Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Quản lý đất đai - Đụng đâu vi phạm đó

 Sau một thời gian dài rà soát, đánh giá, Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa chính thức có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ kết quả kiểm kê đất công trên toàn quốc. Số liệu mới nhất cho thấy, tình trạng sử dụng đất sai mục đích, bỏ đất hoang hóa, lãng phí là khá nghiêm trọng.

 
Hơn 250.000 ha đất… bỏ hoang

Thống kê mới nhất từ cơ quan quản lý nhà nước về đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, cả nước hiện đang có 144.485 tổ chức đang quản lý, sử dụng đất được Nhà nước giao, cho thuê. Trong đó, có tới 3.311 tổ chức sử dụng đất không đúng mục đích được giao, được thuê với diện tích 25.587,82ha. 
 
Không những thế, những cơ quan, doanh nghiệp này còn cho thuê, cho mượn, chuyển nhượng trái phép... để kiếm chênh lệch. Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận định, vấn nạn này “xảy ra ở hầu hết các loại hình tổ chức”. 

Trong số các loại đối tượng vi phạm, các tổ chức sử dụng đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp chiếm vị trí hàng đầu, với 1.527 đơn vị trên diện tích 21.499,68 ha, chiếm hơn 84%. Rà soát cho thấy có tới 1.828 tổ chức sử dụng làm nhà ở với diện tích 4.088,24 ha. Phần lớn diện tích đất này được dành... xây nhà cho cán bộ, công nhân viên! 

Ấy là chưa kể tới hơn 1.200 đơn vị khác đang sử dụng đất cho thuê trái phép với diện tích 2.918,65 ha, tập trung lớn nhất ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, sau đó tới vùng Đông Bắc, vùng Đông Nam Bộ. Những trường hợp cho mượn, chuyển nhượng trái phép cũng lên tới con số hàng nghìn...
  
Theo Tổng cục Quản lý Đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường), diện tích đất chưa đưa vào sử dụng của các tổ chức được giao, thuê cũng lên tới trên 299.719 ha. Trong đó, diện tích còn để hoang hóa xấp xỉ 250.862 ha do 2.455 tổ chức quản lý. 
 
Diện tích đầu tư, xây dựng chậm (dự án “treo”) cũng lên tới 48.888 ha, tập trung chủ yếu là các trường học và những dự án phát triển đô thị mới, dự án xây dựng khu công nghiệp... Số dự án “treo” tập trung chủ yếu tại Bắc Trung Bộ, chiếm tới 56,1% tổng diện tích đất chưa sử dụng. 
 
“Treo” nhiều, thu hồi ít

Tại Hà Nội, trong vòng 6 năm (từ 1/1/2003 đến 31/12/2008), 3.401 dự án đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giao đất, cho thuê đất tại Hà Nội nhưng cũng có tới 505 dự án trong số đó bị phát hiện “treo” dưới nhiều dạng... 
 
Hà Nội phân các dự án chậm triển khai này thành nhiều loại. Loại bị ách tắc do chậm giải phóng mặt bằng. Loại không sử dụng đất trong 12 tháng liền kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa hoặc chậm 24 tháng so với tiến độ được duyệt. 
 
Cuối cùng là đất bị chuyển nhượng trái pháp luật, bị lấn chiếm, tranh chấp, sử dụng sai mục đích chủ đầu tư chậm thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước... Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, nguyên nhân khiến các chủ đầu tư chậm triển khai dự án là do Nhà nước thay đổi, bổ sung chính sách làm phát sinh khó khăn, vướng mắc khi xử lý giai đoạn chuyển tiếp giữa các thời kỳ, nhất là các dự án quy mô lớn, thời gian thực hiện dài... khiến dân thắc mắc, khiếu kiện. 
 
Ở một số trường hợp khác, chủ đầu tư thiếu vốn, chưa nỗ lực, có tâm lý chờ thị trường bất động sản bớt “trầm lắng” mới triển khai. Nhiều trường hợp chủ đầu tư là doanh nghiệp nhỏ, năng lực yếu nhưng lại được giao dự án quy mô lớn. 
 
Một số khác đủ điều kiện khởi công nhưng lại xin điều chỉnh cục bộ quy hoạch, chuyển mục đích sử dụng đất... để nâng cao hiệu quả đầu tư - cũng khiến dự án “treo” thời gian dài. 
 
Số dự án “treo” nhiều như vậy song con số bị xử lý dường như còn quá khiêm tốn và cứ “tuột” dần theo thời gian. UBND TP Hà Nội cho biết, từ 2001 - 2005, Thành phố chỉ quyết định thu hồi đất hoang, sử dụng sai mục đích của 67 đơn vị với tổng diện tích 59,73ha. Thành phố cũng buộc 117 tổ chức đã tự khắc phục tình trạng để đất hoang hóa, 15 tổ chức khác trong giai đoạn này đã lập dự án sử dụng đất đúng mục đích với 36,7ha. 
 
Năm 2006, tại Hà Nội, 29 dự án với tổng diện tích 250ha đất chậm triển khai 12 hoặc 24 tháng đã bị xử lý. Tương tự, 63 dự án bị xử lý trong năm 2007 và thành phố Hà Nội quyết định thu hồi 41.148m2 đất của 4 đơn vị trong năm 2008. Tiếp đó, trong 6 tháng đầu năm 2009, Thành phố mới chỉ ra quyết định thu hồi đất dự án “treo” của... 1 đơn vị! 
 
Hứa hẹn xử lý gắt gao
 
Phân tích thêm về nguyên nhân “đẩy” vào dự án vào thế “treo”, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, ông Vũ Hồng Khanh cho rằng: “Mỗi dự án “treo” đều có nguyên nhân chủ quan và khách quan. Thành phố sẽ phân tích nguyên nhân, từ đó có biện pháp xử lý để đảm bảo các công trình khi đã có quyết định giao đất thì phải thực hiện đúng cam kết. 
 
Nếu là khách quan, thành phố sẽ cùng chủ đầu tư và các đơn vị liên quan tháo gỡ. Còn nếu là thuộc về ý thức, trách nhiệm của chủ đầu tư, thành phố sẽ có thái độ xử lý dứt khoát. Tất cả các dự án có thời gian triển khai chậm hơn 12 tháng tuy chưa xử lý ngay được, song Thành phố sẽ phải thanh tra, kiểm tra rồi mới đưa ra quyết định cuối cùng.”
 
Tuy nhiên, vị Phó Chủ tịch UBND TP cũng không chối bỏ được trách nhiệm. “Có nguyên nhân từ chủ đầu tư song cũng còn vì Thành phố lựa chọn, thẩm định năng lực của chủ đầu tư chưa chuẩn nên mới có chuyện như thế”, ông Khanh nói. 
 
Giải thích về kết quả xử lý khiêm tốn đối với dự án “treo”, đất bỏ hoang hóa từ đầu năm 2009 tới nay, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Nguyễn Hữu Nghĩa cho biết, UBND TP đã quyết định thu hồi được… gần 402 m2 đất của Công ty Du lịch Hà Nội sử dụng đất hoang hóa tại 15 - 17 Yên Phụ, quận Tây Hồ.
 
Cùng thời gian đó, UBND các quận, huyện, thị xã cũng đã lập hồ sơ thu hồi đất của 5 đơn vị có vi phạm . Theo lãnh đạo Sở chuyên ngành quản lý đất đai của Hà Nội, tới đây, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, UBND TP sẽ tiếp tục làm gắt gao hơn, tổ chức thanh tra, kiểm tra thường xuyên các dự án đầu tư có sử dụng đất chậm triển khai thực hiện và vi phạm Luật Đất đai để có ngay những giải pháp xử lý kịp thời, rốt ráo./.
 
(Doanh nhân/Vietnam+)

 

  • Lượng hoá hiệu quả kích cầu
  • Doanh nghiệp Đồng Nai: Chủ động hội nhập và nâng cao sức cạnh tranh
  • Cổ phần hoá DNNN: Liên tục vỡ kế hoạch
  • Gói kích cầu 497: Nông dân khó “chạm tay”
  • Quyết liệt phát triển thị trường nội địa
  • “Đánh thức” Tây Nguyên: Chuyện không chỉ là vốn!
  • Đa số tập đoàn, tổng công ty Nhà nước hoạt động hiệu quả?
  • CPI tháng 7/2009: “Bước sóng” ngắn hơn
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi