Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Nỗi lo... trang trại - Bài 1: Mắc nợ vì làm trang trại chăn nuôi

Sau gần mười năm, kinh tế trang trại đã có những phát triển và đóng góp nhất định cho nền kinh tế, đặc biệt là việc khôi phục và đưa vào sản xuất những vùng đất trống đồi trọc, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, giải quyết việc làm… Ngoài ra, cùng với sự hình thành và thực tế tồn tại, phát triển của kinh tế trang trại, hành lang pháp lý và các cơ chế chính sách cần thiết để vận hành mô hình sản xuất này cũng ra đời và từng bước được hoàn thiện. Tuy nhiên, cũng chính trong sự vận hành của mô hình kinh tế khá mới mẻ này, không ít những trục trặc, bất cập đã nảy sinh. Những thăng trầm của kinh tế trang trại trong gần mười năm qua ít nhiều cho thấy điều ấy. Nhiều bất cập đã được điều chỉnh. Song, cũng còn không ít những vướng mắc chậm được khắc phục khiến kinh tế trang trại ngày càng mất đi vai trò và tính hấp dẫn của nó.

Bài 1: Mắc nợ vì làm trang trại chăn nuôi

Năm 2000, phong trào kinh tế trang trại bắt đầu xuất hiện ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Giai đoạn 2004 – 2006, khắp các tỉnh, thành miền Tây người người làm trang trại, nhà nhà làm trang trại. Nhưng người nông dân Tây Nam bộ đã mau chóng thất vọng…

Gia đình bà Tiền Thị Hạnh ở ấp Giồng Lức (xã Đa Lộc, huyện Châu Thành, Trà Vinh) có nghề chăn nuôi heo nái lâu đời. Năm 2005, ngành nông nghiệp vận động bà Hạnh lập trang trại nuôi heo nái sinh sản. Dù không biết ất giáp gì về kinh tế trang trại nhưng bà Hạnh vẫn đăng ký, bởi lý do duy nhất hấp dẫn bà Hạnh là nếu có trang trại, bà sẽ được vay 60 triệu đồng không tính lãi để đầu tư chuồng trại và mua 20 con heo giống.


Bà Tiền Thị Hạnh và trại heo thời trang trại đã bỏ hoang trong khi vẫn còn nợ ngân hàng 95 triệu đồng.

Trang trại nuôi heo không khá

Sau ba năm được ngành nông nghiệp Trà Vinh xưng tụng là trại nuôi heo điển hình của tỉnh, trang trại của bà Hạnh ngày càng bết bát. Bà Hạnh kể, tiếng là trang trại nhưng chuồng heo của bà chỉ rộng khoảng 500m2, chủ yếu nuôi heo theo kinh nghiệm mấy chục năm của gia đình. Lúc cực thịnh, chuồng heo trong trang trại của bà có 27 con heo nái, trên 200 heo con. “Sau khi trả được hết 60 triệu đồng vay ưu đãi, tui được vay tiếp 95 triệu đồng để mua thức ăn và thuốc men để phát triển đàn heo. Nhưng rồi giá thức ăn, chi phí sản xuất ngày càng tăng trong khi giá heo hơi cứ giảm xuống, đàn heo teo dần. Trại heo của tui ngày một suy sụp rồi phải bỏ không mấy năm nay. Toàn bộ vốn liếng bao năm trời đầu tư vào đàn heo đã mất sạch, tui trắng tay!”, bà Hạnh buồn rầu nói.

Thế nhưng bi kịch của bà Hạnh chưa dừng lại ở đó. Sau ba năm đeo đuổi kinh tế trang trại, bà Hạnh phải bán 40 công ruộng để trả nợ vay nóng, trong khi số nợ 95 triệu đồng vay ưu đãi từ ngân hàng vẫn còn nguyên, thậm chí bà không đủ tiền đóng lãi cho ngân hàng. “Không sớm thì muộn ngân hàng sẽ tới xiết nhà cửa của tui để thu hồi nợ, lúc đó cả nhà không biết phải tá túc ở đâu đây. Khi kêu tui làm trang trại, mấy ông cán bộ nói tui sẽ được ưu tiên vay vốn, được bao tiêu sản phẩm. Nhưng nhiều năm qua có ai bao tiêu gì đâu, tui phải bán heo cho thương lái theo giá thị trường và chấp nhận rủi ro. Heo rớt giá, tui sạt nghiệp mà nợ thì bị đòi ngày một”, bà Hạnh rơm rớm nước mắt, nói.

Ở Trà Vinh có hàng trăm chủ trang trại nuôi heo lâm vào cảnh như bà Hạnh. Từ 225 trang trại chăn nuôi heo, huyện Châu Thành hiện nay chỉ còn khoảng tám trang trại hoạt động ổn định. Ông Đặng Văn Thới, cán bộ phụ trách kinh doanh quảng cáo của đài Phát thanh truyền hình tỉnh Trà Vinh, cho biết thời gian gần đây, ngày nào các ngân hàng cũng gửi đến đài hàng chục thông báo phát mãi tài sản (đất đai, nhà cửa) của các chủ trang trại để… xiết nợ. Tuy vậy, theo một cán bộ ngân hàng ở Trà Vinh, dù liên tục thông báo phát mãi tài sản nhưng gần như chẳng có ai đăng ký mua!

Tại Tiền Giang, tình hình cũng không khá hơn. Cả tỉnh hiện có hơn 300 trang trại nuôi heo nhưng ba năm gần đây trại nào cũng thua lỗ nặng vì thức ăn chăn nuôi tăng giá đến chóng mặt trong khi giá heo hơi lại giảm. Chưa kể dịch heo tai xanh đang hoành hành, nhiều chủ trại heo đối diện với nguy cơ phá sản vì đàn heo bị tiêu huỷ hàng loạt, thiệt hại càng nặng nề. Ông Năm Mạnh, chủ trang trại nuôi heo ở huyện Chợ Gạo, cười như mếu, nói: “Ông bà dạy “muốn khá nuôi heo” nhưng chủ trại heo như tui đang ngày càng mạt!”

Nuôi cá cũng chẳng giàu

Năm năm trước, khi phong trào nuôi cá tra hầm phát triển rầm rộ ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, ngành nông nghiệp tỉnh này xem nuôi cá tra hầm là mô hình trang trại đạt hiệu quả kinh tế cao nhất trong tất cả các loại hình trang trại, bởi những chủ trang trại nuôi cá tra lúc đó đều là triệu phú, thậm chí tỉ phú. Nay thì tỉ phú, triệu phú gì cũng biến thành “những con nợ hãi hùng” đối với các ngân hàng.

Ông Nguyễn Văn Hào, tỉ phú cá tra ở xã Hoà Hưng (huyện Cái Bè, Tiền Giang), kể: “Năm năm trước tui phá 10.000m2 vườn cây để đào ao nuôi cá tra. Chỉ trúng được một vụ, chưa kịp lấy vốn đầu tư thì mấy năm sau liên tiếp lỗ”. Bán hết đất đai trả nợ ngân hàng vẫn không đủ, với hai bàn tay trắng, ông Hào đi thuê ao với giá 10 triệu đồng/ha/năm tiếp tục nuôi cá gia công cho một doanh nghiệp để gom tiền tiếp tục trả nợ ngân hàng. “Sau tám tháng nuôi, công ty trả công cho tui 300 đồng một ký lô. Ky cóp lần hồi trả tiền ngân hàng, hiện nay, tui vẫn còn nợ hơn 300 triệu đồng. May mà ngân hàng cho tiếp tục trả nợ, không phát mãi căn nhà vợ chồng con cái tui đang tá túc. Ai nói nuôi cá làm giàu chớ tui thấy càng nuôi cá tra càng nghèo mạt rệp”, ông Hào buồn hiu nói. Theo sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Tiền Giang, trong năm 2009, huyện Cái Bè có 88 chủ trang trại nuôi cá tra phải treo ao, phá sản vì lỗ.

Tương tự như ông Hào, ông Lê Văn Thủ ở ấp Long Thành, xã Long An (huyện Tân Châu, An Giang) đang kêu lái bán nhanh 120 tấn cá tra để chuyển nghề. Ông nói, giá thành nuôi một ký cá tra đã lên đến 17.000 đồng mà giá bán chỉ 16.000 đồng/kg nên ông đành phải bỏ cá tra để chuyển sang nuôi cá rô đầu vuông kiếm tiền trả nợ ngân hàng. Thống kê của hiệp hội Nuôi và chế biến thuỷ sản tỉnh An Giang cho biết hiện đã có hơn 80% chủ trang trại nuôi cá tra trong tỉnh bị phá sản, phải treo ao với diện tích gần 1.000ha ao hầm, tài sản bị ngân hàng phát mãi.

Ở Đồng Tháp, theo ông Dương Nghĩa Quốc, giám đốc sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, toàn tỉnh có hơn 50% chủ trang trại nuôi cá tra đã lâm cảnh trắng tay, số còn lại phải chuyển sang nuôi các loài thuỷ sản khác để kiếm tiền trả nợ ngân hàng, giữ lại đất đai, nhà cửa. Ông Quốc nói: “Trước có hơn 4.600 trang trại nhưng hiện nay chỉ còn chưa tới 100 trang trại đăng ký hoạt động, trong đó chủ trang trại nuôi cá tra đếm trên đầu ngón tay”.

(còn tiếp)

(bài và ảnh: Hùng Anh  // SGTT Online)

 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi