Năm 2010, nền kinh tế Việt Nam sẽ ổn định hơn dù còn nhiều khó khăn và thách thức. Xuất khẩu sẽ tăng trưởng trở lại và trở thành một trong những động lực chính giúp nền kinh tế tăng trưởng.
Năm 2009, năm đầu tiên sau nhiều năm cả xuất và nhập khẩu đều giảm mạnh (xuất khẩu giảm 10% và nhập khẩu giảm 15%), điều đó thể hiện rất rõ ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính và suy giảm kinh tế toàn cầu đến cán cân thương mại trong nước. Nhưng đáng mừng là xuất khẩu có tốc độ giảm chậm hơn so với nhập khẩu nên thâm hụt thương mại năm 2009 cũng giảm bớt so với năm trước.
Tuy nhiên nếu nhìn vào số liệu của từng tháng thì thâm hụt có chiều hướng tăng dần vào cuối năm. Loại trừ ảnh hưởng của việc nhập khẩu vàng trong 3 tháng đầu năm thì thâm hụt đã bắt đầu xuất hiện từ tháng 2, có hai nguyên nhân chính ảnh hưởng đến tình trạng này. Thứ nhất, tác động của gói kích cầu đã khiến tiêu dùng trong nước tăng mạnh, trong khi hàng hoá trong nước không đủ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ thì nhập khẩu sẽ tăng lên. Thứ hai, khi nền kinh tế bắt đầu hồi phục, sản xuất tăng dần, từ đó nhu cầu nhập khẩu nguyên vật liệu phục vụ sản xuất cũng tăng theo. Mặt khác, xuất khẩu hồi phục có phần chậm hơn nhập khẩu do độ lệch tăng trưởng của Việt Nam so với tình hình chung của nền kinh tế thế giới. Theo IMF, kinh tế thế giới được dự báo là chỉ tăng trưởng 1,4% trong năm 2009 trong khi Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng 5,32%. Do sự hồi phục yếu ớt của kinh tế tàon cầu trong năm 2009 nên dù đã nhận được nhiều chính sách hỗ trợ từ phía nhà nước nhưng xuất khẩu vẫn hồi phục tương đối chậm so với nhập khẩu.
Bước sang năm 2010, nền kinh tế đã trở lại quỹ đạo bình thường và dù gói kích cầu chấm dứt nhưng các nhà phân tích vẫn lạc quan động lực tăng trưởng của nền kinh tế sẽ tiếp tục hoạt động. Bên cạnh đó, với những kỳ vọng từ sự hồi phục của thị trường thế giới, xuất khẩu sẽ là động lực lớn cho tăng trưởng năm 2010. Nếu như năm 2009, xuất khẩu giảm 10% so với năm trước thì trong năm 2010 tốc độ tăng trưởng sẽ đạt mức 6% so với 2009 do giá cả và sản lượng của một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực như gạo, cao su, may mặc đã khôi phục đà tăng trong nửa cuối năm 2009. Song song với xuất khẩu, nhập khẩu cũng sẽ tăng trở lại trong năm 2010. Tuy nhiên, mức tăng của nhập khẩu được dự báo sẽ chậm hơn xuất khẩu và đạt mức 5% cả năm.
Một trong những thách thức kinh tế Việt Nam sẽ phải đối mặt trong năm nay chính là lạm phát. Nhiều khả năng lạm phát sẽ quay trở lại do mặt bằng của các yếu tố chi phí cả trong nước và nhập khẩu đang có xu hướng tăng. Gói kích cầu đã sớm tạo ra những kết quả khả quan khi tăng trưởng GDP đã nhanh chóng hồi phục và đi đúng hướng. Tuy vậy, nền kinh tế vẫn chưa thực sự ổn định khi lạm phát bắt đầu có dấu hiệu quay trở lại trong những tháng cuối năm 2009. Thực tế, đến cuối năm 2009, mặc dù tăng trưởng CPI theo năm vẫn đang trên đà giảm nhưng CPI hàng tháng lại biểu hiện xu hướng tăng. Các số liệu thống kê cho thấy cung tiền đã tăng đáng kể trong một thời gian ngắn, tăng 27% trong năm 2009, trong khi đó con số này chỉ là 20% trong năm 2008.
Thêm vào đó, lạm phát có thể được tiếp sức bởi chiều hướng gia tăng của các yếu tố chi phí trong năm 2010 do giá dầu và các nguyên liệu cơ bản đang có chiều hướng tăng lên. Trong khi đó, Việt Nam vẫn chưa chủ động được nguồn nguyên vật liệu cho sản xuất và phải phụ thuộc khá lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, trong cơ cấu nhập khẩu của Việt Nam nguyên vật liệu đã chiếm đến hơn 60% còn lại là nhập khẩu máy móc thiết bị để phục vụ cho phát triển sản xuất nên xu hướng tăng của giá cả nguyên vật liệu thế giới sẽ làm tăng rủi ro lạm phát.
Trong bối cảnh đó, chính sách thắt chặt tiền tệ sẽ là liều thuốc tốt cho lạm phát nhưng có thể sẽ làm cản trở đà tăng trưởng. Để hạn chế lạm phát, chính sách tiền tệ thắt chặt sẽ được duy trì trong nửa đầu năm 2010. Chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của năm 2010 bị hạn chế bớt chỉ ở mức 25% so với mức gần 38% của năm 2009.
(Theo Vinanet)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com