“Rồng nhỏ, bước đi lớn” - Đây là tiêu đề bài viết của nhà báo Jean-Pierre Lehmann mới đăng trên Tạp chí “Real Clear World” của Mỹ. Ông cho rằng Việt Nam, được gọi là con rồng nhỏ, đã nổi lên trở thành một nước chiến thắng trong quá trình toàn cầu hóa - một thành công được thừa nhận với việc được chọn là nước đăng cai Diễn đàn
Kinh tế thế giới về Đông Á trong năm nay. Tác giả Lehmann cho rằng, trong một thập kỷ qua, Việt Nam đã trở thành một nền kinh tế mở cửa và năng động. Kể từ năm 2000 đến nay, Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng hằng năm đứng thứ ba thế giới, sau Trung Quốc, Ấn Độ và là nước thành công nhất trong công tác giảm đói nghèo. Hiện Việt Nam đã trở thành một nhà xuất khẩu lớn, đứng thứ 40 trên thế giới. Trong việc theo đuổi các chính sách cải cách, tự do hóa và hội nhập hơn nữa với nền kinh tế thế giới, Chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu trở thành nước công nghiệp vào năm 2020. Người Việt Nam có một cảm giác mới về thành công ở hiện tại, niềm tự hào trong quá khứ và sự tự tin ở tương lai.
Tuần báo “Châu Phi Trẻ” thì cho rằng: “Cần học tập chính sách mở cửa và đường lối phát triển kinh tế của Việt Nam”. Trong bài viết “Tại sao Hà Nội và Kuala Lumpur vượt xa Algiers?”, tác giả Alain Faujas đã ca ngợi chính sách mở cửa và đường lối phát triển kinh tế của Việt Nam và Malaysia mà Algieri cần học tập. Bài báo viết: “Algieri và Việt Nam có nhiều nét tương đồng về chủ nghĩa yêu nước. Việt Nam đã giành thắng lợi trong hai cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, biết phát huy chủ nghĩa yêu nước trong phát triển nền kinh tế. Đất nước của Hồ Chí Minh đã sáng tạo ra một nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, mang lại cho Việt Nam mức tăng trưởng trung bình 5% năm, trong khi hoàn toàn không có lợi thế đặc biệt về tài nguyên thiên nhiên... Việt Nam đã chuyển đổi thành công nền kinh tế xã hội chủ nghĩa. Trong 20 năm, tỷ lệ người nghèo nhất (thu nhập dưới 1,08 USD/ngày) đã giảm mạnh, từ chiếm 70% dân số xuống còn 11%).
Phóng viên Jenni Roth của tạp chí Tấm gương (Đức) thì khẳng định Việt Nam là khu vực bùng nổ kinh tế mới của châu Á. Với chính sách đổi mới từ năm 1986, nền
kinh tế Việt Nam bắt đầu phát triển và tới nay đã phát triển nhanh hơn hầu hết các nước khác ở Đông Nam Á. Tác giả dẫn lời ông Oliver Massmann, một luật sư kinh tế của Đại sứ quán Đức ở Việt Nam, nhận xét: “Việt Nam là một thị trường khổng lồ có tiềm năng và là một trong những nền kinh tế năng động nhất ở Đông Nam Á”. Tác giả bài báo đánh giá Việt Nam có ưu thế nhân công trẻ, trong đó hơn 70% nhân công Việt Nam chưa tới 30 tuổi, trong khi mỗi năm có thêm một triệu nhân công tham gia thị trường lao động. Một lợi thế khác của Việt Nam là nhiều chính sách đã cải thiện tạo ra một môi trường hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
Theo kết quả nghiên cứu của chi nhánh Economist Intelligence Unit (EIU) thuộc tạp chí chuyên ngành kinh tế nổi tiếng The Economist và hãng Cisco, giai đoạn 2006-2010 là thời kỳ hoàng kim của kinh tế Việt Nam. Thời điểm cách đây 4 năm (2006), EIU đã nhận định, GDP của Việt Nam có tốc độ tăng hằng năm khoảng 7%, cao thứ hai châu Á, chỉ đứng sau Trung Quốc. Và thực tế đã diễn ra không khác bao nhiêu, nếu không muốn nói Việt Nam đã làm tốt hơn thế trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế toàn cầu. EIU đã nâng mức dự báo tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam trong năm 2010 lên 6,4%, tăng 0,2% so với dự báo trước đây. EIU cho rằng, với cơ hội rộng mở trước mắt, đặc biệt là khi đảm nhiệm chức Chủ tịch ASEAN, Việt Nam hoàn toàn có khả năng bứt phá để phát triển mạnh mẽ trong xu thế hợp tác ngày càng tích cực với bạn bè quốc tế và sự chủ động hợp tác của các quốc gia trên thế giới với ASEAN.
Ông Djauhari Oratmangun, Vụ trưởng Vụ Hợp tác ASEAN - Bộ Ngoại giao Indonesia cho rằng, Việt Nam có vai trò và sự đóng góp quan trọng đối với ASEAN kể từ khi gia nhập Hiệp hội, nhất là trong năm 2010 khi Việt Nam đảm nhận chức vụ Chủ tịch ASEAN. Trong bài phỏng vấn mới đây, ông Djauhari nêu rõ trong 15 năm qua, Việt Nam luôn là một thành viên tích cực, có trách nhiệm và có nhiều đóng góp quan trọng vì hòa bình, ổn định và phát triển thịnh vượng của Hiệp hội. Ông cho rằng qua những chặng đường phát triển, ASEAN ngày nay, Bản Hiến chương và Lộ trình xây dựng Cộng đồng đến năm 2015 là thành quả chung của tất cả các nước thành viên, trong đó sự đóng góp của Chính phủ và người dân Việt Nam là rất lớn.
Giám đốc Chương trình Đông Nam Á của Trung tâm Henry Stimson - một cơ quan nghiên cứu có trụ sở tại Washington (Mỹ) cũng khẳng định Việt Nam đang trở thành một quốc gia ngày càng năng động và quan trọng trong khu vực. Từng có mặt ở Việt Nam trong những năm tháng chiến tranh và chứng kiến những đổi thay ở đất nước này, Tiến sĩ Cronin cho rằng việc Việt Nam đóng vai trò Chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trong năm 2010 và có quan hệ tốt với tất cả các nước láng giềng trong khu vực cho thấy vai trò của Việt Nam ngày càng quan trọng. Do đó, Việt Nam đang nằm ở vị trí trung tâm trong chính sách của Mỹ đối với khu vực Đông Nam Á.