Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Làm thế nào để phát triển bền vững?

Trong giờ thực hành bài học của học sinhTrường cao đẳng Kỹ thuật Cao ThắngTP Hồ Chí Minh. Ảnh: Tất Cường

Phát triển bền vững là yêu cầu cấp thiết đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường ở nước ta đi vào CNH và hội nhập toàn cầu. Vượt qua mức thu nhập trung bình để vươn tới nước phát triển đòi hỏi chúng ta phải có chiến lược phát triển dựa vào nguồn lực con người. Ðây là nhân tố quyết định nhất đối với quá trình CNH, HÐH đất nước và bảo đảm cho sự phát triển nhanh, bền vững.

Trọng dụng nhân tài

Kinh nghiệm quốc tế và những nghiên cứu khoa học cho thấy, các quốc gia phát triển nhanh và bền vững đều có chiến lược phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và chính sách sử dụng nhân tài. Việt Nam muốn tăng trưởng nhanh và phát triển bền vững cũng cần phải có những chính sách đúng đắn để tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao và trọng dụng nhân tài có hiệu quả.

Một thực tế rất đáng suy ngẫm là nguồn nhân lực của nước ta trong nhiều năm qua không đáp ứng yêu cầu của những ngành kinh tế kỹ thuật mới, trong khi nhiều học sinh, sinh viên Việt Nam đoạt giải cao ở các kỳ thi quốc tế. Có thể nêu một số thí dụ: Hãng Intel của Mỹ vào Việt Nam đầu tư có tổ chức thi tuyển dụng nhân viên công nghệ thông tin, trong số 2.000 ứng viên dự thi để vào làm việc cho cơ sở sản xuất của hãng tại TP Hồ Chí Minh thì chỉ có 90 người tức 5% đạt chuẩn chuyên môn, trong đó chỉ có 40 người đủ trình độ tiếng Anh để tuyển dụng, kết quả cuối cùng là chỉ có 2% được tuyển dụng. Hoặc như Hãng Renesas chuyên thiết kế và sản xuất vi mạch hàng đầu của Nhật Bản đầu tư vào TP Hồ Chí Minh muốn tuyển 500 kỹ sư cho giai đoạn đầu hoạt động của hãng, vậy mà hai năm liền 2007 và 2008 chỉ tuyển được có 60 người... Ngay như một số dự án và công trình xây dựng trên khắp đất nước ta cũng phải thuê nhân lực quốc tế. Những việc nêu trên cảnh báo cho chúng ta một vấn đề về những bất cập của hệ thống giáo dục, nhất là giáo dục ở bậc đại học và dạy nghề. Chiều hướng phát triển giáo dục, đào tạo trong những thập niên vừa qua đã không thể đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước khi đi vào công nghiệp hóa, hiện đại hóa mặc dù đầu tư của Nhà nước và của nhân dân rất lớn. Chúng ta cần phải đổi mới một cách căn bản tư duy và cải cách giáo dục, đào tạo theo hướng phải thật sự coi trọng đào tạo tư duy sáng tạo, đào tạo kỹ năng và đào tạo chuyên môn nghề nghiệp.

Theo đó, giáo dục đại học cần thiết chuyển hướng sang đào tạo nhân lực có trình độ và kỹ năng làm việc đáp ứng yêu cầu thực tiễn phát triển của đất nước trong dài hạn mà thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa và phát triển kinh tế trí thức yêu cầu. Cơ chế giáo dục đại học và trên đại học cần thiết phải tạo ra được các cộng đồng sinh viên được tổ chức sao cho trên cái nền kiến thức giáo dục cơ bản thật sự khuyến khích tính linh hoạt và sáng tạo của sinh viên, nghiên cứu sinh; tạo ra cho mỗi chủ thể sinh viên một môi trường học tập, nghiên cứu mà họ có thể tự đào tạo, tự vươn lên phù hợp với những biến đổi của xã hội luôn thay đổi trong điều kiện khoa học, kinh tế, kỹ thuật, công nghệ thay đổi nhanh chóng ở thế kỷ 21. Muốn vậy cần phải thay đổi cách dạy trong các cơ sở đào tạo đại học. Dạy ở bậc đại học và trên đại học không chỉ là truyền đạt những gì đã biết mà quan trọng hơn là dạy cho sinh viên, nghiên cứu sinh cách duy trì việc cập nhật kiến thức, phương pháp tư duy, cách xử lý các vấn đề nảy sinh trong thực tiễn... để họ có thể biết cách làm mới kỹ năng làm việc của mình để thích ứng với môi trường, điều kiện luôn thay đổi.

Hiện nay, nước ta hội nhập ngày càng sâu rộng vào kinh tế, chính trị toàn cầu. Nhu cầu về nhân lực ngày càng lớn, do đó giáo dục đại học của nước ta phải làm sao nhanh chóng đáp ứng yêu cầu này. Ngoài những kỹ năng chuyên môn cấp thiết phải tăng số lượng và trình độ ngoại ngữ. Ðây quả thật là một thách thức lớn đối với giáo dục của nước ta. Cùng với việc xây dựng các trung tâm đào tạo có chất lượng quốc tế, cần thiết có những chính sách để đưa nhiều sinh viên học tập ở nước ngoài, có chiến lược và những cơ chế, chính sách trọng dụng nhân tài, kể cả các nhân tài quốc tế đến làm việc, cống hiến cho đất nước Việt Nam.

Dạy nghề đáp ứng nhu cầu phát triển

Ðể đất nước phát triển nhanh và bền vững, Ðảng và Nhà nước ta đã xây dựng và triển khai nhiều chương trình, chiến lược kinh tế - xã hội, các chính sách an sinh xã hội, bảo vệ môi trường. Ðặc biệt đầu tư rất lớn cho giáo dục, đào tạo để phát triển nguồn nhân lực. Trong điều kiện toàn cầu hóa và kinh tế thế giới cạnh tranh quyết liệt thì như Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhận định: Nguồn lực con người là lợi thế cạnh tranh dài hạn, là yếu tố quyết định sự phát triển của quốc gia... Do đó cần phải tập trung sức phát triển giáo dục và đào tạo, nhất là đào tạo đại học và dạy nghề để có nguồn nhân lực chất lượng cao, cơ cấu hợp lý nhằm đẩy nhanh quá trình tái cấu trúc nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng.

Như vậy, việc tái cấu trúc nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng, trước hết là nâng cấp cơ cấu công nghiệp, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo chiều sâu nhằm sản xuất ra những sản phẩm và dịch vụ có giá trị gia tăng cao hơn, nhanh chóng thích nghi với những công nghệ mới và phương pháp quản lý hiện đại đòi hỏi phải có một hệ thống giáo dục dạy nghề hiệu quả hơn và rộng lớn hơn. Nhu cầu về nguồn nhân lực được đào tạo nghề ngày càng trở nên cấp thiết song giáo dục dạy nghề lại chưa đáp ứng cả về số lượng và kỹ năng nghề nghiệp.

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam chỉ đạt 3,79 trên thang điểm 10, xếp hạng thứ 11 trong 12 quốc gia được khảo sát tại khu vực châu Á. Ở Việt Nam chưa có trường dạy nghề nào được định chuẩn là đáp ứng tiêu chuẩn quốc gia và khu vực. Một số doanh nghiệp Việt Nam đã phải thuê lao động có kỹ năng từ nước ngoài... Tuy vậy, điều ghi nhận những cố gắng của đào tạo nghề ở nước ta là quy mô đào tạo nghề tăng khá nhanh. Trong vòng 10 năm từ 1998 đến 2008, tỷ lệ sinh viên theo học tại các trường trung học và cao đẳng, đại học dạy nghề đã tăng gấp bốn lần. Năm 2009 đạt con số 1,7 triệu người và năm 2010 có tới gần một nửa số quận, huyện trong cả nước có ít nhất một trung tâm đào tạo nghề. Từ năm 1997, tỷ lệ công nhân được đào tạo nghề tăng từ 10% lên 30%.

Hạn chế chính của đào tạo nghề ở nước ta trong thời gian qua là thiếu một đội ngũ giáo viên giỏi và sự quản lý công tác dạy nghề yếu kém, chưa thống nhất vào một ngành mà phân tán, mạnh ai nấy làm đã làm cho chất lượng dạy và cơ sở vật chất dành cho giảng dạy xuống cấp. Vấn đề quan trọng hàng đầu đối với dạy nghề cho nguồn nhân lực của nước ta là kỹ năng và kiến thức nghề. Ðể đạt được những yêu cầu ấy người được đào tạo nghề phải trải nghiệm trong công việc (học trong công việc và làm việc) và kiến thức từ quá trình đào tạo chính thức. Theo đó các trung tâm dạy nghề cần phải cung cấp cho người học nghề cả việc học nghề thực hành và hướng dẫn lý thuyết. Chính vì vậy sự hợp tác giữa các trường, trung tâm dạy nghề với các công ty, doanh nghiệp là yêu cầu thường xuyên. Chỉ thông qua việc hợp tác này mới có thể tạo ra nguồn nhân lực được đào tạo với nghề nghiệp thích ứng yêu cầu sản xuất, kinh doanh, gắn kết được nhu cầu của thực tiễn với đào tạo nghề của các trường và các cơ sở dạy nghề.

Ðộng lực lớn và điều kiện thuận lợi cho công tác dạy nghề hiện tại là thực hiện công nghiệp hóa nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới theo chính sách tam nông của Ðảng. Chương trình đào tạo nghề cho nhân lực ở nông thôn đang được triển khai với mục tiêu mỗi năm đào tạo một triệu nhân công nông thôn bao gồm cả các viên chức làm việc ở khu vực nông thôn. Sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và các cấp, ngành hữu quan yêu cầu mỗi quận, huyện và cấp xã phải có một cán bộ chuyên trách chịu trách nhiệm về giáo dục dạy nghề và dạy nghề miễn phí cho thanh niên có hoàn cảnh khó khăn mà sẵn sàng đi làm việc ở nước ngoài đã tạo ra những điều kiện tốt cho công tác đào tạo nghề ở nông thôn. Ðể chương trình đào tạo nghề ở nông thôn thật sự hiệu quả, thiết nghĩ các chương trình đào tạo nghề nên coi trọng dạy nghề nông hơn nữa. Nên khuyến khích các chương trình đào tạo nghề, tạo việc làm tại những khu vực nông thôn thông qua sự đa dạng hóa ngành, nghề và cách thức tổ chức lao động, quản lý của doanh nghiệp gắn liền với đặc điểm của địa phương và nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội tại địa bàn.

Với lợi thế về cơ cấu dân số trẻ, chỉ số phát triển người cao, nguồn nhân lực dồi dào có học vấn và được đào tạo kỹ năng nghề nghiệp, trình độ chuyên môn, chúng ta có cơ sở để đất nước phát triển nhanh và bền vững.

(Theo PHẠM VĂN KHÁNH // Nhandan Online)

  • Vận hội với miền Trung
  • Hiệu quả từ việc cho vay vốn
  • Khai thác các tiềm lực phát triển bền vững Thủ đô
  • Đáp án ‘bài toán’ tái định cư
  • Không có chuyện bán Dự án Bãi đậu xe ngầm Công viên Lê Văn Tám
  • Đề án rau an toàn tại Hà Nội: Vẫn ở... vạch xuất phát
  • Việt Nam đứng trước áp lực cải cách mạnh mẽ
  • Thúc đẩy nghiên cứu và phát triển sản phẩm ở doanh nghiệp
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi