Cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới đang diễn biến hết sức phức tạp, khó lường và mức độ tác động tới các nước cũng như khả năng và thời điểm ra khỏi khủng hoảng của từng nước rất khác nhau phụ thuộc vào kết quả ứng phó của mỗi nước và sự phối hợp chung toàn cầu. Để thực hiện tốt các mục tiếu kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2009, trong đó có các mục tiêu và chỉ tiêu điều chỉnh đã được Quốc hội thông qua, phải có sự nỗ lực rất lớn của các ngành, các cấp.
Dự báo khả năng thực hiện một số chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế chủ yếu 6 tháng cuối năm và cả năm 2009
Với các dự báo về kinh tế thế giới và kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong 6 tháng đầu năm 2009, nền kinh tế nước ta đang có chuyển biến theo chiều hướng tích cực, mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Trên cơ sở đó và với các chính sách hỗ trợ, kích cầu đang được thực hiện, dự báo tình hình kinh tế 6 tháng cuối năm và cả năm 2009 như sau:
(1) Tăng trưởng kinh tế năm 2009: Căn cứ vào tình hình kinh tế thế giới, tình hình kinh tế - xã hội các tháng đầu năm và dự báo trong các tháng tới, nếu các ngành, các cấp có sự nỗ lực cao, các chính sách, giải pháp của Đảng và Nhà nước được thực hiện đồng bộ, kịp thời, đúng mục tiêu, đối tượng đã đề ra, dự kiến tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) 6 tháng cuối năm có thể cao hơn 6 tháng đầu năm 2009, đạt khoảng 5,9-6,8% so với cùng kỳ năm trước. Trên từng lĩnh vực, dự báo tốc độ tăng giá trị tăng thêm năm 2009 của khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản đạt 2-2,3%, khu vực công nghiệp và xây dựng đạt khoảng 5-5,6%; khu vực dịch vụ đạt khoảng 6,2-6,7%. Trên cơ sở đó, dự báo tốc độ tăng trưởng GDP năm 2009 đạt khoảng 5-5,5%, đạt chỉ tiêu điều chỉnh mà Quốc hội đã thông qua.
(2) Sản xuất công nghiệp và xây dựng: Dự báo trong 6 tháng cuối năm, tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng thêm ngành công nghiệp có thể cao hơn 6 tháng đầu năm nhờ tác động tích cực của các biện pháp kích cầu đầu tư, hỗ trợ sản xuất và kích thích tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, đạt 4,5%-5,4%. Dự báo cả năm 2009 tốc độ tăng trưởng giá trị tăng thêm của ngành công nghiệp đạt khoảng 3,5-4%. Ngành xây dựng có triển vọng phát triển thuận lợi, tình hình thị trường bất động sản bắt đầu có dấu hiệu “tan băng”, cùng với việc bổ sung thêm nhiều nguồn vốn thực hiện các dự án đầu tư từ giải pháp kích cầu của Chính phủ, dự báo 6 tháng cuối năm ngành xây dựng tăng khoảng 11,5-13%, cả năm tăng khoảng 10,5%-11,5%. Tính chung lại, dự báo giá trị tăng thêm ngành công nghiệp và xây dựng năm 2009 tăng khoảng 5-5,5%.
(3) Sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản: Năm 2009, sản xuất lương thực tiếp tục tăng trưởng. Khai thác và nuôi trồng, xuất khẩu thuỷ sản có triển vọng phát triển tốt. Nhưng do sản lượng lương thực và thuỷ sản năm 2008 đã đạt mức kỷ lục so với trước, nên khó có khả năng tăng nhiều trong năm 2009. Mặt khác, trên cả thế giới, trong bối cảnh thị trường công nghiệp tiếp tục bị thu hẹp, thì giá cả và nhu cầu tiêu thụ lương thực, nông sản đang có xu hướng tăng lên, đồng thời giá phân bón vật tư nông nghiệp giảm sẽ là những yếu tố thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp. Với tình hình trên, dự báo giá trị tăng thêm ngành nông, lâm, thuỷ sản 6 tháng cuối năm có thể đạt 2,7-3,2%, cả năm đạt khoảng 2-2,3%.
(4) Khu vực dịch vụ: Nếu so sánh với khu vực công nghiệp, thì khu vực dịch vụ chịu tác động ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thế giới ở mức độ thấp hơn. Căn cứ kết quả thực hiện 6 tháng đầu năm và triển vọng các tháng tiếp theo, cùng với kết quả thực hiện các chính sách kích cầu, trong các tháng tới khu vực dịch vụ sẽ tiếp tục phát triển, giá trị gia tăng khu vực này trong 6 tháng còn lại dự báo tiếp tục tăng cao hơn, đạt khoảng 6,8-7,7%. Dự báo cả năm 2009 tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng thêm khu vực dịch vụ có thể đạt khoảng 6,2-6,7%.
(5) Xuất, nhập khẩu: Tình hình xuất khẩu năm nay gặp nhiều khó khăn thương mại toàn cầu có thể giảm mạnh. Dự kiến tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2009 đạt khoảng 64,5 tỷ USD, tăng 3% so với năm 2008, đạt được chỉ tiêu Quốc hội đã cho phép điều chỉnh, trong đó xuất khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) đạt 25 tỷ USD, chiếm 38,7% tổng kim ngạch xuất khẩu và tăng 3,4% so với năm 2008.
Trong các tháng tới, nhu cầu nhập khẩu có thể tăng lên khi các biện pháp hỗ trợ sản xuất phát huy tác dụng. Tổng kim ngạch nhập khẩu dự kiến đạt khoảng 75 tỷ USD, giảm 7% so với năm 2008. Dự báo nhập siêu năm 2009 khoảng 10 tỷ USD, tương đương với khoảng 16% kim ngạch xuất khẩu.
(6) Phát triển doanh nghiệp: Mặc dù tình hình kinh tế suy giảm, nhưng số doanh nghiệp đăng ký mới trong năm 2009 vẫn đạt trên 76 nghìn doanh nghiệp, tăng khoảng 17% so với năm 2008. Tuy nhiên, số vốn đăng ký mới trong năm chỉ đạt 328 nghìn tỷ, bằng khoảng 58% so với năm 2008. Dự kiến đến cuối năm 2009 sẽ sắp xếp được khoảng 300 doanh nghiệp nhà nước, trong đó cổ phần hoá doanh nghiệp.
(7) Đầu tư phát triển: Tình hình suy giảm kinh tế, những khó khăn trong sản xuất kinh doanh, hiệu quả đầu tư kinh doanh giảm sút ảnh hưởng trực tiếp đến các hoạt động đầu tư phát triển. Trước tình hình đó, Chính phủ đã thực hiện các giải pháp kích cầu đầu tư, tăng cường huy động các nguồn vốn, bao gồm việc ứng trước kế hoạch đầu tư NSNN của các năm sau, bổ sung tăng thêm nguồn vốn Trái Phiếu Chính phủ, vốn tín dụng đầu tư, tín dụng xuất khẩu, tín dụng đào tạo lại cho người lao động bị mất việc làm,... Dự báo cả năm 2009 sẽ đạt được kế hoạch tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đã đề ra.
(8) Cân đối thu, chi NSNN: Ước tính thực hiện NSNN năm 2009 khoảng 379.320 tỷ đồng, trong đó cơ cấu thực hiện các khoản thu như sau: Thu nội địa ước đạt 223.000 tỷ đồng, bằng 95,71% dự toán; thu dầu thô ước đạt 57.300 tỷ đồng bằng 90% dự toán; thu cân đối từ hoạt động xuất khẩu ước đạt 93.020 tỷ đồng bằng 105,46% dự toán; thu viện trợ không hoàn lại 6.000 tỷ đồng bằng 120% dự toán.
Chi NSNN vẫn đảm bảo thực hiện các nhiệm vụ theo dự toán được giao và tiến độ thực hiện. Chi NSNN tập trung xử lý các chính sách đảm bảo an sinh xã hội, phòng chống khắc phục thiên tai, dịch bệnh, xử lý các nhiệm vụ quan trọng, cấp bách phát sinh ngoài dự toán Ngân sách đã được giao và các khoản chi trong gói kích thích kinh tế. Chi NSNN năm 2009 ước thực hiện đạt 533.220 tỷ đồng bằng 109% kế hoạch, trong đó: chi đầu tư phát triển ước đạt 161.000 tỷ đồng bằng143% so với dự toán và chiếm 30,19% cơ cấu chi; chi sự phát triển kinh tế- xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng, quản lý nhà nước, đảng đoàn thể (bao gồm các chi cải cách tiền lương) ước đạt 313 tỷ đồng bằng 102% dự toán và chiếm 58,78% cơ cấu chi; chi trả nợ viện trợ đạt 58.000 tỷ đồng bằng 100% dự toán.
Trong năm 2009 do khả năng thu ngân sách không đạt dự toán cộng thêm việc tiếp tục thực hiện các giải pháp kích thích kinh tế, kích cầu đầu tư, tiêu dùng do vậy bội chi ngân sách sẽ tăng lên.
(9) Cán cân thanh toán quốc tế: Năm 2009 cán cân thanh toán tổng thể có thể thâm hụt hoặc thặng dư ở mức thấp do xuất khẩu sẽ gặp nhiều khó khăn, trong khi nhu cầu nhập khẩu có thể vẫn gia tăng khi phục hồi sản xuất, giải ngân các dự án sử dụng vốn FDI thấp; lượng kiều hối ở nước ngoài chuyển về giảm do thu nhập giảm... Cân đối ngoại tệ sẽ gặp nhiều khó khăn.
(10) Giá cả và lạm phát: Hiện nay kinh tế thế giới đang trong tình trạng suy thoái sâu và giá cả biến động ở mức thấp. Tuy nhiên, những biến động kinh tế thế giới sau khi Chính phủ các nước đã chỉ ra các khoản tài chính không lỗ để kích thích nền kinh tế và việc thực hiện các chính sách kích cầu đầu tư và tiêu dùng..., sẽ tác động đến giá cả. Hiện nay, giá dầu thô đã lên gần 70 USD/thùng, cao gấp hơn 2 lần mức giá thấp nhất trong Quý I. Tình hình phục hồi, giá cả thế giới tăng và các yếu tố tăng tổng cầu có khả năng thanh toán, như tổng phương tiện thanh toán, tổng dư nợ tín dụng như đã báo cáo ở trên với việc điều chỉnh giá các vật tư, đầu vào... sẽ ảnh hưởng đến giá cả trong nước. Dự báo chỉ số giá tiêu dùng năm 2009 có thể tăng khoảng dưới 10%. Trước áp lực tăng giá nêu trên, cần tăng cường các biện pháp quản lý, nhất là về tiền tệ, tín dụng, tăng cường quản lý thị trường, chống đầu cơ, nâng giá...
Một số giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch trong 6 tháng cuối năm
Trong thời gian tới, cần tiếp tục tổ chức thực hiện tốt các giải pháp, chính sách đã được đề ra trong Nghị quyết Trung ương 9 (khoá X), các kết luận của Bộ Chính trị, các Nghị quyết của Quốc hội và Nghị quyết số 30/2008/NĐ-CP ngày 11/12/2008 của Chính phủ về những giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội,...; tập trung thực hiện những giải pháp, chính sách chủ yếu sau đây:
Thứ nhất, thực hiện có hiệu quả các giải pháp kích cầu, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế khoảng 5%
Đối với sản xuất nông nghiệp, phải chỉ đạo quyết liệt, sát sao, bảo đảm đủ nước tưới, phân bón, thuốc trừ sâu; không để dịch bệnh lây lan cả đối với cây trồng và vật nuôi. Khắc phục tình trạng “được mùa, rớt giá” và tồn đọng lương thực, nông sản như thời gian vừa qua. Cung cấp đủ giống có chất lượng cao cho người nông dân đảm bảo mùa vụ. Cho nông dân vay vốn ưu đãi để trang bị máy nông nghiệp, vật liệu làm nhà, mua trả góp một số hàng tiêu dùng. Tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp mua tạm trữ nông sản hàng hoá có giá trị khi giá thị trường xuống thấp.
Về sản xuất công nghiệp và xây dựng, phải rà soát để tiếp tục đơn giản hoá các thủ tục có liên quan đến đầu tư và hoạt động sản xuất kinh doanh. Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc giải phóng mặt bằng, tiếp cận các nguồn vốn tín dụng, thủ tục nộp thuế, nghiên cứu xem xét lại việc áp dụng giá điện cao điểm buổi sáng, giảm giá dịch vụ cảng biển, xem xét hoãn các khoảng đóng góp của các doanh nghiệp đang gặp khó khăn..
Về xuất khẩu, tập trung thúc đẩy hoạt động xúc tiến thương mại theo phương thức tập trung hỗ trợ trực tiếp cho các mặt hàng và hợp đồng xuất khẩu lớn, quan tâm đến các thị trường lớn, truyền thống và các thị trường tiềm năng như Bắc Phi, Trung Đông, Mỹ La Tinh ở cả cấp Chính phủ và doanh nghiệp. Điều chỉnh tỷ giá ngoại tệ theo hướng có lợi cho xuất khẩu. Tiếp tục xem xét dãn thời gian nộp thuế nhập khẩu cho các mặt hàng nguyên liệu, đầu vào cho sản xuất hàng xuất khẩu, tạo điều kiện cho doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất, tăng năng lực cạnh tranh của hàng hoá.
Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại và phát triển thị trường nội địa; trong đó chú trọng phát triển thị trường nông thôn. Đồng thời, tăng cường các biện pháp chống buôn lậu, gian lận thương mại để bảo vệ sản xuất trong nước.
Thứ hai, tăng cường quản lý, sử dụng hiệu quả, thúc đẩy giải ngân các nguồn vốn đầu tư; khuyến khích, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế bỏ vốn đầu tư phát triển
Cải thiện môi trường đầu tư nhằm tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước bỏ vốn đầu tư kinh doanh. Xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành và triển khai thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật có liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 5 khoá XII. Tiếp tục sửa đổi, bổ sung, ban hành đầy đủ các văn bản hướng dẫn thi hành các luật có liên quan.
Bố trí và sử dụng hiệu quả vốn kích cầu đầu tư vào những dự án có hiệu quả, sử dụng đúng mục đích, đối tượng, chủ động ngăn chặn suy giảm kinh tế, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Triển khai có hiệu quả nguồn vốn trái phiếu Chính phủ bổ sung 20.000 tỷ đồng đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 5 khoá XII.
Tập trung thực hiện các biện pháp đẩy mạnh tiến độ giải ngân các nguồn vốn NSNN, trái phiếu Chính phủ, vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn tín dụng đầu tư, vốn đầu tư của doanh nghiệp nhà nước, nhất là đối với các công trình dự án quy mô lớn, vốn FDI và các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển nông nghiệp, nông thôn. Đối với các khoản vốn đầu tư thuộc NSNN của các Bộ, ngành ở Trung ương, các khoản vốn bổ sung có mục tiêu cho các địa phương, vốn trái phiếu Chính phủ đến hết tháng 8 chưa triển khai hoặc không thể giải ngân hết kế hoạch năm 2009 thì phải điều chuyển giữa các Bộ, ngành, giữa các địa phương.
Tăng cường các hoạt động xúc tiến đầu tư. Tiến hành đồng bộ sáu nhóm giải pháp cấp bách Chính phủ đã thông qua để thu hút và quản lý tốt hơn nguồn vốn FDI trong thời gian tới. Khai thác tối đa nguồn vốn ODA để bổ sung tăng thêm vốn cho đầu tư phát triển. Đi đôi với việc đẩy nhanh tiến độ đàm phán, ký kết và giải ngân theo các hiệp định, dự án hiện có, phải đẩy mạnh huy động các khoản vay ODA với mức độ ưu đãi thấp hơn của các tổ chức tài chính quốc tế như WB, ADB...
Thực hiện các biện pháp phù hợp để khai thác tốt thị trường nội địa. Khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp tổ chức các đợt hạ giá để kích thích tiêu dùng.
Thứ ba, điều hành linh hoạt chính sách tài chính, tiền tệ, có các giải pháp kịp thời nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, ngăn ngừa tái lạm phát.
Về chính sách tài chính, tiếp tục tổ chức thực hiện tốt các chính sách giãn miễn, giảm thuế theo Nghị quyết số 30/2008/NQ-CP của Chính phủ. Điều hành linh hoạt chính sách thuế theo hướng tạo điều kiện doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh, đẩy mạnh xuất khẩu, kiềm chế nhập siêu. Thực hiện Chi NSNN theo mức bội chi NSNN điều chỉnh (không quá 70% GDP) đã được Quốc hội thông qua với tinh thần chi tiêu đúng mục đích, tiết kiệm và hiệu quả; cắt giảm các nhiệm vụ chi chưa cần thiết, nhất là trong việc hội họp, đi nước ngoài, tổ chức lễ hội, mua sắm... Có kế hoạch để giảm dần bội chi trong một số năm tiếp theo. Các Bộ, ngành, địa phương thực hiện các biện pháp tăng thu, chống thất thu, kiên quyết thu hồi nợ đọng để bù đắp số giảm thu, sắp xếp các nhiệm vụ chi, chủ động cân đối thu, chi ngân sách. Chính phủ sử dụng số bội chi NSNN tăng thêm chi để bù đắp số hụt thu, bảo đảm nhiệm vụ chi NSNN năm 2009 đã được Quốc hội quyết định; chú trọng cơ cấu lại nền kinh tế.
|
Về chính sách tiền tệ và tín dụng, đồng thời với việc tiếp thu thực hiện các biện pháp điều hành chủ động, linh hoạt để ổn định tiền tệ, ổn định kinh tế vĩ mô. Thực hiện tốt chính sách hỗ trợ lãi suất 4%/năm cho các tổ chức, cá nhân vay vốn lưu động để sản xuất với thời hạn 8 tháng, cho các đối tượng vay vốn tín dụng với thời hạn 2 năm; hỗ trợ lãi suất vốn vay mua máy móc thiết bị, vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp và vật liệu xây dựng nhà ở khu vực nông thôn; hỗ trợ lãi suất tín dụng đầu tư phát triển của nhà nước và tín dụng đầu tư phát triển của nhà nước và tín dụng chính sách xã hội. Giảm các điều kiện được bảo lãnh tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, đi đôi với việc cải cách các thủ tục xét, duyệt đối với các đối tượng này.
Đi đôi với các biện pháp chính sách tài chính, tiền tệ nhằm chống suy giảm kinh tế, cần tăng cường các biện pháp để ổn định kinh tế vĩ mô, trước hết là bảo đảm ổn định các cân đối lớn: thu, chi NSNN, xuất nhập khẩu, tiền tệ và các công cụ chính sách tiền tệ khác một cách linh hoạt, theo các tín hiệu của thị trường để ngăn ngừa tái lạm phát một cách chủ động và hiệu quả.
Thứ tư, các giải pháp đảm bảo an sinh xã hội
Tiếp tục tổ chức thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội đã ban hành, bảo đảm kịp thời, đúng đối tượng hỗ trợ, góp phần giảm bớt khó khăn về đời sống nhân dân và hỗ trợ thúc đẩy sản xuất phát triển, nhất là các vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc...
Triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp chính sách tạo thêm nhiều việc làm mới, thông qua việc hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, phát triển các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động. Tổ chức tốt việc đào tạo lại cho số lao động bị mất việc làm, chuyển đổi nghề nghiệp, lao động xuất khẩu về nước trước thời hạn,... xây dựng quan hệ lao động lành mạnh, bảo đảm vệ sinh, an toàn lao động trong các loại hình doanh nghiệp. Có chính sách và cơ chế quản lý phù hợp đối với lao động người nước ngoài, góp phần đẩy mạnh đầu tư, chuyển giao công nghệ và kinh nghiệm quản lý; nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, đồng thời với việc đảm bảo an ninh, trật tự xã hội.
Thực hiện chính sách hỗ trợ người nghèo, người dân vùng khó khăn, vùng bị thiên tai, đồng bào dân tộc thiểu số. Triển khai thực hiện các đề án phát triển kinh tế-xã hội đối với các huyện có tỷ lệ người nghèo cao theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo.
Nghiên cứu lập quỹ mua nhà trả góp để hỗ trợ đối tượng thu nhập thấp có khó khăn về nhà ở. Có chính sách hỗ trợ một phần để đảm bảo đời sống đối với những người bị mất việc làm trong các doanh nghiệp... Chuẩn bị các điều kiện để triển khai thực hiện chủ trương xây dựng nhà ở cho sinh viên từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, trong 2 năm 2009-2010 phấn đấu bảo đảm chỗ ở cho khoảng 40% sinh viên được ở trong ký túc xá.
Tăng cường các biện pháp để phòng ngừa, kiểm soát dịch bệnh, nhất là các dịch bệnh nguy hiểm như: dịch cúm A (H1N1)... bảo đảm thực hiện tốt chính sách khám chữa bệnh và bảo hiểm y tế cho người nghèo. Thực hiện tốt việc điều chỉnh tăng lương cơ bản và các chính sách phụ cấp cho một số đối tượng theo đúng chương trình cải cách tiền lương đã được phê duyệt.
Thứ năm, công tác chỉ đạo điều hành
Tăng cường các biện pháp tổ chức thực hiện, điều hành tập trung, quyết liệt từ Trung ương đến tất cả các cấp, các ngành. Tăng cường công tác thanh tra hướng vào việc thực hiện các chính sách kích cầu, ngăn chặn suy giảm kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội.
Nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu, dự báo, cảnh báo về tình hình kinh tế-xã hội; hình thành quy trình phối hợp, cung cấp thông tin, xây dựng các phương pháp phân tích, dự báo để tham mưu kịp thời cho các cấp lãnh đạo trong chỉ đạo điều hành kinh tế- xã hội. Theo dõi giám sát diễn biến kinh tế thế giới và trong nước để dự báo các tình huống có thể xảy ra và xây dựng phương án và giải pháp ứng phó kịp thời. Nghiên cứu một cách toàn diện các vấn đề hậu khủng hoảng, khi kinh tế thế giới phục hồi và các vấn đề đặt ra đối với phát triển nền kinh tế nước ta để có đối sách và định hướng phát triển phù hợp.
Điều chỉnh, bổ sung, nâng cao chất lượng quy hoạch phát triển các ngành, vùng, các sản phẩm lớn, quan trọng và công khai hoá quy hoạch, chính sách để mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư. Đẩy mạnh công tác kế hoạch hoá; đổi mới, hoàn thiện công tác lập kế hoạch và theo dõi đánh giá thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội. Nghiên cứu, đề xuất các định hướng và giải pháp cơ cấu lại nền kinh tế./.
( Theo Mai An // Báo Kinh tế và Dự báo )
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com