Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Lựa theo chiều gió

Hơn bao giờ hết, nền kinh tế nước ta và giới doanh nghiệp đang theo sát chuyển động của nền kinh tế thế giới. Càng hội nhập sâu, càng cảm nhận rõ mỗi chuyển động của giá cả thế giới, dường như có chung một nhịp đập. Chỉ một “làn gió” nóng bất ổn ở một nơi nào trên thế giới, hay cơn dao động tài chính ở châu Âu, đều nhanh chóng tác động lên biểu đồ giá cả, đường cong lãi suất và bảng cân đối tài chính của doanh nghiệp.

Đó là nhận định được các chuyên gia và hàng trăm doanh nghiệp rút ra tại diễn đàn kinh doanh vừa được tổ chức tại Việt Nam với chủ đề: Thích nghi với môi trường nhiều biến động. Nhiều ý kiến cho rằng, những biến động của kinh tế thế giới và kinh tế Việt Nam đã vượt qua “điểm đáy” trong cùng một khoảng thời gian. “Sức khỏe” của nền kinh tế có dấu hiệu hồi phục khi GDP các quý gần đây đều tăng nhẹ. Các chỉ số niềm tin của người tiêu dùng cho thấy, kỳ vọng kinh tế ổn định trong tương lai có dấu hiệu tăng. Tương tự, GDP của Việt Nam từ quý II-2010 trở đi vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng dù gần đây tốc độ tăng có chậm lại.

Có thể phác họa “bức tranh” kinh tế vĩ mô của thế giới và của nước ta từ gam màu xám chuyển sang màu hồng nhạt. Tuy nhiên vẫn còn đó 3 yếu tố gây bất ổn trong thời gian tới, đó là tỷ lệ thất nghiệp cao, nợ công của các chính phủ khá cao, đặc biệt là chỉ số giá tiêu dùng trên đà gia tăng. Đưa ra các số liệu về vốn đầu tư, tỷ lệ dư nợ tín dụng/GDP, một chuyên gia kinh tế có uy tín, đưa ra hình ảnh so sánh, tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam giống như một “bình ắc quy” gần như đã bị trơ, luôn đòi hỏi phải nạp thêm. Nạp điện nhiều (tức là vốn) nhưng hễ ngừng nạp thì lại không tích được điện. Chính vì vậy cần phải thay bình điện, tức là phải cơ cấu lại mô hình tăng trưởng kinh tế. Hệ quả của mô hình tăng trưởng quá dựa vào vốn, trong đó chủ yếu là đầu tư công, dẫn đến lạm phát của Việt Nam cao hơn các nước trong khu vực. Bằng chứng là, cùng chịu tác động của giá nguyên liệu, nhiên liệu đầu vào tăng, song lạm phát trong tháng 3 của Việt Nam cao gấp đôi so với các nước.

Làm thế nào để “chèo lái” khi đầu vào nhiều biến động như hiện nay, là câu hỏi lớn đang đặt ra cho các doanh nghiệp. Trong khi đó, còn một câu hỏi không kém phần quan trọng đang bỏ ngỏ: tái cơ cấu doanh nghiệp trong bối cảnh kinh tế vĩ mô xác định lại cơ cấu phát triển. Đương nhiên những yếu tố như lãi suất cao, giá điện, xăng dầu tăng… tựa như những luồng gió nằm ngoài khả năng “điều chỉnh” của doanh nghiệp. Do vậy, vấn đề là phải biết dựa theo chiều gió mà chèo lái, chứ không thể để cuốn theo chiều gió.

Tổng giám đốc một số doanh nghiệp thừa nhận, giai đoạn “sóng gió” khủng hoảng chính là thời điểm buộc phải cải tiến quy trình công nghệ, giảm tiêu tốn năng lượng. Tập trung đầu tư cho khâu thiết kế, đổi mới mẫu mã, so với đầu tư công nghệ thì cách làm này không đòi hỏi vốn lớn. Ngoài các vấn đề “nóng” như chi phí vốn, tạo lợi thế cạnh tranh bằng nhân lực, quản trị khoa học để tạo ra giá trị gia tăng, hầu hết các doanh nghiệp đều đặt vấn đề “sống còn” mang tính chiến lược, đòi hỏi tầm nhìn dài hạn như thu hút nhân tài, quản trị kỹ thuật và công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh, tái cơ cấu doanh nghiệp…

Không hẹn mà gặp, trong diễn đàn, mỗi doanh nghiệp, công ty cũng như chuyên gia đều đưa ra những ý kiến đề xuất, giải pháp, góp từng “điểm sáng” soi tỏ những khó khăn, thách thức đồng thời chỉ ra triển vọng chặng đường phía trước. Vấn đề không chỉ là “tự mình cứu mình” mà phải chung sức, chung tay lựa theo chiều gió đưa doanh nghiệp cũng như nền kinh tế tiến lên.

(An ninh Thủ đô)

 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi