Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) đã công bố Báo cáo phát triển con người 2010 trong đó sử dụng hệ thống chỉ báo và công thức tính chỉ số phát triển con người (HDI) mới. So với phương pháp cũ, HDI của Việt Nam bị giảm 21 bậc, từ 92 xuống 113 trên tổng số 169 quốc gia. Tương tự như vậy, chỉ số về giáo dục của Việt Nam cũng bị giảm 21 bậc, từ 101 xuống 122.
Như một bước chuyển tiếp sang phương pháp mới, báo cáo năm nay tính lại HDI theo phương pháp “lai ghép” - tức là sử dụng các chỉ báo cũ nhưng công thức mới để tính HDI. Phương pháp này cho phép so sánh HDI của các nước trong một khoảng thời gian khá dài, từ năm 1970-2010.
Về giáo dục, Việt Nam mặc dù có tiến bộ song đã bị tụt hậu đáng kể so với một số đối thủ cạnh tranh (hay quốc gia đối chiếu) trong khu vực. Nếu như vào năm 1970, chỉ số giáo dục của Việt Nam chỉ thấp hơn Hàn Quốc và Philippines thì đến năm 2010, Việt Nam đã rơi xuống vị trí thấp nhất trong nhóm quốc gia đối chiếu. Theo hình 1, trong giai đoạn 1970-2010 chỉ số giáo dục của Việt Nam và Philippines chỉ tăng xấp xỉ 0,1 điểm (trong thang điểm từ 0-1). Trái lại, mức tăng của các quốc gia còn lại đều từ 0,2-0,3 điểm.
Không ngừng phát triển giáo dục là điều kiện cần để các quốc gia duy trì được sự “thặng dư năng lực” giáo dục so với mức thu nhập. Một quốc gia có mức thặng dư năng lực giáo dục càng cao nếu tỷ lệ giữa chỉ số giáo dục và chỉ số thu nhập càng lớn.
Nghiên cứu của Noland và Pack (2003) cho thấy vào giữa thập niên 1950, tỷ lệ này ở các nước Đông Á nhìn chung cao hơn hẳn so với các nước châu Mỹ Latinh. Trên thực tế, khả năng phát triển giáo dục liên tục là một nguyên nhân quan trọng giúp các quốc gia và vùng lãnh thổ Đông Á bao gồm Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, Hồng Kông, Singapore, Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Trung Quốc trở thành 9 trong tổng số 13 nước trên thế giới có tốc độ tăng trưởng GDP trên 7% trong 25 năm liên tiếp hoặc dài hơn kể từ sau Thế chiến thứ hai (theo báo cáo của Ủy ban Tăng trưởng và Phát triển do Michael Spence, Nobel kinh tế 2001, làm chủ tịch).
Bài học về thặng dư năng lực trong giáo dục không hề xa lạ với Việt Nam. Có nhiều lý do làm nên thành tích tăng trưởng cao của Việt Nam kể từ đổi mới, trong đó chắc chắn có một lý do là chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam cao hơn đáng kể so với những nước có mức phát triển kinh tế tương đương.
Chính sự thặng dư năng lực về vốn con người này đã giúp người dân và doanh nghiệp Việt Nam tận dụng được cơ hội mở ra khi đất nước đổi mới và hội nhập. Trong nhiều trường hợp, dư thừa năng lực là lãng phí, đặc biệt đối với vốn vật chất có công năng sử dụng đặc thù. Thế nhưng sự “thặng dư năng lực” về vốn con người có công năng sử dụng linh hoạt lại là một điều kiện cần thiết để đất nước có thể phản ứng nhanh và hiệu quả trước những cơ hội mới do toàn cầu hóa đem lại.
Tuy nhiên, mức thặng dư năng lực giáo dục ở Việt Nam đang giảm dần (hình 2). Điều này có thể được cảm nhận rất rõ trên thực tế. Đưa được Intel đến Việt Nam là một thành công, song do thiếu kỹ sư trình độ cao nên kế hoạch phát triển của Intel đã bị chậm đáng kể so với kỳ vọng ban đầu. Tương tự như vậy, cách đây khoảng ba năm, chúng ta đã từng có cơ hội thu hút Google. Thế nhưng cũng vì thiếu kỹ sư cao cấp và trình độ đào tạo công nghệ thông tin bất cập đã khiến Google quyết định không đến Việt Nam chỉ sau một chuyến khảo sát rất ngắn.
Sự “thặng dư năng lực” giáo dục trong thời gian qua đã góp phần giúp Việt Nam từ một nước nghèo vươn lên nhóm thu nhập trung bình thấp. Tuy nhiên, cho đến nay nền kinh tế của chúng ta vẫn chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên, gia công, và chế biến ở trình độ thấp và trung bình. Để tiếp tục cải thiện thu nhập và vượt khỏi bẫy thu nhập trung bình, Việt Nam cần tạo ra được một sự thặng dư mới trong nguồn nhân lực chất lượng cao. Nhu cầu cải cách giáo dục - đào tạo vì vậy ngày càng trở nên cấp bách.
(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com