Singapore đang là trung tâm hàng đầu châu Á về quản lý vốn và dịch vụ ngân hàng cá nhân. Ảnh: Uyên Viễn. |
Những thành phố như London, New York, Thụy Sỹ, Hồng Kông, Singapore... đã trở thành trung tâm tài chính của thế giới và khu vực châu Á không phải bởi họ là những vận động viên trực tiếp tham gia các cuộc đua. Đơn giản là họ đã kiến tạo nên các sân vận động, các đường đua để giới tài chính quốc tế đổ về đó kinh doanh và tạo ra lợi nhuận.
Singapore, Hồng Kông chứ không phải là Tokyo Ở vị trí địa lý rất gần TPHCM, Singapore tự xây dựng thành trung tâm hàng đầu châu Á về quản lý vốn và dịch vụ ngân hàng cá nhân. Ông Hoàng Đạo Hải, Giám đốc Indochina Infracstructure Management Vietnam, phát biểu trong hội thảo về chương trình phát triển thị trường tài chính trên địa bàn TPHCM, liệt kê những đột phá mà đảo quốc này đã làm được, như ưu đãi thuế cho trái phiếu; luật bảo mật thông tin ngân hàng; luật ủy thác cho phép nhà đầu tư nước ngoài được lựa chọn người thừa hưởng tài sản sau khi họ qua đời (nhằm thu hút khách hàng Trung Đông); người nước ngoài có thể định cư mãi mãi ở Singapore miễn là họ có tài sản 13 triệu đô la Mỹ, với ít nhất 3,1 triệu đô la nằm tại một định chế tài chính ở đây. Ở những lĩnh vực cụ thể là những quy định hết sức thông thoáng: nới lỏng quy định liên quan đến các quỹ mạo hiểm (hedge funds), cho phép họ có thể thành lập trong vòng một tuần; bỏ các chướng ngại vật đối với sự chuyển dịch vốn; chuyển từ bảo hộ ngành ngân hàng trong nước sang tập trung vào việc gia tăng mực độ minh bạch. Kiểm soát rủi ro toàn bộ hệ thống tài chính được xem trọng hơn bảo vệ từng tổ chức, doanh nghiệp riêng lẻ. Bên cạnh đó, Singapore khuyến khích sự hợp nhất các ngân hàng trong nước và chỉ có một cơ quan quản lý nhà nước duy nhất giám sát toàn bộ lĩnh vực tài chính (Monetary Authority). Khác với Singapore, trung tâm tài chính Hồng Kông tạo ra một sân chơi bình đẳng cho tất cả mọi đối tượng tham gia thị trường. Trước hết là chính sách thuế thấp như miễn thuế cho các quỹ đầu tư vào quỹ offshore và dịch vụ tư vấn đầu tư có văn phòng ở Hồng Kông; không đánh thuế vào lợi nhuận từ đầu tư, tiền gửi tiết kiệm, lợi tức từ cổ phiếu; thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ giảm xuống còn 16,5%; thuế thu nhập từ lương giảm từ 16% xuống 15%. Để thu hút giới tài chính nước ngoài, Hồng Kông không giới hạn tỷ lệ sở hữu cổ phần của các doanh nghiệp nước ngoài và khuyến khích các công ty Trung Quốc niêm yết trên sàn chứng khoán đặc khu này. Quan trọng nhất, chính quyền Hồng Kông không tham gia vào công việc hàng ngày của ngành chứng khoán và sản phẩm phái sinh. Nếu xét về nguồn nhân lực, Hồng Kông còn đang vượt Singapore khi họ tạo ra, thu hút được một đội ngũ chuyên gia tài chính với hơn 3.000 CFA (Chartered Financial Analyst - phân tích tài chính chuyên nghiệp) và 25.000 CPA (Certified Public Accountant - người có chứng chỉ kế toán quốc tế). Nguồn nhân lực có lẽ là một trong những lợi thế đặc biệt của Hồng Kông. Theo thống kê của McKinsey năm 2008, Hồng Kông có tới 186.000 người làm việc trong ngành tài chính, vượt con số 112.400 người của Singapore. Tất nhiên những con số này chưa thể so sánh với những trung tâm tài chính thế giới lâu đời như London, New York, nhưng nó chiếm tỷ trọng đáng kể trong tổng việc làm toàn đặc khu. Ở châu Á, lâu nay Nhật Bản là một trong những nền kinh tế tầm cỡ nhất, nhưng Tokyo lại không nằm trong danh sách những trung tâm tài chính hàng đầu. Vì sao? Vì Nhật có một hệ thống tài chính với các ngân hàng chiếm đa số, chứ không phải thị trường vốn. Điều này dẫn đến tính cạnh tranh thấp. Thêm vào đó, các ngân hàng ở Tokyo chưa phát triển việc tạo dựng những sản phẩm tài chính mới. Nói một cách khác là thiếu sự kết hợp đúng mức giữa nguồn lực con người và thị trường để xuất khẩu các dịch vụ tài chính phức tạp. Ngoài việc không sử dụng tiếng Anh như ngôn ngữ giao dịch tài chính quốc tế, Nhật bảo vệ các ngân hàng nội địa chặt chẽ, gây tổn thất cho thị trường vốn. Cơ hội nào cho TPHCM? Năm ngoái, Global Financial Centres Index, London đưa ra một bảng xếp hạng 14 yếu tố cạnh tranh cho một trung tâm tài chính. Đứng đầu là sự sẵn có nguồn nhân lực có kỹ năng, thứ hai là môi trường pháp lý, thứ ba là tiếp cận thị trường tài chính quốc tế, thư tư là sự sẵn có về hạ tầng kinh doanh. Trong số các yếu tố tiếp theo, mức độ quan trọng được dành cho môi trường kinh doanh công bằng và hợp lý; mức độ phản hồi của Chính phủ, chính sách thuế doanh nghiệp; chất lượng cuộc sống... Xét về nhiều mặt, TPHCM còn nhiều điểm phải nỗ lực. Ngay ưu thế lớn nhất của thành phố là hệ thống ngân hàng sâu rộng, thì nhân lực cho ngành này vẫn thiếu và chưa đạt chuẩn. Với các định chế phi ngân hàng, vai trò các công ty tài chính và cho thuê tài chính còn mờ nhạt. Dịch vụ của các công ty bảo hiểm khá hạn chế. Đã có nhiều quỹ đầu tư ngoại hoạt động ở thành phố nhưng lại đăng ký và niêm yết ở nước ngoài... Ông Dominic Scriven, Tổng giám đốc Dragon Capital, khi đề cập đến cơ hội nào giúp TPHCM trở thành trung tâm tài chính quốc gia, nêu lên bốn yếu tố: quản lý thị trường minh bạch nghiêm khắc, pháp luật rõ ràng, cởi mở cho sáng kiến và sản phẩm mới, môi trường cạnh tranh lành mạnh. “Giá trị cốt lõi của một trung tâm tài chính, sự thành công của nó nằm ở sự cân đối bốn nhân tố trên”, ông Scriven nhấn mạnh. Không phải ngẫu nhiên, Global Financial Centres Index đưa mức độ phản hồi của Chính phủ vào bảng các yếu tố cạnh tranh. Chính phủ có vai trò hàng đầu trong việc phát triển trung tâm tài chính thành phố. Chính phủ là người thiết lập cơ chế, tăng cường trách nhiệm và quyền hạn cho thành phố trong quản lý lĩnh vực tài chính trên địa bàn. Với sự bật đèn xanh của Chính phủ, ngay bây giờ TPHCM có thể thành lập Ủy ban Xúc tiến phát triển trung tâm tài chính. Đây là bước đầu tiên để biến ước mơ trung tâm tài chính của thành phố thành hiện thực.
(Theo Lưu Hảo // Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com