Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Lạm phát do cung vốn nhiều, hấp thụ kém

Kịch bản thứ nhất, nếu đi liền với cắt giảm đầu tư công một cách nghiêm khắc, lạm phát 2011 vẫn có thể lên tới 15,5% trong khi tăng trưởng đạt khoảng 6,2%. Kịch bản thứ hai, mức lạm phát cao hơn, tới 18% nếu Chính phủ không quyết liệt chống lạm phát, bình ổn vĩ mô, tăng trưởng khoảng 6,5%. Nội dung này có trong báo cáo thường niên Kinh tế Việt Nam năm 2011 có chủ đề “Nền kinh tế trước ngã ba đường” được công bố hôm qua (17.5) tại Hà Nội.

Báo cáo là sản phẩm chính trong chương trình nghiên cứu chiến lược của trường đại học Kinh tế, đại học Quốc gia Hà Nội, do trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chính sách của trường thực hiện.

Nền kinh tế đang trong vòng luẩn quẩn

Lạm phát khiến đời sống của người dân ngày càng chật vật. Ảnh: L.Q.N

Theo TS Nguyễn Đức Thành, chủ biên báo cáo, một trong những rủi ro lớn của nền kinh tế là lạm phát tăng cao mà nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ trong nội tại của nền kinh tế. Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng, cung tiền và lãi suất có tác động đến lạm phát nhưng có độ trễ. Do đó, việc điều hành chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát trở nên khó khăn. Sự vận dụng nhiều biện pháp hành chính để kiểm soát giá cả và các vấn đề kinh tế khác trong những năm qua sẽ tiếp tục để lại nhiều hậu quả cho năm nay và những năm tới. Một hậu quả trực tiếp là sự điều hành giật cục về giá của những mặt hàng thiết yếu, như giá điện, xăng dầu… ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống xã hội trên diện rộng.

“Tình trạng lạm phát gia tăng kéo theo lãi suất tăng cao sẽ tiếp tục là một nhân tố bất lợi không chỉ tới tốc độ tăng trưởng kinh tế mà còn cả tới sự ổn định của hệ thống tài chính, ngân hàng và các thị trường tài sản”, ông Thành e ngại.

Điểm đáng chú ý, theo nhóm nghiên cứu, lãi suất tự nhiên của Việt Nam (mức lãi suất tương ứng với tăng trưởng kinh tế ở mức tiềm năng và không làm tăng hay giảm các mức giá cả hàng hoá) đã luôn âm kể từ năm 2004 cho thấy nguồn lực đã không được phân bổ hiệu quả. Lý do là lượng vốn cung ra thị trường rất nhiều trong giai đoạn 2000 – 2007 nhưng khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp Việt Nam lại không được cải thiện, tác động làm tăng lạm phát. Khi ngân hàng Nhà nước đưa ra các biện pháp mạnh để đối phó với lạm phát, thanh khoản của hệ thống ngân hàng trở nên khó khăn, dẫn đến lãi suất bị đẩy lên cao.

Chia sẻ mối quan tâm này, phó chủ tịch uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia Lê Xuân Nghĩa cho rằng, tăng trưởng kinh tế năm 2010 cao hơn năm 2009, chủ yếu từ đầu tư công, đầu tư tư nhân và tiêu dùng, nhưng luôn chứa đựng nguy cơ lạm phát. Một trong những nguyên nhân, theo ông Nghĩa là do vấn đề phân bổ nguồn lực. Cụ thể, trong tổng số vốn đầu tư năm 2010, khu vực công đã chiếm khoảng 44%; khu vực tư nhân chỉ được hơn 20% trong khi khu vực này được khẳng định có hiệu suất sử dụng vốn cao. Tình trạng mặt bằng lãi suất quá cao – hiện cao hơn cả năm 2008 và cao nhất trong vài chục năm trở lại đây kéo theo lo ngại vốn sẽ chảy càng nhiều vào khu vực công và khu vực phi sản xuất. Ông Nghĩa lý giải: “Áp lực lãi suất với khu vực công không nặng nề bởi nếu chẳng may có nợ xấu thì cũng có cơ hội cao được khoanh, dãn, xoá… Điều này kéo nền kinh tế vào vòng luẩn quẩn: lạm phát cao – lãi suất cao – vốn đổ vào khu vực kém hiệu quả – lạm phát cao”.

Người dân san gánh nặng nợ công qua “thuế lạm phát”

Một rủi ro khác được nhóm nghiên cứu nhấn mạnh, đó là nợ công. Mặc dù các khoản nợ nước ngoài hiện tại đang được hưởng lãi suất thấp nhưng sự mất giá của đồng nội tệ khiến cho gánh nặng nợ nước ngoài tính theo nội tệ tăng lên (kể từ năm 2002 – 2010, VND đã mất giá 42% so với các đồng tiền trong giỏ nợ nước ngoài của Việt Nam). Báo cáo cũng lưu ý, tính theo giá trị thực, giá trị các khoản nợ này giảm khi lạm phát trong giai đoạn này của Việt Nam lên tới 110% – tức là gánh nặng trữ nợ của Chính phủ đang được san sẻ sang người dân thông qua “thuế lạm phát”.

Nhóm nghiên cứu cũng dự báo, nợ công Việt Nam sẽ tăng dần đều và đạt mức 64% GDP vào năm 2015, 80% GDP vào năm 2020. “Kịch bản này đòi hỏi Chính phủ phải đưa dần thâm hụt ngân sách tổng thể từ 7,7% trong năm 2009 xuống còn 4,3% trong năm 2011, 3,1% trong năm 2015 và 2,8% GDP vào năm 2020”, các tác giả khuyến nghị.

Báo cáo cũng đưa ra dự báo hai kịch bản về nền kinh tế Việt Nam trong năm 2011. Thứ nhất, nếu đi liền với cắt giảm đầu tư công một cách nghiêm khắc, lạm phát 2011 vẫn có thể lên tới 15,5% trong khi tăng trưởng đạt khoảng 6,2%. Kịch bản thứ hai, mức lạm phát cao hơn, tới 18% nếu Chính phủ không quyết liệt chống lạm phát, bình ổn vĩ mô, tăng trưởng khoảng 6,5%.

Ông Lê Xuân Nghĩa đồng tình, để bình ổn vĩ mô, chính sách điều hành phải rất nhất quán, nhất là chính sách tiền tệ, tránh lặp lại tình trạng “giật cục” như năm 2010 vừa qua. Cụ thể, năm 2010, sáu tháng đầu năm, chính sách tiền tệ được định hướng thắt chặt khi tăng trưởng tín dụng chỉ tăng chưa đầy 11%. Tuy nhiên, sáu tháng cuối năm, định hướng đã quay ngược khi tăng trưởng tín dụng cả năm vọt lên tới 29,81%. Năm nay, chính sách tiền tệ lại quay về mục tiêu thắt chặt, nhưng cũng có biểu hiện bóp nghẹt quá mức khi tăng trưởng tín dụng bốn tháng mới đạt khoảng 5%. Theo ông Nghĩa, “lẽ ra chúng ta phải công bố mục tiêu thắt chặt hay nới lỏng và phân bổ đồng đều cho tất cả các quý trong năm, để nền kinh tế không bị động”. Ông Nghĩa cũng bày tỏ e ngại việc sử dụng quá nhiều biện pháp hành chính, mệnh lệnh hành chính trong chính sách tiền tệ hiện nay, khiến cho thị trường này trở nên méo mó, biểu hiện như “nợ xấu nói thế mà không phải thế, lãi suất nói thế cũng không phải thế”. Ông dẫn chứng, trong khi ngân hàng bị cấm không được huy động người dân quá 14%/năm, nhưng thực tế phải trả tới 18 – 19%/năm… các ngân hàng lại vẫn cho nhau vay lãi suất tới hơn 20%/năm, cùng kỳ hạn.

(Theo sgtt online)

  • Khiên cưỡng
  • Giá cả tăng: Do quản lý hay do phân phối?
  • Thị trường điện cạnh tranh thí điểm từ 1.7: Thận trọng để không bị đổ vỡ
  • Việt Nam coi trọng nguồn vốn tư nhân
  • “Cuối năm 2013: Việt Nam sẽ chấm dứt hoàn toàn tình trạng đô la hóa…”
  • Hệ lụy từ... bội thực các dự án thép
  • 'Phương thuốc' nào ổn định thị trường xăng dầu?
  • Những “khoảng trống” trong năng lực quản lý nhà nước
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi