Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Vực dậy cây bông vải : Giải bài toán năng suất và giá thành

Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 29 phê duyệt chương trình phát triển cây bông vải Việt Nam đến năm 2015, định hướng đến năm 2020 với mục tiêu phát triển cây bông, cung cấp nguyên liệu bông trong nước cho ngành dệt may. Đây là kỳ vọng rất lớn cho nông dân trồng bông trong cả nước sau thời gian dài cây bông phát triển thăng trầm.

Phát triển "thoi thóp"
 

 
Chăm sóc cây bông vải tại Công ty cổ phần Bông Tây Nguyên.

Bộ NN&PTNT cho biết, khoảng 5 đến 6 năm trở lại đây, diện tích trồng bông của Việt Nam đã giảm nghiêm trọng. Thời điểm hoàng kim là niên vụ 2002-2003, diện tích trồng bông cả nước đạt 37.000ha, đáp ứng 10% nhu cầu bông vải. Tuy nhiên, đến năm 2008, đã giảm còn khoảng 3.000ha, chỉ đáp ứng được 1-2% nhu cầu. Niên vụ 2009-2010, do diện tích cây sắn giảm vì giá trị thấp nên nông dân chuyển sang trồng bông, nâng diện tích lên khoảng 8.000ha nhưng vẫn thiếu nghiêm trọng. Thực tế này khiến ngành dệt may của Việt Nam mất nguồn cung nguyên liệu từ trong nước và phải nhập khẩu gần 100% bông xơ. Lý giải tình trạng phát triển "thoi thóp" của cây bông, Phó phòng Cây công nghiệp, cây ăn quả (Bộ NN&PTNT) Đỗ Khắc Ngữ cho rằng, do năng suất quá thấp (1,4 tấn/ha) vì sử dụng các giống bông cũ, thoái hóa; giá thu mua không cao (giá thành hiện tại 10.000 đồng/kg), khiến nông dân không mặn mà với cây bông bằng một số loại cây công nghiệp khác như lạc, đậu, cao su. Qua thống kê của Bộ NN&PTNT, năm 2001, giá thu mua bông hạt chỉ 5.500 đồng/kg, năm 2006 nhích lên 6.000 đồng/kg và đến năm 2009 đạt 9.000 đến 10.000 đồng/kg, trong khi giá bông thế giới ở mức 1,65 USD/kg (trên 25.000 đồng/kg). Ngoài ra, trồng bông đòi hỏi kỹ thuật cao, chi phí vật tư phân bón, thuốc trừ sâu lớn. Thời gian qua, bệnh sâu đục quả phá hại nặng nề, có nhiều khu vực trồng bông mất trắng, bên cạnh đó là quá trình đô thị hóa vùng Đông Nam bộ diễn ra nhanh cũng là những nguyên nhân làm giảm diện tích trồng bông. Về giống, theo các chuyên gia ngành nông nghiệp, ít nhất trong 5 năm gần đây, chưa có giống bông mới nào vượt trội so với một số giống bông kháng rầy trước đó.

Khôi phục vùng bông trọng điểm

Theo ông Đỗ Khắc Ngữ, vấn đề cốt yếu để cây bông phát triển là phải giải quyết được bài toán năng suất cây trồng. Hiện cây bông chủ yếu trồng ở những vùng đất tận dụng nguồn nước mưa nên năng suất thấp, vì vậy phải mở rộng diện tích cây bông có nước tưới (cả nước mới chỉ có 1.000ha bông trồng có nước tưới) bởi trên vùng đất này, nếu chăm sóc tốt, sản lượng bông hạt sẽ đạt khoảng 3-4 tấn/ha. Bên cạnh đó là quan tâm nghiên cứu, lai tạo, chọn lọc giống, xây dựng quy trình sản xuất tiên tiến, khoa học để nâng cao năng suất, từng bước tăng lợi nhuận cho người trồng bông.

Để thu hút người nông dân gắn bó với cây bông, Tập đoàn Dệt may đang xây dựng chương trình phát triển cây bông vải với nhiều dự án sản xuất quy mô lớn. Hiện đã có 8 dự án phát triển cây bông của Vinatex Mart, Viện Nghiên cứu bông và phát triển nông nghiệp Nha Hố, Công ty cổ phần Bông Tây Nguyên… được đầu tư quy mô, trồng theo mô hình trang trại, nông trường ở các tỉnh Tây Nguyên, Duyên hải miền Trung trên diện tích 22.000ha. Diện tích mỗi trang trại từ 1.000ha đến 4.500ha, tập trung ở các tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông. Hiện nay, việc sản xuất cây bông vải chủ yếu theo phương thức đầu tư, liên kết sản xuất trong nông dân. Theo kế hoạch của Công ty cổ phần Bông Việt Nam, việc hồi phục phát triển cây bông mới bắt đầu, mới chỉ duy trì sản xuất và chuẩn bị cho việc mở rộng diện tích sau này. Ngoài ra, công tác nghiên cứu giống mới cũng bước đầu đạt kết quả tốt. Viện Nghiên cứu bông và phát triển nông nghiệp Nha Hố đã lai tạo thành công 2 giống kháng sâu VN 04-3 và VN 04-4 hứa hẹn phù hợp với những vùng trọng điểm của cây bông ở Tây Nguyên và Duyên hải Nam Trung bộ.

Chương trình phát triển cây bông vải Việt Nam đến năm 2015, định hướng đến 2020 đã xác định, sẽ phát triển cây bông vụ khô có tưới theo hướng mở rộng diện tích vùng chuyên canh cây bông vụ đông xuân; đầu tư thâm canh diện tích hiện có, mở rộng diện tích theo quy hoạch ở những nơi có điều kiện trên cơ sở sử dụng giống mới, áp dụng công nghệ canh tác tiên tiến. Ngân sách nhà nước sẽ hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, công trình thủy lợi, hệ thống tưới tiêu. Bên cạnh đó, tiếp tục khôi phục diện tích sản xuất bông tại các vùng trồng bông truyền thống có điều kiện đất đai, khí hậu thích hợp mà trọng điểm là Tây Nguyên. Đặc biệt, quỹ bình ổn giá thu mua bông hạt trong nước sẽ được thành lập để ổn định giá mua bông hạt, bảo đảm lợi ích cho người trồng bông và ổn định phát triển ngành bông.


(Theo Chí Kiên/HNM)

  • Kinh tế Việt Nam sau 3 năm gia nhập WTO: Ứng phó tốt hơn
  • Kinh tế tháng 1/2010: Lạc quan từ những con số
  • Góc nhìn chuyên gia: Tốc độ hay chất lượng tăng trưởng?
  • Cải cách BOJ và bài học cho Việt Nam
  • TS. Võ Trí Thành: Tình thế lưỡng nan và bước đi cẩn trọng
  • Kinh tế Việt Nam 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Kinh tế VN năm 2010: Trong thách thức có cơ hội
  • Tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng nào ?
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi