Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Cơ hội thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế

Để tập trung sức khắc phục những khó khăn trước mắt của nền kinh tế, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 24/2/2011 về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Đây là những giải pháp cần thiết, song vẫn chỉ là biện pháp tình thế, ngắn hạn; để nền kinh tế phát triển bền vững, không thể không tính đến những giải pháp cơ bản thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế.

Một bước điều hành theo nguyên tắc thị trường

Theo Nghị quyết 11, tổng tăng trưởng tín dụng phải dưới 20% (năm 2010 là 28,7%); tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 15 - 16%; tỷ giá và thị trường ngoại hối phải được điều chỉnh linh hoạt; giảm bội chi ngân sách ở mức 5% GDP, tiết kiệm chi thường xuyên 10% v.v... Nhìn chung, các giải pháp đã tập trung xử lý các vấn đề lớn về tài chính, tiền tệ nổi cộm hiện nay, đó là những nguyên nhân trực tiếp gây ra lạm phát.

Có thể thấy rằng tình trạng hiện nay của nền kinh tế là hậu quả của sự điều hành vẫn còn dáng dấp của cơ chế tập trung quan liêu bao cấp, chưa thực sự theo các quy luật của thị trường, mặc dù chúng ta đã qua 25 năm đổi mới. Đến nay, nguồn lực bao cấp đã tới hạn, không thể kéo dài. Tỷ giá VNĐ/USD được điều chỉnh tăng tới 9,3% là nhằm tiếp cận giá thị trường, sự điều chỉnh này chỉ là thừa nhận một thực tế của tỷ giá đã tồn tại trước đây mấy tháng.

Lại như giá điện, giá xăng dầu; mức điều chỉnh lần này cũng khá lớn, nhưng vẫn chưa khỏi bù lỗ: giá xăng của chúng ta trong suốt thời gian qua đã thấp hơn Campuchia, Trung Quốc, Singapore, tình trạng buôn lậu xăng qua biên giới rất phức tạp. Có thể coi đây là một bước điều hành theo tín hiệu của thị trường rất đáng hoan nghênh, để nền kinh tế tiếp tục phát triển bền vững, xét cả theo yêu cầu đổi mới của bản thân nền kinh tế nước ta và yêu cầu hội nhập quốc tế. Chúng ta hội nhập ngày càng sâu vào kinh tế thế giới; trong khi kinh tế thế giới có những biến động lớn, rõ ràng chúng ta không thể "một mình một chợ", để thua thiệt cho nền kinh tế; mà phải có những bước điều chỉnh uyển chuyển, thông minh, theo kịp những bước phát triển của kinh tế thế giới.

Tuy nhiên, từ kinh nghiệm trước đây, có thể thấy những giải pháp mà Chính phủ nêu ra lần này không dễ thực hiện một cách suôn sẻ. Những cản trở có thể do bộ máy nhà nước còn những thói quen điều hành theo cơ chế cũ, nay phải điều hành một cách cụ thể, phức tạp hơn; nhưng đáng quan ngại hơn, đó là những cản trở do lợi ích cục bộ, địa phương, phe nhóm. Rất có thể xảy ra tình trạng "đục nước béo cò", đầu cơ chính sách.

Chính vì vậy, đi đôi với những giải pháp đúng đắn đã xác định, rất cần sự điều hành đồng bộ và quyết liệt của cả bộ máy nhà nước cùng với sự giám sát của xã hội. Rất cần đồng bộ, trước hết là đồng bộ giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa, vì lâu nay, vẫn còn sự thiếu phối hợp giữa các bộ, ngành, thường gây chậm trễ trong thực hiện, lại có sự chồng chéo, thậm chí triệt tiêu lẫn nhau giữa các chính sách, làm méo mó thị trường. Rất cần quyết liệt, vì vẫn có thể có tình trạng lợi dụng, tác động vào việc thực hiện các giải pháp để mưu cầu lợi ích phe nhóm, không vì lợi ích của toàn bộ nền kinh tế, v.v...

Cơ hội thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế

Những biểu hiện thiếu bền vững của nền kinh tế trong thời gian gần đây, thực ra, là kết quả của cả quá trình phát triển. Những giải pháp đề ra trong Nghị quyết 11 của Chính phủ tuy đã xử lý ba yếu tố trực tiếp gây ra lạm phát, đó là giảm tốc độ bơm tiền ra; giảm bội chi ngân sách và cắt giảm đầu tư công, song phải gắn chặt và thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế (còn gọi là "tái cấu trúc" nền kinh tế).

Nói cách khác, việc giải quyết những vấn đề cấp bách trước mắt để kiềm chế lạm phát phải gắn chặt với những định hướng về đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, mà nội dung chủ yếu cần được chú trọng là: (i) chuyển mạnh từ phát triển chủ yếu theo chiều rộng sang phát triển chủ yếu theo chiều sâu, chú trọng chất lượng, hiệu quả, tính bền vững; (ii) chuyển mạnh từ tăng trưởng chủ yếu dựa vào tăng vốn đầu tư, khai thác tài nguyên và sử dụng lao động giá rẻ sang tăng trưởng chủ yếu dựa vào áp dụng khoa học, công nghệ, nguồn nhân lực chất lượng cao; (iii) gắn kết chặt chẽ phát triển kinh tế với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường và (iv) chuyển mạnh từ chủ yếu dựa vào nguồn lực của Nhà nước sang chủ yếu dựa vào nguồn lực của kinh tế dân doanh.

Cũng cần nhấn mạnh rằng thực trạng kém bền vững của nền kinh tế, nhất là xu hướng chạy theo tốc độ tăng trưởng cũng như những nội dung về cơ cấu lại nền kinh tế đã được phát hiện và bàn thảo từ nhiều năm nay, song vẫn chưa có những giải pháp cụ thể để triển khai thực hiện. Những giải pháp trước mắt về kiềm chế lạm phát nếu không gắn chặt và thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế, sẽ có nguy cơ tiếp tục kéo dài cơ cấu lạc hậu, không bảo đảm sự bền vững của nền kinh tế.

Thực tế cho thấy, trong việc cơ cấu lại nền kinh tế, có hai loại vấn đề gay cấn nhất, khó khăn nhất, cần có bước đột phá, đó là đổi mới cơ cấu đầu tư công và sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước. Trong bài này, chỉ xin nhấn mạnh về đầu tư công.

Nhiều năm qua, kinh tế nước ta tăng trưởng dựa chủ yếu vào yếu tố vốn: giai đoạn 1991-1995, vốn đóng góp 29,8% vào nhịp tăng GDP; trong các năm 1996-2000, tăng lên 51,2% và từ 2001-2005 lên tới 60%, trong khi đó, các nhân tố như chất lượng lao động, công nghệ chưa trở thành nhân tố chính của tăng trưởng (theo Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương). Riêng về đầu tư công (bao gồm nguồn ngân sách nhà nước, trái phiếu chính phủ, vốn ODA, các khoản vay tín dụng đầu tư nhà nước, đầu tư của khu vực doanh nghiệp nhà nước, đầu tư bằng nguồn xổ số kiến thiết), mười năm qua, quy mô đầu tư tăng 3,2 lần, hằng năm tăng 13,2%; năm 2008, do lạm phát, đã cắt giảm nhưng cũng chỉ thấp một chút so với năm 2007, đến năm 2009 lại tăng vọt lên.

Nhiều trường hợp đầu tư công lan sang cả những lĩnh vực mà đầu tư tư nhân có thể thực hiện, lấn át cơ hội đầu tư của kinh tế tư nhân; năm 2010, đầu tư của khu vực nhà nước chiếm đến 38,1% tổng vốn đầu tư xã hội; có đến trên 30.000 dự án đầu tư nhà nước, trong đó có 13% chậm tiến độ (thực tế có thể còn nhiều hơn) ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế, ví dụ nhiều công trình về điện.

Đã có nhiều dẫn chứng về đầu tư thiếu quy hoạch gây ra dàn trải, tiến độ thường bị kéo dài gây ra lãng phí, thất thoát, hiệu quả thấp (hệ số ICOR của đầu tư công lên đến 8, cao hơn rất nhiều các thành phần khác), ví dụ như tình trạng quá nhiều nhà máy thép (lại có những nhà máy sử dụng công nghệ lạc hậu, tiêu hao quá nhiều điện); sản xuất xi măng vượt nhu cầu trong nước, cũng như tình trạng trong một khu vực, tập trung quá nhiều cảng biển dẫn đến sử dụng không hết công suất; việc phân cấp cho địa phương về quyết định đầu tư thiếu gắn với quy hoạch và kiểm soát cùng với những quan niệm sai về "công nghiệp hóa, hiện đại hóa" kinh tế địa phương đã gây ra lãng phí vốn nhà nước ở không ít địa phương, v.v...

Tình trạng "chạy dự án" đã được phát hiện từ nhiều năm nay; có những dự án đầu tư được thực hiện không vì lợi ích chung của nền kinh tế. Đầu tư bằng vốn ngân sách tăng nhanh làm cho bội chi ngân sách năm 2009 đã lên đến 6,9% GDP (nếu kể cả các khoản chi từ nguồn trái phiếu chính phủ và một số khoản khác thì bội chi ngân sách thực tế còn cao hơn: IMF tính là 9%; ADB cho là 9,8%), ngân sách thiếu hụt thì phải vay nợ trong nước và nước ngoài, có khi phải vay với lãi suất cao, dẫn đến bảo đảm an ninh tài chính quốc gia đứng trước khó khăn về trả nợ cho các năm sau. Vì vậy, để kiềm chế lạm phát, việc cơ cấu lại ngân sách, giảm bội chi ngân sách, siết chặt đầu tư công trở thành một nhiệm vụ cấp bách.

Đối với đầu tư công, trước mắt, việc tiến hành rà soát chặt chẽ các dự án đầu tư bằng nguồn vốn nhà nước mà các bộ, ngành, các ủy ban nhân dân địa phương, các doanh nghiệp nhà nước đang thực hiện để chấn chỉnh ngay là rất cần thiết. Song quan trọng và cơ bản hơn nữa, là phải có cơ chế giám sát đầu tư, ràng buộc trách nhiệm của cơ quan, thậm chí trách nhiệm cá nhân của người có thẩm quyền quyết định đầu tư, đồng thời công bố công khai, minh bạch các chủ trương đầu tư, thực hiện việc giám sát và phản biện xã hội đối với những công trình quan trọng. Đây thực sự là một nội dung chủ yếu cần được quan tâm để nhân cơ hội này cơ cấu lại đầu tư, thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế, bảo đảm sự phát triển bền vững của đất nước.
-----------------------------------
Tác giả: VŨ QUỐC TUẤN
Theo Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần// Tuần Việt Nam

  • Tình hình kinh tế quý I
  • WB nhận xét tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam
  • Trận đấu kinh tế giữa người dân và chuyên gia
  • Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2010: Bức tranh sáng, tối
  • Việt nam không phải là quốc gia hưởng lợi từ việc giá dầu tăng
  • Những tín hiệu khả quan từ quý I/2011
  • Kiên quyết hơn nữa trong việc đẩy lùi nhập siêu
  • CPI tháng 4 sẽ tăng từ 1,6 - 1,8%
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi