Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Lúng túng chuyện hỗ trợ sau WTO

Minh họa: Khều.

Nhiều doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn khi bị cắt các khoản ưu đãi đầu tư không phù hợp theo cam kết của Việt Nam với WTO. Giải quyết, hỗ trợ cho những doanh nghiệp này sau đó như thế nào là một vấn đề bức xúc đang được đặt ra.

Chới với vì bị cắt đột ngột

Chính sách ưu đãi đầu tư cho doanh nghiệp sử dụng lao động là học viên và người sau cai nghiện ma túy được UBND TPHCM ban hành và áp dụng cách nay năm năm. Với chính sách này, chính quyền thành phố cam kết nhiều ưu đãi hấp dẫn như được miễn, giảm tiền thuê đất; hỗ trợ tài chính; hỗ trợ 100% lãi suất vay vốn...

Bà Nguyễn Thị Mỹ Linh, Giám đốc Công ty Minh Châu, kể công ty của bà là một trong những doanh nghiệp đầu tiên xung phong đầu tư vào Khu công nghiệp Nhị Xuân nhằm hưởng ứng chính sách nói trên của thành phố. Với khoản vay ưu đãi 100% lãi suất trong thời hạn 10 năm, công ty đã đầu tư xây dựng một nhà máy may mặc phục vụ xuất khẩu tại đây. Để có tiền đầu tư và được hưởng ưu đãi, bà Linh đã phải thế chấp tài sản cá nhân cho khoản vay lên tới 34 tỉ đồng, tương đương khoảng 2 triệu đô la Mỹ theo tỷ giá lúc ấy. Đến nay, dự án đã hoàn thành được 70% và nhà máy đã đi vào hoạt động, giải quyết việc làm cho 300 người sau cai nghiện. Thế nhưng, vừa mới bắt đầu nhận ưu đãi năm trước thì ngay sau đó, đến tháng 2-2009 công ty bất ngờ được thông báo bị cắt khoản vay ưu đãi này - bà Linh cho biết.

Bị cắt ưu đãi một cách đột ngột, Công ty Minh Châu lâm vào tình thế hết sức nan giải vì đổ vỡ toàn bộ kế hoạch, chiến lược sản xuất kinh doanh. “Chúng tôi đã khiếu nại nhiều lần nhưng chỉ nhận được lời khuyên là hãy chuyển đổi sang nghề khác. Tiền đâu, kỹ năng đâu để chuyển nghề? Trong khi, chúng tôi đã gắn bó 25 năm trong nghề may mặc, đã tạo dựng được tài sản vô hình là kỹ năng, tay nghề của người lao động. Trách nhiệm này thuộc về ai? Nhà nước là người đi đàm phán, cam kết với WTO, biết việc cho vay như vậy là vi phạm thì tại sao lại ưu đãi?”, bà Linh bức xúc.

Cùng tìm cách tháo gỡ khó khăn

Câu chuyện “chết dở sống dở’ của Công ty Minh Châu được bà Linh phản ánh lập tức trở thành tâm điểm tại cuộc hội thảo có tựa đề: “Rà soát chính sách hỗ trợ doanh nghiệp theo cam kết WTO” do Trung tâm Hỗ trợ hội nhập WTO phối hợp với Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tổ chức tuần qua tại TPHCM.

Cả hai ông Đặng Xuân Quang, Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài và ông Trần Hào Hùng, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Kế hoạch và đầu tư, đều ngạc nhiên nói rằng “lần đầu tiên chúng tôi được nghe phản ánh một sự việc như thế!”.

Trong hai thập niên qua, kể từ khi mở cửa Việt Nam đã áp dụng khá nhiều chính sách ưu đãi liên quan đến hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh. Các chính sách này đã góp phần thu hút đầu tư, thúc đẩy xuất khẩu cũng như thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa đất nước. Thế nhưng, phải thẳng thắn nhìn nhận rằng trong số các ưu đãi nói trên có một số hình thức thuộc diện trợ cấp bị cấm theo quy định của WTO. Chẳng hạn như các ưu đãi về đất đai, thuế, tín dụng... nhằm thúc đẩy chương trình nội địa hóa, sử dụng nguyên liệu trong nước hoặc đáp ứng điều kiện về tỷ lệ xuất khẩu.

Trong quá trình đàm phán, Việt Nam cam kết sẽ bãi bỏ, đồng thời không áp dụng bất kỳ chương trình trợ cấp mới nào bị cấm theo quy định kể từ thời điểm gia nhập WTO vào ngày 11-1-2007 (gồm các trợ cấp trực tiếp hay gián tiếp nhằm khuyến khích xuất khẩu hoặc sử dụng hàng nội địa thay thế hàng nhập khẩu...). Tuy nhiên, WTO cũng dành cho Việt Nam một ngoại lệ là các ưu đãi thuộc diện bị cấm đã cấp cho các dự án đầu tư trước thời điểm gia nhập WTO thì vẫn được phép duy trì trong vòng năm năm, kể từ khi gia nhập, tức đến 11-1-2012 mới phải chấm dứt. Riêng đối với các dự án thuộc ngành nghề dệt may, theo cam kết, là không được phép duy trì mà phải ngưng lập tức các ưu đãi, trợ cấp bị cấm ngay sau khi Việt Nam gia nhập WTO.

Như vậy, không chỉ doanh nghiệp dệt may mà trong tương lai nhiều doanh nghiệp ở các ngành nghề khác cũng sẽ bị cắt ưu đãi. Đặc biệt, là các doanh nghiệp, như trên đã đề cập, được ưu đãi do tham gia chương trình nội địa hóa, sử dụng nguyên liệu trong nước hoặc đáp ứng điều kiện về tỷ lệ xuất khẩu (điển hình là doanh nghiệp trong các khu chế xuất). Những doanh nghiệp này được hưởng ưu đãi trong một thời hạn nhất định hoặc thậm chí như trao đổi của ông Trần Hào Hùng với TBKTSG, có khi ưu đãi cho “cả đời dự án”. Do đó, việc bị cắt ưu đãi không ít thì nhiều sẽ dẫn đến hụt hẫng, khó khăn cho doanh nghiệp.

Mặt khác, vấn đề ở đây còn liên quan đến cả niềm tin của giới đầu tư. “Có nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đã chấp nhận rủi ro, đến đầu tư tại Việt Nam từ những năm 1990, khi môi trường đầu tư ở đây còn rất khó khăn và đã được Chính phủ khuyến khích bằng các cam kết ưu đãi thuế. Các doanh nghiệp nước ngoài sẽ nghĩ gì nếu những lời hứa không được giữ? Chúng tôi nghĩ rằng Chính phủ cần có giải pháp”, ông Hirota Nakanishi, chuyên gia cố vấn của Tổ chức Xúc tiến mậu dịch Nhật Bản tại TPHCM, đề nghị.

Có vẻ như một chương trình hỗ trợ cụ thể cho các doanh nghiệp bị cắt ưu đãi vẫn chưa được chuẩn bị sẵn sàng mặc dù có khá nhiều đầu việc đã và đang được các cơ quan chức năng triển khai nhằm thực thi cam kết với WTO.

“Chúng tôi mong sự chia sẻ của doanh nghiệp khi phải đứng trước hai sự lựa chọn hết sức khó khăn. Một là phải thực thi cam kết với WTO và hai là phải thực hiện cam kết về chính sách ưu đãi với nhà đầu tư”, ông Đặng Xuân Quang trần tình.

Cách tốt nhất, theo ông Quang, là các cơ quan chức năng sẽ cùng ngồi lại với doanh nghiệp để tìm giải pháp hỗ trợ và sẽ càng tốt “nếu các doanh nghiệp đề xuất được giải pháp”.

Trao đổi với TBKTSG, ông Trần Hào Hùng cũng đề nghị các doanh nghiệp nên phản ánh, có nhiều thông tin hơn nữa để trên cơ sở đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng với các bộ, ngành khác tổng hợp, đề xuất biện pháp cụ thể với Chính phủ. “Ví dụ như trường hợp của Công ty Minh Châu, qua cuộc hội thảo này chúng tôi mới biết chứ từ trước đến nay có nghe bao giờ đâu”.

Mặt khác, theo ông Hùng, việc Việt Nam gia nhập WTO có đặt ra thách thức, tuy nhiên cũng đưa lại những lợi ích to lớn cho doanh nghiệp, chẳng hạn như việc mở rộng thị trường. “Nên nhìn nhận vấn đề từ cả hai phương diện như vậy mới dễ chia sẻ và tháo gỡ”, ông Hùng đề nghị.

Ở một khía cạnh khác, ông Trần Anh Tuấn, Phó vụ trưởng Vụ Pháp luật quốc tế (Bộ Tư pháp), phàn nàn có rất nhiều hình thức hỗ trợ, ưu đãi doanh nghiệp mặc dù không thuộc diện bị cấm nhưng các địa phương vẫn chưa mạnh dạn áp dụng. Thậm chí, theo ông, có địa phương còn cực đoan tới mức cấm cả việc hỗ trợ về giống để thí điểm hoặc hỗ trợ về thủy lợi cho nông dân mặc dù những hình thức hỗ trợ này là được phép theo quy định của WTO. 

(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)

  • Gia nhập WTO - bốn năm nhìn lại
  • Quản lý vận tải đường bộ: Mâu thuẫn từ cơ chế
  • Về đích trong gian nan
  • VN là nhân tố quan trọng trong chính sách của Ấn Độ
  • Giáo sư Michael Porter: Việt Nam cần nhắm tới tính cạnh tranh dài hạn
  • GS. Trần Văn Thọ: Việt Nam trước dòng thác công nghiệp của Trung Quốc
  • “Bức tranh” kinh tế - xã hội năm 2010
  • Quản lý nợ công: Không thể xem nhẹ yếu tố rủi ro
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi