Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Thực hư vai trò "anh cả đỏ" của nền kinh tế

Tạo lập sự bình đẳng, tự do cạnh tranh giữa các Tập đoàn và các doanh nghiệp thuộc các thành phần khác sẽ là điểm đáng quan tâm nhất, nếu không các Tập đoàn sẽ tập trung vào mục tiêu lợi ích nhóm và độc quyền tập đoàn, gây tổn hại cho nền kinh tế và xã hội.

Ngày 10/3/2010, tại buổi làm việc với đại diện các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty Nhà nước (DNNN), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đánh giá “Các tập đoàn, Tổng công ty nhà nước là lực lượng giữ vai trò then chốt trong nền kinh tế, là công cụ vật chất để Nhà nước định hướng và điều tiết vĩ mô”, trong thời gian tới có 3 “gánh nặng” đặt lên vai các Tập đoàn là: thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bình ổn thị trường và kiềm chế lạm phát.

Đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định thành lập 11 Tập đoàn kinh tế Nhà nước – những đầu tàu của nền kinh tế trong tương lai, đóng vai trò ổn định nền kinh tế bằng việc nắm giữ những nguồn tài nguyên lớn, được hưởng chính sách đặc thù từ Nhà nước.

Tuy nhiên, thực tế vai trò của các DNNN đến đâu trong nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, liệu nguồn lực mà các DNNN này sử dụng so với kết quả được tạo ra có tương xứng hay không?

Vốn nhiều, hiệu quả thấp

Mặc dù chưa có thống kê chính thức về tài sản hiện thời mà các DNNN này quản lý nhưng ước tính cho rằng nhóm này hiện nắm giữ 60% nguồn vốn cho vay của các Ngân hàng thương mại nhưng chỉ đóng góp được 40% vào GDP hàng năm.

Theo Tiến sỹ Nguyễn Quang A thì tỷ lệ này còn thấp hơn rất nhiều: chỉ khoảng 30%. Như vậy, có thể thấy nguồn lực mà các DNNN này sử dụng nhiều hơn về mặt tỷ lệ so với những gì mà nhóm này đóng góp cho nền kinh tế. Thậm chí các khoản nợ xấu trong hệ thống NHTM thì nhóm DNNN cũng có tỷ lệ cao nhất.

Một ví dụ cũng không được hoàn toàn chuẩn xác khi sử dụng để so sánh, tuy nhiên nó cũng cho chúng ta một cái nhìn tổng quát về hiệu quả sử dụng vốn của nhóm này: định hướng chính sách phát triển kinh tế của Việt Nam là thúc đẩy xuất khẩu.

Tuy nhiên qua thống kê cho thấy tỷ lệ xuất khẩu của khối nội và khối ngoại (FDI) như sau: năm 2006, FDI chiếm 62,8% kim ngạch xuất khẩu trong khi các thành phần kinh tế trong nước chiếm 37,2%; năm 2007 con số này là 60,3% và 39,7%; đến năm 2008 là 55% và 45%; còn năm 2009 tỷ lệ này là 52,8% và 47,2%.

Như vậy, xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước chiếm chưa đến 50%, và đương nhiên con số của các DNNN còn thấp hơn rất nhiều.

Tuy nhiên, cũng không thể không đánh giá vai trò của các DNNN trong việc đầu tư vào các lĩnh vực có suất đầu tư cao, sinh lợi thấp nhằm nâng cao chất lượng sống của cộng đồng dân cư.

Đa dạng hay tự cung tự cấp?


Thực tế, chúng ta thấy chẳng còn mấy các DNNN chỉ hoạt động trong lĩnh vực then chốt của mình mà thay vào đó là mở rộng ra các lĩnh vực bất động sản, xây dựng cơ bản, ngân hàng tài chính, chứng khoán,…

Một lý do khá thuyết phục để giải thích cho hiện tượng này là sự di chuyển của dòng vốn theo suất sinh lợi. Điều này học thuyết Marx đã chỉ ra vài thế kỷ trước đây khi cho rằng mỗi một ngành nghề sẽ tạo ra một suất sinh lợi, những suất sinh lợi này hình thành nên suất sinh lợi bình quân cho nền kinh tế, và đương nhiên dòng vốn - dòng tiền thông minh - sẽ chảy từ nơi có suất sinh lợi thấp đến nơi có suất sinh lợi cao.

Nhưng khi có nhiều vốn chảy vào một vài lĩnh vực “nóng” thì suất sinh lợi cá biệt của ngành này sẽ dần thấp xuống và khi đạt ngang với suất sinh lợi bình quân thì sẽ không còn sức hấp dẫn để dòng vốn tiếp tục đổ vào.

Thậm chí nếu như suất sinh lợi của ngành bị giảm quá so với suất sinh lợi bình quân thì sẽ có hiện tượng dòng vốn chảy ngược và quá trình chảy “ngược” này tất yếu kèm theo hệ quả mất vốn do thua lỗ.
Tuy nhiên, một câu hỏi cần được đặt ra là liệu các Tập đoàn có đủ mạnh để có thể vươn rộng cánh tay của mình như thế không khi bản thân các công việc cốt lõi không thực hiện được.

Trong năm 2009, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã buộc phải tuyên bố ngưng đầu tư 13 dự án phát triển điện do không bố trí được vốn vay, hay việc Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy (Vinashin) với vấn đề sử dụng nguồn vốn trái phiếu ngoại tệ của Chính phủ,…

Cũng không ít các đơn vị trong nhóm này đã thành lập mới các công ty con và công ty liên kết nhằm hoàn chỉnh các khâu trong hoạt động sản xuất kinh doanh, từ đầu tư xây dựng đến sản xuất, vận hành và kinh doanh.

Đứng trên quan điểm của tập đoàn thì đây là hoạt động nhằm hướng đến mục tiêu lợi nhuận tối đa, toàn bộ lợi nhuận của các quy trình đều thuộc về tập đoàn và khép kín, các đơn vị khác ngoài tập đoàn sẽ không có cơ hội tham gia ngoài những công ty “con; cháu”.

Mặc dù vậy, nếu đứng trên quan điểm của cả nền kinh tế thì quá trình này tương tự quá trình tự cung tự cấp mà tồn tại từ thời công xã nguyên thủy, nó biến khu vực mà tập đoàn quản lý trở thành một “lãnh thổ” riêng mà các đơn vị khác không thể xâm nhập.

Nếu xét trên quan điểm hiệu quả kinh tế toàn xã hội thì hoạt động này không đem lại hiệu quả tối ưu cho việc sử dụng và phân bổ vốn. Một nguyên tắc căn bản của kinh tế học, đó là quy luật hiệu suất tăng lên nhờ quy mô, như thế nếu như các đơn vị khác nhau thực hiện chuyên sâu các công việc trong lĩnh vực của mình thì sẽ đem lại hiệu quả cao hơn.

Các DNNN đang thực thi các nhiệm vụ thế nào ?

Trong chiến lược phát triển kinh tế theo định hướng xã hội chủ nghĩa, DNNN được coi là hạt nhân để Nhà nước lựa chọn nhằm hướng các thành phần kinh tế khác theo mục tiêu chiến lược. Tuy nhiên, hiện nay, dường như mục tiêu chính trị, xã hội được đặt lên trên mục tiêu kinh tế khi những phân tích và nghiên cứu cho thấy kết quả mà nhóm này đóng góp cho xã hội nhỏ hơn nhiều những gì mà nhóm này sử dụng của xã hội.

Chỉ trong vòng một thời gian ngắn, việc tăng giá các mặt hàng liên tục đã tạo một sức ép lớn lên chỉ số tiêu dùng (CPI), tuy nhiên chúng ta thấy không nhiều những nỗ lực của các DNNN trong việc bình ổn giá. Đơn cử một vài trường hợp:

Chúng ta nghe đến việc các doanh nghiệp xăng dầu kêu lỗ nhưng Tổng công ty xăng dầu Việt Nam khi báo cáo lại có kết quả kinh doanh lãi đến vài trăm tỷ đồng.

Chúng ta nghe đến chuyện Tổng công ty Hàng không Việt Nam đề nghị tăng giá vé để bù đắp chi phí nhưng theo thống kê thì tiền lương của các nhân viên trong doanh nghiệp này thuộc loại cao nhất trong các lĩnh vực kinh tế.
Hay chuyện Tập đoàn Than Khoáng sản đề nghị tăng giá than vì hiện tại đang bán với giá thấp hơn giá thế giới nhiều nhưng nhiều công ty than niêm yết báo cáo có mức lợi nhuận lên đến 100% vốn điều lệ.

Rồi chuyện Tổng công ty Điện lực Việt Nam đề nghị tăng giá để bù lỗ và có nguồn vốn đề đầu tư phát triển dự án điện nhưng lại đề nghị trích một khoản tiền khổng lồ để thưởng cho nhân viên trong khi thu nhập trung bình của ngành điện thuộc loại cao trong nền kinh tế.

Mới đây nhất, Tập đoàn dầu khí (PV) lại đề nghị tăng giá 47% sản lượng khí Gaz từ 1/4/2010 cho theo kịp cơ chế thị trường, tăng lợi nhuận cho Công ty con trước khi cổ phần hóa.

Trong khi Chính phủ kêu gọi các doanh nghiệp bình ổn giá, nỗ lực kìm chế lạm phát … thì chính giá bán hàng và sản phẩm dịch vụ của các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước lại “tiên phong” xin hoặc thông báo tăng giá.

Bằng việc thành lập các Tập đoàn lớn, dường như chúng ta đang đi theo mô hình của Hàn Quốc khi thành lập các Chaebol vào những năm 60-70.

Tuy nhiên, cơ chế quản lý như thế nào, định hướng phát triển ra sao, làm thế nào phân biệt được suất sinh lợi của đồng vốn do các Tập đoàn quản lý cho các mục tiêu khác nhau: an sinh xã hội, phát triển kinh tế,…cần phải được phân định minh bạch.

Mặc dù mục tiêu thành lập các Tập đoàn kinh tế Nhà nước nhằm “chèo lái” con thuyền kinh tế theo định hướng xã hội chủ nghĩa nhưng tạo lập sự bình đẳng, tự do cạnh tranh giữa các Tập đoàn và các doanh nghiệp thuộc các thành phần khác sẽ là điểm đáng quan tâm nhất, nếu không các Tập đoàn sẽ tập trung vào mục tiêu lợi ích nhóm và độc quyền tập đoàn, gây tổn hại cho nền kinh tế và xã hội

(Tuanvietnamnet)

  • Ăn theo giá điện: Lạm phát theo tâm lý
  • Cảnh giác với việc tăng giá và nguy cơ tái lạm phát
  • ‘GDP quý I tăng 6% không có gì là bất ngờ’
  • “Tam nông” đói vốn!
  • Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng 8%
  • Kinh tế Việt NamThấp thổm
  • “Hậu tăng giá”: Nỗi lo ghìm cương
  • Bộ trưởng Bộ Tài chính: CPI tháng 3 có thể tăng 0,5%
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi