Việc Vinashin làm ăn thua lỗ, phải tái cấu trúc đặt ra câu hỏi: phải chăng hệ thống kiểm tra, giám sát các tập đoàn kinh tế nhà nước đang “có vấn đề”, nên không kịp thời đưa ra những cảnh báo sớm, nhằm giúp cơ quan quản lý có biện pháp chấn chỉnh kịp thời?
Dưới góc nhìn của các chuyên gia, thực tế không hoàn toàn như vậy, bởi qua triển khai các hoạt động thanh tra, kiểm tra, các cơ quan chức năng đang gặp phải những “vùng cấm”.
Trong khi Nhà nước có nhiều hình thức ưu đãi các tập đoàn kinh tế nhà nước, thì lại thiếu các biện pháp kiểm tra, giám sát gắt gao, nên theo các chuyên gia, đây chính là căn nguyên của những “gót chân Asin” mà các tập đoàn đang để lộ ra.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhìn nhận, cũng giống như quy luật cuộc đời, khi người ta có được mọi cái dễ dàng, thì họ rất khó cảm nhận được giá trị thực sự của những điều họ đang có. Các tập đoàn kinh tế nhà nước được dễ dàng tiếp cận các nguồn lực về đất đai, vốn, công nghệ…, thì họ rất khó sử dụng các nguồn lực này thực sự hiệu quả.
“Thêm vào đó, cơ chế, hệ thống giám sát, kiểm tra hoạt động của các tập đoàn kinh tế nhà nước hiện nay chưa đủ mạnh và hiệu quả, để giúp cơ quan quản lý có những giải pháp chấn chỉnh kịp thời ngay khi có tập đoàn “đổ bệnh”, chứ không phải để sự đã rồi mới cuống cuồng đi giải quyết hậu quả”, bà Lan nói.
TS. Quách Đức Pháp, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam, cũng cho rằng, sự thất bại của Vinashin cho thấy, một tập đoàn kinh tế nhà nước lớn được trao gửi quá nhiều nguồn lực, có khối tài sản khổng lồ, có thương hiệu lớn…, mà lại thiếu một cơ chế giám sát khách quan, hiệu quả, thì sẽ luôn gây nên những rủi ro lớn cho chính doanh nghiệp đó, cũng như nền kinh tế.
Bởi vậy, việc hoàn thiện cơ chế giám sát hoạt động của các tập đoàn kinh tế nhà nước lúc này, theo các chuyên gia, đang đặt ra bức thiết.
Bà Lan cho rằng, cơ chế, hệ thống giám sát hoạt động của các tập đoàn chỉ thực sự đảm bảo khách quan, độc lập, toàn diện, thì mới mang lại hiệu quả. Thời gian qua, Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước, mặc dù được giao quyền thanh tra, kiểm tra hoạt động của các tập đoàn, nhưng không phải lúc nào họ cũng có điều kiện triển khai các hoạt động này toàn diện, với nhiều tầng nấc khác nhau. Thậm chí, có lúc, họ chỉ tranh tra, kiểm toán được ở những phạm vi hẹp do chạm phải những “vùng cấm”. Đây là nguyên nhân chính khiến họ rất khó đưa ra những nhận định, đánh giá toàn cảnh về “sức khỏe” của các tập đoàn. Bởi vậy, rất khó đòi hỏi họ đưa ra được cảnh báo toàn diện về những vấn đề bất ổn mà các tập đoàn kinh tế nhà nước đang gặp phải, để từ đó giúp cơ quan quản lý có biện pháp chấn chỉnh cần thiết, nhằm tránh những hệ luỵ tiêu cực đối với nền kinh tế.
Việc hoàn chỉnh cơ chế giám sát đủ mạnh và thực sự hiệu quả, được ông Pháp chọn là ưu tiên số một cần được tiến hành đầu tiên trong quá trình tái cấu trúc các tập đoàn kinh tế nhà nước. Đây chính là “chìa khoá” hữu hiệu để nhà nước kiểm soát tốt nguồn lực đầu tư của mình tại các tập đoàn. Muốn vậy, cơ quan thanh tra, kiểm toán nhà nước cần được trao quyền nhiều hơn. Chỉ có như vậy, thì khi thông qua các hoạt động kiểm tra, giám sát, họ mới thực sự nắm được điểm mạnh, điểm yếu của các tập đoàn, để qua đó có thể đưa ra những nhận định, đánh giá sát thực nhất về tình hình hoạt động của các tập đoàn, qua đó đưa ra những giải pháp phù hợp để giúp các tập đoàn hoạt động hiệu quả.
Cùng với chú trọng khâu giám sát, việc đẩy nhanh tiến độ sắp xếp lại các tập đoàn kinh tế nhà nước theo hướng tập trung vào các ngành nghề đặc thù, những lĩnh vực cốt lõi mà Nhà nước cần nắm chi phối, cũng là giải pháp được các chuyên gia khuyến nghị.
“Việc sắp xếp dù được tiến hành dưới bất cứ hình thức nào (cổ phần hoá, sáp nhập, giải thể…) cũng cần được tiến hành thực chất, tránh tình trạng đối phó như hiện nay. Thời gian qua, một số tập đoàn nói đã cổ phần hoá công ty nọ, giải thể công ty kia, nhưng không hiếm trường hợp tiến hành theo kiểu hình thức”, bà Lan cảnh báo, đồng thời chỉ rõ: thực tế, đây chỉ là những doanh nghiệp rất nhỏ, không có vị thế gì đáng kể và không có đóng góp thực sự trong tái cơ cấu các tập đoàn. Thậm chí, đang xuất hiện tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” trong quá trình sắp xếp lại các tập đoàn. Trong khi cơ quan quản lý thường xuyên đưa ra yêu cầu các tập đoàn không được mở rộng ngành nghề kinh doanh, thì họ vẫn làm ngược lại thông nhiều hình thức: thu nạp thêm một số công ty con, công ty liên kết vào tập đoàn... Nếu điều này không được ngăn chặn, thì nỗ lực tái cấu trúc tập đoàn kinh tế nhà nước sẽ gặp khó khăn gấp bội trong thời gian tới.
(Đầu tư chứng khoán điện tử)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com