3 thách thức cho kinh tế Việt Nam
( Tác giả: Nguyễn Tuân // InfoTV)
Trên con đường phát triển bền vững, Việt Nam đang gặp phải 3 thách thức chủ yếu là: Cơ sở hạ tầng; năng lượng; và biến đổi khí hậu.
“Việt Nam đã rất thành công trong công cuộc xóa đói giảm nghèo suốt những năm qua. Ngay cả trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu Việt Nam vẫn đạt mức tăng trưởng 5,32% năm 2009, hiện tại đang tiến rất nhanh trên con đường trở thành một quốc gia có mức thu nhập trung bình và đang được kỳ vọng sẽ đóng một vai trò to lớn hơn với tư cách là đối tác kinh doanh, đầu tư, thương mại của các nước trên thế giới."
Đó là phát biểu của bà Setsuko Yamazaki - Giám đốc Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) tại Việt Nam tại buổi “Gặp gỡ đối tác Việt Nam – Tây Ban Nha cho các Dự án do Quỹ Đa biên tài trợ” diễn ra tại Hà Nội trong hai ngày 23 & 24/03/2010. Với tư cách là đại diện của LHQ, bà Setsuko Yamazaki khẳng định LHQ sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong việc phát triển năng lực để có thể ứng phó được với những vấn đề trên thị trường và để đảm bảo cân bằng và phát triển bền vững, đồng thời để đảm bảo rằng tất cả những người dân Việt Nam đều được hưởng lợi từ tốc độ tăng trưởng nhanh chóng này.
“Chúng tôi tin rằng, sự phát triển thị trường không chỉ mang ý nghĩa phát triển kinh tế, chúng ta cần quan tâm đến chất lượng cũng như tính bền vững của tăng trưởng, đó chính là trọng trách của Liên Hợp Quốc trong việc hỗ trợ Việt Nam về tăng cường tính bền vững để có thể ứng phó được với các cú sốc trên thị trường.”
3 thách thức
Tuy nhiên, trên con đường phát triển bền vững, Việt Nam đang gặp phải 3 thách thức chủ yếu mà theo bà Setsuko Yamazaki đó là: Cơ sở hạ tầng; năng lượng; và biến đổi khí hậu.
Trong vòng 12 năm qua, tổng mức đầu tư vào cơ sở hạ tầng ở Việt Nam trung bình đạt hơn 10% GDP, điều này khiến cho Việt Nam dẫn đầu trong các nước Đông Á xét về khía cạnh mức tổng đầu tư vào cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn còn rất nhiều việc phải làm để có thể cải thiện được tình trạng hiện tại, đặc biệt là về năng lượng và giao thông.
“Là một nước có nền kinh tế tăng trưởng nhanh nên những lo ngại về vấn đề môi trường tự nhiên cũng rất cấp bách. Việt Nam cũng có nhu cầu lớn về năng lượng để phục vụ cho phát triển kinh tế.”
Việt Nam hiện tại đang chịu sự ảnh hưởng nặng nề từ việc biến đổi khí hậu và là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất bởi các thiên tai như: bão lũ, sói mòn đất. Theo bà Setsuko Yamazaki, một trong những vấn đề Việt Nam cần tập trung trong nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu chính là việc cải thiện cơ sở hạ tầng ở Việt Nam.
“Điều này có nghĩa, mạng lưới đường bộ, đường sắt và các cảng biển ở Việt Nam cần phải được gia cố để có thể chịu được sự khắc nghiệt của thời tiết và hiện tượng nước biển dâng. Như vậy, Việt Nam cũng cần hơn những đầu tư, hợp tác quốc tế về công nghệ cũng như thu hút hơn nữa đầu tư nước ngoài để có thể ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu.”
Liên quan đến lĩnh vực này, bà Setsuko Yamazaki kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài ở Việt Nam có trách nhiệm ứng phó với biến đổi khí hậu như là một đối tác có thiện chí và trách nhiệm đối với Việt Nam.
“Chúng ta cần phải hành động một cách có trách nhiệm, ngoài công việc kinh doanh thuần túy. Chúng ta có thể đảm bảo rằng mối quan hệ đối tác về đầu tư, về môi trường, năng lượng và giao thông vận tải sẽ đóng góp mạnh mẽ vào quá trình phát triển của Việt Nam và đảm bảo về đời sống tốt hơn cho mỗi người dân Việt Nam cả hiện tại và tương lai.”
Coi chừng bẫy thu nhập trung bình
Là một quốc gia có mức thu nhập bình quân đầu người đạt trên 1.000 USD/năm vào năm 2009 và đang trên con đường trở thành một nước có mức thu nhập trung bình. Tuy nhiên, bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng Việt Nam đang bước vào một giai đoạn quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế xã hội và cần phải cảnh giác với bẫy thu nhập trung bình.
“Sau khi đã đạt được rất nhiều thành tích trong một thời gian rất ngắn, Việt Nam đang bước vào giai đoạn trở thành một nước công nghiệp hóa có thu nhập trung bình và nếu không quản lý tốt sẽ rơi vào cái bẫy thu nhập trung bình.” – bà Victoria Kwakwa cảnh báo.
Đồng quan điểm với bà Setsuko Yamazaki, bà Victoria Kwakwa cho rằng vấn đề cơ sở hạ tầng là một thách thức lớn đối với Việt Nam và nếu xử lý tốt vấn đề này sẽ tạo ra được nhân tố quan trọng cho thắng lợi trong tương lai của Việt Nam.
Trên thực tế, các tổ chức nước ngoài đánh giá cao việc Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong lĩnh vực này, chẳng hạn như trong lĩnh vực năng lượng. Từ năm 1995, lượng điện bán ra mỗi năm tăng 15% và tỷ lệ người dân tiếp cận với nguồn điện năng từ 50% nay đã lên trên 92%; mạng lưới điện cũng đã phủ được 95% các xã của cả nước và 100% các huyện. Còn nếu nhìn vào giao thông nông thôn, 84% người dân Việt Nam được tiếp cận với hệ thống giao thông nông thông, và đây là tỷ lệ rất cao trong các nước đang phát triển.
Tuy nhiên, Việt Nam vẫn còn có những thách thức trước mắt đó là làm thế nào để tài trợ được về mặt tài chính, bà Kwakwa cho rằng hiện nay Việt Nam đang có những hạn chế về mặt tài chính để có thể đáp ứng được nhu cầu phát triển cơ sở hạ tầng.
Cũng theo bà Kwakwa, làm thế nào để quản trị được việc phát triển cơ sở hạ tầng để đạt được 2 mục tiêu là giúp cho khu vực tư nhân có thể đem lại những nguồn tài chính cũng như công nghệ cần thiết cho phát triển và làm thế nào để có thể quản lý được ngành cho tốt để đảm bảo được số lượng và chất lượng mà ngành này đưa ra là một thách thức không nhỏ cho Việt Nam.
Bên cạnh đó, việc phát triển cơ sở hạ tầng cũng phải tính tới sự biến đổi khí hậu. Chủ đề cơ bản mà chúng ta phải luôn nhấn mạnh đó là phải nâng cao hiệu quả đầu tư trong lĩnh vực này. Theo ý kiến của bà Kwakwa, Việt Nam cần phải tạo ra không gian để thu hút nhiều đầu tư hơn nữa và làm cho những đầu tư hiện có hiệu quả hơn.
“Hiệu quả của đầu tư chỉ có thể có được thông qua việc quản lý đầu tư cũng như việc tăng cường mối quan hệ đối tác công - tư. Hai khu vực này có thể hợp tác với nhau chặt chẽ và hiệu quả hơn. Sự hợp tác này sẽ phát huy hiệu quả nhất là trong lĩnh vực phân phối điện và giao thông.” - bà Kwakwa kết luận.
IMF: “Việt Nam sẽ nhanh thịnh vượng, nếu...”
(Tác giả: Cúc Anh // Thế giới và Việt Nam )
Ông Anoop Singh cho rằng Việt Nam đang ở vị thế mới. |
Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đặc trách khu vực Châu Á - Thái Bình Dương Anoop Singh khẳng định nếu duy trì được những chính sách phù hợp, Việt Nam sẽ nhanh chóng có được sự thịnh vượng.
Ít nhất là 50 năm...
Cách đây không lâu, trong Hội nghị nhóm tư vấn các nhà tài trợ (CG) diễn ra tại Hà Nội, nhiều chuyên gia nước ngoài nhận định Việt Nam dường như đã "thò một chân" qua ngưỡng thu nhập trung bình khi đạt thu nhập bình quân đầu người mỗi năm đạt 1.000 USD. Nhiều khoản vay ODA từ Nhật Bản, WB đã dần chuyển từ dạng lãi suất ưu đãi cho quốc gia thu nhập thấp sang khoản vay ít ưu đãi hơn dành cho nước có mức thu nhập cao hơn.
Tuy nhiên, những đánh giá mới đây của IMF lại cho rằng Việt Nam vẫn nằm trong nhóm các quốc gia có thu nhập thấp nhất châu Á (dưới 2.000 USD) cùng với Bangladesh, Campuchia, Lào, Mông Cổ, Sri Lanka, Papua New Guinea, Nepal. Như vậy, vấn đề Việt Nam liệu sẽ vướng vào bẫy thu nhập trung bình, nguy cơ mới đe dọa nền kinh tế mắc kẹt trong tình trạng giẫm chân tại chỗ, vẫn còn nhiều điều phải bàn.
"Các nước ở ngưỡng như Việt Nam cần ít nhất 50 năm để vươn lên, thoát khỏi mức thu nhập thấp. Để đẩy nhanh giai đoạn này, Việt Nam phải nỗ lực nhiều hơn, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, vốn là những thách thức cũ đã được đề cập nhiều", đó là khẳng định của Phó chủ tịch WB - James Adams tại Hội thảo "Phát triển và Giảm nghèo của các nước đang phát triển thời kỳ hậu khủng hoảng" hôm 22/3.
4 lời khuyên
Tuy nhiên, ông Anoop Singh - Giám đốc IMF đặc trách khu vực Châu Á - Thái Bình Dương trong buổi nói chuyện có chủ đề "Việt Nam và châu Á: Bước tiến trên nấc thang kinh tế" với sinh viên trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã có nhận định tươi sáng hơn. Ông cho rằng, Chính phủ Việt Nam đã ban hành và thực hiện một cách nhanh chóng nhiều giải pháp hỗ trợ nền kinh tế vượt qua khủng hoảng. Kết quả cho thấy, Việt Nam đã khá thành công và đưa nền kinh tế phát triển trở lại một cách ấn tượng. Và nếu duy trì được những chính sách phù hợp, Việt Nam sẽ nhanh chóng có được sự thịnh vượng. "Việt Nam đang ở vị thế mới và không có lý do gì để nói rằng Chính phủ Việt Nam không đưa GDP từ 6% lên 8% trong 20 năm tới trở thành nước có thu nhập trung bình", ông Anoop Singh nói.
Mặc dù những thành tựu đáng kể về kinh tế mà Việt Nam và châu Á đạt được đã làm giảm đáng kể tình trạng nghèo khó, tuy nhiên những thách thức lớn về chính sách vẫn còn hiện hữu. Nếu những nước "gần với mới nổi" ở châu Á như Việt Nam, muốn có bước nhảy vọt tới giai đoạn phát triển tiếp theo, ông Singh khuyến nghị Việt Nam cần tập trung đặc biệt vào bốn lĩnh vực:
Ổn định kinh tế vĩ mô tiếp tục là mục tiêu lâu dài mà Việt Nam cần hướng đến. Điều quan trọng vẫn là phải tái thiết các bước đệm chính sách và cải thiện hơn nữa tính lành mạnh của khu vực tài chính.
Về cơ cấu, Chính phủ cần ưu tiên cải thiện chính sách và sự minh bạch trong hệ thống tài chính, ưu tiên cải cách cơ cấu để tăng cường tính cạnh tranh và hỗ trợ cho sự tham gia của các nước đang phát triển như Việt Nam vào mạng lưới thương mại khu vực và toàn cầu. Việc phát triển các thị trường tài chính sẽ đảm bảo cho việc phân bổ nguồn vốn hiệu quả hơn, cung cấp các công cụ tiết kiệm nhằm tăng thu nhập hộ gia đình.
Cơ sở hạ tầng yếu kém vẫn luôn là thách thức lớn nhất của Việt Nam, vì vậy, ngay từ thời điểm này, Việt Nam cần đầu tư và cải cách mạnh mẽ để bù đắp khoảng cách lớn về cơ sở hạ tầng ở châu Á trong các lĩnh vực như giao thông, năng lượng và viễn thông. Điều này sẽ thúc đẩy tiềm năng nâng cao năng suất lao động và đồng thời giúp chiến đấu với đói nghèo.
Vấn đề đặt ra với Việt Nam là làm thế nào để tập trung nguồn hỗ trợ tài chính của chính phủ cho cơ sở hạ tầng để mang lại lợi ích cho những người dân nghèo nhất. Theo đó, mạng lưới an sinh xã hội cần được đẩy mạnh để bảo vệ những người nghèo và người yếu thế, nhằm tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ công cơ bản, bao gồm chăm sóc sức khỏe.
Áp lực nhập siêu: Thách thức lớn với nền kinh tế
(Doanh Nhân/Vietnam+)
Ngân hàng Standard Chartered:
Hai thách thức của nền kinh tế Việt Nam năm 2010
(Nguồn VnEconomy//VOV//DoanhnhanSG)
Nhóm nghiên cứu Ngân hàng Standard Chartered vừa đưa ra báo cáo về triển vọng và xu hướng của kinh tế Việt Nam trong năm 2010.
Điểm đáng chú ý trong báo cáo được bộ phận nghiên cứu đề cập là sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam trong suốt thời kỳ khủng hoảng toàn cầu. Tuy nhiên, bên cạnh những tín hiệu tích cực, nhóm nghiên cứu cũng chỉ ra những thách thức mà nền kinh tế nhiều khả năng sẽ phải đối mặt trong năm 2010.
GDP năm 2010 có thể đạt 6,7%
Theo nhóm nghiên cứu, với sự hỗ trợ tích cực của các chính sách tài khóa và nhu cầu trong nước điều chỉnh mạnh, Việt Nam đã vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu một cách tương đối tốt. Thống kê cho thấy, cùng với Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia, Việt Nam là một trong số ít các quốc gia có tốc độ tăng trưởng GDP so với cùng kỳ năm trước. Số liệu tăng trưởng GDP mới nhất trong quý 3 năm 2009 cho thấy nền kinh tế đang trên đà phục hồi khá vững chắc, mặc dù xuất khẩu vẫn còn chậm.
Để phản ánh diễn biến tích cực của nền kinh tế, nhóm nghiên cứu đã nâng mức dự báo tăng trưởng từ 4,2% lên 4,9% cho năm 2009; từ 5% lên 6,7% cho năm 2010 và từ 6% lên 7,2% cho năm 2011.
Đồng thời, Ngân hàng này cũng điều chỉnh mức dự báo lạm phát theo mức dự đoán tăng mạnh. Nhóm nghiên cứu cũng kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (SBV) sẽ bắt đầu tăng lãi suất cơ bản ngay trong quý 2/ 2010 thay vì quý 3 cho dù vẫn còn các công cụ khác để quản lý hoạt động cho vay và giảm áp lực lạm phát.
Tuy nhiên, dù những đánh giá lạc quan hơn về nền kinh tế Việt Nam, song nhóm nghiên cứu lại cho rằng, những nguy cơ dần xuất hiện của nền kinh tế lại không hề giống với những gì đã gặp phải trong năm 2008.
Đặc biệt, với thâm hụt thương mại nới rộng trong những tháng gần đây chỉ ra sự mất cân bằng giữa tiềm năng nội lực và điểm yếu bên ngoài. Trong khi lạm phát hiện nay vẫn đang được kiềm chế so với cùng kỳ năm trước và cả với tháng trước, thì những động thái kích thích tiền tệ và tài khóa mạnh mẽ khiến người ta hy vọng rằng lạm phát có thể tự điều chỉnh.
Hai thách thức
Theo Standard Chartered, trong năm 2008, Việt Nam cùng lúc phải đối mặt với hai vấn đề là thâm hụt thương mại và lạm phát tăng cao. Nhóm nghiên cứu cũng cho biết, hiện có nhiều ý kiến lo lắng kịch bản này sẽ lặp lại trong năm 2010, cụ thể:
Thách thức về thâm hụt thương mại đang có xu hướng tăng trở lại biểu hiện bằng việc giá trị thâm hụt liên tiếp được nới rộng trong những tháng gần đây với tỷ lệ tăng là 1,5 tỷ USD mỗi tháng. Kim ngạch nhập khẩu máy móc và linh kiện, sản phẩm điện tử và xe ôtô tăng nhanh. Điều này phản ánh nhu cầu trong nước đang tăng mạnh mẽ.
Trong khi đó, hoạt động xuất khẩu mới chỉ có một vài dấu hiệu phục hồi. Với thâm hụt thương mại từ tháng 1 tới tháng 9 ở mức 6,5 tỷ USD cho thấy, tổng thâm hụt năm nay có thể lên tới 11 tỷ USD.
Bên cạnh đó, theo nhóm nghiên cứu, khi nền kinh tế trong nước tiếp tục phát triển nhanh, có những quan ngại rằng tình trạng thâm hụt này có thể xuống sâu hơn. Tỷ lệ thâm hụt thương mại trung bình hàng tháng, từ tháng 1 đến tháng 5 năm 2008 là 2,7 tỷ USD làm dấy lên những lo lắng về vị thế thanh toán quốc tế của Việt Nam. Trong khi đầu tư trực tiếp nước ngoài và lượng kiều hối có thể phục hồi trong năm 2010 thì những quan ngại mới về cán cân thương mại lại có thể gây áp lực lên đồng Việt Nam.
Theo ông Tai Hui, Trưởng bộ phận nghiên cứu châu Á của Standard Chartered, trong khi xu hướng này đang được giám sát chặt chẽ thì nền kinh tế xuất hiện vài nhân tố có thể giúp kìm chế gia tăng thâm hụt thương mại. Trong năm 2008, các nhà sản xuất đã dự trữ sản phẩm thép nhập khẩu do dự đoán giá thép sẽ tăng cao hơn, và động thái này đã góp phần đáng kể làm gia tăng thâm hụt thương mại.
Bên cạnh đó, giá năng lượng tăng cao đã gia tăng chênh lệch giá giữa sản phẩm dầu tinh và dầu thô và kéo theo thâm hụt thương mại xuống sâu hơn do Việt Nam là nước xuất khẩu dầu thô nhưng nhập khẩu dầu tinh. Tuy nhiên, việc Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đang đi vào hoạt động sẽ góp phần hạn chế thâm hụt thương mại cho Việt Nam.
Lạm phát sẽ gia tăng là thách thức thứ hai mà nhóm nghiên cứu quan ngại đối với nền kinh tế trong năm 2010. Đến thời điểm này, dù lạm phát vẫn được kiểm soát tốt, nhưng không phải là không có những lo ngại về nguy cơ giá cả hàng hóa tăng cao do Ngân hàng Nhà nuớc thực hiện chính sách nới lỏng tiền tệ.
Lạm phát đã giảm xuống 2% trong tháng 8 so với cùng kỳ năm trước và tăng nhẹ lên 2,4% trong tháng 9. Thế nhưng, khi những tác động của lãi suất cao trong năm trước dần lộ ra, nhóm nghiên cứu đã dự đoán lạm phát sẽ gia tăng lên mức 6,6% vào cuối năm 2009. Trong khi đó, tốc độ tăng lạm phát tháng sau so với tháng trước cũng chỉ ở mức khiêm tốn 0,24% trong tháng 8 và 0,62% trong tháng 9.
Theo nhóm nghiên cứu, nếu xét theo từng lĩnh vực thì công nghiệp, giao thông và truyền thông (đóng góp 9% vào CPI) đang chịu áp lực giá tăng cao. Tuy nhiên, hai ngành có tốc độ lạm phát cao nhất, thực phẩm và nhà ở (chiếm tương ứng 43% và 10% trong giỏ CPI) lại có vẻ như đang giới hạn đà tăng giá.
Bài thuộc chuyên đề: Việt Nam: Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com