Công nhân thi công hệ thống viễn thông thuộc tập đoàn VNPT. Ảnh: Minh Khuê. |
Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thí điểm kiểm kê và đánh giá lại tài sản và vốn của một số doanh nghiệp do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ tại thời điểm 0 giờ ngày 1-7-2011 (Quyết định số 352/QĐ-TTg ngày 10-3-2011). Đây là một bước minh bạch hóa thực trạng kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước. Từ thực tế, xin nêu một số ý kiến để công việc rất quan trọng này đạt được kết quả đúng đắn.
Chưa có bức tranh toàn cảnh đủ tin cậy
Về hiệu quả kinh doanh của các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước (gọi chung là DNNN), đang có nhiều ý kiến khác nhau, do chưa có một bức tranh toàn cảnh trung thực, đáng tin cậy. Theo các cơ quan quản lý, DNNN đang giữ một vị trí đặc biệt quan trọng, nắm những ngành then chốt, là “những quả đấm thép” trong nhiệm vụ điều tiết nền kinh tế của Nhà nước, cũng là những lực lượng chủ yếu trong nhiệm vụ cứu trợ đồng bào vùng bị thiên tai, bão lũ.
Tại cuộc họp của Thủ tướng với các tập đoàn, tổng công ty nhà nước ngày 15-2-2011, cơ quan quản lý nhà nước cho biết năm 2010, có 20/21 tập đoàn, tổng công ty nhà nước đều có lãi; tổng số nộp ngân sách tăng 31% so với năm 2009; tổng vốn chủ sở hữu tăng 11,7%; doanh thu tăng 36%; nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu hầu hết nằm trong giới hạn cho phép... Cũng có những ý kiến cho rằng phải có cái nhìn khách quan đối với DNNN, nhìn nhận những đóng góp quan trọng của DNNN vào sự tăng trưởng của nền kinh tế cũng như trong việc thực hiện các nhiệm vụ xã hội, không nên phiến diện, quá nhấn mạnh những yếu kém, khuyết điểm của DNNN.
Thế nhưng, lại có nhiều ý kiến cho rằng DNNN được ưu ái về nhiều mặt như về đất đai, tiền vốn, được giao những dự án thuận lợi, nhưng hiệu quả kinh doanh quá thấp, thậm chí thua lỗ nhiều năm liền, tài sản thất thoát; nợ không trả được thì được khoanh nợ, giãn nợ, chuyển nợ thành vốn cấp... Những thành tích nếu có cũng không tương xứng với vị trí độc quyền doanh nghiệp, với những ưu ái mà DNNN được hưởng về đầu tư và cơ chế, nhất là những khu “đất vàng” mà DNNN được giao sử dụng.
Chỉ số ICOR của DNNN lên đến 7-8, trong khi doanh nghiệp tư nhân chỉ vào khoảng 4-5. Ngay như sự đóng góp của DNNN vào GDP, cơ quan nhà nước nói là đến 40% GDP, nhưng theo tính toán của giới nghiên cứu, thì chỉ vào khoảng 30% (năm cao nhất 2005 là 31,33%, năm 2008 là 27,17%). Một số tập đoàn và DNNN kinh doanh thua lỗ, trách nhiệm cá nhân không rõ đang gây bức xúc trong xã hội.
Có thể khẳng định: chính sự không công khai, minh bạch và thiếu trách nhiệm giải trình về tình hình kinh doanh của DNNN đã gây ra sự nghi ngờ trong công luận, nhưng nghiêm trọng hơn nữa là che giấu sự yếu kém, thất thoát tài sản của Nhà nước mà cũng là của dân đóng góp, và là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự tha hóa của không ít cán bộ, công chức liên quan.
Cần những con số trung thực
Chính vì vậy, việc sắp xếp, cơ cấu lại DNNN đã trở thành một nội dung chủ yếu của công cuộc đổi mới mô hình phát triển, cơ cấu lại nền kinh tế đang được đặt ra. Có khá nhiều vấn đề rất cơ bản cần có chủ trương dứt khoát và cơ chế thực thi có hiệu lực, chẳng hạn như:
(i) Về hình thức tổ chức: đẩy mạnh cổ phần hóa các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, coi cổ phần hóa là biện pháp then chốt để sắp xếp lại DNNN;
(ii) Về ngành nghề kinh doanh: DNNN cần tập trung vào ngành sản xuất kinh doanh chính, hạn chế tối đa việc mở rộng sang những ngành, lĩnh vực ít liên quan đến ngành nghề kinh doanh chính của mình như tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bất động sản... ảnh hưởng không tốt đến năng lực tài chính và hiệu quả sử dụng vốn của doanh nghiệp;
(iii) Về cơ chế quản lý: xác định cụ thể, đúng đắn trách nhiệm, quyền hạn của hội đồng quản trị và giám đốc doanh nghiệp đối với tài sản và vốn nhà nước, bảo đảm nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản và vốn nhà nước; tách bạch chức năng quản lý nhà nước về mặt hành chính và quản lý doanh nghiệp của đại diện chủ sở hữu; hình thành các tổ chức đầu tư, kinh doanh có hiệu quả tài sản, vốn nhà nước, khắc phục tình trạng chức năng chủ sở hữu vốn nhà nước đang bị phân tán, chồng chéo nên trách nhiệm trong quản lý chưa rõ ràng, công tác giám sát đối với DNNN chưa thực sự hiệu quả (như trường hợp Vinashin), cũng như tình trạng bộ máy quản lý nhà nước tham gia trực tiếp vào hoạt động kinh doanh bằng mệnh lệnh hành chính...
Tóm lại, cần có khung pháp lý đồng bộ theo tinh thần Luật Doanh nghiệp 2005 và cơ chế giám sát hiệu quả để DNNN nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm về hiệu quả sản xuất kinh doanh, bình đẳng với các thành phần kinh tế khác.
Đến nay, Thủ tướng Chính phủ quyết định thí điểm kiểm kê và đánh giá lại tài sản và vốn của một số doanh nghiệp do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ; trên cơ sở kết quả thí điểm, sẽ tiến đến tổng kiểm kê và đánh giá lại tài sản và vốn của tất cả các doanh nghiệp do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ. Đây là một quyết định đúng đắn nhằm minh bạch hóa thực trạng kinh doanh của DNNN, tuy có chậm so với yêu cầu.
Các chuyên gia về tài chính doanh nghiệp sẽ có những ý kiến đóng góp về các nguyên tắc, phương pháp tính toán các chỉ tiêu. Song để việc kiểm kê, đánh giá lại tài sản của DNNN có hiệu quả thiết thực, tránh hình thức, vấn đề quan trọng hàng đầu là các con số báo cáo phải chính xác, trung thực, có thể tin cậy được. Xin nêu một số vấn đề cần được quan tâm:
a. Về nhiệm vụ của các bộ liên quan trong việc hướng dẫn kiểm kê, đánh giá lại tài sản và vốn tại các DNNN, Thủ tướng đã phân công nhiệm vụ, tuy nhiên cần chú ý sự đồng bộ, nhất quán, thống nhất trong các biểu mẫu và cách kiểm kê, tính toán giá trị các tài sản và vốn;
b. Cần tập trung vào những vấn đề chủ yếu, không nên rải ra quá nhiều vấn đề, dễ làm phân tán việc phân tích, đánh giá. Ví dụ cần tập trung vào thực trạng tài sản và vốn; đất đai đang được sử dụng thế nào (nhất là những vị trí đắc địa đang cho thuê, những kho bãi đang để hoang); đánh giá tài sản sao cho sát cũng rất cần thiết;
c. Về giá cả để tính toán, sao cho sát với giá thị trường, để có căn cứ phân tích hiệu quả sử dụng tài sản và đất hiện đang sử dụng; cũng là để thể hiện sự bình đẳng trong kinh doanh giữa các DNNN với các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác;
d. Vì cuộc kiểm kê, đánh giá do doanh nghiệp tự tiến hành, rồi công ty mẹ - tập đoàn, tổng công ty thẩm định, tổng hợp, thì tình trạng thổi phồng giá trị tài sản hiện có, tăng lãi, giảm lỗ, biến báo số liệu để lấy thành tích là khó tránh. Do vậy, cần chỉ đạo chặt chẽ để bảo đảm việc kiểm kê, đánh giá được tiến hành nghiêm túc, chính xác, trung thực, có những số liệu có thể tin cậy được.
đ. Việc phân tích, đánh giá và tổng hợp, kiến nghị các vấn đề cần khắc phục là một khâu rất quan trọng trong cuộc kiểm kê này, nhằm minh bạch hóa một bước thực trạng kinh doanh của DNNN, để trên cơ sở ấy, hoàn thiện cơ chế quản lý các DNNN.
Thực tế cho thấy cần sớm tách việc quản lý tài sản và vốn của DNNN ra khỏi cơ quan hành chính: lâu nay, cơ quan hành chính nhà nước (bộ, UBND các tỉnh, thành phố) đang được giao quyền quản lý tài sản và vốn nhà nước, như vậy chẳng khác gì “một tay nắm tiền, một tay nắm dấu”, rất dễ xin - cho, tham nhũng cũng từ đây mà ra. Cần hình thành một tổ chức quản lý tập trung tài sản và vốn nhà nước hoạt động độc lập, để thực sự bảo toàn và nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản và vốn nhà nước.
(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com