Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Đón cơ hội xuất khẩu rau quả

Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, sau nhiều trồi sụt, từ tháng 11/2009 đến nay, hoạt động xuất khẩu rau quả đang khởi sắc trở lại do số lượng đơn đặt hàng tăng rất mạnh so với những tháng trước.

Từ cuối năm 2009, các đơn đặt hàng từ các đối tác nước ngoài đã tăng trở lại - Ảnh: Tuổi Trẻ

Tuy nhiên, các doanh nghiệp trong nước hiện chỉ đáp ứng được 40%- 50% nhu cầu nhập rau quả của các đối tác nước ngoài. Ước tính kim ngạch xuất khẩu rau quả cả năm 2009 chỉ đạt khoảng 400 triệu USD.

Nhiều thị trường tăng nhu cầu với rau quả Việt Nam

Trong năm 2009, sản phẩm rau hoa quả  của nước ta chỉ xuất khẩu được sang 20 thị trường, giảm 17 thị trường so với cùng kỳ 2008. 3 thị trường xuất khẩu chính là Trung Quốc, Nga và Nhật Bản, chiếm 45% tổng kim ngạch xuất khẩu rau hoa quả của Việt Nam. Nhưng đáng mừng là trong những tháng cuối năm, đơn đặt hàng từ các đối tác nước ngoài đã tăng trở lại.

Kim ngạch xuất khẩu rau quả vào Trung Quốc trong cả  năm 2009 đạt gần 50 triệu USD. Các mặt hàng tiêu thụ mạnh tại thị trường này là: thanh long, dừa, khoai, súplơ, cà tím, thảo quả.

Hiện đã có 47 mặt hàng rau hoa quả xuất khẩu sang thị trường Mỹ, tuy nhiên, vẫn chưa thể hiện hết được khả năng cung ứng đa dạng các sản phẩm rau hoa quả  của Việt Nam. Trong các nhóm hàng rau hoa quả xuất khẩu sang thị  trường Mỹ thì kim ngạch xuất khẩu trái cây tươi vẫn còn nhiều hạn chế do những yêu cầu nghiêm ngặt về vệ sinh an toàn thực phẩm...

Xuất khẩu rau sang Singapore cũng đang tăng mạnh. Trước đây, Malaysia là nguồn cung cấp rau chủ yếu của Singapore. Tuy nhiên, do năm nay mùa mưa đến sớm nên thu hoạch rau của Malaysia bị giảm sút, lượng rau của nước này xuất sang Singapore cũng giảm. Để bù đắp thiếu hụt, ổn định thị trường, các nhà nhập khẩu Singapore đã tăng cường nhập khẩu rau từ Trung Quốc và Việt Nam.

Ngoài ra, mới đây, Thương vụ Việt Nam  tại Nhật Bản cho biết, hiện người tiêu dùng nước này đang có xu hướng tìm mua 5 loại trái cây mà theo họ có lợi cho sức khỏe là chuối, dứa, đu đủ, xoài và bơ. Đây là những đặc sản thế mạnh của Việt Nam. Được biết, hiện lượng đơn đặt hàng rau quả vào Nhật tăng 15% so với cuối năm 2009. Nhu cầu rau cấp đông và khoai tây cấp đông xuất khẩu sang thị trường Nhật mỗi tháng lên hơn 1.000 tấn.

Đặc biệt, kể từ khi Nhật Bản dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu thanh long vào ngày 20/10/2009, bình quân mỗi ngày có 1-2 tấn thanh long tươi của Việt Nam qua xử lý hơi nhiệt được Công ty TNHH chế biến trái cây Yasaka xuất bằng đường hàng không sang thị trường Nhật Bản. Giá thanh long bán sỉ tại Nhật Bản dao động từ 8 - 10 USD/kg. Với mức giá này thì thị trường Nhật Bản được doanh nghiệp đánh giá có lợi nhuận tốt hơn so với nhiều thị trường khác là EU, Mỹ, Trung Quốc, Thái Lan...

Theo Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương), doanh nghiệp Việt Nam hiện có rất nhiều thuận lợi về thuế theo Hiệp định Đối tác kinh tế Việt - Nhật, trong đó có đến 84% giá trị nông sản của Việt Nam được giảm thuế. Điều quan trọng hiện nay là các doanh nghiệp cần lưu ý hơn đến chất lượng, đặc biệt là áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn GAP (thực hành canh tác tốt).

Khắc phục tồn tại, đẩy mạnh xuất khẩu

Điều quan trọng hiện nay là các doanh nghiệp cần lưu ý hơn đến chất lượng, đặc biệt là áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn GAP - Ảnh minh họa: Báo ảnh Đất Mũi

Mặc dù vậy, phải nhìn nhận rằng, xuất khẩu rau quả  của nước ta vẫn thường rơi vào tình trạng bấp bênh không ổn  định. Vào nửa đầu năm 2009, khi nguồn rau quả dồi dào thì tiêu thụ lại khó khăn. Đến thời điểm này, thị trường đang rộng mở thì lại không có nhiều rau quả để bán.

Giải thích về điều này, các doanh nghiệp cho rằng năm nay ở miền Bắc khô hạn nên rau thu hoạch được ít, ở miền Nam do mùa mưa đến sớm nên rau bị vàng, dập nhiều khiến sản lượng thu hoạch giảm. Tuy nhiên theo các chuyên gia, đấy mới chỉ là nguyên nhân khách quan, còn về chủ quan vẫn là do các doanh nghiệp thiếu chiến lược bài bản, nhất là vấn đề xây dựng thương hiệu và xây dựng vùng nguyên liệu.

Các chuyên gia dự báo, trong năm 2010, các mặt hàng như trái cây đóng hộp, trái cây sấy khô, khoai lang sấy khô và dưa chuột đóng hộp vẫn là những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Ngoài ra, một số loại trái cây tươi như thanh long, bưởi, nhãn, sầu riêng, hồng xiêm, rau tươi và sấy khô cũng sẽ đạt mức tăng trưởng tốt. Đáng chú ý, hiện nay nhóm trái cây có múi (bưởi, cam, chanh) được giá vì ít chịu sức ép của những sản phẩm trái cây nhập ngoại.

Để thúc đẩy hiệu quả hoạt động xuất khẩu rau quả, mang lại lợi ích cho cả người nông dân và doanh nghiệp xuất khẩu, Hiệp hội Rau quả Việt Nam đã kiến nghị một số giải pháp nhằm đẩy mạnh xuất khẩu, phát triển thị trường và xúc tiến thương mại đối với ngành rau quả.

Thứ nhất, cần xem xét ưu đãi đối với các dự án chuyển dịch cơ cấu hàng rau quả xuất khẩu theo hướng tăng tỉ trọng hàng công nghiệp chế biến; nghiên cứu, cải tạo giống cây trồng, đổi mới, chuyển giao công nghệ sản xuất, chế biến, bảo quản rau quả xuất khẩu; xây dựng các vùng chuyên canh rau quả tập trung.

Thứ hai, cần có thông tin về thị trường sản xuất và tiêu thụ rau quả nhiệt đới, đặc biệt là các thị trường rau quả có chung đường biên giới với Việt Nam.

Thứ ba là tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại trong lĩnh vực rau quả; đào tạo nâng cao tay nghề cho nông dân sản xuất, kinh doanh rau quả xuất khẩu.

Thứ tư, xây dựng các cơ sở xử lý ruồi đục quả đối với rau quả tươi xuất khẩu phù hợp với yêu cầu của nước nhập khẩu và thoả thuận kiểm dịch song phương.

Cuối cùng, Nhà nước tổ chức thực hiện nhanh VietGAP (thực hành canh tác tốt tiêu chuẩn Việt Nam ), GlobalGAP (thực hành canh tác tốt theo tiêu chuẩn quốc tế), giúp doanh nghiệp đăng ký 5 mặt hàng quả tươi xuất khẩu mà thị trường Trung Quốc yêu cầu đăng ký chứng nhận xuất xứ rõ ràng, gồm thanh long, dưa hấu, nhãn, vải và chuối.

(Theo  Vũ Trọng // Tin Chính phủ)

  • Vực dậy cây bông vải : Giải bài toán năng suất và giá thành
  • Kinh tế Việt Nam sau 3 năm gia nhập WTO: Ứng phó tốt hơn
  • Kinh tế tháng 1/2010: Lạc quan từ những con số
  • Góc nhìn chuyên gia: Tốc độ hay chất lượng tăng trưởng?
  • Cải cách BOJ và bài học cho Việt Nam
  • TS. Võ Trí Thành: Tình thế lưỡng nan và bước đi cẩn trọng
  • Kinh tế Việt Nam 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Kinh tế VN năm 2010: Trong thách thức có cơ hội
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi