Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Tin xấu từ một quyết định tốt

Hiện cứ mỗi ngày đoạn đường 2 km ra bán đào Đình Vũ lại tắc nghẽn 2 lần như thế này

UBND thành phố Hải Phòng rút cục đã quyết định nâng cấp đoạn đường chừng 2 km ra bán đảo Đình Vũ. Những tưởng tin tốt, nhưng hóa ra, thực tế có thể là đoạn đường này sẽ “duy trì” tình trạng ách tắc triền miên thêm ít nhất 4 năm nữa.

To vẫn cần hơn nhanh!

Theo Tờ trình số 30/TTr-SGTVT ngày 28/7/2009 của Sở GTVT Hải Phòng, thì lưu lượng xe qua lại đường xuyên đảo Đình Vũ là rất lớn, lên tới trên 4.000 lượt/ngày, đêm. Chủ yếu là xe tải hạng nặng. Hiện tại, đoạn từ ngã 3 Nguyễn Bỉnh Khiêm hướng tới đập Đình Vũ (km 0 tới km 2 + 231) của đường xuyên đảo rộng hơn 10 m, và là một chuỗi những “ổ voi” đang ngày càng rộng thêm, sâu hơn, nối tiếp nhau. Và mỗi khi trời mưa, nỗi khổ sở vì bụi của ngày trời khô được thay thế bằng sự nguy hiểm khi các “ổ voi” này ẩn mình chìm trong nước. Xe qua đây bất kể trở mưa hay nắng hiếm khi vượt qua được tốc độ của người đi bộ. Cảnh tượng đã thành… thông thường, là nhiều thời điểm trong ngày, các loại xe xếp dài hàng km nhúc nhích trong vài giờ để đi qua đoạn đường này… Thực ra phải nói một cách công bằng là hàng năm và nhiều lần vì những lý do đột xuất, thành phố Hải Phòng vẫn chi tiền để sửa chữa, duy tu đoạn đường nói trên. Doanh nghiệp cũng không ít lần bỏ tiền góp cùng thành phố. Thế nhưng, do lượng xe tải nặng quá lớn và do tiền duy tu, sửa chữa chỉ nhỏ giọt, mà đoạn đường ngày càng hỏng nặng thêm. Thế nên, Sở GTVT vẫn phải “xin” thêm tiền để sửa chữa khẩn cấp đoạn đường. Chẳng hạn như trong năm 2009, chỉ vài tháng sau khi “đổ” hơn 1 tỷ đồng để sửa chữa, Sở lại buộc phải “xin” thành phố thêm 1,5 tỷ đồng, để tiếp tục sửa. Năm 2010, sau đợt mưa vừa rồi, lại nhiều xe đá cấp phối được đổ vội vàng xuống những hố sâu nhất để tạm thời phục vụ cho xe đi. Còn với những hố sâu khác đang ngập nước bên đường thì đã có những người dân tự giác cắm cành cây, cốp-pha xuống đánh dấu để người đi đường chú ý… tránh.

Biện pháp tạm thời hạn chế sự xuống cấp của đoạn đường do Sở GTVT “phát minh”, là hạn chế tải trọng của xe qua lại. Tháng 8/2009, biển hạn chế tải trọng xe trên 13 tấn đã được cắm ngay đầu đoạn đường vào KCN và cảng biển chủ yếu “cõng” xe trên 40 tấn này. Sau khi dư luận dữ dội phản ứng, các biển cắm này lại được “dời” vào KCN Đình Vũ và hiện vẫn “phát huy tác dụng”. Về lâu dài, thành phố quyết định (số 534/QĐ-UBND ngày 6/4/2010) sẽ cải tạo, nâng cấp đoạn đường dài 2,231 km từ Ngã 3 Nguyễn Bỉnh khiêm tới đập Đình Vũ. Theo đó, đoạn đường sẽ được mở rộng thành 40 m theo tiêu chuẩn đường cấp 2 đồng bằng, với tổng nguồn vốn lên tới gần 315 tỷ VND.

Thế nhưng, điều doanh nghiệp thất vọng nhất là thời gian thực hiện dự án ấy sẽ kéo dài trong khoảng 4 năm, từ 2010 tới 2014, và còn có thể kéo dài hơn nữa. Vì thành phố khẳng định chỉ thi công sau khi đã GPMB, thiết kế kỹ thuật… xong. Thế nên, nếu thành phố không GPMB xong thì chẳng ai dám chắc cái thời hạn 2010 - 2014 ấy sẽ kéo dài trong bao lâu nữa. Cũng có nghĩa tình trạng tắc đường triền miên tại đây có “căn cứ pháp lý” để tiếp tục kéo dài trong thời gian ấy.

Tiền biến thành… tai vạ !

Từ chỗ đóng vai trò mở mang, khơi dậy tiềm năng của bán đảo, đường Đình Vũ giờ trở thành nút cổ chai làm thiệt hại cho doanh nghiệp.

Thực ra, đoạn đường từ ngã 3 Nguyễn Bỉnh Khiêm tới đập Đình Vũ là một phần của con đường dài hơn 6 km xuyên đảo Đình Vũ, còn gọi là đường 236. Đây là một trong những công trình thể hiện ý chí và tầm nhìn xuyên thế kỷ của vị lãnh đạo nổi tiếng nhất lịch sử hiện đại thành phố Hải Phòng: ông Đoàn Duy Thành. Bán đảo Đình Vũ là một vùng đầm lầy rộng hơn 1000 ha nằm ở điểm đầu tiên cạnh tuyến luồng vào cảng Hải Phòng. Đường xuyên đảo Đình Vũ được khởi công trong thập kỷ 80 của thế kỷ trước. Mục tiêu là nhằm khơi dậy tiềm năng phát triển công nghiệp và cảng biển của bán đảo - khi ấy vẫn là rừng ngập mặn nguyên sinh. Và còn để nối huyện đảo Cát Hải với Hải Phòng bằng đường bộ, chuẩn bị cho việc khai thác tiềm năng huyện đảo.

Không ít ý kiến lo ngại việc khởi công đường xuyên đảo Đình Vũ sẽ chất gánh nặng lên ngân sách thành phố và sẽ làm bồi lắng tuyến luồng vào cảng Hải Phòng khi ấy. Nhưng vượt qua nhiều khó khăn, cuối cùng tuyến đường cũng được hoàn thành với quy mô nền trải nhựa đường rộng dưới 10 m. Tầm nhìn, toan tính của những người xây dựng con đường đã được chứng minh là đúng đắn. Theo thời gian, lần lượt các công trình phát triển công nghiệp, cảng biển được xây dựng tại Đình Vũ. Bán đảo giờ có tới 3 KCN, 3 cảng biển đã hoạt động và nhiều dự án cảng khác đang xây dựng. Có hàng chục nhà máy, bãi container, kho chứa nhiên liệu… đang hoạt động, xây dựng. Đây hiện là khu vực “nóng” nhất của Hải Phòng và của miền Bắc trong phát triển công nghiệp, cảng biển. Nhưng dù có hàng chục doanh nghiệp, cảng biển, dù vốn đầu tư vào bán đảo đã lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng, dù sản lượng vận chuyển qua lại đã lên tới hàng chục triệu tấn mỗi năm, thì đường bộ ra vào bán đảo vẫn chỉ có duy nhất con đường đã xây dựng từ nhiều chục năm trước.

Thế nên, chuyện tắc đường đương nhiên sẽ xảy ra thường xuyên, đặc biệt ở đoạn đường hơn 1 km từ ngã 3 Nguyễn Bỉnh Khiêm hướng ra đập Đình Vũ. Tắc đường ở Đình Vũ có tính chất nghiêm trọng hơn hẳn nơi khác. Vì nó đang tác động xấu, trực tiếp, trầm trọng tới sản xuất, kinh doanh của rất nhiều doanh nghiệp. Có hãng tàu chuyển ra làm hàng tại Tân Cảng thuộc Đình Vũ. Nhưng vì tắc đường trầm trọng quá mà buộc phải quay lại làm hàng tại cảng Chùa Vẽ, dù chi phí cao hơn. Và nhiều doanh nghiệp vận tải đang méo mặt vì bị cả chủ hàng lẫn chủ tàu phạt chậm chuyến do tắc đường. Tàu biển cứ đúng giờ sẽ xuất bến, chứ không thể cứ đỗ chờ hàng. Từ chỗ đóng vai trò mở mang, khơi dậy tiềm năng của bán đảo, đường Đình Vũ, đặc biệt là đoạn giáp với đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, giờ trở thành một cái nút cổ chai làm thiệt hại cho tất cả những doanh nghiệp trong bán đảo. Điều cần làm nhất hiện nay, nhưng đã không được lựa chọn, là nhanh chóng đầu tư sửa chữa, làm nhẵn đoạn đường ngắn này, từ đó tăng thêm tốc độ lưu thông xe, hạn chế tắc đường. Thay vào đó, chính quyền thành phố Hải Phòng lại chọn kế hoạch dài hơi trong nhiều năm là nâng cấp đoạn đường này để làm nó “to, đẹp” hơn. “To, đẹp” là điều doanh nghiệp cần, Nhà nước cần, nhưng giải pháp hạn chế tắc đường thì doanh nghiệp lại cần ngay lập tức.

315 tỷ VND là số tiền sẽ được đầu tư để nâng cấp đường dẫn tới đập Đình Vũ.

Đã có nhiều công trình giao thông được thành phố Hải Phòng đầu tư hàng trăm tỷ đồng xây dựng, hoàn thành từ nhiều năm trước đây. Chẳng hạn như đường rộng 64m, dài 6km của khu đô thị mới Ngã 5 - sân bay Cát Bi, đường 353 rộng 40m, dài 20km nối với khu du lịch Đồ Sơn. Nhưng nếu xét về tầm quan trọng trong phát triển kinh tế, tạo ra GDP cho Hải Phòng, thì đoạn đường xuyên đảo Đình Vũ từ lâu đã có tầm quan trọng và đóng góp GDP cho thành phố nhiều hơn hẳn hai con đường đẹp đẽ kia cộng lại. Phải chăng chính quyền thành phố Hải Phòng đang tận thu tiềm năng của Đình Vũ, hơn là xây dựng bán đảo thành hình mẫu trong phát triển kinh tế? Bao giờ tiềm năng của Đình Vũ mới thôi là “tai vạ” với những nhà đầu tư tại đây? Câu hỏi này hiện chưa có được câu trả lời thỏa đáng.

(Theo Quốc Dũng // Báo Doanh nhân)

 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi