Sản xuất thức ăn chăn nuôi tại Công ty Vilo Feed. |
Hà Nội là thị trường lớn tiêu thụ các sản phẩm thức ăn chăn nuôi (TĂCN) cũng là nơi tập trung nhiều doanh nghiệp (DN) sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực này. Những năm qua, việc kiểm soát, quản lý chất lượng các sản phẩm TĂCN được quan tâm song vẫn còn nhiều bất cập.
Nhiều sai phạm, gây thiệt hại cho người chăn nuôi
Hiện nay, Hà Nội có tổng đàn gia súc, gia cầm lớn gần 20 triệu con các loại, trong đó có khoảng 1,6 triệu con lợn và 16 triệu gà, vịt. Ngoài ra, còn có 17.000 hécta mặt nước nuôi trồng thủy sản. Với tổng đàn lớn như vậy, Hà Nội là địa phương tiêu thụ TĂCN lớn nhất cả nước. Trong 4 năm trở lại đây, thị trường TĂCN của Hà Nội đang có sự phân biệt rõ rệt. Trước đây, khi công nghệ sản xuất TĂCN theo kiểu "thủ công" nở rộ, thì số lượng DN tham gia lĩnh vực này khá đông. Từ khi chăn nuôi phát triển mạnh, nhiều DN lớn, nhất là DN có vốn đầu tư nước ngoài đi vào hoạt động, thu hút được các đại lý cung ứng TĂCN chất lượng nên đã giành được thị phần lớn. Một cuộc cạnh tranh khốc liệt trong 4 năm vừa qua đã có hồi kết, thị trường TĂCN của Hà Nội chủ yếu thuộc về các DN lớn. Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, từ năm 2005 đến nay, mỗi năm số DN sản xuất TĂCN của Hà Nội giảm đi 10%, trong đó chủ yếu là các DN nhỏ.
Tuy nhiên, tình hình sản xuất, kinh doanh TĂCN vẫn còn nhiều bất cập và chưa có cách nào giải quyết triệt để. Năm 2009, Thanh tra Sở NN&PTNT Hà Nội đã kiểm tra 39 đơn vị sản xuất, kinh doanh TĂCN, giống cây trồng, vật nuôi trên địa bàn. Tồn tại lớn nhất đối với các DN là chưa chú trọng phân tích chất lượng nguyên liệu "đầu vào", không phân tích chất lượng sản phẩm "đầu ra" dẫn đến có sản phẩm TĂCN chưa đạt tiêu chuẩn chất lượng. Có khi thành phần đạm trong sản phẩm công bố của DN đều đúng và còn vượt chỉ tiêu. Nhưng vấn đề đặt ra là trong đó có bao nhiêu lượng đạm thuộc dạng tiêu hóa được và bao nhiêu là khó tiêu hóa chưa được làm rõ. Bên cạnh đó dư luận cũng đang đặt câu hỏi: liệu trong các dòng sản phẩm TĂCN đậm đặc, giúp lợn, gà lớn nhanh có chất cấm hay không? Câu hỏi này chưa tìm được lời giải đáp thỏa đáng.
Bên cạnh đó, một số DN vẫn lợi dụng tình hình giá cả thị trường không ổn định, công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp còn buông lỏng, vẫn đưa ra thị trường một số lượng lớn TĂCN kém chất lượng. Mặt khác, trong khâu sản xuất vẫn còn một số DN, đặc biệt là DN quy mô sản xuất nhỏ,chưa đủ điều kiện theo quy định; một số DN đủ điều kiện theo quy định nhưng không thực hiện tốt việc kiểm soát nguyên liệu trước khi đưa vào sản xuất, chế biến; không kiểm tra chất lượng các lô hàng trước khi đưa ra thị trường. Một số đơn vị ghi các chỉ tiêu chất lượng trên bao bì sản phẩm không đúng tiêu chuẩn chất lượng đã công bố, hầu hết các chỉ tiêu trên bao bì đều ghi cao hơn so với công bố. Ngoài ra, vệ sinh môi trường, nhà xưởng của một số cơ sở chưa bảo đảm. Đoàn kiểm tra đã lấy 58 mẫu sản phẩm TĂCN của các cơ sở sản xuất, kinh doanh để phân tích 230 chỉ tiêu chất lượng, kết quả 12 chỉ tiêu của 11 mẫu sản phẩm không bảo đảm chất lượng, chiếm 5,2% số chỉ tiêu được phân tích.
Cần chế tài mạnh
Thanh tra Sở NN&PTNT cho rằng, để phát hiện, xử lý được những sai phạm này cần phải có nhiều thời gian và không chỉ riêng ngành NN&PTNT làm được. Nếu như trước đây DN sản xuất, kinh doanh TĂCN chỉ vi phạm về mặt hình thức như ghi sai nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ... thì nay một số cơ sở làm ăn bất chính đã lợi dụng "kỹ nghệ làm giả" để đánh lừa người tiêu dùng dẫn đến sai phạm nghiêm trọng hơn. Đây là vấn đề báo động, nó không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả chăn nuôi mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, do đó rất cần được các sở, ngành quan tâm xử lý dứt điểm, thấy vi phạm phải xử lý kiên quyết. Hiện nay trên thực tế chúng ta vẫn chưa có một chế tài đủ mạnh để răn đe, bởi chỉ phạt hành chính thì DN sẵn sàng nộp phạt, nhưng sau đó không khắc phục tồn tại khiến cho các cơ quan chức năng rất khó kiểm soát.
Chánh Thanh tra Sở NN&PTNT Hà Nội Phạm Khắc Diến cho rằng, Nhà nước cần sớm ban hành các quy chuẩn kỹ thuật về TĂCN, đặc biệt là thức ăn bổ sung để giúp các địa phương có cơ sở thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước trên địa bàn. Cần phải có chế tài cụ thể đối với các hành vi vi phạm về điều kiện sản xuất, kinh doanh TĂCN; chưa có biện pháp ngăn chặn việc thông tin, quảng cáo không đúng sự thật, vi phạm các quy định của pháp luật. Mặt khác UBND quận, huyện phải chủ động tuyên truyền các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh TĂCN đến các DN. Theo đề nghị của Thanh tra Sở NN&PTNT thì bên cạnh việc tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, khuyến khích DN đăng ký tiêu chuẩn chất lượng thì các DN không có cơ hội vi phạm nếu tái phạm thì rút giấy phép, đình chỉ sản xuất, kinh doanh.
(Theo Quỳnh Dung/HNM)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com