Thực hiện chủ trương cắt giảm đầu tư công của Chính phủ, TP Đà Nẵng phải xem xét, cắt giảm hơn 140 dự án mới trong năm 2011.
Theo ông Trần Ngọc Vinh, Phó Trưởng phòng Xây dựng cơ bản- Thẩm định (Sở KH-ĐT Đà Nẵng), năm 2011, Đà Nẵng có hơn 140 dự án mới, lũy kế đến nay, thành phố hiện có 540 công trình với tổng vốn xây dựng cơ bản gần 5.711 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước. Trong đó, có 116 công trình thuộc diện thanh toán khối lượng, 239 công trình chuyển tiếp. Dự kiến trên 100 dự án sẽ hoàn thành trong năm 2011.
Tại buổi làm việc mới đây với ngành chức năng Đà Nẵng, ông Nguyễn Xuân Tự, Vụ trưởng Vụ Giám sát và Thẩm định đầu tư (Bộ KH-ĐT), yêu cầu thành phố rà soát lại các dự án, đặc biệt là hơn 140 dự án mới, những dự án không cần thiết nên dừng lại.
Trao đổi với Tiền Phong, ông Huỳnh Đức Thơ, Giám đốc Sở KH-ĐT Đà Nẵng, cho biết, phần lớn dự án này thuộc về đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng, đền bù giải tỏa, bố trí tái định cư nên khó có thể cắt giảm.
Bên cạnh đó, dự án thuộc ngân sách thành phố từ nguồn khai thác quỹ đất các công trình, dự án nên không nhất thiết phải cắt giảm. Chỉ có thể cắt giảm một số công trình, dự án khi chậm tiến độ, không xoay xở được nguồn vốn và chưa thực sự cần thiết.
Theo ông Vinh, đầu tư công đã có những đóng góp quan trọng vào sự phát triển KT-XH với tốc độ tăng trưởng khoảng 35% trong tổng đầu tư xã hội của Đà Nẵng. Tuy nhiên, việc cắt giảm đầu tư công không ảnh hưởng nhiều đến việc triển khai các dự án vì tỷ trọng vốn đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước so với tổng vốn đầu tư phát triển của địa phương chỉ chiếm khoảng 26,8%/năm.
Những năm qua, Đà Nẵng triển khai chủ trương khai thác quỹ đất phát triển hạ tầng giao thông, KT-XH, làm cho tỷ trọng vốn của thành phố luôn ở mức cao, chiếm đến 50% tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản. Do đó, cho dù có bị cắt giảm nguồn vốn thì Đà Nẵng vẫn yên tâm triển khai các dự án trọng điểm.
Trước mắt, Đà Nẵng sẽ đặc biệt ưu tiên vốn cho 20 công trình trọng điểm đã được phê duyệt. Các công trình còn lại sẽ được linh động điều tiết, nhằm không để phát sinh chi phí mà vẫn đảm bảo chất lượng, tiến độ.
Theo lãnh đạo Sở KH-ĐT Đà Nẵng, hàng trăm người dân đã phải di chuyển chỗ ở, nhường đất cho dự án; chủ đầu tư mất nhiều tiền đền bù, san lấp mặt bằng; nếu vì lý do tiết kiệm chi phí mà giãn tiến độ hoặc cắt giảm các công trình, thì ai sẽ chịu trách nhiệm về những chi phí đã đầu tư hoặc do trượt giá? |
(Theo Tienphong Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com