòng, ban chuyên môn chỉ đạo hướng dẫn giúp xã chủ động tự lập quy hoạch trình UBND huyện, thị xã phê duyệt. Các xã tiến hành khảo sát đánh giá thực trạng từng tiêu chí theo quy định (19 lĩnh vực) xác định tỷ lệ đạt được để tổng hợp vào hệ thống biểu mẫu theo hướng của BCĐ thành phố. Tiến độ XD đề án của xã nhanh hay chậm là ở khâu này và đây là trách nhiệm của BCĐ xã. Sau khi tổng hợp hoàn thiện đề án sơ bộ, các xã tổ chức họp dân các thôn để quán triệt tuyên truyền lấy ý kiến tham gia đóng góp xây dựng đề án, lựa chọn dự án cần thiết cấp bách triển khai trước; thảo luận xây dựng kế hoạch và phương án huy động vốn, nguồn nội lực ở địa phương.
Sau hơn hai năm triển khai chương trình XD NTM, đến nay nhiều xã vẫn còn lúng túng trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Những vướng mắc, khó khăn về nguồn kinh phí, cơ chế đền bù giải phóng mặt bằng, nâng cao thu nhập người lao động, giải quyết việc làm cho nông dân… là thực tiễn, khách quan mà các cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương, phải tập trung chỉ đạo, tháo gỡ "khẩn cấp". Bên cạnh việc UBND TP Hà Nội tạo cơ chế đặc thù giúp địa phương giải quyết các vấn đề bức xúc thì công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia bàn bạc, thảo luận xác định giải pháp chủ động tự lực, "tự lo cho mình" là yếu tố quan trọng giải quyết ổn thỏa vấn đề này, việc xây dựng NTM "của dân, vì dân, do dân" mới thành hiện thực. Ngân sách thành phố năm 2011 đã chủ động bố trí kinh phí cho công tác lập quy hoạch, kinh phí hỗ trợ trực tiếp các dự án và dự án lồng ghép trên 600 tỷ đồng đang chờ hồ sơ dự án thành phần thuộc đề án XD NTM của các xã đủ điều kiện giao kế hoạch đầu tư sử dụng vốn; kinh phí bố trí cho tiêu chí quy hoạch đang chờ các đề án, dự án của những xã đã hoàn thành.
Kết quả thực hiện tiêu chí quy hoạch theo Quyết định số 193/QĐ-TTg ngày 2-2-2010 của Thủ tướng Chính phủ
Quy hoạch sử dụng đất và hạ tầng thiết yếu cho phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ: Hiện có 263/401 xã (65,5%) đã hoàn thành quy hoạch; trong đó 75 xã (18,7%) theo tiêu chí đạt chuẩn, 188 xã (46,9%) chưa đạt chuẩn cần phải rà soát điều chỉnh và 138 xã (34,4%) chưa có quy hoạch. Quy hoạch phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội và môi trường: Hiện có 75 xã (18,5%) đã có quy hoạch, trong đó: 11 xã (2,7%) đạt chuẩn, 64 xã (169%) cần rà soát điều chỉnh và 326 xã (81,3%) chưa có quy hoạch phải làm mới. Quy hoạch phát triển các khu dân cư mới và chỉnh trang các khu dân cư hiện tại theo hướng văn minh, bảo tồn được bản sắc văn hóa truyền thống. Hiện có 154 xã (38,4%) đã xong quy hoạch; trong đó 30 xã (7,4%) đạt chuẩn, 124 xã (30,9%) cần rà soát để điều chỉnh và 247 xã (61, 6%) chưa làm quy hoạch. |