Bất ổn kinh tế vĩ mô, tính minh bạch và tốc độ cải cách thủ tục hành chính tiếp tục là những mối quan ngại chủ yếu được các nhà đầu tư đặt ra tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam 2011, ngày 27/5.
Là hoạt động thường kỳ diễn ra 2 lần một năm trước thềm Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam (chính thức và giữa kỳ), diễn đàn được xem là kênh đối thoại quan trọng giữa Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp, tác động lớn đến quan điểm và đánh giá của các nhà tài trợ về các khoản vốn ưu đãi dành cho Việt Nam.
Tương tự những lần tổ chức trước, quan ngại chủ yếu của cộng đồng doanh nghiệp, chủ yếu là các doanh nghiệp nước ngoài, đang hoạt động tại Việt Nam vẫn xoay quanh những vấn đề nóng bỏng như bất ổn kinh tế vĩ mô (lạm phát cao, đồng tiền mất giá…), quá trình cải cách cũng như áp dụng thủ tục hành chính trong điều hành kinh tế, cơ sở hạ tầng và các rào cản thương mại…
Ông Dominic Scriven cho rằng Việt Nam chưa thành công trong việc gây dựng lại lòng tin nơi nhà đầu tư. Ảnh: Nhật Minh |
“6 tháng trước, chúng ta đã ngồi với nhau tại diễn đàn này. Một trong những đề xuất được nêu ra tại đó là yêu cầu gây dựng lại lòng tin của nhà đầu tư vào nền kinh tế. Tuy nhiên, từ đó đến nay, chúng tôi thấy rằng câu chuyện này vẫn chưa có nhiều thay đổi”, ông Dominic Scriven, trưởng nhóm Công tác Thị trường vốn của Diễn đàn nhận định.
Theo đại diện của các doanh nghiệp, có nhiều lý do ảnh hưởng tới lòng tin của nhà đầu tư trong nửa đẩu năm 2011. Bên cạnh những khó khăn chung của thị trường thế giới, không thể không nhắc tới những bất ổn nội tại của kinh tế Việt Nam, đặc biệt là tình trạng lạm phát cao.
Theo ông Christopher Twomey, Chủ tịch Hiệp hội thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham), thành công của Việt Nam trong việc thu hút đầu tư nước ngoài cho đến nay chủ yếu được dựa trên kỳ vọng của các nhà đầu tư về một nền kinh tế và chính trị ổn định. Tuy nhiên, kể từ năm 2008 đến nay, Việt Nam liên tục phải đối mặt với nguy cơ lạm phát và ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
“Vừa phục hồi năm 2009, nền kinh tế một lần nữa trở nên quá nóng với chính sách kinh tế tiếp tục tập trung vào tăng trưởng cao hơn ổn định. Thâm hụt thương mại kéo dài, sụt giảm dự trữ ngoại tệ, xếp hạng tín dụng đi xuống cộng với sự suy yếu không ngừng của đồng nội tệ đã nêu bật sự cần thiết phải tái định hướng chính sách”, đại diện của cộng đồng doanh nghiệp Mỹ nhận xét.
Nhiều quan ngại về kinh tế vĩ mô được cộng đồng doanh nghiệp đưa ra. Ảnh: Nhật Minh |
Tuy vậy, ông Twomey cũng đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc đề xuất và triển khai các giải pháp tại Nghị quyết 11, qua đó tập trung vào ổn định vĩ mô và kiềm chế lạm phát. Tuy nhiên, đại diện của AmCham cũng cho rằng cơ quan chức năng cần có thêm những giải pháp mang tính dài hạn hơn nhằm khắc phục những yếu kém cơ bản của nền kinh tế.
Một vấn đề khác cũng được các doanh nghiệp nhắc lại tại diễn đàn lần này là câu chuyện minh bạch và cải cách hành chính. Trích dẫn kết quả nghiên cứu năm 2010 về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), ông Alan Cany, Chủ tịch Hiệp hội thương mại châu Âu (EuroCham) tính minh bạch đang bị suy giảm khá mạnh tại Việt Nam khi có tới 75% doanh nghiệp FDI cho rằng “quan hệ rất quan trọng để tiếp cận thông tin cấp tỉnh”.
Tốc độ cải cách thủ tục hành chính, trong khi đó, lại có dấu hiệu chậm lại trong năm 2010. Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu cho biết nhiều thành viên của mình tiếp tục phải chịu đựng thời gian chấp thuận khá dài và hàng loạt vụ trễ hẹn khi đăng ký kinh doanh và xin cấp phép đầu tư.
Tuy nhiên, EuroCham cũng đánh giá rất cao nỗ lực của cơ quan chức năng các cấp trong việc thay đổi tình trạng này, đặc biệt là những kết quả ban đầu của Đề án 30 về cải cách thủ tục hành chính. Cơ quan này hy vọng Đề án nêu trên sẽ sớm được triển khai những bước tiếp theo và sớm đi vào cuộc sống.
Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Võ Hồng Phúc tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam sáng 27/5. Ảnh: Nhật Minh |
Một phàn nàn khác cũng được khá nhiều doanh nghiệp tiếp tục nêu lên tại diễn đàn là chất lượng cơ sở hạ tầng và cung cấp năng lượng. Theo tính toán của Eurocham, trong giai đoạn từ nay đến 2020, Việt Nam sẽ cần 160 tỷ USD để phát triển hạ tầng kinh tế kỹ thuật (giao thông, cầu đường, nhà máy điện, hệ thống cung cấp nước và xử lý nước thải…).
Trong khi đó, các nguồn đầu tư truyền thống từ Nhà nước sẽ phải giảm dần. Do đó, hơn 50% đầu tư phải được huy động từ doanh nghiệp trong và ngoài nước. Trước yêu cầu đó, cộng đồng doanh nghiệp đề xuất Chính phủ nên có chính sách thúc đẩy hơn nữa mô hình hợp tác công tư (PPP), vốn đã được “thai nghén” từ nhiều năm qua.
Phát biểu tại Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Võ Hồng Phúc ghi nhận những đóng góp từ phía cộng đồng doanh nghiệp. Bộ trưởng cũng thừa nhận tuy đã đạt được những thành tựu nhất định trong những tháng đầu năm nhưng kinh tế Việt Nam hiện vẫn còn rất nhiều vấn đề tồn tại cần giải quyết. Đại diện Chính phủ cũng mong muốn cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục đưa ra những đóng góp xác đáng, giúp cơ quan chức năng điều hành sát thực hơn, đưa nền kinh tế dần trở lại ổn định, lấy lại đà tăng trưởng.
Theo Nhật Minh// VNE
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com