Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Lời giải nào cho bài toán giá mía - đường

Theo thông lệ, kỳ chính vụ thu hoạch mía đường rơi vào đầu năm, lượng đường sản xuất trong nước sẽ dồi dào. Tuy nhiên đầu năm 2010, giá đường trong nước luôn ở mức cao...

Đóng gói đường thành phẩm tại Nhà máy đường Vị Thanh - Ảnh: SGGP

Vụ mía đường năm 2009 - 2010, nông dân cả nước trồng khoảng 290.000 ha mía, sản lượng đường công nghiệp trong nước dự kiến đạt 950.000 tấn, cộng với sản lượng đường thủ công ước đạt 50.000 tấn (quy ra đường kính trắng). Trong khi đó, nhu cầu tiêu dùng trong nước năm 2010 khoảng 1,3 triệu tấn.

Vì sao giá đường trong nước tăng cao?

Theo đó, Bộ NNPTNT tính toán năm 2010 sẽ thiếu khoảng 300.000 tấn đường. Trước mắt Bộ Công Thương đã thống nhất với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Tài chính về cấp hạn ngạch nhập khẩu đường năm 2010 là 150.000 tấn và sẽ tiếp tục theo dõi, đánh giá mức tiêu thụ để điều chỉnh trong những tháng tới.

Trước bối cảnh giá đường thế giới liên tục biến động, cân đối cung cầu trong nước chưa chắc chắn, đầu tháng 2/2010 Bộ Công Thương lại  phải “xin” Chính phủ cho phép nhập khẩu thêm ngay lập tức 100.000 tấn đường.

Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ chỉ đồng ý cho phép bổ sung một nửa số lượng mà Bộ Công Thương đề xuất (50.000 tấn) và toàn bộ lượng đường bổ sung này phải được phân cho các doanh nghiệp thương mại. Có thể thấy chỉ đạo này của Chính phủ được tính toán cân nhắc kỹ trên cơ sở một mặt bình ổn thị trường đường, nhưng mặt khác cũng phải đảm bảo lợi ích cho người trồng mía cũng như các nhà máy sản xuất đường trong nước.

Dự báo thiếu hụt đường trong nước đúng vào thời điểm giá đường thế giới diễn biến bất thường (cuối năm 2009 giá đường đột ngột tăng cao tới 750 USD/tấn) khiến giá đường trong nước cũng bị đẩy lên cao. Tuy nhiên, sau khi đạt mức giá kỷ lục, giá đường thế giới đã giảm khá mạnh và hiện đang dao động ở mức khoảng 520 USD/tấn. Cùng với mức giảm của giá đường thế giới,  từ đầu tháng 3, giá đường tinh luyện xuất xưởng tại các nhà máy đã hạ xuống mức khoảng 16.000 đồng/kg.

Theo đó, giá đường kính trắng bán buôn trong nước (đã bao gồm thuế VAT) từ mức 17.000đ và trên 17.000đ/kg (tháng 1/2010) đã giảm xuống còn 15.000đ đến 15.500đ/kg.

Tuy nhiên, trong khi giá đường thế giới và giá xuất xưởng từ nhà máy đường đều đã giảm, giá bán lẻ trong nước của mặt hàng này vẫn ở mức cao.

Theo khảo sát, tại Hà Nội,  đường tinh luyện của Biên Hòa đang được bán với giá 21.000 đồng/kg, đường Bourbon Tây Ninh có giá 19.000 đồng/kg. Các đại lý tiêu thụ đường cho hay vẫn chưa hề nhận được đề nghị điều chỉnh giá từ nhà cung cấp. Tại chợ và các cửa hàng nhỏ lẻ khác, đường tinh luyện vẫn được bán với giá từ 18.500 - 20.000 đồng/kg tùy theo từng loại. Nguyên nhân khiến giá đường chưa có dấu hiệu giảm được các tiểu thương lý giải rằng do hàng nhập về trước đây ở mức cao, nên không thể ngay lập tức bán theo giá mới.

Giá đường trong nước cao hơn giá đường thế giới cũng là một trong những nguyên nhân khiến đường lậu về càng nhiều.

Câu trả lời chính nằm ở cây mía!

ĐBSCL là nơi có diện tích trồng mía lớn nhất cả nước, song cũng chỉ đủ cho các nhà máy đường ở khu vực này hoạt động trong 5-6 tháng - Ảnh: Đài PTTH Đồng Nai

Từ năm 2000 trở lại đây, diện tích trồng mía trên cả nước giảm dần do không cạnh tranh nổi với một số cây trồng có thu nhập cao hơn, khiến tình trạng tranh mua, tranh bán nguyên liệu giữa các nhà máy thường xuyên xảy ra.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, nguyên nhân sâu xa của tình trạng bất ổn trên là do chúng ta chưa giải quyết được vấn đề quy hoạch vùng trồng mía cho các nhà máy đường, những nhà máy không có vùng nguyên liệu hiện đang nở rộ.

Hiện, đồng bằng sông Cửu Long  là nơi có diện tích trồng mía lớn nhất cả nước với khoảng 60.000ha, giảm gần 10.000ha so với các niên vụ trước, sản lượng mía nguyên liệu ước đạt 3,8 triệu tấn. 10 nhà máy đường trong vùng có tổng công suất ép mía lên đến 22.500 tấn/ngày, nếu cân đối thì số mía nguyên liệu trên chỉ đủ dùng trong 5 - 6 tháng.

Đó là chưa kể cả nước còn khoảng 30 nhà máy đường nằm rải rác từ Bắc vào Nam, công suất bình quân 2.644 tấn mía cây/ngày, hoạt động chỉ đạt 60,7% so với công suất thiết kế.

Hiện giá mía nguyên liệu tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long dao động từ 1.200 - 1.300đồng/kg tại nơi trồng, giá mua tại nhà máy là 1.400 đồng/kg. Dù đây là mức giá cao nhất từ trước tới nay trong lịch sử trồng mía của khu vực này, nhưng các nhà máy đường vẫn thiếu nguyên liệu sản xuất.

Chẳng hạn, nhà máy đường Phụng Hiệp có công suất 2.500 tấn/ngày, chỉ hoạt động được từ 1.800 - 2.000 tấn/ngày, nhà máy đường Vị Thanh công suất 3.500 tấn/ngày cũng chạy không không quá 2.000 tấn/ngày. Đây có phải là nguyên nhân chính để các nhà máy và đại lý tiêu thụ đường đẩy giá đường lên cao ?

Ông Hà Hữu Phái, Tổng thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho rằng, để giải được bài toán giá đường, phải quan tâm chỉ đạo công tác quy hoạch vùng mía một cách nghiêm túc, đảm bảo cho các nhà máy đủ nguyên liệu để sản xuất đường cũng như hướng dẫn, thông tin thị trường kịp thời, tránh việc mất cân bằng cung cầu.

Ngoài ra, để can thiệp nhằm giữ ổn định giá mía đường, các tổ chức thu mua cần mua mía với giá có lợi cho nông dân theo khuyến cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (1 tấn mía trữ đường tại ruộng có giá bán tương đương giá của 60kg đường kính trắng trước thuế tại kho nhà máy đường).

Theo ông Phái, đây chính là cơ sở quan trọng giúp ngành mía đường phát triển bền vững.

Bên cạnh đó, vấn đề liên kết sản xuất, hợp đồng tiêu thụ giữa nhà máy chế biến đường với bà con nông dân thông qua HTX hoặc tổ hợp tác cần được các doanh nghiệp quan tâm. Song song với việc liên kết, ký hợp đồng tiêu thụ, các nhà máy cũng phải sòng phẳng trong đánh giá lượng đường trong mía để định giá hợp lý, tránh tình trạng lúc khan hiếm nguyên liệu thì mía nào cũng đạt, đến khi thừa thãi thì hầu hết mía nguyên liệu đều bị đánh giá có lượng đường thấp.

Về phía người sản xuất, bà con nông dân cần đầu tư giống mía cao sản, nhằm tăng năng suất, cho sản lượng cao hơn trên cùng một đơn vị diện tích. Vừa qua, theo tính toán, với giá mía nguyên liệu trên 1 triệu đồng/tấn, nông dân trồng mía có lãi bình quân khoảng 50 triệu đồng/ha. Riêng những hộ đạt năng suất 200 tấn, lợi nhuận lên đến 100 triệu đồng/ha. Đây là những tín hiệu tốt từ sản xuất làm cơ sở để hy vọng vào việc phát triển mía - đường bền vững.

(Theo Vũ Trọng // Tin Chính phủ)

  • Triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2010
  • Thực hư vai trò "anh cả đỏ" của nền kinh tế
  • Ăn theo giá điện: Lạm phát theo tâm lý
  • Cảnh giác với việc tăng giá và nguy cơ tái lạm phát
  • ‘GDP quý I tăng 6% không có gì là bất ngờ’
  • “Tam nông” đói vốn!
  • Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng 8%
  • Kinh tế Việt NamThấp thổm
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi