Tuyên bố chung Hua Hin của các nước Ủy hội sông Mekong nêu 4 vấn đề quan trọng: An ninh lương thực; phát triển năng lượng và thủy điện; giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu; tăng cường sự tham gia của các tổ chức xã hội trong xây dựng kế hoạch và tiến trình ra quyết định hành động.
Các nước thuộc Ủy hội sông Mekong đã nhất trí tăng cường hợp tác để bảo vệ giá trị to lớn của hệ sinh thái tự nhiên lưu vực sông Mekong. |
Ngày 5/4, các nước thành viên Ủy hội sông Mekong (MRC) gồm Việt Nam, Thái Lan, Lào và Campuchia đã nhất trí ra Tuyên bố chung sau Hội nghị thượng đỉnh diễn ra tại Hủa Hin (Thái Lan) nhằm tăng cường hợp tác trong nỗ lực bảo vệ giá trị to lớn của hệ sinh thái tự nhiên và cân bằng sinh thái lưu vực sông Mekong.
Tuyên bố chung nêu 4 vấn đề quan trọng: An ninh lương thực; phát triển năng lượng và thủy điện; giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu; tăng cường sự tham gia của các tổ chức xã hội trong xây dựng kế hoạch và tiến trình ra quyết định hành động.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên-Môi trường Thái Lan Suwit Khunkitti cho biết ngoài vấn đề tham gia của các tổ chức xã hội vào tiến trình lập kế hoạch và ra quyết định hành động liên quan đến phát triển khu vực lòng chảo sông Mekong, 3 vấn đề còn lại được Hội nghị nhất trí thông qua và trình lên các nhà lãnh đạo cấp cao MRC.
Hơn 300 đại biểu các nước và tổ chức quốc tế tham dự Hội nghị đã khẳng định việc nâng quan hệ hợp tác giữa các nước lưu vực sông Mekong lên mức chính trị cao nhất là cần thiết, nhằm giải quyết các thách thức về nhu cầu lương thực và năng lượng ngày càng tăng ở các nước dọc dòng sông này.
Theo giới chuyên gia, các nước dọc sông Mekong đang phải hứng chịu áp lực ngày càng tăng từ biến đổi khí hậu và các động lực đòi hỏi thay đổi khác. Việc phát triển các dự án thủy điện và hạ tầng dọc sông Mekong sẽ mang lại nhiều cơ hội phát triển kinh tế cho các nước, nhưng đòi hỏi phải hài hòa với việc giải quyết các tác động xã hội và sinh thái phát sinh từ những dự án này.
An ninh lương thực phụ thuộc vào sự phát triển vững mạnh của hệ thống nông nghiệp và một cuộc “cách mạng xanh” về quản lý nguồn nước sẽ giúp nâng cao năng suất của các nền nông nghiệp dựa vào mưa và nước thủy lợi. Tuy nhiên, đảm bảo an ninh lương thực không chỉ phụ thuộc vào việc tăng cường đầu tư mà còn phải tính đến các yếu tố xã hội, môi trường và sinh thái.
Các chuyên gia cũng cho rằng kinh nghiệm của các nước đang phát triển trên thế giới về quản lý các dòng sông xuyên quốc gia cho thấy thay vì tập trung vào lợi ích cạnh tranh quốc gia, các nước cần quan tâm đến các lợi ích chung, cùng chia sẻ rủi ro, duy trì và đảm bảo an ninh nguồn nước.
Việc sử dụng nước phục vụ nông nghiệp hiệu quả hơn sẽ là một phần quan trọng trong các nỗ lực nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu. Các nhà khoa học nhận định thời tiết khắc nghiệt kéo theo hạn hán và lũ lụt nghiêm trọng. Để giảm thiểu tác động tiêu cực tiềm tàng của các thảm họa này, các nước trong khu vực cần phải gắn chiến lược quản lý rủi ro thảm họa với các chiến lược thích ứng với biến đổi khí hậu.
Việc đảm bảo an ninh nguồn nước cho nhân dân khu vực này cần được xác định là trọng tâm của việc thích ứng với biến đổi khí hậu. Do đó, các nước cần tăng cường phối hợp nâng cao hiệu quả quản lý đồng bộ nguồn nước và gắn nó với quản lý tốt đất đai.
Do biến đổi khí hậu diễn ra không phân biệt lãnh thổ quốc gia, tác động trực tiếp và mạnh mẽ nhất đến người nghèo, nên thích ứng với biến đổi khí hậu trong khu vực Mekong đòi hỏi các chính phủ và tổ chức xã hội trong khu vực tham gia các chiến lược chung, được tất cả các nước và các cộng đồng trong toàn khu vực nhất trí. Các hình mẫu quốc tế về đầu tư phát triển bền vững cả về tài chính, xã hội và môi trường nên được áp dụng cho khu vực này, trong đó tư nhân cần được khuyến khích nâng cao vai trò và tham gia tích cực các dự án phát triển hạ tầng xuyên quốc gia ở khu vực. Tuy nhiên, cần xác định rõ các chính phủ, chứ không phải khu vực tư nhân, phải chịu trách nhiệm chính về tác động của môi trường và biến đổi khí hậu từ các dự án phát triển.
Tuyên bố cũng nhấn mạnh các kế hoạch hành động được coi là yếu tố cần thiết để các nước thành viên thực thi nhằm giảm thiểu thiệt hại về người và của do lụt lội và mất kế sinh nhai do hạn hán gây ra. Các nước thành viên sẽ hợp tác để quản lý hiệu quả nguồn nước tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp, đặc biệt như một phần của chiến lược quản lý khô hạn.
Trong số các ưu tiên hàng đầu của MRC có việc tăng cường nỗ lực nhằm giảm thiểu một cách hiệu quả các nguy cơ do lụt lội, khô hạn và mực nước biển dâng cao, bao gồm cả việc thiết lập các hệ thống dự báo và cảnh báo.
(Theo Nguyễn Chiến // Tin Chính phủ)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com