Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Nỗi lo... trang trại - Bài 3: Chủ trang trại tự cứu mình

Gần như đơn độc trên hành trình duy trì và phát triển sản xuất nhưng không phải tất cả các chủ trang trại đều chịu thúc thủ. Chính trong sự vùng vẫy để mong tồn tại, nhiều lối thoát đã thành hình và trong chừng mực nào đó, có thể là nền móng cho những giải pháp...

Nông trại sản xuất lúa và lúa giống của ông Sáu Đức ở Lương An Trà, của ông Phạm Văn Trường ở Tà Đảnh, trang trại chăn nuôi heo ở Ba Chúc của ông Lê Tấn Hải, trang trại ba ba của ông Nguyễn Văn Ngành ở Châu Lăng… và ở Tri Tôn, huyện có nhiều trang trại làm ăn hiệu quả của An Giang, là những ví dụ.


Các chủ trang trại có thể liên kết thành lập doanh nghiệp để tự tiêu thụ gạo đặc sản Tri Tôn như ông Sáu Đức đã làm.

Dựng nghiệp từ đất phèn

Năm 1996, khi vùng Lương An Trà đất còn hoang hoá vì nhiễm phèn nặng, giá đất thấp, ông Sáu Đức đã bỏ gần 150 triệu đồng mua 30ha đất ở đây để… làm lúa mùa mỗi năm một vụ giữa lúc thiên hạ “mê man” làm lúa thâm canh hai, ba vụ một năm. Đất nhiễm phèn, muốn làm ruộng, ông chỉ còn cách chờ tới mùa mưa!

Rồi kinh tế trang trại ra đời, ông đăng ký và trở thành… chủ trang trại, dù chẳng biết mình có được lợi lộc gì. Trong ông chỉ nung nấu ý định tích cóp vốn cải tạo đất để từng bước đất phèn của ông bớt… phèn và canh tác được hai vụ, rồi ba vụ một năm. Vậy rồi ông làm được điều đó. Năng suất lúa trên đất của ông mỗi vụ từ 3 – 4 tấn tăng lên 7 – 8 tấn/ha.

Mười năm trôi qua, năm 2006, trang trại Sáu Đức từ 30ha đã mở rộng hơn 100ha, chuyên canh lúa. Với ba máy gặt đập liên hợp, ba máy xới và cả máy cấy lúa, máy sạ hàng, máy làm đất san mặt ruộng bằng tia laser, hệ thống kho trữ lúa v.v…, ông cơ giới hoá gần như toàn bộ quy trình sản xuất trong trang trại. Nhưng ông vẫn chưa ưng ý: “Tui vẫn phải canh tác theo kiểu gia đình! Nếu làm cho bài bản quy trình canh tác hiện đại, tui còn phải có kỹ sư chuyên môn phụ trách từng công đoạn sản xuất như chọn giống, cơ khí hoá công nghệ sau thu hoạch…”

Năm 2009 vừa qua, ông Sáu Đức thành lập công ty nông nghiệp chuyên sản xuất và kinh doanh lúa giống. Ông cho biết: “Lâu nay trang trại của tui sản xuất và bán lúa giống theo kiểu… chợ trời, hiệu quả kinh doanh không cao dù lúa giống Sáu Đức Lương An Trà có mặt khắp 13 tỉnh thành đồng bằng sông Cửu Long. Với 700 tấn giống của 20 loại lúa thơm chất lượng cao sản xuất được mỗi năm, công ty sẽ đảm nhiệm việc đóng gói, dán nhãn hiệu công ty và xây dựng mạng lưới phân phối ra thị trường. Lúa giống có bao bì bảo quản tốt, có thương hiệu đàng hoàng sẽ thu hút được khách hàng hơn và giá bán cũng cao hơn!”

Hành trình đơn độc

Có thể nói trang trại của ông Sáu Đức là điển hình của mô hình kinh tế trang trại khi xem xét từ quy mô đất đai, sản lượng đến trình độ cơ giới sản xuất và cách thức tiêu thụ sản phẩm. Thế nhưng, sự hình thành và phát triển kinh tế trang trại – dù đúng chuẩn – của ông Sáu Đức, nói cho công bằng, vẫn là kiểu phát triển tự phát. Điều khiến sự tự phát đó thành công, là kinh nghiệm, sự nhạy bén, năng động và cũng có một chút may mắn của nông dân Sáu Đức. Phần quan trọng hơn, là khả năng kiếm đủ vốn để làm ăn mà không phụ thuộc vào nguồn vốn vay từ ngân hàng của chính ông.

Là người làm ra sản phẩm với số lượng lớn, đảm bảo chất lượng nhưng gần 15 năm làm trang trại và sản xuất lúa giống, ông Sáu Đức chưa bao giờ liên kết được với các doanh nghiệp nhà nước để tiêu thụ sản phẩm. Ông cho biết hợp tác với các doanh nghiệp nhà nước là rất khó, và đặc biệt khó khi ký kết hợp đồng. Theo ông, họ – doanh nghiệp nhà nước – thường chỉ muốn giành phần lợi nhiều nhất về phía mình mà ít quan tâm đến quyền lợi của nông dân nên ông thà tự sản, tự tiêu còn hơn! Ngay đến giấy chủ quyền trang trại ông cũng không làm được mà phải nhờ nhiều con cháu trong nhà đứng tên phụ, vì mức hạn điền chỉ cho phép ông đứng chủ quyền phần đất không quá 6ha. “Tui đang cần đầu tư nhà kho tạm trữ rộng khoảng 1.000m2 để có thể trữ chừng 1.000 tấn lúa với chi phí xây dựng khoảng 800 triệu đồng. Ngoài ra, tui cũng muốn đầu tư thêm hệ thống xay xát, lau bóng, đóng bao, chế biến gạo xuất khẩu cao cấp nhưng chưa đủ vốn”.

Ông Đức cho hay dù ông là khách hàng thân thiết và uy tín của nhiều ngân hàng tại địa phương nhưng việc vay vốn không hề dễ dàng. “Tui có xin vay vốn hỗ trợ theo nghị định 41/CP nhưng ngân hàng nói Trung ương chưa rót tiền về nên chưa cho vay được. Nói thiệt, chủ trang trại tụi tui đơn độc “bơi” từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, tìm vốn...”

“Ngân hàng đòi kiểu đó thì bó tay”

Lãnh đạo phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Tri Tôn cho rằng mấy năm gần đây, nhờ chính sách cho vay ưu đãi (lãi suất bằng không trong ba năm) để mua sắm máy móc nông nghiệp phục vụ sản xuất của tỉnh mà nhiều chủ trang trại ở Tri Tôn đã mua được hơn 200 máy gặt đập liên hợp, 169 máy gặt xếp dãy, 260 máy sấy lúa, 208 máy suốt lúa. Ông Nguyễn Văn Mì, trưởng phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Tri Tôn nói: “Chúng tôi đang tìm cách giúp các chủ trang trại còn lại ăn nên làm ra như 220 trang trại hiện có của huyện, nhưng nói thật, chủ trang trại khó tiếp cận được các nguồn vốn vay ưu đãi của Trung ương vì thủ tục rườm rà và ngân hàng thường xuyên trả lời chưa có vốn”.

Trong nỗ lực tự giải quyết vấn nạn “được mùa, mất giá” và nâng cao giá trị hạt lúa, UBND huyện Tri Tôn đang đề nghị các chủ trang trại và nông dân sản xuất giỏi trong huyện liên kết xây dựng vùng nguyên liệu để sản xuất hàng hoá lớn. Theo kế hoạch này, UBND huyện sẽ làm trung gian để chủ trang trại và doanh nghiệp ký kết hợp đồng bao tiêu, xuất khẩu ổn định.

Trao đổi với chúng tôi, ông Sáu Đức tán thành giải pháp này vì theo ông, lâu nay nông dân Tri Tôn làm lúa chất lượng cao nhưng bán ra thị trường thì không ai biết bởi khi hạt lúa đến tay doanh nghiệp xuất khẩu, lúa của Tri Tôn đã bị trộn lẫn với nhiều giống lúa khác. Ông Sáu Đức phân tích: “Hiện nay, các chủ trang trại đều hiểu với quy mô vài chục, thậm chí cả trăm hecta đất của từng trang trại chưa đủ làm ăn lớn nên cần phải liên kết lại”. Tuy nhiên, theo ông, nếu không tìm được doanh nghiệp đàng hoàng nào tiêu thụ sản phẩm thì sau khi liên kết xây dựng xong vùng nguyên liệu và thương hiệu gạo đặc sản Tri Tôn, các chủ trang trại vẫn có thể hợp tác thành lập công ty xuất khẩu gạo trực tiếp. “Vấn đề hiện nay là để xuất khẩu gạo trực tiếp, ngoài chất lượng ổn định và thương hiệu uy tín, trang trại liên kết cần phải đầu tư xây dựng hệ thống xay xát, lau bóng, đóng bao hiện đại với vốn đầu tư rất lớn. Phía ngân hàng cho biết chỉ chấp nhận cho vay khi các chủ trang trại đã có trong tay hợp đồng xuất khẩu gạo ổn định! Ngân hàng đòi kiểu đó thì tụi tui bó tay!”, ông Sáu Đức mệt mỏi kết luận…

(bài và ảnh: Hùng Anh  // SGTT Online)

  • Giải bài toán giao thông đô thị Việt Nam: Cần có “nhạc trưởng”!
  • Tin xấu từ một quyết định tốt
  • “5 đầu tàu kinh tế” tăng trưởng và Nhập siêu chững lại
  • Trung tâm tài chính nhìn từ Singapore, Hồng Kông
  • Thuế đất nông nghiệp: Nghị quyết “vượt mặt” luật?
  • Dự báo của Standard Chartered về Việt Nam
  • Báo chí quốc tế: Việt Nam - Rồng nhỏ, bước đi lớn
  • Để xã hội đầu tư nhiều hơn cho khoa học
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi