Có một chuyện tréo ngoe đang diễn ra ở đồng bằng: giữa lúc trang trại nhiều cái phải bỏ hoang, chủ trang trại mang công mắc nợ thì cũng có không ít hộ gia đình làm kinh tế ở quy mô trang trại khấm khá nhưng dứt khoát không chịu nhận “danh xưng” chủ trang trại!
Xã Đăng Hưng Phước (huyện Chợ Gạo, Tiền Giang) có ông Năm Phước (Huỳnh Hữu Phước) nổi tiếng vì nghề nuôi gà. Trại gà công nghiệp của ông, dù nhiều lần xính vính vì dịch cúm, nhưng hiện nay, đàn gà gần 10.000 con với chuồng trại quy mô lớn vẫn… phây phây. Tưởng ông là chủ trang trại, nhưng té ra hổng phải. Bao năm nay ông Năm Phước dứt khoát không đăng ký cấp giấy chứng nhận trang trại, dù địa phương nhiều lần đề nghị, vận động. Hỏi ông, ông hỏi lại: “Đăng ký trang trại mà muốn mở rộng làm ăn phải đi vay vốn bên ngoài, lãi suất 5 – 10% một tháng. Đăng ký làm chi?”
|
Nông dân quay lưng
Ông Năm Phước không phải là trường hợp cá biệt ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Ở Long Bình Điền (huyện Chợ Gạo, Tiền Giang) trước đây, có chuyện trang trại nuôi heo của ông Phong – với đàn heo “thường trực” hàng trăm con trong chuồng – nhưng đi vay vốn ngân hàng để mở rộng sản xuất trang trại nhưng mãi mà không vay được. Quy mô chuồng trại lớn với mấy trăm con heo và cộng cả nhà cửa đất đai vào, ông Phong có trong tay khối tài sản ngót nghét 3 tỉ đồng. Vậy nhưng khi làm thủ tục vay vốn, ngân hàng đòi phải có thêm giấy chứng nhận trang trại mới cho ông vay số tiền bằng 70% giá trị tài sản hiện có. Ông về, lật đật mang giấy chứng nhận trang trại đến, nhưng ngân hàng lại có thêm một, hai rồi những yêu cầu mới khác. Rốt cuộc, việc giải ngân cho ông vẫn không thành!
Theo sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Tiền Giang, toàn tỉnh hiện có 2.987 mô hình kinh tế trang trại nhưng chỉ có 40 trong tổng số các chủ mô hình này đã có giấy chứng nhận kinh tế trang trại. Và thật vậy, những chủ trang trại “đúng quy định pháp luật” này, khi cần vốn cho sản xuất, cũng không dễ tiếp cận được nguồn vốn từ ngân hàng.
Ở An Giang, hơn 70% trong tổng số khoảng 10.000 trang trại thời cực thịnh của tỉnh luôn thiếu vốn sản xuất cũng đã rất vất vả trong việc tiếp cận nguồn vốn ngân hàng không khác gì các chủ trang trại ở Tiền Giang. Nỗi vất vả đó, theo ông Nguyễn Văn Mì, trưởng phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Tri Tôn – địa phương có mô hình kinh tế trang trại mạnh nhất tỉnh An Giang – “không biết là do đâu” khi cơ chế, chính sách phát triển kinh tế trang trại đều được ban hành đầy đủ từ nghị định, thông tư của Chính phủ đến bộ, ngành liên quan. Ông nói: “Nhiều chủ trang trại muốn vay vốn kích cầu của ngân hàng để đầu tư sản xuất thì ngân hàng bảo phải thế chấp tài sản và trả xong nợ cũ mới được vay mới. Chủ trang trại khác không hề nợ ngân hàng, mang sổ đỏ đi vay vốn thì ngân hàng bảo hết tiền, chờ thu hồi được nợ sẽ giải ngân cho vay rồi sau đó làm thinh luôn!”
Vốn để sản xuất kiếm đã khó, đến sản phẩm làm ra được muốn bán cũng không dễ. Mô hình trang trại nông nghiệp cho ra lượng sản phẩm khá lớn, thế nhưng theo phản ảnh của chính các chủ trang trại, gần như chẳng có doanh nghiệp nào ký hợp đồng thu mua lâu dài với họ. Phải tự tìm nơi tiêu thụ trong khi thông tin thị trường luôn là điểm yếu nhất của người nông dân nên đầu ra cho sản phẩm của trang trại càng bấp bênh và may rủi gấp nhiều lần so với nông dân khác vì quy mô sản xuất lớn, sản lượng cao.
Điều đáng nói là cùng với chủ trương phát triển kinh tế trang trại, Chính phủ đã từng có quyết định 80 về việc “liên kết bốn nhà” (nhà nông, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học và Nhà nước) để sản xuất, tiêu thụ nông sản hàng hoá cho nông dân. Thế nhưng theo nhận xét của ông Mì, “quyết thì quyết nhưng chẳng ai chịu làm cho tới nơi tới chốn” nên rốt cuộc, chủ trang trại phải tự bơi, một mình!
Tại huyện Tri Tôn, cả huyện hiện có 220 trang trại đã có giấy chứng nhận trang trại. Gần 900 mô hình sản xuất trang trại còn lại, tuy đủ tiêu chuẩn để cấp giấy chứng nhận theo quy định của Nhà nước nhưng nông dân không buồn đi đăng ký. Một lãnh đạo chi cục Phát triển nông thôn tỉnh An Giang nhận xét: “Nông dân hiện nay không còn tha thiết với kinh tế trang trại vì từ vốn sản xuất, lựa chọn cây trồng vật nuôi đến tiêu thụ hàng hoá đều bế tắc. Họ bươn chải tự nuôi trồng theo kinh nghiệm và bán theo may rủi thị trường là chính nên ai cần đăng ký trang trại làm gì cho rắc rối”.
Vốn khó một, phương án sản xuất tốt khó đến năm
Lãnh đạo nhiều sở nông nghiệp và phát triển nông thôn các tỉnh miền Tây Nam bộ đều thống nhất muốn vực dậy kinh tế trang trại, yếu tố quyết định vẫn là vốn. Theo tính toán của lãnh đạo sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, phần lớn chủ trang trại hiện nay phải vay vốn lãi suất cao bên ngoài hệ thống ngân hàng để đầu tư trong khi rủi ro trong sản xuất và tiêu thụ nông sản lại khá cao nên rất khó đảm bảo lợi nhuận. Năm 2009, hơn 2.900 trang trại trong tỉnh đầu tư hơn 1.000 tỉ đồng vốn cho sản xuất nhưng chỉ thu lại được khoảng 1.188 tỉ đồng giá trị sản lượng hàng hoá và dịch vụ. Như vậy, bình quân một đồng vốn đầu tư chỉ mang về 0,29 đồng lợi nhuận, nếu trừ lãi suất nữa thì lợi nhuận sẽ là con số âm! Bài toán về hiệu quả kinh tế của nhiều trang trại tại An Giang, Đồng Tháp cũng tương tự!
Nhiều ý kiến cho rằng, nếu chủ trang trại tiếp cận được chính sách ưu đãi của Nhà nước, kiểu như quy định trong nghị định 41/CP của Chính phủ cho phép chủ trang trại được vay vốn đến 500 triệu đồng không cần thế chấp tài sản, thì kinh tế trang trại may ra có cơ hồi phục. Tuy nhiên, giới ngân hàng phần đông tỏ vẻ e dè với điều này.
Một cán bộ ngân hàng ở thành phố Cần Thơ nói rằng, các ngân hàng hiện rất ngán cho chủ trang trại vay vốn vì rủi ro quá cao. Theo ông, ngân hàng là đơn vị kinh doanh tiền tệ, tài sản bảo đảm trả nợ của khách hàng là điều kiện bắt buộc. “Cho vay 500 triệu đồng không cần tài sản thế chấp chỉ có thể thực hiện được nếu Chính phủ đồng ý bảo lãnh nguồn vốn này. Nghĩa là nếu chủ trang trại không trả được nợ thì Chính phủ phải khoanh nợ và xuất ngân sách trả nợ thay để bảo toàn vốn cho ngân hàng”.
Còn ông Kiều Mạnh Minh, giám đốc ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn chi nhánh Tiền Giang, thì cho rằng việc cho chủ trang trại vay 500 triệu đồng không cần thế chấp cũng được nhưng ngân hàng vẫn phải xem xét đến yếu tố tài sản đảm bảo trả nợ của người vay. “Trên thực tế, 100 ông chủ trang trại thì chỉ có khoảng 20 ông làm ăn có hiệu quả. Nếu muốn vay 500 triệu đồng không cần thế chấp, chủ trang trại bắt buộc phải có ít nhất một phương án làm ăn thuyết phục. Một ông chủ trang trại không có tài sản trị giá đến 500 triệu đồng, không trình bày được phương án làm ăn có hiệu quả mà đòi vay 500 triệu đồng thì làm sao ngân hàng dám cho vay?”, ông Minh nói.
(bài và ảnh: Hùng Anh // SGTT Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com