Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Thủy điện tư bên bờ phá sản

Đập tràn thủy điện Ea Mđoan 3 do tư nhân đầu tư Ảnh: HTN.

Các chủ công trình thủy điện tư nhân đang méo mặt vì lãi suất ngân hàng, chi phí đầu tư tăng mạnh, trong khi điện bán cho ngành điện bị giữ giá.

Phải bán điện dưới giá thành

Từ năm 2009 - 2011, giá bán điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) được Chính phủ tăng lên 31% (năm 2009 tăng 8,92%; năm 2010 tăng 6,8%; năm 2011 tăng 15,28%) trong khi giá mua điện của EVN đối với các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ không thay đổi trong thời gian dài.

Với giá bán điện thương phẩm bình quân năm 2010 là 1.061 đồng, năm 2011 là 1.242 đồng, sau khi tính toán các thông số đầu vào như giá dầu, chi phí sản xuất kinh doanh, chi phí phát điện, tỷ giá, nhập khẩu điện giá cao, nhưng EVN vẫn đang phải treo khoản lỗ tới gần 28.000 tỷ đồng. Thế mà hầu hết các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ tới nay vẫn phải bán điện cho EVN với giá quanh mức giá từ 400-700đồng/KWh, lại còn bị buộc phải giữ nguyên giá bán cố định trong hơn 20 năm, bất kể lãi suất ngân hàng, lạm phát và các chi phí liên quan khác không ngừng tăng vọt.

Nhiều chủ dự án kiên trì đấu tranh để được giá bán điện như biểu mẫu phân chia giờ cao điểm, thấp điểm theo Quyết định 18 của Bộ Công Thương. Nhưng theo số ít nhà máy bắt đầu vận hành trong năm 2010 mới được áp dụng lối bán điện này, thì bán theo cách tính tại Quyết định 18 cũng vẫn bị thiệt. Bởi mùa mưa, lượng nước về nhiều thì giá bán điện lại thấp, chỉ từ 460 đồng-481 đồng/KWh.

Vào mùa khô, lượng nước rất hạn chế giá bán điện cao điểm mới lên 2.345 đồng/KWh nhưng khống chế chỉ 5 tiếng/ngày còn giờ thấp điểm giá chỉ 563 đồng/KWh, chủ nhật không được tính giờ cao điểm. Theo đó, giá bán điện bình quân cả năm vẫn cứ thấp dưới giá thành, buộc nhà đầu tư phải bù lỗ.

Chết vì gánh lãi ngân hàng

Từ năm 2008 tới nay, lãi suất cho vay dài hạn của các ngân hàng thương mại tăng đột biến từ 11,5% lên các mốc 15%, 18%, rồi tới 20%, đồng thời giá vật tư, chi phí nhân công, chi phí vận hành cũng không ngừng tăng cao, khiến tổng mức đầu tư các dự án thủy điện đang xây dựng trong giai đoạn này tăng vọt so với những năm trước đó. Thế nhưng EVN vẫn cho rằng không thể nâng giá mua điện hơn nữa, vì không đủ sức bù lỗ!

Bên trong một nhà máy thủy điện nhỏ Ảnh: H.T.N.
Bên trong một nhà máy thủy điện nhỏ Ảnh: H.T.N.

Theo báo cáo mới đây của Sở Công Thương Đắk Lắk, nơi từng lập hồ sơ khai sinh nhà máy thủy điện tư nhân đầu tiên của Việt Nam, hiện nay trên địa bàn có 9 nhà máy thủy điện vừa và nhỏ đã đi vào kinh doanh với tổng mức đầu tư khoảng 1.160 tỷ đồng, tổng công suất 58 MW. Trong đó 8 nhà máy đã ký hợp đồng bán điện cho EVN từ 400đồng đến 607đồng/Kwh, chỉ riêng nhà máy Ea Mđoan 2 vận hành sau cùng từ đầu năm 2011 mới được bán điện theo Quyết định 18.

Nếu quy tròn giá bán điện cho EVN ra 600 đồng/KWh, thì mỗi năm 9 nhà máy này đóng ngân sách cho tỉnh qua 3 nguồn thuế VAT, tài nguyên nước và thu nhập doanh nghiệp hơn 67 tỷ đồng. Tuy nhiên, với giá bán điện này, có tới 8/9 nhà máy đã lỗ nặng do tiền điện không đủ trả tiền lãi ngân hàng.

Lỗ nặng

Nhà máy thủy điện duy nhất tại Đắk Lắk tới nay chưa kêu thua lỗ là Krông Hin, dự án thủy điện tư nhân đầu tiên ở Việt Nam của Công ty Xây dựng Mê Kông. Kỹ sư Nguyễn Quyền, chủ doanh nghiệp, cho biết: Sở dĩ Krông Hin không nguy ngập là do doanh nghiệp chỉ vay 48 tỷ đồng trên tổng dự toán công trình 102 tỷ đồng; Mọi chi phí tư vấn thiết kế, xây dựng, lắp đặt thiết bị và quản lý vận hành đều tiết kiệm tuyệt đối do doanh nghiệp tự làm.

Thế nhưng, do lãi suất vay ngân hàng tăng từ 12,5% có lúc lên đến 20%, nên từ tháng 9-2006 tới nay dù đã dồn toàn bộ doanh thu tiền bán điện cộng với hơn 5,5 tỷ đồng bù thêm từ nguồn khác để trả, tới nay Krông Hin vẫn chưa dứt nợ đầu tư, vì EVN mua điện chỉ với giá 585 đồng/KWh.

Ông Hoàng Anh Tuấn, Giám đốc Cty TNHH Hoàng Nguyên, chủ đầu tư 3 dự án xây nhà máy thủy điện vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông, với tổng công suất 15,5 MW, cho biết: “Tôi hào hứng nhập cuộc đầu tư vào thủy điện vì nghe Chính phủ có chủ trương hỗ trợ lãi suất vay vốn. Tới khi tiếp cận để vay thì Quỹ Đầu tư phát triển khẳng định Chính phủ đã cắt nguồn hỗ trợ này. Tôi phải vay ngân hàng thương mại. Dù tỷ lệ vay của tôi chỉ 55%, 200 tỷ đồng trên tổng số vốn đầu tư 360 tỷ đồng, nhưng do bị ép bán điện giá quá thấp, mà lãi ngân hàng lại phải trả quá cao, nên hai nhà máy thủy điện vận hành từ năm 2008 tới nay đã đè lên doanh nghiệp một khối nợ khổng lồ. Dự kiến mỗi năm tiền bán điện hai nhà máy trả được 19 tỷ đồng tiền lãi và 12 tỷ đồng nợ gốc. Nhưng với lãi suất lên tới 19%/năm hiện nay, mỗi năm tôi phải trả lãi tới 38 tỷ đồng, chịu không nổi!”.

Có người cho rằng ông Tuấn không có chuyên môn thủy điện nên lỗ là phải. Nhưng thực tế cho thấy, không ít cán bộ, kỹ sư công tác lâu năm trong ngành điện đầu tư kinh doanh điện trong cơ chế độc quyền này cũng không thoát khỏi thua lỗ.

Giá điện bán cho EVN quá thấp khiến nhiều thủy điện kêu lỗ nặng (ảnh chụp phòng điều khiển thủy điện tư nhân)
Giá điện bán cho EVN quá thấp khiến nhiều thủy điện kêu lỗ nặng (ảnh chụp phòng điều khiển thủy điện tư nhân).

Gia đình kỹ sư điện Trương Công Hồng, Trưởng phòng Quản lý Năng lượng Sở Công Thương Đắk Lắk gom góp vốn liếng tài sản để xây nhà máy thủy điện Đrây Hling 3 công suất 6 MW trên sông Sê Rê Pôk. Dự án vay 85 tỷ đồng trên tổng vốn 120 tỷ đồng, nhà máy đi vào hoạt động từ tháng 12-2008 đến nay, lấy hết tiền bán điện bù lỗ thêm 5 tỷ đồng, đã trả tới 30 tỷ đồng tiền lãi mà nợ gốc vẫn còn nguyên. Ông Hồng kể, không chỉ các nhà máy trên địa bàn miền Trung Tây Nguyên đổ nợ, mà nhiều nhà máy thủy điện phía Bắc cũng chẳng hơn gì. Vừa qua trong cuộc họp tại Cục Điều tiết điện lực Bộ Công Thương, một nhà đầu tư thấy khó hy vọng xoay chuyển tình thế đã thở dài, phát biểu có lẽ ông đành phải cho hủy 2 nhà máy vì nó đẻ nợ nhanh kinh khủng mà bán thì chẳng ai mua.

Đề nghị EVN mua bằng 80% giá điện bình quân

Sau khi chủ trì cuộc họp chiều ngày 6-4 tại Sở Công Thương Đắk Lắk với các chủ dự án thủy điện vừa và nhỏ, ông Trần Hiếu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã ký văn bản gửi Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, đề nghị giải quyết những khó khăn, vướng mắc chính đáng nhằm giúp doanh nghiệp đầu tư thủy điện tồn tại và phát triển. Trong đó có đề xuất tăng giá mua điện lên bằng 80% giá bán bình quân của EVN và được điều chỉnh hàng năm theo giá bán điện bình quân đó. Đề nghị có cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư thủy điện trong thời gian lãi suất đột biến tăng cao; Về Thuế tài nguyên nước, đề nghị tính tỷ lệ theo giá bán điện thể hiện trên hóa đơn bán điện của doanh nghiệp cho Tổng Công ty Điện lực miền Trung; Đề nghị giảm bớt thủ tục đối với các dự án cần điều chỉnh tăng hoặc giảm công suất…

Thuế tài nguyên vẫn tính trên trời

Báo Tiền Phong số ra ngày 24-8-2010 đăng bài Tính thuế trên trời, phân tích sự bất công trong cách tính thuế tài nguyên nước áp đặt, chèn ép với các nhà máy thủy điện. Công thức tính thuế tài nguyên nước là 2% sản lượng điện nhân với giá điện bình quân.

Lẽ ra, giá điện bình quân trong công thức này phải căn cứ vào giá điện thực tế dao động quanh khoảng 400-700đồng/KWh mà nhà đầu tư bán cho EVN, thì Bộ Tài chính lại dùng giá điện thương phẩm EVN bán ra cho khách hàng, đắt hơn nhiều và không ngừng tăng, từ tháng 3-2011 này lên tới 1.242đồng/KWh để làm căn cứ. Vẫn chưa hết, trong năm 2011, các nhà máy thủy điện sẽ tiếp tục gánh thêm thuế trồng rừng. Nhiều nhà đầu tư chịu không nổi.

(Theo Tienphong Online)

  • ADB: Năm 2011, kinh tế Việt Nam tăng trưởng 6,1%
  • Giá điện theo cơ chế thị trường: Cần minh bạch, công khai các yếu tố hình thành giá điện
  • Dịch vụ hậu cần Việt Nam còn rất ít thời gian
  • Ngăn chặn “té nước theo giá, tát nước theo lương”
  • Cắt giảm đầu tư công sao cho khỏi thiệt?
  • Năm 2011: Mưa, bão sẽ nhiều hơn
  • Giảm chi phí để ổn định sản xuất
  • Không nuông chiều hàng nội!
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi