|
Trong bảng xếp hạng về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) từ năm 2005 đến nay, Hà Nội thường đứng trong nhóm trung bình. Năm 2007, Thủ đô đứng thứ 27 trong tổng số 64 tỉnh thành, và năm 2008, lùi 4 bậc, xuống thứ 31.
Có thể, việc đưa vào thực hiện Đề án nâng cao năng lực cạnh tranh của Thành phố Hà Nội từ tháng 3/2009 đến nay, đã thể hiện cam kết của lãnh đạo Thành phố trong việc cải cách hơn nữa thủ tục hành chính, xóa bỏ những rào cản trong thu hút đầu tư và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, việc đặt mục tiêu cải thiện 10 vị trí ngay trong năm 2009 dường như là “gánh nặng” ngoài khả năng chủ quan của bộ máy điều hành. Đó là chỉ tính đến những cải cách “phần mềm”, bao gồm các thiết chế pháp lý, thủ tục hành chính… chứ không đề cập đến chỉ tiêu về cơ sở hạ tầng.
Chính vì thế, đây là vấn đề được dành cho nhiều sự quan tâm hơn cả tại buổi tọa đàm với chủ đề nâng cao năng lực cạnh tranh của Thành phố Hà Nội giai đoạn 2009 - 2010 được tổ chức sáng nay, 11/8.
Rõ ràng, có những lý do để quan ngại về khả năng hoàn thành mục tiêu này của Thành phố Hà Nội. Theo ông Đậu Anh Tuấn, Ban Pháp chế - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), thì cuộc điều tra mẫu lấy số liệu tính toán PCI năm 2009 đã cơ bản hoàn thành.
Vì vậy, những giải pháp được đề cập trong bản Đề án của Hà Nội, vốn còn có độ trễ, không dễ gì “áp đặt” được những chuyển biến trong thứ hạng của Hà Nội ngay trong năm nay.
Trao đổi với VnEconomy bên lề buổi tọa đàm, ông Tuấn cũng cho rằng việc sáp nhập Hà Tây vào với Hà Nội từ tháng 8/2008 có thể cũng là một nguyên nhân kéo tổng điểm PCI của Hà Nội xuống thấp hơn tương đối trong năm nay.
Bởi vì, cho dù Hà Tây có được cải thiện vị trí từ “đội sổ” lên thứ hàng 41 trong năm 2007, nhưng đến năm 2008 đã lại xuống hạng 55. Và vị trí của Hà Tây luôn thấp hơn của Hà Nội trong bảng xếp hạng PCI cấp tỉnh trong nhiều năm liền.
Mà lý do của việc “buông trôi” xu hướng cải thiện vị trí này, theo ông Nguyễn Văn Tứ, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, là do thông tin sáp nhập đã khiến không ít người trong ban lãnh đạo Hà Tây cũ không còn muốn theo đuổi các mục tiêu đã đặt ra trước đó.
Theo nghiên cứu của VCCI, có đến 6 trên 10 lĩnh vực Hà Nội cần đặc biệt quan tâm cải cách trong thời gian tới, đó là tiếp cận đất đai, chi phí thời gian, ưu đãi doanh nghiệp Nhà nước, thiết chế pháp lý, chi phí không chính thức, và tính năng động của đội ngũ lãnh đạo.
Chủ tịch Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc cho rằng khó khăn lớn nhất mà Thủ đô đang gặp phải trong nỗ lực “nâng hạng” PCI là vì Hà Nội chưa có được Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội được phê duyệt.
“Cái khó nhất của Hà Nội là chưa có quy hoạch chung dẫn tới lúng túng trong thu hút đầu tư, đặc biệt là đối với những dự án lớn”, ông Lộc thẳng thắn nói. Và ông Nguyễn Huy Tưởng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội cũng đồng tình với quan điểm này.
Trong một lần trả lời báo giới gần đây, ông Tưởng nói: “Là Phó chủ tịch phụ trách công nghiệp, tôi không dám trả lời nhà đầu tư là được đầu tư vào chỗ nào, là vì về mặt nguyên tắc là chưa được phê duyệt quy hoạch”.
Và một vấn đề mang tính cố hữu đối với nhiều địa phương, trong đó có Hà Nội là chuyện “trên bảo dưới không nghe”.
Ông Vũ Tiến Lộc cho biết, trong khi các cấp lãnh đạo rất quyết tâm cải cách thủ tục hành chính, giảm phiền hà cho doanh nghiệp và người dân thì đội ngũ công chức không chịu chuyển biến.
Vấn đề này, nhiều đại biểu đều đồng tình là Hà Nội không dễ gì có thể "cải thiện" gấp gáp trong một hoặc hai năm tới.
(Theo Anh Quân // VnEconomy)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com