Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Gia nhập WTO - bốn năm nhìn lại

Cá tra đang là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam nhưng lại phải đương đầu với hàng rào bảo hộ tại các thị trường nhập khẩu. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Thấm thoát đã bốn năm trôi qua kể từ khi nước ta gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), bước vào sân chơi thương mại toàn cầu. Sau những phấn khích ban đầu, những lo âu tiếp nối trong mấy năm kinh tế thế giới và trong nước biến động dữ dội, giờ đây chúng ta có thể ghi nhận những gì từ cuộc chơi này?

Sẽ cần những nghiên cứu để đánh giá đầy đủ, thấu đáo về bốn năm qua, nên bài viết nhỏ này chỉ nhằm chia sẻ một số suy nghĩ, cảm nhận dựa trên quan sát những gì diễn ra trong thực tế dễ thấy nhất, có liên quan trực tiếp tới việc nước ta tham gia tổ chức thương mại toàn cầu này.

Tác động tích cực

Nhìn tổng thể, việc gia nhập WTO đã có tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế của nước ta trong bốn năm qua. Chúng ta đã gặt hái một số thành công thường được kỳ vọng: tăng trưởng GDP khá cao, xuất-nhập khẩu tăng mạnh, các nguồn vốn đầu tư nước ngoài, ODA và kiều hối được cam kết và đổ vào ở mức cao chưa từng có, quan hệ hợp tác kinh tế và thương mại với nhiều nước được tăng cường và mở rộng, đặc biệt là với các đối tác quan trọng. Lực lượng doanh nghiệp phát triển nhanh, các thị trường nhân tố mau chóng mở rộng, một số sản phẩm và doanh nghiệp khẳng định được chỗ đứng trên thị trường trong nước và quốc tế. Công ăn việc làm được tạo thêm, tỷ lệ đói nghèo tiếp tục giảm, và năm 2010 Việt Nam đạt mức thu nhập bình quân đầu người khoảng 1.200 đô la Mỹ, bước vào hàng ngũ các nước thu nhập trung bình.

Thể chế kinh tế và môi trường kinh doanh trong nước được cải thiện về nhiều mặt theo hướng mở rộng tự do hóa thương mại và đầu tư, phù hợp với các cam kết của nước ta với WTO cũng như các cam kết đa phương và song phương khác, đặc biệt trong khuôn khổ ASEAN và với các đối tác trong khu vực.

Một số thỏa thuận mới nhằm phát triển các mối quan hệ hợp tác kinh tế song phương và đa phương quan trọng được khởi động, trong đó có những thỏa thuận đã được ký kết và đi vào thực hiện. Tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, tự do hóa và chuyển sang thể chế kinh tế thị trường diễn ra ngày càng sâu rộng, được sự ủng hộ mạnh mẽ của nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế. Vị thế của Việt Nam được nâng cao, đặc biệt trong vai trò ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc và Chủ tịch ASEAN năm 2010.

Trong môi trường kinh tế toàn cầu bị chấn động lớn, thị trường thế giới đầy khó khăn, thay đổi liên tục và tới nay vẫn chưa bình ổn sau khủng hoảng, những thành tựu trên là rất đáng kể và minh chứng rõ cho tính đúng đắn của chủ trương cải cách và hội nhập của chúng ta.

Mặt khác, trong bốn năm qua, những khó khăn, thách thức đối với nền kinh tế và doanh nghiệp nước ta cũng lớn và phức tạp hơn bao giờ hết.

Nhập siêu tăng mạnh tác động xấu tới cán cân thanh toán, lạm phát cao, giá cả các mặt hàng cơ bản, lãi suất tín dụng và tỷ giá hối đoái liên tục biến động xấu, thâm hụt ngân sách và nợ công tăng lên... gây bất ổn kinh tế vĩ mô. Đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài tăng cao theo hướng nguồn vốn đổ quá nhiều vào các dự án bất động sản và khai thác tài nguyên thiên nhiên, đẩy giá đất lên tới mức phi lý và gây tác hại môi trường lớn, đồng thời làm giảm tương đối mức đầu tư cần thiết vào các ngành công nghiệp chế tạo và nông nghiệp.

Tốc độ tăng GDP tuy khá cao, kể cả trong những năm khủng hoảng, nhưng tăng trưởng dựa chủ yếu vào nhân tố vốn, và hiệu quả sử dụng vốn (thể hiện qua hệ số ICOR) giảm mạnh trong bốn năm qua. Cạnh tranh tăng lên trên thị trường nội địa trong quá trình mở cửa thị trường, gây nhiều sức ép cho những đối tượng yếu thế như nông dân và doanh nghiệp nhỏ cũng như một số ngành sản xuất và dịch vụ. Quan hệ thương mại với một số đối tác bị mất cân đối nghiêm trọng, bất lợi cho nền kinh tế và doanh nghiệp nước nhà.

Những mặt chưa được

Nhìn rộng hơn, sâu hơn, có thể thấy hàng loạt vấn đề cơ bản đã bộc lộ rõ trong quá trình hội nhập bốn năm qua. Ở đây chỉ xin đề cập đến ba vấn đề trực tiếp nhất, dễ thấy nhất trong việc hội nhập và tham gia WTO của nước ta.

Một là, các vấn đề về xuất nhập khẩu và thị trường nước ngoài. Trong khi xuất khẩu tăng lên, thì cơ cấu xuất khẩu của nước ta chưa có chuyển biến gì đáng kể theo hướng tạo thêm giá trị gia tăng, tham gia tích cực vào chuỗi giá trị trong khu vực và toàn cầu. Tỷ trọng hàng chế tác tăng chậm, và sản xuất hàng chế tác vẫn chủ yếu theo phương thức gia công. Những mặt hàng chủ lực của ta phần lớn thuộc loại nhạy cảm với hàng rào bảo hộ gia tăng ở các thị trường nhập khẩu. Nhập khẩu tăng cao, một mặt phục vụ cho nhu cầu sản xuất và tiêu dùng trong nước, kể cả sản xuất hàng xuất khẩu, song mặt khác lại gây nên sự cạnh tranh đe dọa sự phát triển lâu dài của không ít ngành, sản phẩm và doanh nghiệp, thậm chí cả chương trình công nghiệp hóa tương lai của đất nước. Chất lượng nhập khẩu thấp với phần lớn các thiết bị, công nghệ nhập khẩu ở mức trung bình hoặc thấp kém, không những không giúp cải thiện năng lực cạnh tranh và năng suất lao động trong nước, mà có thể còn gây tác hại lâu dài về môi trường.

Thị trường nước ngoài mở rộng nhanh song cơ cấu thị trường có nhiều bất cập, khi cả xuất và nhập một số mặt hàng quan trọng đều phụ thuộc nặng vào một số thị trường, nhập siêu quá lớn từ một số nước, tạo nên những rủi ro trong kinh doanh, những bất lợi trong quan hệ với một số đối tác và trở ngại cho hướng hội nhập rộng lớn hơn. Cân bằng hợp lý giữa thị trường nước ngoài và thị trường nội địa cũng là một vấn đề lớn.

Hai là, đầu tư nước ngoài tăng nhanh song chưa bao giờ vấn đề quản lý và chất lượng của các dự án FDI (cũng như nhiều dự án đầu tư trong nước) lại gây nhiều bức xúc như trong bốn năm qua. Về mặt quản lý nhà nước, cách “tự do hóa” và phân cấp hiện nay trong quản lý FDI (và quản lý đầu tư nói chung) dẫn đến sự giảm sút về kỷ cương, về tính minh bạch và trách nhiệm của các cơ quan trung ương và địa phương liên quan, đồng thời làm tăng sự xung đột lợi ích giữa quốc gia và địa phương, giữa đông đảo người dân với các nhóm lợi ích, giữa phát triển dài hạn và ngắn hạn, giữa một số ngành.

Trong khi ba “nút thắt cổ chai” ở Việt Nam là thể chế kinh tế, nguồn nhân lực và kết cấu hạ tầng kéo dài chưa giải tỏa được, FDI dường như đang theo hướng khai thác tài nguyên, lao động giá rẻ và thị trường nội địa của Việt Nam, thiết lập các công ty hoàn toàn của nước ngoài, mua lại các công ty Việt Nam, hơn là phát triển ở Việt Nam những ngành tạo giá trị gia tăng cao trong chuỗi liên kết khu vực và toàn cầu, hay mở rộng sự kết nối giữa họ với các doanh nghiệp Việt Nam.

Những hạn chế về hoạt động xuất nhập khẩu cũng như thu hút FDI và khuyến khích đầu tư trong nước cho thấy rõ ràng chúng ta đã nặng về khai thác lợi thế cạnh tranh tĩnh của nền kinh tế gắn với việc sử dụng các nguồn lực vốn có, hơn là chú trọng thu hút và chuyển hóa các nguồn lực mới vào nền kinh tế, để tạo thêm lợi thế cạnh tranh động nhờ tăng năng suất, cải thiện hiệu suất sử dụng nguồn lực, nâng cao năng lực nội tại và tính hiệu quả của quy mô kinh tế, và thúc đẩy mạnh cải cách kinh tế trong nước.

Điều này có thể khiến cho Việt Nam bị định vị một cách bất lợi trong phân công lao động trong khu vực và trên toàn cầu về lâu về dài. Đây là vấn đề hết sức hệ trọng trong bối cảnh Việt Nam và cả khu vực đang hội nhập với tốc độ cao, và bản đồ phát triển kinh tế mới đang được định hình ở mọi quốc gia cũng như trong khu vực và trên thế giới sau khủng hoảng.

Ba là, nền kinh tế nước ta còn yếu nên khi hội nhập sâu nó càng dễ bị tổn thương trước những cú sốc từ bên ngoài. Trong khi đó, chúng ta lại thiếu năng lực nghiên cứu, thông tin, dự báo và ứng phó một cách căn cơ, rất cần thiết cả ở tầm vĩ mô và vi mô. Chiến lược cải cách, hội nhập và phát triển trong nhiều lĩnh vực cũng hoặc chưa đầy đủ, hoặc không được điều chỉnh phù hợp với bối cảnh mới, hoặc không được thực hiện nghiêm túc, đồng bộ. Thậm chí cả khi đã có những nghiên cứu, cảnh báo hoặc đề xuất, khuyến nghị được đưa ra, chúng ta vẫn xem nhẹ và tiếp tục hành xử theo ý chí, cảm tính chủ quan hoặc lợi ích ngắn hạn hơn là theo đòi hỏi khách quan và yêu cầu dài hạn. Do đó, đã có lúc Chính phủ lúng túng trong điều hành khi tình huống xấu xảy ra, có lúc lại chủ quan với những thành công ngắn hạn, và rút cuộc tình trạng kém hiệu quả, kém cạnh tranh và những căn bệnh trong nền kinh tế cứ kéo dài, thậm chí còn trầm trọng hơn.

Còn nhiều vấn đề căn cơ khác về hội nhập như thay đổi mô hình tăng trưởng, tái cấu trúc nền kinh tế, đổi mới vai trò của các khu vực doanh nghiệp, định hướng hội nhập với các quan hệ song phương, đa phương và toàn cầu về lâu dài... xin để cho các nhà nghiên cứu khác có ý kiến hoặc được bàn tiếp vào một dịp khác. 

(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)

  • Quản lý vận tải đường bộ: Mâu thuẫn từ cơ chế
  • Về đích trong gian nan
  • VN là nhân tố quan trọng trong chính sách của Ấn Độ
  • Giáo sư Michael Porter: Việt Nam cần nhắm tới tính cạnh tranh dài hạn
  • GS. Trần Văn Thọ: Việt Nam trước dòng thác công nghiệp của Trung Quốc
  • “Bức tranh” kinh tế - xã hội năm 2010
  • Quản lý nợ công: Không thể xem nhẹ yếu tố rủi ro
  • Sông Nhuệ bị lấn chiếm nghiêm trọng
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi