Sau thời gian ngắn sốt giá, nông dân chưa kịp mừng thì giá lúa ở ĐBSCL đột ngột giảm và doanh nghiệp hạn chế thu mua khiến bà con hoang mang.
Trái với nhận định khá lạc quan của Hiệp hội Lương thực VN (VFA) về khả năng giá lúa sẽ tăng trở lại vào thời điểm cuối năm do nhiều quốc gia bị thiên tai, mất mùa..., các nhà nông học cho rằng tăng giá lúa trong thời gian qua chỉ là nhất thời và gam màu của bức tranh tiêu thụ lúa ĐBSCL sẽ tiếp tục "lạnh" sang tận vụ đông xuân năm sau.
Lúa tăng giá - phút huy hoàng… chợt tối
Chỉ mấy ngày trước, DN chủ động đưa ghe đến tận nhà đặt tiền cọc trước để tranh mua, đẩy giá lúa tăng vọt, thì giờ đây giá lúa liên tục rớt. Tại An Giang, đến ngày 13.9, giá lúa thường đã rớt xuống mức 4.800 - 5.000đ/kg, tương tự giá lúa thơm khoảng 6.000đ, tức giảm 300 - 500đ/kg so tuần trước. Theo phản ánh của ND, đó cũng chỉ là giá... nói nghe chơi, bởi không có người mua.
Ông Nguyễn Văn Út - huyện Tân Châu (An Giang) - cho biết: “Do giá thu mua tại các chợ đầu mối có xu hướng giảm trong khi chúng tôi không được “hợp đồng giá” nên không dám tiếp tục thu mua vì sợ lỗ”. Đó cũng là thực trạng chung ở nhiều tỉnh trên “vựa lúa” như Kiên Giang, Đồng Tháp... Tại các chợ gạo đầu mối như Sa Đéc (Đồng Tháp), Phú Tân (An Giang), không khí thu mua đã hạ nhiệt. Khác với thái độ lạc quan của các quan chức VFA về khả năng giá lúa sẽ tăng lại vào thời điểm cuối năm do nhiều quốc gia bị thiên tai, mất mùa... theo các chuyên gia nông học, sự kiện lúa tăng giá vừa qua chỉ là nhất thời và nhiều khả năng điệp khúc lúa rớt giá sẽ kéo sang tận vụ đông xuân năm sau.
Sẽ thua trên sân khách lẫn sân nhà?
“Kể từ sau cơn khủng hoảng lúa gạo năm 2008, các nước nghèo tăng cường khai hoang, phục hóa; còn các nước giàu thì đẩy mạnh thuê đất từ nhiều quốc gia đang phát triển” - ThS Nguyễn Phước Tuyên nhấn mạnh. “Ngay cả Philippines - quốc gia có truyền thống NK gạo của VN, năm 2010 này cũng tăng sản lượng lương thực 10% so với năm 2009”. Điều này cho thấy con đường XK của hạt gạo VN càng thêm hẹp. Trong khi đó, con đường tiêu thụ tại chỗ lại đang đứng trước nhiều thử thách với nhiều khả năng bị “đo ván” ngay trên sân nhà. “Với diễn biến sâu bệnh phức tạp như hiện nay, cộng với lũ 2010 đang ở mức thấp bất thường đã biến rạ lúa trên ruộng trở thành địa điểm lý tưởng cho côn trùng gây hại, khả năng vụ đông xuân sẽ đối đầu với sâu bệnh là rất cao” - ThS Nguyễn Phước Tuyên nói thêm.
Đặt trong bối cảnh giá phân bón, thuốc BVTV luôn ở tư thế “năm sau cao hơn trước”, khả năng giá thành lúa thu đông và đông xuân sẽ đạt mức cao nhất trong nhiều năm gần đây là rất lớn, nhất là vụ hè thu sớm (tháng 2-4) sẽ càng cao do thiếu nước tưới, sâu bệnh nhiều... Đây chính là “tử huyệt” của hạt lúa ĐBSCL trong cuộc chiến sân nhà, bởi theo ThS Phạm Thị Hòa - Phó GĐ Sở NNPTNT An Giang - nếu không có gì thay đổi, từ tháng 10 nông dân VN sang Campuchia thuê đất trồng lúa sẽ chuyển về nước lượng lúa khổng lồ với sản lượng bình quân 3.000 tấn/ngày. Với lợi thế gieo trồng chủ yếu dựa vào thiên nhiên hào phóng nên giá thành lúa ngoại nhập luôn ở mức rất thấp so với lúa trong nước và hầu hết ND đều có xu hướng bán ngay sau khi chuyển về nước. Vì thế, theo ThS Tuyên, để giải quyết nghịch lý “trồng nhiều khó bán nhưng vẫn trồng”, trước mắt phải giảm diện tích trồng lúa, để tăng cường một số cây màu phù hợp mà thị trường trong nước đang rất cần.
VN đang là một trong 10 quốc gia đứng đầu thế giới về NK đậu nành, bắp. Vì vậy nếu chuyển đổi cây trồng theo hướng này, ND không chỉ dễ bán mà còn bán hàng với giá thỏa đáng.
Giải pháp đã có, vấn đề là ai sẽ đứng ra tổ chức, điều hành công cuộc đổi mới này?
(Báo Lao Động)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com