Năm 2011 đã đi qua 1/4 chặng đường. Đây là thời gian kinh tế nước ta trải qua không ít khó khăn. Giá các hàng hóa chủ yếu trên thị trường thế giới biến động theo chiều hướng tăng. Một số nền kinh tế lớn mặc dù vừa phục hồi sau khủng hoảng tài chính toàn cầu nhưng đang tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro và bất ổn. Ở trong nước, lạm phát tăng cao, thời tiết diễn biến phức tạp, dịch bệnh tiếp tục xảy ra trên cây trồng, vật nuôi.
Để kiềm chế lạm phát, Chính phủ phải thực hiện chính sách kiểm soát chặt chẽ tiền tệ và điều này cũng có tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư. Trong quí I/2011, nền kinh tế vẫn có tốc độ tăng khá, ước đạt 5,43% nhưng đã có dấu hiệu chậm lại, thấp hơn tốc độ tăng 5,83% của quý I/2010 là thời gian nền kinh tế chưa hoàn toàn phục hồi sau khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới.
Điểm nhấn điều hành
Trong bối cảnh khó khăn, để thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP. Đây là điểm nhấn điều hành của Chính phủ với các nhóm giải pháp chủ yếu được ban hành như: Thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng; thực hiện chính sách tài khóa thắt chặt, cắt giảm đầu tư công, giảm bội chi ngân sách nhà nước; thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, khuyến khích xuất khẩu, kiềm chế nhập siêu, sử dụng tiết kiệm năng lượng; điều chỉnh giá điện, xăng dầu gắn với hỗ trợ hộ nghèo; tăng cường bảo đảm an sinh xã hội...
Về nhóm giải pháp cắt giảm đầu tư công, theo tổng hợp báo cáo sơ bộ, 30 bộ, ngành ở Trung ương, 63 tỉnh, thành phố và 12 tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước đã cắt giảm được 1.387 dự án với tổng số vốn cắt giảm gần 3.400 tỷ đồng trong kế hoạch năm 2011. Để góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, Ngân hàng Nhà nước đã triển khai nhiều giải pháp, chính sách đồng bộ về tiền tệ tín dụng, lãi suất, quản lý vàng và ngoại tệ. Các biện pháp quản lý mạnh mẽ về tiền tệ đã đem lại kết quả bước đầu. Lãi suất huy động và cho vay đã giảm xuống một mức. Lãi suất bình quân huy động vốn VND là 13,34%/năm, cho vay là 16,23%; lãi suất huy động USD bình quân là 4,54%/năm, cho vay là 6,73%. Dù vậy, mức lãi suất đầu vào vẫn cao, tác động tới hoạt động của doanh nghiệp.
Nhìn vào từng ngành theo chỉ tiêu kinh tế cụ thể trong quý I, có thể thấy khó khăn vẫn còn, song các ngành kinh tế vẫn đạt kết quả khá khả quan. Số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, nhờ thực hiện các biện pháp quyết liệt, thu ngân sách nhà nước từ đầu năm tính đến 15/3 đạt mức cao nhất trong vòng 3 năm qua ước đạt trên 126.000 tỷ đồng, bằng 21,2% dự toán năm. Tổng chi ngân sách nhà nước tăng chậm hơn tổng thu, tạo điều kiện để giảm bội chi ngân sách nhà nước. Tổng chi ngân sách nhà nước lũy kế từ đầu năm đến 15/3/2011 ước khoảng 136.900 tỷ đồng, bằng 18,9% dự toán năm.
Sản xuất công nghiệp trong quý I tiếp tục đà tăng trưởng cao và cao hơn chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Giá trị sản xuất công nghiệp tháng 3/2011 ước đạt trên 68.400 tỷ đồng, tăng 14,2% so với cùng kỳ năm 2010; tính chung quý I/2011 ước đạt trên 198.700 tỷ đồng, tăng 14,1%. Tuy nhiên, đáng lưu ý là chi phí đầu vào tăng cao làm giảm hiệu quả sản xuất kinh doanh. Giá trị tăng thêm của toàn ngành ngày càng thấp so với tốc độ tăng giá trị sản xuất.
Kim ngạch xuất khẩu đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn so với cùng kỳ năm trước. Nhập siêu có chiều hướng giảm; dịch vụ tăng mạnh; các hoạt động du lịch diễn ra sôi nổi, lượng khách du lịch quốc tế và tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước. Sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp tuy chịu ảnh hưởng của thiên tai nhưng vẫn đạt khá với giá trị sản xuất đạt xấp xỉ 49.500 tỷ đồng, tăng 3,5% so với quý I/2010.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 so với tháng 2 tăng 2,17%, so với tháng 12/2010 tăng 6,12%. Mức tăng CPI tháng 3/2011 là mức tăng cao nhất trong vòng gần 3 năm qua và là lần đầu tiên kể từ năm 1990 mức tăng CPI của tháng 3 cao hơn mức tăng tháng 2. Những bất ổn chính trị tại các nước Trung Đông và Bắc Phi, cùng với sức ép tăng giá hàng hóa từ thị trường thế giới và giá đầu vào các sản phẩm quan trọng như điện, than, xăng dầu... tạo áp lực tăng giá hàng hóa trong nước, gây khó khăn cho việc kiềm chế lạm phát.
Giảm sút ngắn hạn, bền vững lâu dài
Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, kinh tế suy giảm, giá cả tăng cao gây khó khăn cho việc giải quyết việc làm, thu nhập và bảo đảm đời sống của nhân dân, nhất là đối với người nghèo, người làm công ăn lương và các đối tượng chính sách. Bên cạnh đó, tình hình thiên tai, dịch bệnh vẫn diễn biến khá phức tạp, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp cũng như đời sống của người dân.
Tuy nhiên, Nghị quyết số 11 của Chính phủ mới đi vào thực thi được hơn 1 tháng, mà bất cứ một “liều thuốc” nào cũng cần có thời gian để ngấm, nên rất cần sự kiên nhẫn. Tăng trưởng kinh tế quý I dù có tốc độ thấp hơn so với năm ngoái song cũng không nên lấy đó làm sốt ruột khi thành tích suy giảm bởi cái đích cuối cùng vẫn là tăng trưởng bền vững. TS Phạm Thị Thu Hằng, Viện trưởng Viện Phát triển doanh nghiệp (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam), cho rằng: Việc thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng; chính sách tài khóa thắt chặt dù có tác động đến hoạt động của doanh nghiệp thì vẫn là giải pháp hết sức cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Kinh tế thế giới vừa trải qua khủng hoảng và điều đó là hệ quả của chính sách tiền tệ nới lỏng, chính sách tiền tệ thắt chặt sẽ giúp kiểm soát được rủi ro. Hay việc cắt giảm đầu tư công, chi tiêu công sẽ giúp Nhà nước có thêm nguồn lực để tập trung hỗ trợ doanh nghiệp cũng như giải quyết những khâu yếu của nền kinh tế. “Doanh nghiệp có thể thấy rằng tăng trưởng sản xuất của mình khó khăn hơn, thế nhưng nó sẽ bền vững hơn. Đấy là điều rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay” - bà Hằng nhấn mạnh.
Nhiều ý kiến cho rằng, đến quý II, quý III, khi Nghị quyết số 11 thực sự đi vào đời sống thì lúc đó kinh tế sẽ bớt khó khăn. Điều này cũng có nghĩa là các bộ, ngành, địa phương phải thực hiện nghiêm túc và đồng bộ các biện pháp và các chỉ đạo của Chính phủ về bình ổn giá cả, thị trường, kiềm chế lạm phát, thúc đẩy sản xuất, ổn định kinh tế vĩ mô, cũng như các chính sách bảo đảm an sinh xã hội trong thời gian tới.
(Báo Tin tức)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com