Tại buổi Tọa đàm “Kinh tế Việt Nam năm 2009 và triển vọng năm 2010”, do Hội doanh nhân trẻ TP.HCM tổ chức cuối tuần qua, có nhắc đến vấn đề đáng lưu ý: Làm thế nào để Việt Nam thoát khỏi “bẫy thu nhập trung bình” và vươn lên con Rồng châu Á? Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng: “Chính phủ cần có chính sách vĩ mô cho quá trình rượt đuổi này, còn về phía doanh nghiệp phải nâng cao năng lực cạnh tranh, trong đó quan trọng nhất là nâng cao sức cạnh tranh sản phẩm, chuyển dần từ cạnh tranh bằng giá rẻ sang cạnh tranh bằng chất lượng và sáng tạo”.
Để tránh cái “dớp” của một đất nước bị ám ảnh bởi nghèo đói và dư âm chiến tranh tàn phá, việc “mở cửa” những năm cuối thập niên ’80 đã đưa nước ta thoát khỏi nước nghèo. Sau hơn 20 năm, với ước mơ thành “Rồng châu Á”, chúng ta vẫn đang ở mức nước có thu nhập trung bình. Nghĩa là mới chỉ bước lên đúng một bậc thang giá trị sống. Điều này khiến chúng ta sốt ruột, đặc biệt là các nhà cải cách kinh tế, và sau nữa chính là người dân, với nhu cầu được sống trong một xã hội với môi trường có chất lượng về cả mặt văn hóa lẫn kinh tế.
Vì vậy, câu hỏi đặt ra cho chúng ta là: làm thế nào để thoát khỏi cái bẫy thu nhập trung bình?
Lịch sử phát triển của các nền kinh tế trong khu vực đã cho thấy trong thế kỷ trước, sau Nhật bản, 4 “con rồng châu Á” (Hồng Kông - Singapore - Hàn Quốc - Đài Loan) đã mất khoảng 25 - 30 năm để hóa rồng, trong khi nhiều nước khác đạt mức thu nhập trung bình đã 25 -3 0 năm hoặc lâu hơn nữa, nhưng đến nay vẫn còn cách mục tiêu hóa rồng khá xa. Riêng nước ta, sau những năm khủng hoảng nặng nề do hậu qủa của chiến tranh và cơ chế kinh tế cũ, đã phải mất gần 25 năm cải cách mới ra khỏi được ngưỡng nghèo. Dù đó là một thành tựu đáng tự hào, song chúng ta không thể thỏa mãn với những gì đã đạt được, đặc biệt khi nhìn ra xung quanh có thể thấy rõ mình còn đang tụt lại biết bao so với các nước khác, kể cả các nước thu nhập trung bình trong khu vực.
Thời đại ngày nay với tốc độ phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ, với thị trường rộng mở trong một thế giới toàn cầu hóa, với trí tuệ và năng lực của con người vượt trội nhiều lần so với cách đây chỉ vài chục năm, các quốc gia hoàn toàn có thể không cần đến 25-30 năm để trở nên giàu có. Vấn đề là mỗi nước có học được, vạch ra được và thực hiện được những đường hướng đúng đắn, thông minh để phát triển hay không.
Để nhìn “người ta”, chúng ta nhớ lại trong cuốn “Đông Á phục hưng” do Ngân hàng Thế giới xuất bản năm 2008, đã nêu rõ những bài học để hóa rồng của các nước châu Á. Đó là, muốn đi từ một nước thu nhập trung bình lên giàu có, các nước phải thực hiện ba sự chuyển đổi quan trọng: từ đa dạng hóa sang chuyên môn hóa, từ tích lũy sang sáng tạo, từ kỹ năng cơ bản sang kỹ năng tiên tiến. Người ta cũng nhận định một số nước châu Á đã thành công trong hội nhập khu vực, hội nhập quốc tế, nhờ vậy đã thoát nghèo, trở thành nước thu nhập trung bình, và ngày nay để vươn lên giàu có, các nước đó phải thực hiện cuộc hội nhập thứ ba - hội nhập bên trong nước mình.
Vì thế, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng: “Thực hiện 3 sự chuyển đổi này đối với nước ta chính là chuyển sang mô hình tăng trưởng mới, không theo bề rộng mà theo chiều sâu, lấy hiệu quả, chất lượng làm thước đo chính. Không dựa chủ yếu vào khai thác tài nguyên, sức lao động giá rẻ và vốn đầu tư lớn mà dựa chủ yếu vào công nghệ, tính sáng tạo và năng suất lao động để tăng trưởng. Tạo nên lợi thế của mình để tham gia dây chuyền sản xuất trong khu vực và toàn cầu một cách hữu hiệu nhất".
Còn việc thực hiện cuộc hội nhập bên trong, theo bà: “Chính là xây dựng một môi trường tự do, bình đẳng, bảo đảm điều kiện tối đa cho sự phát triển sáng tạo của mỗi con người trong một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Và những “công cụ” chủ yếu để thực hiện những việc trên chính là một nhà nước trong sạch, vững mạnh, một đội ngũ doanh nhân - doanh nghiệp năng động, sáng tạo, và một nền giáo dục tiên tiến, mở cơ hội học tập và phát triển không ngừng cho mọi người dân”.
Năm 2010, cơ hội và thách thức, cũng là thời cơ mà chúng ta nhấc chân cao lên một chút để vượt ngưỡng “trung bình”, vì vậy, chúng ta cũng nên lưu tâm những điều mà tạp chí Kinh doanh của đại học Harvard tháng 8/2009 đã đưa ra, với đầy đủ những yếu tố rất cần cho doanh nghiệp tham khảo, như một kiến thức căn bản cho việc thoát khủng hoảng để nhân đó mà thoát bẫy thu nhập trung bình.
10 xu thế đáng quan tâm sau khủng hoảng Theo tạp chí Kinh doanh của đại học Harvard tháng 8.2009 1.Tài nguyên thiên nhiên dần cạn kiệt (dầu, năng lượng, nước…) → hiệu suất nguồn lực là trung tâm của cạnh tranh. 2.Triển vọng của toàn cầu hóa bị thách thức (các thị trường dịch vụ, hàng hóa, lao động vốn… thay đổi, xu hướng bảo hộ tăng) 3.Niềm tin vào kinh doanh bị xói mòn (đối với DN và hệ thống quản trị) 4.Chính phủ có vai trò lớn hơn (Kích thích kinh tế, điều chỉnh thể chế) 5.Quản lý trở thành một ngành khoa học (và tính năng động) 6.Thói quen tiêu dùng thay đổi (thế giới đa cực, trung tâm: châu Á) 7.Sự nổi lên của châu Á (tăng trưởng cao, đầu tư chính phủ) 8.Các nền công nghiệp chuyển sang trạng thái mới (phân công sâu) 9.Các sáng kiến nở rộ (đầu tư cho công nghệ cao để bức phá) 10.Sự ổn định giá cả không còn bền vững (chính sách giá, chính sách mua bán) |
( Theo Ngân Hà // SGTT Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com