Trong 10 năm qua, nguồn ngân sách nhà nước chi cho khoa học công nghệ được Quốc hội duy trì ở mức 2% tổng chi, nhưng tốc độ huy động đóng góp đầu tư của xã hội cho lĩnh vực này còn rất chậm.
Thứ trưởng Nguyễn Quân |
Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN) Nguyễn Quân, Chiến lược phát triển KHCN giai đoạn 2011-2020 đang được xây dựng và mới đây, Thủ tướng đã phê duyệt Đề án phát triển thị trường KHCN.
Ngoài ra, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ cũng đang xây dựng một số Đề án khác như Đề án về Chương trình quốc gia đổi mới công nghệ, Chương trình quốc gia về phát triển công nghệ cao, Đề án đổi mới cơ chế tài chính và cơ chế hoạt động cho các đơn vị nghiên cứu KHCN công lập...
Thứ trưởng Nguyễn Quân khẳng định, các Đề án và Chiến lược sau khi được phê duyệt sẽ tạo cơ chế thuận lợi cho các nhà khoa học.
Trong 10 năm qua, nguồn ngân sách nhà nước chi cho KHCN được Quốc hội duy trì ở mức 2% tổng chi, nhưng ông Nguyễn Quân cũng thừa nhận, tốc độ huy động đóng góp đầu tư cho KHCN của xã hội còn rất chậm.
Theo Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ Việt Nam đến năm 2010 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, vào năm 2010, đầu tư cho KHCN sẽ chiếm 1,5% GDP, tương đương khoảng 1,5 tỷ USD.
Để đạt mục tiêu đầu tư của xã hội cho KHCN phải gấp đôi đầu tư từ ngân sách trong năm 2010, thì với gần 500 triệu USD từ ngân sách, xã hội phải chi tiêu khoảng 1 tỷ USD.
Nhưng thực tế năm nay, đầu tư cho KHCN chưa đạt đến 1% GDP, bởi nguồn đầu tư từ xã hội vẫn thấp, thậm chí thấp hơn cả ngân sách Nhà nước.
PGS - TS Phan Đăng Tuất, Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược Chính sách Công nghiệp, Bộ Công Thương cũng cho biết, tỷ trọng đầu tư của xã hội cho lĩnh vực này chỉ chiếm chưa đến 0,1% GDP.
Thứ trưởng Nguyễn Quân cho biết thêm, mặc dù theo Quy định của Luật Doanh nghiệp, các doanh nghiệp phải có Quỹ phát triển khoa học công nghệ và Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp cũng quy định doanh nghiệp phải trích 10% lợi nhuận trước thuế cho phát triển KHCN của doanh nghiệp, nhưng thực tế ít doanh nghiệp quan tâm vấn đề này.
Báo cáo đánh giá tổng kết hoạt động KHCN giai đoạn 2006-2010 của ngành Công Thương mới đây cho thấy, nhiều doanh nghiệp trong thời gian dài không tập trung đầu tư cho KHCN.
Để "tài sản trí tuệ" có thể chuyển nhượng
Ảnh minh họa: Báo ảnh Việt Nam |
Nhìn từ một góc độ khác, Thứ trưởng Quân cho rằng, hiện hệ thống luật pháp về KHCN đã tương đối đồng bộ và đầy đủ, song chúng ta vẫn chưa giải quyết được vấn định giá tài sản trí tuệ để nhà khoa học đem "tài sản" của mình chuyển nhượng hoặc góp vốn cho doanh nghiệp.
Vì chưa định giá được sản phẩm trí tuệ nên đôi khi doanh nghiệp chi trả rất thấp cho các sản phẩm trí tuệ, hạn chế quyền lợi của các nhà khoa học, Thứ trưởng Quân chia sẻ.
Được biết, tính đến thời điểm này, hợp đồng trí tuệ lớn nhất được chuyển nhượng trên thị trường công nghệ của Việt Nam là hợp đồng chuyển giao giống lúa của Trường đại học Nông nghiệp 1 với số tiền 10 tỷ đồng, song đây là vẫn chỉ là hiện tượng đơn lẻ.
Bộ Khoa học - Công nghệ mới đây đã trình Chính phủ dự thảo sửa đổi bổ sung Nghị định 115/2005/NĐ-CP quy định cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các tổ chức KHCN công lập và Nghị định số 80/2007/NĐ-CP về doanh nghiệp khoa học và công nghệ, trong đó tập trung tháo gỡ 3 vướng mắc lớn.
Những vướng mắc này bao gồm cơ chế để các nhà khoa học nghiên cứu phát triển khoa học, cơ chế tạo điều kiện chuyển giao quyền sở hữu tài sản của các nhà khoa học bằng hình thức góp tài sản trí tuệ, và chi phí thường xuyên cho bộ máy nghiên cứu khi làm đề tài. Bộ cũng đang phối hợp cùng Bộ Tài chính xây dựng định mức để làm cơ sở tính toán dự toán cho các cơ chế này.
(Theo Linh Đan // Tin Chính phủ)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com