Trung Quốc giờ đây đang là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Nhưng chính Bắc Kinh nên lo lắng, chứ không phải Washington.
Trung Quốc đã chính thức vượt qua Nhật trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Tuy nhiên, dù với tất cả những lời tán tụng tung hô mới đây, thực tế có thể không đáng để "nâng chén" chúc mừng như thế. Đó là vì tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đã đi theo mô hình từng được gọi là "mô hình của người Nhật". Ở Nhật Bản và các quốc gia châu Á khác, mô hình này chứng tỏ cực kỳ thành công ngắn hạn trong việc đem lại tốc độ tăng trưởng hết sức ấn tượng, nhưng cuối cùng, lại luôn vấp phải cùng một rào cản chết người: đầu tư quá mức, ồ ạt và vốn không được phân bổ hợp lý. Và sau đó là một giai đoạn điều chỉnh kinh tế đầy đau thương. Tóm lại, Bắc kinh, cẩn phải biết cẩn trọng lúc này. "Thập kỷ mất mát" của Nhật những năm 1990 - thời điểm từ đó đất nước này vẫn chưa gượng dậy được - diễn ra sau giai đoạn tăng trưởng ngoạn mục, với trợ lực chính là những gói trợ cấp hàng loạt cho sản xuất và đầu tư. Mô hình Nhật Bản chuyển của cải từ khu vực hộ gia đình sang hỗ trợ cho tăng trưởng bằng cách kìm chế lương, định giá tiền tệ thấp, và, mạnh nhất là ép chi phí vốn xuống. Trong mọi trường hợp, một khi con tàu đã lăn bánh, sẽ rất khó có thể thay đổi lại hướng đi. Đó là vì quá nhiều phần của nền kinh tế phụ thuộc vào những hỗ trợ vô hình để tồn tại. Trung Quốc vẫn tăng trưởng dựa vào đầu tư ồ ạt. Nguồn: Foreign Policy Nhật Bản cũng không phải là quốc gia duy nhất vươn lên nhanh chóng rồi sau đó phải chịu đau đớn theo cách này. Brazil, nước từng có giai đoạn phát triển "thần kỳ" vào những năm 1960 và 1970, cũng đã có thập kỷ "bỏ đi" ngay những năm 1980. Bắc Kinh do đó cũng cần phải lắng nghe cho kỹ "câu chuyện cảnh giác" này. Nhìn thoáng qua, thời kỳ tăng trưởng bùng nổ của Trung Quốc tưởng như không thể cản nổi. Nhưng thực tế, cần phải xem xét một cách sâu xa hơn. Đầu tháng 6, chủ tịch Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô chính thức của Trung Quốc dự báo doanh số năm 2010 sẽ trên 15 triệu chiếc, và vượt qua Mỹ trở thành thị trường ôtô mới lớn nhất thế giới. Nhưng điềm xấu đã ẩn ngay đằng sau những con số tưởng chừng tốt lành đó. Sau khi tăng trưởng 48% trong nửa đầu năm 2010, và 45% trong năm ngoái, dự báo này cũng đã báo trước một sự suy giảm 20% doanh thu ôtô trong nửa cuối năm 2010. Những tính toán trên có thể sẽ càng làm gay gắt thêm cuộc tranh luận vốn đã nảy lửa về tăng trưởng tiêu dùng của Trung Quốc. Để tái cân bằng nền kinh tế Trung Quốc hiện vẫn phụ thuộc nặng nề vào xuất khẩu, Bắc Kinh phải nâng tỷ trọng tiêu dùng đang rất thấp trong GDP lên. Tỷ lệ này liên tục giảm từ 46% GDP năm 2000 xuống mức thấp chưa từng có trước đó vào năm 2003, 41% - sau đó tiếp tục giảm xuống mức "bất ngờ" 38% năm 2006, và cuối cùng xuống dưới 36% năm 2009. (Tháng 8, tập đoàn dịch vụ tài chính quốc tế Credit Suisse đăng tải một nghiên cứu do ông Vương Tiểu Lộ thuộc Quỹ Đổi mới kinh tế Trung Quốc tiến hành, nghiên cứu chỉ ra rằng, nếu gộp cả hoạt động thị trường không được phản ánh trên các dự liệu chính thức - đóng góp của tiêu dùng thậm chí sẽ còn thấp hơn). Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc không phải là không ý thức được sự cấp thiết cần phải đảo ngược quá trình suy giảm này lại. Tỷ trọng tiêu dùng thấp phản ánh sự quá phụ thuộc vào thặng dư xuất khẩu và đầu tư của Trung Quốc. Trừ khi mở rộng được đáng kể tiêu dùng trong nước, nếu không, Trung Quốc sẽ chỉ có thể tiếp tục phát triển nhanh bằng cách tăng đầu tư, đến mức vượt quá mức hiệu quả về mặt kinh tế hoặc bằng cách tạo thặng dư thương mại lớn hơn. Để tăng tiêu dùng, Bắc Kinh cũng đã thực thi một loạt các chính sách trong năm năm qua, và đặc biệt là năm 2008, nhằm củng cố tiêu thụ trong nước. Nhưng liệu các biện pháp này có hiệu quả? Về mặt tích cực, doanh thu ôtô vẫn tăng trong năm ngoái. Với hầu hết các nhà phân tích, đây là tin tức cực kỳ tốt lành, báo hiệu một cuộc đổi thay lớn trong hành vi tiêu dùng của các hộ gia đình Trung Quốc. Nhưng những người hoài nghi thì lại không đồng tình. Họ cho rằng nhu cầu ôtô tăng chủ yếu là nhờ những gói trợ cấp thiếu bền vững và việc cắt giảm thuế của chính phủ. Năm ngoái, mua sắm hàng hóa lâu bền tăng, nhưng cũng vẫn là do trợ cấp. Quan trọng hơn, những người hoài nghi lập luận, doanh thu ôtô và hàng hóa lâu bền hiện có tăng thì cũng sẽ bị đảo ngược trong tương lai khi các hộ gia đình phải trả giá cho những chi phí trợ cấp ngày hôm nay. Trợ cấp phải được tài trợ hoàn toàn từ khu vực hộ gia đình - và khi chúng được trả hết bằng thu nhập tương lai, thì tiêu dùng dù tăng hôm nay, nhưng sẽ không tránh khỏi suy giảm trong nay mai. Và có vẻ như những người hoài nghi đã đúng. Nếu tăng trưởng tiêu dùng ôtô và các hàng hóa khác thực tế yếu hơn đáng kể trong các tháng tiếp theo (và có vẻ như thực tế đã chứng minh), thì điều đó cũng có nghĩa là tiêu dùng thấp tại Trung Quốc không phải là vấn đề riêng biệt có thể giải quyết bằng các biện pháp hành chính. Nhóm này lập luận rằng vấn đề tiêu dùng chính là nền tảng cho mô hình tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc và vì thế khó có thể được giải quyết mà không có một thay đổi về chất nguyên trạng hiện tại. Tuy nhiên, nhiều nhà kinh tế vẫn cho rằng doanh thu bán lẻ và lương tăng chứng tỏ Trung Quốc đang chuyển sang mô hình chi tiêu tiêu dùng, và rằng trong 10 năm tới, tiêu dùng có thể sẽ lại đóng góp khoảng 47% - 50% GDP - nhưng dù có thế con số trên vẫn còn quá thấp theo hầu hết các thước đo. Ngay cả khi phần còn lại của thế giới sẵn sàng chịu thâm hụt thương mại lớn để "hỗ trợ" cho tiêu dùng tương đối thấp của Trung Quốc, về lâu dài, bài toán đưa Trung Quốc tới mục tiêu kia cũng còn hết sức nan giải. Đây là lý do tại sao. Để đưa tiêu dùng chiếm khoảng 47% - 50% GDP trong 10 năm tới, mỗi năm tiêu dùng cần phải tăng trưởng nhanh hơn tăng trưởng GDP 3 - 4 điểm phần trăm, điều mà nước này chưa bao giờ làm được. Nếu Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng 7 - 9% ở thập niên tới, như nhiều nhà phân tích dự đoán, tiêu dùng phải tăng trưởng 10% - 14%, nhanh hơn nhiều mức độ tăng trưởng trước đó đạt được. Tuy vậy, tất cả những dự đoán đều cho rằng Trung Quốc sẽ tăng trưởng chậm hơn trong 10 năm tiếp theo này. Dĩ nhiên về mặt số học thì điều này là có thể, nhưng vẫn có hai trường trường phái đánh giá khác nhau về con đường phía trước của Trung Quốc. Một trường phái cho rằng tăng trưởng tiêu dùng tương đối thấp có thể được đảo ngược mà không cần thay đổi tận gốc mô hình tăng trưởng hiện tại. Nhiều lý do đã được đưa ra để giải thích cho tiêu dùng thấp của Trung Quốc - nhân khẩu học, đạo Khổng, ưu đãi thuế thiên lệch, thị trường thiếu chuyên nghiệp, mất cân bằng giới tính, mạng lưới an sinh xã hội xé lẻ... Nếu Bắc Kinh tiến hành những biện pháp hành chính để giải quyết đúng căn nguyên của vấn đề tiêu dùng thấp, theo lý thuyết này, nó sẽ tự động phát triển. Nếu họ đúng, Bắc Kinh có thể đẩy được tiêu dùng lên trong khi vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng GDP cao. Nhưng nếu đây là tất cả những gì cần phải làm thì người ta sẽ tự hỏi tại sao họ vẫn không tiến đến được. Từ năm 2005, chính phủ Trung Quốc đã muốn tăng tỷ trọng tiêu dùng trong GDP nhưng con số đạt được vẫn rất thấp. Trường phái khác, nhỏ hơn (nhưng "thanh thế" đang lên nhanh) cho rằng mô hình chính nó đã hạn chế tiêu dùng cao: tăng trưởng cao vì tiêu dùng thấp. Trung Quốc không thể tận hưởng được mãi tăng trưởng hai con số dựa vào lương thấp, vốn rẻ, đồng nội tệ được định giá không đúng giá trị thực và vẫn có nhu cầu tiêu dùng trong nước mạnh. Năm năm qua trường phái này vẫn giữ quan điểm rằng các biện pháp Bắc Kinh lựa chọn để thúc đẩy tăng trưởng tiêu dùng vẫn sẽ thất bại vì chúng không giải quyết căn nguyên sâu xa của vấn đề. Chúng ta sẽ vẫn phải chờ xem liệu ai đúng, nhưng cứ tính toán số học thì có thể thấy tốc độ tăng trưởng GDP hiện tại sẽ không cho phép chi tiêu tiêu dùng tăng đủ mức để Trung Quốc tái cân bằng và tránh khỏi sự phủ thuộc quá mức vào xuất khẩu và đầu tư. Trừ khi tăng trưởng GDP của Trung Quốc giảm xuống dưới 5% mỗi năm và ngay cả khi chuyện đó xảy ra, vẫn ít có khả năng rằng tiêu dùng có thể đóng góp tới 47% - 50% GDP trong 10 năm nữa. Vậy tại sao người Trung Quốc lại tiêu dùng ít những thứ họ sản xuất ra đến vậy - dù rằng Bắc Kinh vẫn luôn quyết tâm đẩy mạnh tiêu dùng? Trái với suy nghĩ thông thường, người Trung Quốc không hề ngại chi tiêu. Họ rất hào hứng mua sắm, chỉ cần lướt nhanh qua các cửa hiệu của Trung Quốc cũng có thể thấy được điều đó. Vấn đề là các hộ gia đình Trung Quốc sở hữu một phần nhỏ trong tổng thu nhập quốc dân đến mức chi tiêu của họ cũng nhất định cũng không thể lớn được. Và cũng vì đóng góp của khu vực hộ gia đình trong thu nhập quốc dân đã giảm đáng kể trong thập kỷ qua, nên tiêu dùng hộ gia đình tất nhiên cũng giảm theo. Đó là chưa kể, các hộ gia đình Trung Quốc đang trở nên nghèo hơn một cách tương đối. Dù họ đang trở lên giàu lên nhanh chóng, nhưng vẫn chậm hơn so với tốc độ chung của cả nền kinh tế, tức là thu nhập của họ trong tổng thu nhập đang giảm xuống. Nếu Bắc Kinh muốn tăng tỷ trọng tiêu dùng trong GDP, họ không nên lãng phí công sức và tiền bạc cố tạo ra thêm những ưu đãi nhằm khuyến khích tiêu dùng, chắp vá vụng về với trợ cấp và thuế, cải thiện mạng lưới an sinh xã hội, thay đổi thói quen đã thành văn hóa. Những gì cần làm là hãy tăng thu nhập của hộ gia đình trong tổng thu nhập quốc dân. Hãy cho họ thêm nhiều tiền và họ sẽ chi tiêu. Vậy, làm cách nào để tăng phần thu nhập của họ? Tới đây, vấn đề đang trở nên khó khăn hơn. Một giải pháp Bắc Kinh có thể lựa chọn là chuyển phần lớn với của cải của nhà nước sang các hộ gia đình thông qua chương trình tư nhân hóa hàng loạt. Điều này có thể thúc đẩy tăng trưởng đáng kể bằng cách gia tăng của cải của hộ gia đình, nhưng khả năng tư nhân hóa hàng loạt là rất mong manh, xét trên thực tiễn chính trị tại Trung Quốc. Một lựa chọn khác, và là con đường tiến lên bền vững duy nhất, là giảm xuống những khoản trợ cấp đã tạo nên tăng trưởng "dữ dội" kia. Tăng trưởng lương phải ít nhất theo kịp với tăng trưởng năng suất, lãi suất phải tăng đáng kể; tiền tệ phải được định giá lại. Nhưng nếu bất cứ điều nào trên đây diễn ra quá nhanh thì chúng ta cũng có thể sẽ thấy một sự phá sản hàng loạt - bởi các nhà kinh doanh cũ phải oằn mình chống chọi để tồn tại mà không có những khoản trợ cấp tương tự. Điều trớ trêu là, Trung Quốc càng phải chờ đợi bao lâu để thực hiện cuộc chuyển đổi khỏi mô hình tăng trưởng này thì thay đổi lại càng khó diễn ra hơn. Buộc các ngân hàng phải tài trợ cho các dự án với mức lãi suất thấp một cách giả tạo sẽ không tránh khỏi nợ xấu tăng lên. Trung Quốc càng chờ đợi, nợ càng nhiều và tăng trưởng sẽ lại càng phụ thuộc vào trợ cấp. Hãy xem bài học nhãn tiền từ mô hình phát triển của Nhật Bản, nước đã tăng trưởng rất nhanh chóng nhờ phần lớn vào tỷ lệ đầu tư rất cao thông qua hệ thống ngân hàng. Từ rất lâu, vấn đề phân bổ đầu tư thiếu hợp lý - điều vẫn được bàn tán nhỏ tỏ ở Tokyo nhưng không được xem xét một cách nghiêm túc - dường như chẳng hề được quan tâm. Mọi người đều "biết" rằng các nhà lãnh đạo Nhật Bản có thể quản lý quá trình chuyển đổi này một cách dễ dàng. Dù sao, họ cũng cực kỳ thông minh, với kiến thức sâu về những tình huống rất đặc biệt đã biến Nhật thành duy nhất với sự kiểm soát nền kinh tế thực sự, am hiểu lịch sử và có thiên hướng suy nghĩ dài hạn và trên tất cả, họ hiểu chắc chắn về những gì cần thiết để giải quyết vấn đề của Nhật Bản. Những điều này nghe có vẻ giống với những gì đang diễn ra ở Trung Quốc hay không? Cuối cùng, họ bị "mờ mắt" bởi thành công của chính mình. Hãy xem công việc vĩ đại họ đã làm dược: tới đầu những năm 1990 tăng trường nhờ đầu tư của Nhật Bản đã cao đến mức từ 7% GDP năm 1970 tăng lên 10% năm 1980, và sau đó tới gần 18% lúc đỉnh điểm đầu những năm 1990. Trong khoảng 20 năm, tỷ lệ GDP của Nhật Bản trong GDP toàn cầu đã gấp 2,5 lần lúc ban đầu. Nhưng vẫn chưa chịu dừng lại, cho tới đầu những năm 1990, rất lâu sau khi giá trị kinh tế của đầu tư trở nên tiêu cực, Nhật vẫn đẩy mạnh đầu tư để tạo tăng trưởng cao. Chưa đầy 20 năm sau, sau nỗ lực "mệt nhoài" nhằm thích nghi với tỷ lệ nợ cao và đầu tư hàng loạt, Nhật lại bắt đầu bị Trung Quốc vược qua với chỉ 8% GDP toàn cầu. Nói cách khác, Nhật Bản đã trả lại gần như toàn bộ tỷ trọng GDP toàn cầu đạt được từ hai thập kỷ thần kỳ (trong cùng giai đoạn Mỹ vẫn duy trì được tỷ lệ của mình). Trung Quốc càng sớm bắt đầu cuộc chuyển đổi khó khăn này thì chi phí càng nhỏ, nhưng dù trong trường hợp nào, mọi chuyện cũng không hề dễ dàng. Chìa khóa của họ là đẩy mạnh tiêu dùng tăng nhanh hơn so với GDP, và Trung Quốc đơn giản không còn đủ thời gian để làm điều đó bằng tăng lương, tăng giá tiền tệ, và trợ cấp lãi suất trả bằng chính khu vực hộ gia đình. Một giải pháp bất khả thi khác là đòi hỏi phần còn lại của thế giới tiếp tục chịu đựng thâm hụt với Trung Quốc. Cuối cùng, giải pháp dễ dàng duy nhất (về mặt kinh tế) có thể là chuyển hàng loạt của cải từ nhà nước sang hộ gia đình, có thể thông qua tư nhân hóa. Trung Quốc có thể sẽ miễn cưỡng phải chơi con bài này, nhưng có lẽ chỉ sau giai đoạn tăng trưởng tồi tệ.
( Theo Đình Ngân (theo Foreign Policy) // vnr500.vn )
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com