Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Đáp án ‘bài toán’ tái định cư

Thủy điện A Vương đã hỗ trợ tích cực địa phương trong công tác giải toả đền bù, xây dựng các khu tái định cư
Ổn định đời sống cư dân vùng dự án thủy điện là nhiệm vụ quan trọng đối với chính quyền và nhà đầu tư.
 
Miền Trung – Tây Nguyên được đánh giá là “điểm nóng” của các dự án thủy điện, với sự bùng nổ các dự án lớn, vừa và nhỏ, có dự án Trung ương quy hoạch, có dự án địa phương phê duyệt riêng… Vấn đề khó khăn đối với công tác đền bù, tái định cư của các dự án thủy điện này chính là đa số hộ dân vùng dự án là người dân tộc thiểu số, đa dạng về phong tục, tập quán, tư duy phương thức sản xuất…

Trao đổi với phóng viên, ông Đỗ Tài, Phó chủ tịch UBND huyện Đông Giang (Quảng Nam), địa phương có khá nhiều dự án thủy điện, trong đó có Thủy điện A Vương vừa mới đưa vào vận hành cuối năm 2008, khẳng định, từ khi có dự án thủy điện, tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn có những bước phát triển tích cực, đời sống của người dân đã được cải thiện đáng kể. Chủ đầu tư Thủy điện A Vương đã hỗ trợ tích cực địa phương trong công tác giải toả đền bù, xây dựng các khu tái định cư cho người dân thuộc vùng dự án, với số tiền đền bù lên đến hàng trăm triệu đồng.

Tuy nhiên, do nhận thức của người dân còn hạn chế, tập quán sinh sống ven sông để có điều kiện sản xuất đã ăn sâu vào từng người, nên khi được sống tập trung, sinh hoạt của họ đã có nhiều thay đổi, đất phục vụ sản xuất ít hơn, hoặc phải đi xa hơn…, tạo nên không ít khó khăn cho chính quyền trong công tác vận động người dân định canh, định cư, ổn định cuộc sống.

Để giải quyết vấn đề “hậu” tái định cư cho các hộ dân thuộc Thủy điện A Vương, UBND tỉnh Quảng Nam đã có Quyết định 173/QĐ-UBND phê duyệt Dự án mở rộng phát triển sản xuất, ổn định đời sống nhân dân tại Khu vực tái định cư Pachepalanh và Cutchrun thuộc Công trình Thủy điện A Vương đến năm 2015, do UBND huyên Đông Giang lập. Theo ông Tài, mục tiêu chung của Dự án là tạo sự ổn định và từng bước nâng cao đời sống kinh tế - xã hội cho người dân sinh sống tại 2 khu tái định cư, trên cơ sở phát triển nông nghiệp bền vững, hiệu quả, mở rộng khu vực sản xuất, tạo điều kiện cho các hộ dân tăng thu nhập, kết hợp chăn nuôi với trồng trọt, phát triển các ngành tiểu thủ công nghiệp dựa trên thế mạnh của địa phương, khai thác tiềm năng sẵn có trong lĩnh vực du lịch sinh thái, đánh bắt thủy sản…

Tổng kinh phí thực hiện Dự án lên đến 44,048 tỷ đồng, trong đó vốn trung ương hỗ trợ 26,144 tỷ đồng, Tập đoàn Điện lực Việt Nam 5,832 tỷ đồng, còn lại là vốn của địa phương, vay ngân hàng và nguồn vốn nhân dân. “Nếu thực hiện thành công dự án này, thu nhập bình quân đầu người sẽ tăng đều qua hàng năm và ít nhất, đến năm 2015 đạt 5,13 triệu đồng/người. Đó là chưa kể, giá trị sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp cũng sẽ tăng theo tỷ lệ thuận”, ông Tài cho biết.

Về phía chủ đầu tư, ông Nguyễn Văn Lê, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thủy điện A Vương cho biết, khi triển khai Dự án Thủy điện A Vương, Công ty xác định, công tác tái định cư là nhiệm vụ quan trọng, tác động trực tiếp đến tiến độ triển khai dự án. Do đó, Công ty đã thực hiện tốt trách nhiệm của mình với các hộ dân vùng dự án, thực hiện công tác đền bù, hỗ trợ công tác giải toả tái định cư theo chỉ đạo của địa phương. Qua đó, Công ty đã đầu tư hơn 168,7 tỷ đồng cho công tác giải toả, đền bù và xây dựng khu tái định cư, hỗ trợ tiền sinh hoạt 1 năm cho người dân… “Đối với Dự án mở rộng Khu tái định cư Thủy điện A Vương do huyện Đông Giang lập, HĐQT Công ty cổ phần Thủy điện A Vương rất ủng hộ và đã có công văn gửi Tập đoàn Điện lực Việt Nam xin hỗ trợ hơn 5,8 tỷ đồng để hỗ trợ địa phương thực hiện dự án này”, ông Lê nói.

Đối với Dự án sông Tranh 2 tại huyện Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam), công tác tái định cư cho người dân thuộc vùng dự án cũng gặp không ít khó khăn. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam đã làm việc nhiều lần với Ban quản lý Thủy điện 3 - chủ đầu tư dự án để tìm ra giải pháp hữu hiệu nhằm đảm bảo cuộc sống cho người dân, theo hướng kiên trì thực hiện bố trí tái định cư cho dân, không cấp tiền đền bù một lần để tránh việc tiêu xài hoang phí, không đúng mục đích.

Hiện tại, UBND tỉnh Quảng Nam và chủ đầu tư Dự án căn cứ Quyết định 34/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực từ ngày 1/6/2010 để áp giá bồi thường, hỗ trợ cho người dân tái định cư Thủy điện Sông Tranh 2. Đến nay, vùng dự án còn hơn 270 hộ dân tái định cư Thủy điện Sông Tranh 2 chưa nhận tiền vì gặp một số vướng mắc. Chủ đầu tư đề nghị chính quyền địa phương nghiên cứu phương án đền bù hợp lý.

Tại miền Trung, nhiều dự án thủy điện khác cũng đang gặp không ít khó khăn trong công tác giải toả đền bù, tái định cư. Vấn đề đặt ra là giải pháp đền bù và tái định cư phải được sự đồng tình của người dân và được chính quyền các địa phương. Bên cạnh đó, nhà đầu tư lẫn chính quyền địa phương có dự án phải tính cả phương án ổn định đời sống lâu dài cho người dân, trên cơ sở kinh nghiệm của những dự án đi trước, có như vậy mới tránh được thế bị động trong công tác này.

(Theo Hoàng Thủy // Báo đầu tư)

  • Không có chuyện bán Dự án Bãi đậu xe ngầm Công viên Lê Văn Tám
  • Đề án rau an toàn tại Hà Nội: Vẫn ở... vạch xuất phát
  • Việt Nam đứng trước áp lực cải cách mạnh mẽ
  • Thúc đẩy nghiên cứu và phát triển sản phẩm ở doanh nghiệp
  • Nhiều thách thức hội nhập logistics trong ASEAN
  • Cần sàng lọc, giám sát chặt chẽ hơn nguồn vốn FDI
  • Nhận diện tác động của tỷ giá đến 5 ngành cơ bản
  • Việt Nam sẽ có thị trường phát điện cạnh tranh vào năm 2011
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi