Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Giữ CPI ở 9% cũng rất khó!

Khả năng kiềm chế lạm phát 7% như chỉ tiêu là cực khó. Nếu thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp thì cố gắng có thể giữ ở 9%. Nhưng rất khó bởi lạm phát vẫn đang đà vọt lên.

Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN), thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia, Tiến sỹ Cao Sỹ Kiêm nhận định như vậy khi trao đổi về triển vọng và hệ lụy của cuộc chiến chống lạm phát.

Tiến sỹ Cao Sỹ Kiêm cũng cho rằng, không thể giữ tăng trưởng ở mức 6,5-7%, bởi lúc này cần ưu tiên chống lạm phát, tức phải giảm tăng trưởng. Chúng ta chủ trương cắt giảm đầu tư công, không cho chuyển vốn năm trước lên và ứng vốn năm sau cho các dự án trong năm nay. Như vậy, cung ứng vốn cho sản xuất sẽ hạn chế.

Trong khi đó, chỉ có 1/3 số doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa có thể tiếp cận được nguồn vốn do siết chặt tín dụng: DN đi vay đã rất khó khăn, nhưng với lãi suất cao, nên dù có vay được thì làm gì để trả nợ là một vấn đề. Vì thế, năm nay tăng trưởng kinh tế sẽ khó đạt mục tiêu QH đề ra, cố gắng thì có thể đạt 5% trở lên. Chúng ta hy sinh, tăng trưởng phù hợp để chống lạm phát.

Lạm phát không chỉ ảnh hưởng tới Nhà nước, DN và đời sống nhân dân cũng sẽ rất khó khăn. Nếu đúng như dự kiến nói trên, trong hai năm trung bình giá cả đã tăng 20% rồi. Mặc dù chúng ta trợ cấp giá điện cho các hộ nghèo và tăng lương từ đầu tháng 5, nhưng không đủ bù đắp vì lạm phát cao hơn mức bù đắp đó.

Tiến sỹ Cao Sỹ Kiêm phân tích, lạm phát 2011 có yếu tố ảnh hưởng lạm phát thế giới, giá xăng dầu, sắt thép, thiết bị máy móc, nguyên liệu đều tăng cao, tác động mạnh tới nước ta. Thứ hai, do khiếm khuyết nội tại nền kinh tế: Bội chi, nhập siêu cao liên tục trong nhiều năm làm kinh tế vĩ mô có những bất cập, ngày càng trầm trọng. Còn tư duy bao cấp nên giá một số mặt hàng vẫn thấp hơn giá thị trường.

Ngoài ra, mô hình tăng trưởng cũng có vấn đề: Chúng ta chủ yếu phát triển theo chiều rộng, thiếu chiều sâu, cơ cấu kinh tế không hợp lý, nông nghiệp quảng canh, chủ yếu xuất khẩu nguyên liệu thô, không có mũi nhọn. Có thể thấy trước mắt, lâu dài vấn đề điện, hạ tầng giao thông, thủ tục hành chính vẫn bức xúc, sẽ ảnh hưởng đến ổn định vĩ mô trong khi mô hình phát triển đang có những bất cập.

Chính trong bối cảnh thế giới khủng hoảng năng lượng, lương thực, thực phẩm, dịch bệnh đã đẩy giá tăng cao – cần nhấn mạnh riêng lương thực, thực phẩm chiếm tới 41% cơ cấu trong rổ giá cả, sẽ kéo giá hàng loạt mặt hàng trong nước lên cao.

Năm nay, do chúng ta đã điều chỉnh giá điện, xăng dầu, điều chỉnh lãi suất làm tăng vọt giá nhiều mặt hàng. Tới đây, tăng lương sẽ còn ảnh hưởng nữa, khiến độ trượt kéo dài hơn. Chính vì vậy, lạm phát năm nay kéo dài và chỉ trong quý I đã là 6,2%.

Theo Tiến sỹ Cao Sỹ Kiêm, các biện pháp Chính phủ đưa ra rất đúng. Nhưng quan trọng là phải điều hành thật tốt, kỷ luật nghiêm khắc. Phải cụ thể hóa những giải pháp đó: Ai làm, làm cái gì, tiến độ ra sao phải rõ. Không thể chỉ đề ra chủ trương rồi để đó mà phải có hành động cụ thể của từng bộ ngành, địa phương.

Báo cáo QH, Thủ tướng Chính phủ cũng đã thừa nhận vấn đề kỷ cương có những hạn chế. Một xã hội không có kỷ cương thì luật pháp sẽ bị vô hiệu hóa, người làm tốt, làm không tốt, thậm chí chụp giật, làm sai đều như nhau thì tác hại rất lớn. Nhưng nguy hại nhất là sẽ làm mất lòng tin, lúc đó các DN sẽ chỉ đối phó, thủ thế.

Những giải pháp chống lạm phát chỉ có tính chất tình thế. Phải kết hợp giải quyết những vấn đề dài hạn, nền tảng – đó là mô hình tăng trưởng hiệu quả, có chiều sâu, cơ cấu kinh tế phù hợp, có hàm lượng chất xám cao. Đồng thời phải tạo ra một thị trường minh bạch.

Chẳng hạn thị trường chứng khoán phải trong sáng, có lòng tin, có thu nhập, chứ không phải chụp giật để người ta có một đồng vào mua sau một hồi chỉ còn 5 hào thôi! Đấy là những vấn đề cốt lõi phải giải quyết, tránh chỉ chạy theo những mục tiêu trước mắt để rồi mấy năm sau sẽ lại rơi vào vòng xoáy ban đầu: Lạm phát – suy giảm - rồi lại lạm phát.

Tiến sỹ Cao Sỹ Kiêm cho rằng Nghị quyết 11 của Chính phủ đưa ra hàng loạt biện pháp để kiềm chế lạm phát, chắc chắn có hiệu quả nhưng không phải ngay lập tức mà phải đến cuối tháng 6-7 mới rõ nét.
Lúc đó lạm phát giảm, kéo lãi suất sẽ giảm xuống, việc huy động vốn sẽ tốt hơn và tăng trưởng trở lại ổn định hơn. Tuy nhiên, chính sách phải thật sự đồng bộ.

Ví dụ vừa qua chúng ta siết quản lý vàng, ngoại tệ - lẽ ra khi quản lý chặt thị trường tự do thì phải có cơ chế để thị trường phát triển bình thường. Nhưng chúng ta điều hành chưa nhịp nhàng, cho nên có lúc bế tắc. Vừa qua Chính phủ đã chỉ rõ yếu kém và hướng khắc phục rồi.

(Tamnhin)

  • Kinh tế quý I tăng trưởng trong khó khăn
  • Bất ổn kinh tế: Việt Nam và cú sốc từ hội nhập
  • Môi trường kinh doanh Việt Nam tiến thêm 10 bậc
  • CPI 7% bất khả thi?
  • Dự án công nghệ cao tiếp tục vào Việt Nam
  • Bình ổn giá: Cơ hội mở rộng thị phần
  • Việt Nam và cú sốc từ hội nhập
  • Việt Nam sẽ hưởng lợi từ hoạt động tái thiết của Nhật Bản
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi