Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Phục hồi kinh tế vĩ mô: 5 “vùng trũng” cần khắc phục

Kinh tế Việt Nam hiện nay có thể được mô phỏng như một người vừa ốm dậy, vẫn còn không ít bộ phận cần được chữa trị quyết liệt mới hy vọng được bình phục hoàn toàn.

Theo số liệu tổng hợp từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tốc độ tăng trưởng GDP quý I/2010 đã đạt 5,83% so với cùng kỳ năm trước, nghĩa là khoảng cách về đích 6,5% của cả năm 2010, như mục tiêu Quốc hội đã đề ra, không còn quá xa. Đáng mừng là trong đó, GDP của các khu vực công nghiệp - xây dựng, nông - lâm - ngư nghiệp và dịch vụ đều tăng tiến rõ rệt. Đây được xem như một trong những tín hiệu lạc quan về triển vọng hồi phục của kinh tế đất nước sau một năm suy giảm nặng nề kể từ năm “rớt đáy” - năm 1999 (chỉ tăng 4,77%) hay một năm “dương tính” không cao (năm 2009 chỉ tăng 5,32% so với mức tăng 8,46% của năm 2007).
Đáng mừng nữa, sản xuất công nghiệp đang trên đà tăng tốc phục hồi. Cụ thể là, giá trị sản xuất công nghiệp quý I/2010 tăng trưởng 13,6% so với cùng kỳ năm trước, thay vì chỉ tăng 7,6% trong năm 2009 (mức tăng thấp nhất kể từ năm 1991). Như vậy, sản xuất công nghiệp đang lấy lại phong độ của năm 2008 (tăng 13,9%). Sự phát triển của sản xuất công nghiệp có ý nghĩa hết sức quan trọng, nó phản ánh triển vọng phục hồi của xuất khẩu.
Thực vậy, kim ngạch xuất khẩu quý I/2010 đạt khoảng 14 tỷ USD, chỉ giảm 1,6% so với cùng kỳ năm trước, thay vì đã giảm 9,7% trong năm 2009 (mức hụt hẫng kỷ lục kể từ năm 1992 đến nay). Nghĩa là đà suy giảm xuất khẩu đã được chặn lại và đang trong xu hướng “hồi xuân”. Hơn nữa, thế bù cho sự thu hẹp thị trường xuất khẩu, thị trường tiêu thụ trong nước đã được nuôi dưỡng với sự hấp thụ khá mạnh. Cụ thể là, tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ toàn xã hội quý I/2010 đã tăng hơn 24% (vượt cao đáng kể so với mức tăng 18,6% của năm 2009).
Tuy nhiên, bên cạnh những tín hiệu lạc quan đó, cũng cần thấy hết những thách thức hết sức nan giải mà nền kinh tế đất nước đang phải đối mặt.
Một là, xuất khẩu hàng công nghiệp chế biến, nhóm hàng xuất khẩu quan trọng nhất của nước ta, mới đạt hơn 7,3 tỷ USD, giảm sút 9,5% so với cùng kỳ năm trước (trong khi xuất khẩu hàng nông - lâm - thủy sản và khoáng sản chỉ giảm 1-1,2%). Đáng chú ý hơn nữa là, riêng xuất khẩu của các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), chủ yếu là hàng công nghiệp chế biến, đã chiếm 6,68 tỷ USD (không kể xuất khẩu dầu thô), tăng 40,5% so với cùng kỳ năm trước. Thực tế đó cho thấy, khả năng cạnh tranh, khả năng hồi phục sau khủng hoảng của các DN thuần Việt trong xuất khẩu hàng công nghiệp chế biến (nhóm hàng có giá trị tăng thêm cao) còn rất rất yếu; nó ảnh hưởng trực tiếp tới nguồn thu ngoại tệ của quốc gia. 
Hai là, nhập siêu cao. Trong khi xuất khẩu của cả nước giảm sút 1,6% thì kim ngạch nhập khẩu tăng 37,6% với tổng giá trị lên đến trên 17 tỷ USD, khiến giá trị nhập siêu 3 tháng đầu năm nay đã vượt trên 3,5 tỷ USD. Trong đó, DN thuần Việt đã chiếm trên 3 tỷ USD, lớn gấp nhiều lần so với mức 420 triệu USD của khu vực DN FDI. 
Ba là, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tiếp tục leo thang, báo động nguy cơ tái lạm phát ở mức cao.
Bốn là, thu hút vốn FDI chưa có tín hiệu phục hồi, quý I/2010 mới đạt 2,14 tỷ USD (cả cấp mới và bổ sung vốn), chỉ đạt gần 30% của cùng kỳ năm trước, mặc dù vốn đưa vào thực hiện triển khai các dự án đã cấp phép vẫn được duy trì ở mức đáng khích lệ, cả quý I/2010 đạt khoảng 2,5 tỷ USD. Điều đó cho thấy, làn sóng đầu tư mới vào Việt Nam chưa tiếp tục được khơi dậy, một phần do các nền kinh tế nước ngoài chưa được hồi phục vững chắc sau khủng hoảng, nhưng rất có thể còn do môi trường đầu tư tại Việt Nam chưa đủ độ hấp lực mạnh mẽ.   
Năm là, mới 3 tháng đầu năm mà đã xuất hiện tình hình khan hiếm ngoại tệ và lãi suất tín dụng dâng lên quá cao, ảnh hưởng không nhỏ tới hiệu quả sản xuất, kinh doanh, đầu tư và hoạt động ngoại thương. 
Nhận thức sâu sắc những “căn bệnh” chủ yếu nêu trên để có liều thuốc chữa trị kịp thời được xem là điều hết sức cấp thiết, bởi gần đây xuất hiện không ít ý kiến nhận xét thổi phồng về tốc độ tăng trưởng của kinh tế đất nước, như Việt Nam là một trong hơn 10 quốc gia và nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng dương trong thời gian khủng hoảng kinh tế toàn cầu.
Tuy đó là sự thật rất đáng khích lệ, nhưng cần ghi nhận rằng, từ năm 1990 đến nay, kinh tế Việt Nam chưa có năm nào bị tăng trưởng âm, ngay cả năm 1991, khi Liên Xô sụp đổ và khối SEV tan rã, GDP của kinh tế nước ta vẫn tăng 5,81% so với năm trước. Điều đó không khó hiểu, vì GDP của nước ta lâu nay tăng trưởng chủ yếu nhờ tăng vốn đầu tư chứ không phải do tăng năng suất lao động xã hội hay do ứng dụng công nghệ cao. Vì vậy, chỉ tiêu GDP năm 2010 tăng ở mức 6,5% như Quốc hội đã dự kiến, có lẽ không phải là quá cao, bởi đã có chỉ tiêu “tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội bằng khoảng 41% GDP”.
Vì vậy, vấn đề mấu chốt hiện nay để thực hiện mục tiêu “ổn định kinh tế vĩ mô” chính là khắc phục hiệu quả 5 “vùng trũng” trong bức tranh kinh tế quý I/2010 như đã nêu./.

(Theo VEN/baomoi)

  • Giám sát, đánh giá đầu tư: Nhiều nơi vẫn làm cho có
  • Sự kiện - Phân tích: Bốn trọng tâm của Tuyên bố Hua Hin
  • Ứng phó nguy cơ thiếu hụt gần 1 tỷ kWh điện năm 2010
  • Cần hình thành một hệ thống quốc gia về đổi mới
  • Việt Nam có lợi thế lớn trong phát triển kinh tế
  • Để vốn ODA trở thành một nguồn lực cho kinh tế tư nhân
  • Tìm giải pháp vượt qua bẫy thu nhập trung bình
  • Hậu khủng hoảng: Thách thức, triển vọng của thế giới và Việt Nam
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi