Theo số liệu công bố trong quy hoạch của một số ngành như xi măng, năng lượng, khai khoáng, giai đoạn từ năm 2008- 2025, các ngành này sẽ chi khoảng 117 tỷ USD cho thiết bị máy móc. Đây là một thị trường tiềm năng để phát triển khoa học công nghệ.
Thiết bị thủy công. |
Theo tính toán sơ bộ của các nhà khoa học, nếu ta nội địa hóa được 50% giá trị số thiết bị trên, mỗi năm sẽ có trên 7 tỷ USD chi trả cho việc làm.
Đó là thị trường lớn cho các ngành cơ khí trong nước nói chung cũng như cơ hội cho các nhà khoa học nói riêng để nghiên cứu làm chủ thiết kế, chế tạo các thiết bị, máy móc, góp phần giảm nhập siêu.
Con số nhập siêu chiếm khoảng 20% kim ngạch xuất khẩu trong những năm gần đây có phần không nhỏ của việc nhập thiết bị máy móc do chúng ta chưa làm chủ được công nghệ, thiết kế chế tạo
Theo ý kiến nhiều nhà khoa học, nếu chỉ cần làm chủ công nghệ cung cấp 50% nhu cầu nội địa sẽ góp phần giảm đáng kể tỷ lệ trên.
Nghị định 115/2005/NĐ-CP quy định cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức khoa học và công nghệ công lập trong những năm qua có thể được coi như “khoán 10” giúp các nhà khoa học nói riêng và các tổ chức khoa học nói chung chủ động tìm thị trường, thực hiện các hợp đồng nghiên cứu, dịch vụ tư vấn khoa học công nghệ.
Quá trình triển khai thực hiện cho thấy, bên cạnh những mặt được, ngoài việc thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu được giao từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, nhiều đơn vị đã chủ động hơn trong việc tiếp cận thị trường, nắm bắt nhu cầu khoa học công nghệ trong sản xuất, chuyển giao công nghệ và áp dụng kết quả nghiên cứu vào sản xuất.
Song so với nhu cầu của thị trường thì vẫn còn hạn chế. Các tổ chức Khoa học và công nghệ còn gặp nhiều khó khăn do các hướng dẫn và sự chuyển đổi về cơ chế quản lý còn thiếu đồng bộ.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Hữu Hào cho biết, đây là điểm đã làm hạn chế hiệu quả của chủ trương đúng đắn này. Các Viện vẫn gặp khó khăn trong việc vay vốn ngân hàng và hình thành nguồn vốn lưu động phục vụ cho hoạt động kinh doanh, chuyển giao công nghệ.
Bên cạnh đó, việc thực hiện Nghị định 80/2007/NĐ-CP về doanh nghiệp khoa học và công nghệ được coi như cánh tay nối dài của Nghị định 115 /2005/ NĐ-CP cũng còn vướng mắc, đặc biệt trong hướng dẫn thực hiện phương thức cổ phần hóa đối với các Viện và việc bán cổ phần.
Một khó khăn trong phát triển nghiên cứu khoa học và đưa vào ứng dụng, ông Nguyễn Chỉ Sáng, Viện trưởng Viện nghiên cứu Cơ khí (Bộ Công Thương) chia sẻ, nhiều dự án lớn do nước ngoài làm tổng thầu. Nguyên nhân một phần do tiềm lực khoa học công nghệ của ta còn hạn chế. Song một khía cạnh khác bản thân chúng ta chưa tạo được thị trường để khoa học công nghệ có đất phát triển.
Đơn cử lĩnh vực cụ thể, ông Sáng cho biết, kinh phí đầu tư cho xây dựng các nhà máy nhiệt điện giai đoạn 2007- 2025 khoảng 80- 100 tỷ USD. Chúng ta có thể nội địa hóa 50% thiết bị nhà máy. Bộ Công Thương và Bộ Khoa học và Công nghệ sẵn sàng phê duyệt dự án phát triển tiềm lực khoa học công nghệ với kinh phí hàng trăm tỷ đồng để đạt mục tiêu này nhưng trên thực tế không phải chủ đầu tư nào cũng “mặn mà”, sẵn sàng tham gia.
Tạo mạng lưới doanh nghiệp KHCN
Theo một số chuyên gia trong lĩnh vực cơ khí, nên tạo một thị trường cho phát triển tiềm lực khoa học công nghệ và việc đầu tư phát triển tiềm lực khoa học công nghệ chỉ có thể đạt kết quả nếu nó được áp dụng, cải tiến, hoàn thiện và ứng dụng ở diện rộng.
Tuy nhiên, kèm theo đó cần xây dựng tiêu chí cụ thể, có cơ chế giám sát, đúc rút kinh nghiệm nhằm phát huy hiệu quả của việc phát triển tiềm lực khoa học công nghệ.
Theo PGS. TS Phan Đăng Tuất, Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược Chính sách công nghiệp (Bộ Công Thương), vai trò của nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn, có năng lực sáng tạo ngày càng có ý nghĩa và khoa học công nghệ đang trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp.
Hiện nay, kết quả sáng tạo khoa học công nghệ được chính thức công bố ở Việt Nam còn thấp, số lượng các bằng phát minh, các sáng chế chưa cao so với nhiều nước trong khu vực.
Chúng ta chưa có mạng lưới quản lý khoa học công nghệ đến cơ sở, đến doanh nhiệp nên khó đưa các kết quả nghiên cứu vào thực tiễn.
Theo Giáo sư Tuất, cần sớm hình thành một hệ thống doanh nghiệp khoa học công nghệ. Loại hình doanh nghiệp này sẽ trực tiếp ứng dụng kết quả nghiên cứu để làm ra sản phẩm có hàm lượng chất xám cao. Đây là con đường ngắn nhất để đưa kết quả nghiên cứu vào sản xuất.
(Theo Linh Đan // Tin Chính phủ)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com