Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Phát triển công nghiệp và thương mại theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa

Người dân mua hàng bình ổn giá ở siêu thị Fivi-Mart  
( Ảnh: Nguyễn Hòa )

Cách đây 60 năm, ngày 14-5-1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh đổi tên Bộ Kinh tế thành Bộ Công thương. Trải qua 60 năm phát triển và trưởng thành, ngành công thương Việt Nam từng bước định hình và phát triển mạnh mẽ, nhất là từ khi Ðảng ta thực hiện đường lối đổi mới.

Tiếp tục phát huy và nêu cao vai trò vị trí của mình với sự phát triển chung của nền kinh tế đất nước, ngành công thương đã đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu Ðảng và Nhà nước đề ra về sản xuất công nghiệp, hoạt động thương mại và hội nhập kinh tế quốc tế.

Những thành tựu thời kỳ đổi mới

Ðến nay, giá trị GDP của toàn ngành công thương tạo ra đóng góp hơn 65% tổng GDP và khoảng 70% thu ngân sách hằng năm của cả nước, tạo việc làm cho hàng triệu lao động. Công nghiệp Việt Nam phát triển ổn định, vững chắc và có tốc độ tăng trưởng cao ở cả ba khu vực: doanh nghiệp (DN) nhà nước, DN ngoài nhà nước, DN có vốn đầu tư nước ngoài. Ngành nắm giữ nhiều lĩnh vực sản xuất then chốt của nền kinh tế như năng lượng, khai thác khoáng sản, dầu khí, luyện kim, hóa chất, cơ khí... và nhiều ngành hàng tiêu dùng thiết yếu như dệt may, giày dép, thực phẩm, nước giải khát... Công nghiệp hỗ trợ bắt đầu hình thành và từng bước phát triển, phục vụ nhu cầu sản xuất, lắp ráp sản phẩm. Thị trường xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp của Việt Nam liên tục được mở rộng trong khi thị trường nội địa ngày càng phát triển. Về cơ bản, các sản phẩm công nghiệp đáp ứng được nhu cầu phục vụ sản xuất, xuất khẩu và đời sống của nhân dân.

 Hoạt động thương mại và dịch vụ trên thị trường trong nước ngày càng phát triển mạnh mẽ. Hệ thống phân phối hàng hóa được xây dựng theo hướng văn minh, hiện đại; đặc biệt là hệ thống phân phối các mặt hàng thiết yếu như xăng, dầu, xi-măng, phân bón, gạo và một số mặt hàng nông sản khác. Hàng hóa lưu thông phong phú về quy cách, chủng loại và chất lượng, hình thành một thị trường thống nhất, khá ổn định và thông suốt trên cả nước. Qua đó, bảo đảm cung ứng kịp thời và đầy đủ các mặt hàng thiết yếu cho sản xuất, tiêu dùng xã hội với giá cả tương đối hợp lý, góp phần bình ổn thị trường. Các hình thức mua bán hiện đại như siêu thị, trung tâm thương mại cũng như chợ truyền thống, từng bước được sắp xếp lại và ngày càng phát triển. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trong những năm qua đã đạt tốc độ tăng trưởng đáng kể với tốc độ tăng bình quân hằng năm 26,6%. Năm 2010, tổng mức bán lẻ toàn xã hội đạt gần 1.600 tỷ đồng.

Xuất khẩu tăng trưởng bình quân giai đoạn 1986 - 2010 là 26%/năm. Kim ngạch xuất khẩu năm 2010 gấp 92 lần năm 1986. Cơ cấu hàng xuất khẩu được chuyển dịch theo hướng tích cực, phong phú về mẫu mã, chủng loại: Trong đó, tỷ trọng nhóm hàng chế biến, chế tạo, nhóm hàng có hàm lượng chất xám và công nghệ cao ngày càng lớn và giảm dần xuất khẩu hàng chế biến thô. Nhiều mặt hàng được mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng xuất khẩu như dệt may, giày dép, thủy sản... dần thay thế dầu thô trong nhóm có kim ngạch xuất khẩu cao nhất. Tỷ lệ nhập siêu được kiểm soát và từng bước giảm xuống mức dưới 20% so với kim ngạch xuất khẩu. Năm 1986, nhập siêu ở mức 300%, nhưng trong năm năm gần đây đã giảm xuống chỉ còn ở mức trên dưới 20% kim ngạch xuất khẩu (năm 2010 được kiểm soát ở mức 17,5%). Thị trường xuất khẩu mở rộng vượt bậc, từ chỗ chỉ trong nội khối xã hội chủ nghĩa (trước năm 1986) đến năm 2010, hàng hóa nước ta đã vươn tới hơn 180 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Công tác hội nhập kinh tế quốc tế được triển khai một cách chủ động, toàn diện trên nhiều lĩnh vực, tạo thuận lợi cho hoạt động kinh tế đối ngoại của Việt Nam. Hội nhập kinh tế quốc tế đã góp phần nâng cao trình độ lao động, hình thành tư duy sản xuất trong điều kiện mới, lấy chất lượng, hiệu quả làm thước đo, nâng cao năng lực cạnh tranh, giảm chi phí của hàng hóa, dịch vụ, tạo đà để đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thích ứng với quá trình phân công, chuyên môn hóa và hiện đại hóa đang diễn ra trong khu vực và trên toàn cầu. Những thành tựu kinh tế đạt được đã tạo dựng được thế và lực của nước ta trong thương mại quốc tế, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Ðịnh hướng phát triển công nghiệp và thương mại

Trong giai đoạn tới, ngành công thương định hướng phát triển công nghiệp và thương mại theo hướng CNH, HÐH. Cụ thể là phát triển công nghiệp với tốc độ cao, đi đôi với nâng cao chất lượng, hiệu quả và bảo vệ môi trường, tăng khả năng cạnh tranh các sản phẩm để giữ vững và mở rộng thị trường; tạo điều kiện tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhanh hơn, góp phần cùng cả nước từng bước hình thành cơ cấu kinh tế trong giai đoạn đến năm 2020 theo hướng công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp một cách vững chắc. Tập trung đầu tư cho các ngành công nghiệp nền tảng (như: năng lượng, lọc hóa dầu, hóa dược, luyện kim, hóa chất, cơ khí chế tạo, vật liệu xây dựng...) sẵn sàng đáp ứng nhu cầu về tư liệu sản xuất cơ bản của nền kinh tế trong giai đoạn phát triển tới; phát triển công nghiệp chế biến, công nghiệp hàng tiêu dùng bảo đảm nhu cầu trong nước và xuất khẩu; phát triển một số ngành công nghiệp áp dụng công nghệ cao để nâng cao chất lượng phát triển ngành và năng lực cạnh tranh. Phát triển bền vững các khu, cụm công nghiệp, vùng công nghiệp trọng điểm.

Phát triển thị trường nội địa trên cơ sở bảo đảm thực hiện chức năng quản lý nhà nước về thương mại, tham gia điều tiết thị trường, ổn định giá cả, nhất là giá cả các mặt hàng thiết yếu; cung cấp đầy đủ, kịp  thời  các mặt hàng chính sách cho đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa. Phát triển các kênh phân phối từ quy mô nhỏ, phân tán trở thành hệ thống và các kênh phân phối mạnh, vừa mở rộng về quy mô và phạm vi, vừa tham gia có chiều sâu vào phát triển sản xuất và phát triển tiêu dùng trong nước. Ða dạng hóa các kênh phân phối trên cơ sở đa dạng hóa các loại hình tổ chức, các lĩnh vực kinh doanh, các thành phần kinh tế cùng tham gia và tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin trong lĩnh vực thương mại. Phấn đấu đưa tỷ trọng bán lẻ của các loại hình bán lẻ hiện đại trong tổng mức bán lẻ từ khoảng 20% hiện nay lên 40% vào năm 2020. Góp phần tích cực vào giải quyết việc làm cho lao động dôi dư từ khu vực nông nghiệp, nông thôn do quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế tạo ra.

Ðẩy mạnh hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa theo hướng vừa mở rộng thị trường, mặt hàng, vừa nâng cao hiệu quả phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững. Tiếp tục mở rộng giao thương thông qua việc ký kết các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương. Trong đó, chú trọng chọn lựa những đối tác vừa có thể đưa lại lợi ích thương mại và vừa phục vụ mục tiêu chiến lược ngoại giao. Tăng cường nghiên cứu áp dụng các biện pháp tự vệ để bảo vệ quyền lợi chính đáng của các nhà sản xuất trong nước, phù hợp với các nguyên tắc WTO.

Xây dựng chiến lược và bước đi phù hợp nhằm tiếp tục thực hiện hiệu quả chủ trương về hội nhập kinh tế quốc tế trên tất cả các bình diện song phương, khu vực và đa phương: Từ đó, nâng tầm quan hệ thương mại với các quốc gia và vùng lãnh thổ trọng điểm trong các hợp tác song phương, từng bước nâng cao vị thế và vai trò của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác ASEAN, APEC, ASEM, các Ủy ban liên Chính phủ và Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Sau 25 năm đổi mới, nền kinh tế đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật nhưng chúng ta vẫn đứng trước nhiều khó khăn thách thức trong việc vừa bảo đảm phát triển ổn định, nhanh và bền vững; đồng thời nhanh chóng rút ngắn khoảng cách, bắt kịp với trình độ phát triển chung của khu vực và thế giới. Những năm tới đây, kinh tế thế giới được dự báo tiếp tục phục hồi, song vẫn còn tiềm ẩn những bất ổn khó lường. Giá cả hàng hóa và dịch vụ thế giới, đặc biệt là giá của các nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất tăng cao, xu hướng bảo hộ mậu dịch quay trở lại, cạnh tranh hàng hóa khốc liệt... sẽ tiếp tục tác động và gây áp lực đến hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước cũng như các hoạt động ngoại thương của Việt Nam.

Trong bối cảnh toàn Ðảng, toàn quân, toàn dân ta đang tích cực phấn đấu triển khai thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Ðại hội Ðảng toàn quốc lần thứ XI, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011 - 2020 và phương hướng phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015, nhiệm vụ trọng tâm của ngành công thương trong thời gian tới là tiếp tục tăng cường quản lý, điều hành và làm tốt công tác tham mưu có hiệu quả với Chính phủ và Trung ương về những vấn đề đặt ra trong lĩnh vực công thương, bảo đảm thực hiện thành công nhiệm vụ của ngành nói riêng và cả nước nói chung trong năm 2011 và những năm tiếp theo, thực hiện mục tiêu phát triển toàn diện kinh tế - xã hội của đất nước.

(Theo nhandan online)

  • 'Kinh tế VN chưa gây dựng lại được niềm tin nơi nhà đầu tư'
  • CPI tháng 6 sẽ giảm tốc?
  • “Nền kinh tế đang ở thế bất lợi hơn năm 2008”
  • Tham nhũng trong lĩnh vực khoáng sản và trách nhiệm giải trình
  • Lạm phát cao, giảm tiền mua sữa
  • Kiểm soát giá từ gốc
  • Tập đoàn kinh tế nhà nước: Nắm gì, buông gì?
  • Nghị quyết 11/NQ-CP: “Cỗ xe thép” chặn đà tăng giá !
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi